Năm 2015, huyện Phú Tân đưa ra kế hoạch xây dựng 30.000 m lộ bê-tông trở lên, các công trình phải đảm bảo chiều ngang từ 2-4 m; cuối năm 2015, kế hoạch thực hiện đạt 210%, đưa vào sử dụng hơn 64.000 m lộ bê-tông.
Năm 2015, huyện Phú Tân đưa ra kế hoạch xây dựng 30.000 m lộ bê-tông trở lên, các công trình phải đảm bảo chiều ngang từ 2-4 m; cuối năm 2015, kế hoạch thực hiện đạt 210%, đưa vào sử dụng hơn 64.000 m lộ bê-tông.
Hiện nay, ở huyện Phú Tân, xe 4 bánh có thể chạy thẳng đến tận các ấp, khóm. Đây là kết quả có được từ quyết tâm, sự chung tay vào cuộc tích cực của toàn thể cán bộ, Nhân dân trong huyện.
Tạo thuận lợi cho người dân
Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Võ Trường Giang cho biết, đầu năm 2015, tỉnh Cà Mau phân bổ cho huyện Phú Tân 6 tỷ đồng làm lộ bê-tông. Huyện phân bổ ưu tiên 3 tỷ đồng cho 3 xã chỉ đạo điểm xây dựng nông thôn mới (NTM), số còn lại phân bổ cho các xã, thị trấn và huy động các nguồn khác.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Cà Mau Phạm Bạch Đằng (bìa phải) trao bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cho xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân. |
“Kinh phí rõ ràng không thấm vào đâu so với nhu cầu của các xã. Chính vì thế, Phú Tân mạnh dạn đề nghị và được tỉnh cho ứng vốn bổ sung cho 3 xã điểm NTM thêm 15 tỷ đồng làm lộ bê-tông. Dù vậy, để đạt chuẩn NTM về giao thông, mỗi đơn vị ít nhất phải làm 12.000-15.000 m lộ bê-tông, số tiền này cũng không thể đáp ứng được nhu cầu”, Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Võ Trường Giang thông tin.
Thiếu kinh phí nhưng số lượng công việc lớn, nên cùng với huy động, lồng ghép từ nhiều nguồn, huyện Phú Tân chỉ đạo các xã, thị trấn áp dụng phương thức đặc thù trong xây dựng lộ bê-tông là sử dụng 1 mẫu thiết kế cho nhiều công trình tương tự để giảm chi phí thiết kế. Đồng thời, vốn Nhà nước hỗ trợ toàn bộ phần vật tư trên từng công trình, người dân chịu trách nhiệm thi công trên phần đất của mình theo đúng thiết kế đưa ra, kể cả việc hiến đất và san lấp mặt bằng đất đen, tham gia đổ bê-tông cốt thép hoặc góp vốn thuê mướn nhân công thực hiện. Từ đó, chi phí xây dựng giảm xuống và giảm cả sức đóng góp của người dân nhưng chất lượng công trình vẫn đảm bảo. Từ việc áp dụng phương thức này, tỷ lệ đóng góp của người dân cho phần làm lộ bê-tông chỉ chiếm trên dưới 10% tổng giá trị công trình, tương đương 70.000-100.000 đồng cho 1 m chiều dài đối với lộ có chiều ngang từ 2-4 m.
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Tây Ngô Minh Tuấn cho biết, áp dụng phương thức trên còn góp phần đáng kể giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi tại chỗ. Ngoài giảm phần đóng góp khi tự thi công lộ trên phần đất mình, nhiều hộ khó khăn còn có thể tham gia làm lộ, san lấp mặt bằng vần công cho gia đình khác hoặc làm để có thêm thu nhập, bà con vừa làm vừa tham gia giám sát.
Nhân dân hân hoan hưởng ứng
Năm 2015 là năm huyện Phú Tân thực hiện công tác xây dựng lộ đạt chất lượng nhất từ trước đến nay. Tổng giá trị đầu tư cho các công trình lộ bê-tông trên địa bàn huyện hơn 38 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước đầu tư 30 tỷ đồng, dân góp 8 tỷ đồng. Giá trị này chưa tính đến việc hiến đất, công làm lộ đất đen của người dân và những thiệt hại về cây cối, hoa màu khi mở rộng, làm lộ mới.
Hệ thống giao thông hoàn chỉnh đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện Phú Tân phát triển. Ảnh: MINH TẤN |
Không dừng lại ở việc tham gia xây dựng các tuyến đường chính theo quy hoạch của huyện, xã, người dân nhiều nơi trong huyện còn tự góp vốn để làm mới các tuyến đường xóm nhánh, ngõ hẻm phục vụ nhu cầu đi lại của mình. Năm 2015, người dân ở các xã: Việt Thắng, Nguyễn Việt Khái, Tân Hưng Tây tự góp vốn thực hiện hơn 6.000 m lộ, trị giá trên 800 triệu đồng, chưa kể phần ngày công cho việc san lấp mặt bằng đất đen. Ông Nguyễn Văn Biết, ấp Hiệp Thành, xã Việt Thắng, mừng rỡ cho hay: “Tuyến lộ có chiều ngang 1 m, dài hơn 800 m do người dân góp công sức, tiền bạc xây dựng vừa hoàn thành. Tết này bà con mua xe đi thăm người thân, bạn bè thoải mái rồi".
Ông Nguyễn Văn Nguyện, ấp Cái Bát, xã Tân Hưng Tây, phấn khởi: “Đối ứng theo hình thức góp công, góp sức rất thuận lợi cho bà con. Bởi đối với nông dân, có lúc không có tiền mặt để góp, nhưng bà con có ngày công. Còn mặt bằng đất đen thì sẵn sàng làm ngay sau khi được phát động, vì có lộ rộng, xe đi lại dễ dàng, hạn chế tai nạn va quẹt, xe 4 bánh đi được tới nông thôn, con em đi học, cứu thương cứu nạn cũng thuận lợi, ai cũng mừng”.
Nông thôn Phú Tân bây giờ không còn cách trở, hệ thống lộ bê-tông rộng rãi, thông thoáng đã nối liền các xóm, ấp, ngõ hẻm, đời sống người dân đang trên đà khởi sắc. Đây là một trong những điều kiện cơ bản trên chặng đường để Phú Tân đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2020./.
Bài và ảnh: Quốc Hiệp