ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 25-9-24 03:26:43
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Điểm tựa của trò nghèo nơi biên giới

Báo Cà Mau (CMO) “Cha mẹ thằng Nam ở với nhau 2 tháng, rồi cha nó bỏ đi biền biệt. Sinh nó ra, mẹ nó có chồng khác, xa xứ, có con riêng, gia cảnh khốn khó. Tôi nuôi từ hồi nó đỏ hỏn. Chớp mắt 11 năm. Tôi làm đủ thứ nghề, nhọc nhằn mấy cũng cam, miễn sao Nam lớn khôn, ngoan ngoãn, học giỏi là mừng lắm rồi”, bà Út (Lê Thị Út) bùi ngùi kể về phận côi cút của đứa cháu ngoại, mắt ngấn lệ.

Bà Út năm nay 60 tuổi, ngụ Khóm 1, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời. Để có tiền nuôi cháu, mỗi ngày bà phải đi nấu cơm, lau nhà, rửa chén... cho người ta. Bà cười: “Đời tôi không chồng, con bỏ đi, nay có đứa cháu ngoại hủ hỉ xem như an ủi tuổi già”. Xoa đầu cháu, bà lật mở từng trang tập viết có những nét chữ được nắn nót sạch sẽ, cạnh bên lề tập là những dòng nhận xét khen ngợi của giáo viên, mắt bà Út ánh lên niềm vui: “Kệ, cực chút mà thấy cháu ngoan, tôi mừng. Ráng lo cho nó học thành tài, tự lo thân được là tôi mãn nguyện”. 

Nam (Nguyễn Hùng Nam, hiện là học sinh lớp 4, Trường Tiểu học 4 Sông Đốc, thị trấn Sông Đốc) hớn hở khoe bài viết “Bà kính yêu”: “Bài này con viết về bà. Con yêu bà nhiều. Con mong bà khoẻ, sống đời với con”. Câu nói hồn nhiên ấy khiến bà Út bật cười, tiếng cười hạnh phúc. Còn các anh, những người chiến sĩ bộ đội biên phòng Đồn Biên phòng Sông Đốc hoà lẫn biết bao niềm xúc cảm. 

Nắm chặt tay anh cán bộ vận động quần chúng, bà Út vui vẻ: “May nhờ các chú bộ đội đỡ đần cháu suốt 2 năm qua mà tôi vơi đi nhọc nhằn. Tôi nhắc thằng Nam hoài, phải ráng học để không phụ lòng mấy chú. Thương! Nó ham học lắm”. Anh cán bộ choàng cánh tay qua vai nhẹ nhàng vỗ về bà, cả không gian của ngôi nhà thuê xập xệ trở nên ấm áp, gần gũi, đong đầy tình quân - dân.

Đại uý Lê Thành Út, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Sông Đốc, Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau, cho biết, thực hiện chương trình “Nâng bước em đến trường”, năm 2019 nhận tiếp bước 2 em học sinh với suất học bổng là 4,5 triệu đồng/năm/em. Đó là tấm lòng và thể hiện tình đoàn kết gắn bó giữa bộ đội biên phòng với người dân nơi biên giới, đặc biệt là các em nhỏ vượt khó hiếu học. Mong rằng suất học bổng phần nào giúp gia đình các em giảm bớt khó khăn, nâng bước tương lai tốt đẹp hơn. 

Thượng tá Phạm Minh Giang, Phó Chính uỷ Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau trao học bổng "Nâng bước em đến trường" năm học 2019-2020 cho học sinh Trường THCS 2 Sông Đốc.

“Theo chủ trương của Bộ Tư lệnh, thời gian tới, Đồn Biên phòng Sông Đốc sẽ nhận “Con nuôi Đồn Biên phòng”. Chúng tôi đã cử cán bộ vận động quần chúng xuống từng địa phương gặp gỡ, xác minh những trường hợp các em đặc biệt khó khăn. Nhất là các hộ gia đình chính sách, neo đơn, lập danh sách báo về cấp trên để đón nhận các cháu trở thành “Con nuôi Đồn Biên phòng”. Hiện đã tiếp nhận được 2 cháu, đều học giỏi và rất nghị lực”, Đại úy Lê Thành Út cho biết thêm. Theo anh, niềm vui lớn nhất của các chương trình thấm đượm tình quân - dân này chính là sự ủng hộ, đồng tình của chính quyền địa phương và người dân, đặc biệt, có rất nhiều nhà hảo tâm, mạnh thường quân chung tay góp sức cùng Đồn Biên phòng duy trì thực hiện. 

