(CMO) Thời nhà Nguyễn, vùng đất Cà Mau thuộc huyện Long Xuyên, tỉnh Hà Tiên. Ngày 29/11/1852, đời vua Tự Đức (1847-1883) (Tự Đức ngũ niên), nhà vua ra sắc phong (*) cho Đình thần thôn Tân Ân, tại vàm kênh Ông Nam, nay thuộc ấp Rạch Gốc, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.
Nhiều năm trước đây, ông Châu Quang Thôi cùng nhiều học trò của thầy giáo Phan Ngọc Hiển kể lại: Tháng 10/1935, đồng chí Phan Thái Hoà, Trưởng Ban cán sự Công hội Đỏ ở Năm Căn, được Đảng phân công đến Tân Ân tổ chức kết nạp Nguyễn Văn Thống, Châu Quang Thôi vào Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng thời thành lập Chi bộ xã Tân Ân gồm 4 đồng chí: Phan Ngọc Hiển, Lê Văn Hoành, Nguyễn Văn Thống, Châu Quang Thôi; Đồng chí Lê Văn Hoành được cử làm Bí thư chi bộ. Chi bộ thành lập Hội Tương tế, Hội Ái hữu, Hội Đá banh, Hợp tác xã Dân Lập… nhằm tập hợp Nhân dân và thanh niên vào các tổ chức công khai, hợp pháp và lồng nội dung chính trị để giác ngộ cách mạng. Nơi sinh hoạt thường xuyên của các tổ chức này là Đình thần và Gốc cây me, ấp Rạch Gốc.
Đình thần Tân Ân giờ chỉ còn lại bản sắc phong này. |
Trong 2 cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, quân dân Tân Ân một lòng theo Đảng chiến đấu kiên cường. Trong thời chống Mỹ, cứu nước, Tân Ân là một trong những bến cảng, kho tàng của Đoàn 962, tiếp nhận hàng trăm tấn vũ khí của đường Hồ Chí Minh trên biển. Trong hoà bình, xây dựng, Tân Ân là con chim đầu đàn của huyện Ngọc Hiển về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, y tế, giáo dục, an ninh, quốc phòng.
Sau cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai thắng lợi, thực dân Pháp tung quân đốt hết 117 ngôi nhà đồng bào và Đình thần Tân Ân. Để bảo vệ sắc phong khỏi bị thiêu huỷ và thất lạc, ông Ban biện Nguyễn Văn Kiết đã cho sao chép sắc phong của Vua Tự Đức gồm 81 chữ và lưu giữ đến ngày nay. Bản photocopy sắc phong của Đình thần thôn Tân Ân hiện được bảo vệ chu đáo tại địa phương.
Năm 1852-2019 là khoảng thời gian không hề ngắn (167 năm) đối với lịch sử mỗi con người nơi vùng đất cuối trời Tổ quốc. Hàng trăm năm trước, các vua quan triều Nguyễn đã quan tâm tới cương thổ quốc gia, khẳng định địa giới chủ quyền đất nước, kể cả nơi xa xôi nhất, bằng một sắc phong cho Bổn cảnh Thành hoàng “Thần phụng sự ấy cùng nhau che chở, bảo vệ dân của mình”!
Từ sau ngày miền Nam giải phóng, đặc biệt hơn 20 năm qua, nhiều cán bộ nghỉ hưu cùng Hội Người cao tuổi, Hội Khoa học lịch sử, Hội Cựu Chiến binh nhiều lần kiến nghị đến các cơ quan chức năng và các cấp lãnh đạo yêu cầu cho phép phục dựng, tôn tạo lại Đình thần Tân Ân trên nền đất ngày xưa nhằm mục đích khẳng định chứng tích lịch sử của các bậc tiền nhân từ thời khai hoang mở cõi cho đến bây giờ. Đặc biệt khơi dậy truyền thống bất khuất, hiên ngang của Anh hùng Phan Ngọc Hiển cùng 10 liệt sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai, những người con trung dũng, đã thắp sáng ánh đuốc khởi nghĩa Nam Kỳ cách đây gần 80 năm!
Ngày 20/3/2019, một lần nữa, các cán bộ nghỉ hưu đại diện Nhân dân Tân Ân tiếp tục làm tờ trình gởi đến UBND tỉnh, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch và UBND huyện Ngọc Hiển xin được phục dựng lại Đình thần Tân Ân trên vàm kinh Ông Nam, ấp Rạch Gốc, nơi ngôi đình toạ lạc trước đây.
Đa số bà con Tân Ân đều sống bằng nghề khai thác biển, trong sinh hoạt tâm linh, thu hút du khách cũng như thể hiện đạo lý nhớ về nguồn cội, mọi người hy vọng chứng tích lịch sử đậm chất anh hùng ca của ngôi đình gần 170 tuổi sẽ được phục dựng, nhằm ghi nhớ chiến công oai hùng của thầy giáo Phan Ngọc Hiển cùng bao lớp tuổi xuân đã làm rạng rỡ ngày truyền thống 13/12, một ngày không bao giờ mờ phai trong tâm trí mọi người.
(*) Sắc phong là văn bản truyền mệnh lệnh. Trên mỗi sắc phong, dấu ấn uy quyền của các vị vua cai trị được thể hiện rõ nét./.
Trường Sơn Đông