(CMO) Với sự phát triển của công nghệ số, việc ứng dụng những tính năng của điện thoại thông minh vào phục vụ học tập là xu hướng tất yếu. Mới đây nhất, quy định trong Thông tư 32 về việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học nhưng chỉ phục vụ học tập với sự đồng ý của giáo viên đã gây nên nhiều tranh cãi trong dư luận.
Hiệu trưởng Trường THPT Hồ Thị Kỷ Châu Văn Tuy nhìn nhận, trong thời đại công nghệ 4.0, xu thế phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học là điều tất yếu, chúng ta cũng phải để cho học sinh có quyền truy cập tìm hiểu thông tin trên Internet. Nhưng trong phạm vi trường học, quyền của học sinh phải được sự cho phép của giáo viên trong tiết học đó, ngoài ra học sinh phải tuân thủ theo quy định của nhà trường.
- Thưa ông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra quy định cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học, thay vì lệnh cấm trước đây. Với vai trò là người quản lý, đồng thời là giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, ông suy nghĩ gì về quyết định này?
Ông Châu Văn Tuy: Thông tư số 32 ngày 15/9/2020, ban hành về điều lệ trường THCS, THPT và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/11/2020. Thông tư này có nhiều điểm mới, đáng lưu ý là vấn đề sử dụng điện thoại trong giờ học. Thực tế hơn 1 tuần nay, có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này, có người đồng thuận, cũng có người không đồng thuận. Nhưng chúng ta hãy đọc kỹ, nội dung trong thông tư rất rõ: học sinh được sử dụng điện thoại trong hoạt động giáo dục khi giáo viên cho phép. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh cần nắm được điều này.
Học sinh lớp 12 sử dụng điện thoại làm bài tập nhóm trong đợt ôn thi tốt nghiệp. Ảnh minh hoạ: HỮU NGHĨA |
- Có nhiều ý kiến cho rằng, việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học sẽ phá vỡ phương pháp dạy truyền thống. Ông có đồng tình với quan điểm này không?
Ông Châu Văn Tuy: Tôi không đồng ý với quan điểm này, bởi vì nhiều năm nay, các trường đã dạy theo năng lực phát triển học sinh, đổi mới phương pháp dạy học. Nghĩa là thầy với vai trò là định hướng, gợi mở, học trò là trung tâm tìm tòi kiến thức. Bên cạnh sách giáo khoa, học sinh còn tìm tòi từ các nguồn dữ liệu khác. Phương pháp “thầy đọc, trò chép” đã lạc hậu từ lâu, không phát triển được năng lực học sinh, đặc biệt là chuẩn bị chương trình phổ thông mới bắt buộc thầy cô phải thay đổi phương pháp dạy học. Thầy cô không ứng dụng công nghệ thông tin trong việc soạn giảng sẽ không đáp ứng được xu thế này. Nhiều năm nay, nhà trường đã trang bị cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin trong việc dạy học, hiện tại gần 100% giáo viên đã sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học và soạn giảng.
- Chỉ còn gần 1 tháng nữa thông tư sẽ có hiệu lực, nhà trường đã có những biện pháp tuyên truyền như thế nào để giáo viên, học sinh và phụ huynh hiểu đúng về tinh thần của thông tư?
Ông Châu Văn Tuy: Hiện tại, nhà trường sẽ tiến hành tuyên truyền rộng rãi đến học sinh, đồng thời gửi những thông điệp cho giáo viên, phụ huynh hiểu đúng về thông tư. Tôi đồng ý rằng trong quá trình thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng nếu giáo viên làm tốt công tác quản lý, kiểm soát thì tôi nghĩ những khó khăn đó không quá lớn.
Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm học vừa rồi, có nhiều phụ huynh đặt vấn đề này, tôi đã giải thích với phụ huynh và nhận được sự đồng tình. Để quản lý được học sinh, tôi đã triển khai thông tư này lên group Zalo để cán bộ, giáo viên triển khai đến các em cũng như phụ huynh. Bên cạnh đó, tôi cũng nói cặn kẽ về sự thay đổi của Thông tư 26 và Thông tư 32 theo quan điểm, chủ trương giáo dục của Đảng, Nhà nước, tôn trọng quyền lợi của học sinh, đánh giá đúng năng lực học sinh.
Trong công tác quản lý học sinh, chúng tôi luôn đưa ra phương châm, phải có sự bao quát về quản lý và điều cốt lõi nhất là phải giáo dục học sinh về ý thức, mục đích của việc sử dụng điện thoại. Cho nên, với sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, tôi tin tưởng rằng ý thức học sinh sẽ thay đổi và chấp hành tốt Thông tư 32. Tôi đồng ý với quan điểm về sử dụng điện thoại vừa có mặt tích cực cũng có mặt tiêu cực, tuy nhiên, mặt tích cực sẽ nhiều hơn khi các em biết ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin để truy cập, nghiên cứu đem lại hiệu quả cao trong học tập.
- Khi thông tư có hiệu lực, điều ông lo ngại nhất là gì?
Ông Châu Văn Tuy: Điều tôi lo ngại là đối với những em học lớp 6, lớp 7 sẽ về đòi cha mẹ mua điện thoại để sử dụng. Nếu có thể giới hạn được độ tuổi thì sẽ tốt hơn. Thực tế, một cái điện thoại thông minh giá trị từ 2-3 triệu đồng. Đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn rất khó trang bị. Bên cạnh đó, cần định hướng sử dụng mạng Internet an toàn cho các em. Vấn đề này, nhiều năm qua Đoàn trường đã làm rất tốt khi tổ chức nhiều buổi thực hành, chuyên đề ngoại khoá về vấn đề sử dụng mạng xã hội. Hướng dẫn các em truy cập những trang bổ ích cho học tập. Đồng thời, giáo viên chủ nhiệm trong mỗi tiết học dành vài phút định hướng các em về vấn đề này. Trường cũng có một số thầy cô giỏi về công nghệ thông tin, trực tiếp theo dõi và ngăn chặn, xử lý những em truy cập vào những trang không tốt, những phát ngôn không hay trên mạng xã hội. Chúng tôi xác định nhiệm vụ của nhà trường trong công tác giáo dục đạo đức, tư tưởng học sinh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Hữu Nghĩa