Đóng quân trên địa bàn thị trấn Sông Đốc còn có Hải đội Biên phòng 2. Nơi đây không chỉ là điểm tựa cho ngư dân mà còn là “cánh tay” nâng bước 3 em học sinh hoàn cảnh khó khăn, hiếu học của Trường THCS 2 Sông Đốc. 

Thầy Phạm Văn Khởi, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ, đối tượng học sinh ở trường “lắm cái khó”: Khó về kinh tế, cha mẹ không quan tâm, cha hoặc mẹ đi làm ăn xa, các em phải ở với ông, bà, cậu, dì; Có trường hợp cha đi đánh bắt khoảng 6 tháng mới về, mà về cũng chẳng quan tâm con, đơn giản là đem tiền về là hết trách nhiệm. “Thiếu sự quan tâm đã khổ, càng khổ hơn là có sự quan tâm mà không đúng cách. Nhiều gia đình khá giả bận làm ăn, cho con thoải mái xin - xài tiền cũng là nỗi lo lớn”, thầy hiệu trưởng e ngại. 

Bộ đội Hải đội Biên phòng 2 đến nhà thăm hỏi, động viên em Nguyễn Thảo Anh chăm ngoan, học giỏi.

Ở trường có nhiều chuyện dở khóc dở cười, chẳng hạn như trường hợp học sinh lớp 6 theo cha, theo anh đi biển. Hỏi lý do thì phụ huynh bảo: “Nó không lo học, cho đi thử để biết sợ mà về”, dè đâu em đó mê luôn nghề biển vì kiếm được tiền tiêu xài, thế là bỏ học luôn. Nghề biển là nghề cha truyền con nối, mới đây có em học sinh lớp 7 bỏ học theo cha ra tận Hòn Chuối nuôi cá. Phụ huynh đáp lại sự vận động của nhà trường một câu gọn lỏn: "Bây giờ nó muốn nghỉ, tôi biết làm sao?”. Bởi thế mới thấy trân quý sự giúp đỡ và tình cảm mà các chiến sĩ ở Hải đội Biên phòng 2 đã chung tay với nhà trường nâng bước đến trường cho các em học sinh vượt khó học giỏi, nuôi dưỡng ước mơ giảng đường đại học”, thầy Phạm Văn Khởi bộc bạch. 

Theo chân các anh đến thăm nhà em Nguyễn Thảo Anh, lớp 6A1, 1 trong 3 trường hợp được trao học bổng mới cảm nhận hết ý nghĩa nhân văn sâu sắc của chương trình “Nâng bước em đến trường”.

Thắp nén hương cho mẹ, rồi sắp xếp tập vở ngay ngắn vào ba lô chuẩn bị cho buổi học chiều, Thảo Anh tâm sự, mẹ mất gần 3 năm, năm học trước em ở với bà nội, năm nay em chuyển về đây để đỡ đần cho cha. 

“Mỗi lần con đi học thấy bạn bè có cha mẹ đưa đón, còn con đi một mình, con thấy lẻ loi lắm. Những buổi tối, con nhớ mẹ nhiều. Càng nhớ mẹ, con càng thương cha. Con hứa sẽ học thật giỏi để cha vui, mẹ con cũng an lòng”, Thảo Anh bùi ngùi. 

Tiếp chuyện các anh Hải đội Biên phòng 2, anh Nguyễn Văn Lam (cha Thảo Anh) chốc lát lại nhìn lên di ảnh vợ: “Mẹ mất là hụt hẫng lớn đối với con gái, nên tôi sẽ dốc sức bù đắp tình cảm cho con”. Anh hiện là giáo viên dạy thể dục của Trường THCS 2 Sông Đốc. Đồng lương mỗi tháng chi hết các khoản phí thuê nhà, điện, nước, ăn uống. Do đó, anh Lam thực sự biết ơn sự quan tâm của nhà trường, đặc biệt là các chiến sĩ Hải đội Biên phòng 2 đã hỗ trợ học bổng theo năm cho Thảo Anh đến hết lớp 12. Nhờ đó, anh phần nào vơi đi nỗi lo cơm áo, an tâm xây dựng mái ấm cho con gái đủ đầy hơn. 

Đã 2 năm kể từ khi được các anh bộ đội biên phòng nâng bước đến trường, các cô cậu học trò biên giới như có thêm động lực, ý chí phấn đấu trong học tập, đáp lại ân tình bằng thành tích học tập và những tấm giấy khen. Có thể thấy, việc làm này đã nhen lên khát vọng học tập, ý thức tự giác vươn lên của học sinh nơi biên giới./.

Thực hiện chương trình "Nâng bước em đến trường", từ năm 2015 đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau đã nhận hỗ trợ thường xuyên 39 em trên địa bàn biên giới của tỉnh có hoàn cảnh khó khăn, mỗi em được nhận 500 ngàn đồng/tháng, từ lớp 1 đến hết lớp 12. Khai giảng năm học mới 2019-2020, đơn vị đã trao tổng số tiền 175.500.000 đồng cho gia đình và nhà trường của 39 học sinh trên địa bàn 23 xã, thị trấn khu vực biên giới của tỉnh.  

Băng Thanh

50 học sinh, sinh viên tại Cà Mau nhận học bổng The Corea Peace3000

Sáng 22/9, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị phối hợp với đại diện Tổ chức The Corea Peace3000 tại Cà Mau tổ chức triển khai “Chương trình học bổng - The Corea Peace3000”.

Trường Đại học Bình Dương Phân hiệu Cà Mau: Đào tạo hơn 2 ngàn sinh viên

Năm học 2023-2024 đánh dấu chặng đường 27 năm Trường Đại học Bình Dương hình thành và phát triển. Riêng tại Phân hiệu Cà Mau đến nay đã tuyển sinh và đào tạo được 11 khoá học.

Cô bé Trạng nguyên tiếng Anh

Tại Festival Trạng nguyên tiếng Anh toàn quốc năm 2024, do Báo Thiếu Niên Tiền Phong và Nhi Ðồng tổ chức, tại Ðại học Hàng hải Việt Nam, TP Hải Phòng, tỉnh Cà Mau có duy nhất một em đạt danh hiệu "Trạng nguyên tiếng Anh". Ðó là em Vũ Bảo Ngọc, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Lê Quý Ðôn (Phường 9, TP Cà Mau).

Trao giải Đại sứ văn hoá đọc năm 2024 cho 34 học sinh

Cuộc thi Đại sứ Văn hoá đọc năm 2024 phát động từ ngày 1/5-10/6/2024, dành cho học sinh của các trường Tiểu học, THCS, THPT và các loại hình giáo dục khác trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Ổn định trường lớp năm học mới

Năm học 2024-2025, huyện Năm Căn có 30 trường học do huyện quản lý, trong đó, mầm non - mẫu giáo 9 trường, tiểu học 11 trường và THCS 9 trường, với tổng số trên 10.500 học sinh, được biên chế thành 337 lớp.

Ðường đò đến trường

Huyện Ngọc Hiển, mảnh đất cực Nam Tổ quốc, là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Cà Mau. Năm học mới 2024-2025, toàn huyện có trên 11 ngàn học sinh theo học ở 27 trường, với 10 điểm lẻ trên địa bàn.

Quy định mức thu học phí từ năm học 2024-2025

Nghị quyết số 05/2024/NQ-HĐND ngày 11/7/2024 của HĐND tỉnh Cà Mau quy định mức thu học phí từ năm học 2024-2025 bằng mức thu học phí năm học 2021-2022 đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Đảm bảo nguyên tắc tổng số tháng thu học phí không vượt quá 9 tháng/năm học.

Sáp nhập Trường THCS Hiệp Bình và Trường THPT Tân Đức, huyện Đầm Dơi

Ngày 11/9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau công bố Quyết định của UBND tỉnh Cà Mau về việc sáp nhập Trường THCS Hiệp Bình và Trường THPT Tân Đức (huyện Đầm Dơi) thành Trường THCS và THPT Tân Đức.

Ứng dụng công nghệ thông tin, nâng chất lượng dạy học

Xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong trường học là hết sức cần thiết và là xu thế tất yếu, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên Trường THPT Thái Thanh Hoà, huyện Ðầm Dơi, đã có nhiều cố gắng trong ứng dụng CNTT vào việc dạy học, công tác quản trị nhà trường.

Phấn đấu 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT

Năm học 2023-2024, tỉnh Cà Mau có 99,31% học sinh, sinh viên (HSSV) tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Nhằm phấn đấu 100% HSSV tham gia BHYT năm học 2024-2025, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các trường học trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh, để đảm bảo tất cả HSSV, bất kể điều kiện kinh tế hay hoàn cảnh gia đình, đều có cơ hội nhận được sự chăm sóc y tế cần thiết.