ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 19:25:47
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

"Đỏ mắt" tìm người học nghề

Báo Cà Mau (CMO) Trên địa bàn Cà Mau hiện có 23 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đảm nhận nhiệm vụ quan trọng là đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao tay nghề cho một lực lượng lao động hùng hậu trong độ tuổi trên 700.000 người (dân số toàn tỉnh ước hơn 1,2 triệu người). Thế nhưng, có một thực tế trớ trêu, dù được đầu tư mạnh mẽ về kinh phí, trang thiết bị, thế nhưng, các cơ sở đào tạo lại đang "đỏ mắt" tìm người học.

Việc tìm giải pháp nâng chất hoạt động của các cơ sở đào tạo nghề không chỉ là giải quyết các vấn đề xã hội nhất thời, mà còn ảnh hưởng tới cả quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tốc độ và tính bền vững trong sự phát triển của Cà Mau.

Bất cập ở các trung tâm nghề huyện

Nhiều bất cập là thực trạng chung, được chính những người trong cuộc nhìn nhận, với mức độ không ít thì nhiều ở tất cả các trung tâm nghề nghiệp huyện.

Tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện U Minh, khi giáo viên Nguyễn Thị Bích Tuyền mở cửa để giới thiệu về phòng thiết bị công nghệ thông tin, nhiều người ngỡ ngàng vì công nghệ lạc hậu và hầu như không có người theo học. “Phòng thiết bị đầu tư đã lâu, tuy nhiên, người học không có nhu cầu nhiều, mở được vài lớp rồi thôi”, Chị Tuyền cho biết.

Trung tâm được mở đào tạo 18 nghề, trong đó có 9 nghề được đầu tư, trang bị mạnh mẽ và cả 1 xe lưu động để về các xã truyền dạy nghề.

Ở lĩnh vực đào tạo nghề nông thôn, gồm 7 nghề phi nông nghiệp và 11 nghề nông nghiệp, khó khăn càng thể hiện rõ. Người học chủ yếu tập trung vào các nghề nông nghiệp vì tính ứng dụng cao, đầu ra việc làm cũng khá chắc chắn, cùng lắm là… làm ở nhà. Nhưng đào tạo nghề phi nông nghiệp lại rất chật vật, có những điều người trong cuộc chia sẻ là nhạy cảm, khó nói. Tất cả đều ngạc nhiên khi ông Đào Quốc Khởi, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện U Minh, thừa nhận: “Nghề phi nông nghiệp có 4 nghề chưa đào tạo được là sửa xe, may công nghiệp, trang điểm và nghề hàn”.

Ngạc nhiên hơn, trang thiết bị tiền tỷ đầu tư cho các nghề này vẫn đang nằm im lìm trong kho ẩm thấp và chưa từng được sử dụng một lần nào. Ông Khởi thông tin: “Có cái đầu tư từ năm 2007, có cái thì năm 2011, nhưng chưa… bóc tem”.

Nhiều trang thiết bị chưa sử dụng, hỏng hóc, bỏ trong kho tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện U Minh.

Bà Ngô Thị Bình, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện U Minh, trăn trở: “Cái khó là ý thức của người học, khó nữa là giáo viên có trình độ của trung tâm hạn chế. Và thực tế, với 3 tháng đào tạo lao động nông thôn là không thấm vào đâu, như muối bỏ biển, chưa giải quyết gì nhiều. Lao động đào tạo ở đây ra, đi làm ở công ty bị chê là trình độ thấp, phải đào tạo lại, vậy nên người ta cảm thấy phí thời gian khi theo học”.

Dù rằng thống kê báo cáo từ năm 2015 đến nay, lực lượng lao động được đào tạo, giải quyết việc làm hàng ngàn người, song, U Minh vẫn đang đau đáu với chuyện chuyển dịch cơ cấu việc làm. Bức tranh lao động phản ánh rõ, nơi đào tạo và lực lượng lao động đang có độ vênh về mục tiêu, nhu cầu. Chuyện bỏ phí trang thiết bị, thiếu vắng người học, chất lượng đào tạo chưa đảm bảo có lẽ vẫn sẽ phải được bàn đến nhiều trong thời gian tới.

Huyện Ngọc Hiển cũng vấp phải những khó khăn tương tự, khi lĩnh vực đào tạo chính vẫn là phi nông nghiệp.

Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Nguyễn Thành Đời cho biết: “Trang thiết bị lạc hậu, trình độ giáo viên thấp khiến các nghề phi nông nghiệp rất khó thực hiện. Nhiệm vụ chúng tôi tập trung vẫn là mở các mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn”.

Khi khảo sát thực tế tại trung tâm, trang thiết bị nghề may đang đắp cao su vì hư hỏng hết sửa chữa được. Các nghề khác như sửa chữa xe máy, sửa điện tử, cơ khí thì đã quá lạc hậu, trong đó có cái cũng chưa được sử dụng lần nào. Ông Đời băn khoăn: “Mình dạy sửa xe số, xe cúp, mà bây giờ người ta toàn chạy tay ga không à”.

Huyện Ngọc Hiển rất khó khăn trong việc thu hút đào tạo nghề do có sự chênh nhau về nghề đào tạo và nhu cầu lao động thực tế.

Phó chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển Ngô Minh Toại đánh giá: “Đào tạo nghề chủ yếu là ở mức phổ thông, sơ cấp và tập trung cho người lao động nông thôn ứng dụng tại gia đình. Địa phương chưa đáp ứng nhu cầu của lao động có trình độ, chất lượng để tham gia thị trường lao động. Lao động địa phương ra ngoài tỉnh tìm việc cũng phải được đào tạo lại, hoặc làm các công việc lao động chân tay”.

Theo lời ông Toại, việc tìm người theo học ở các lớp ngày càng khó vì người lao động nông thôn còn phải mưu sinh hằng ngày. Vòng luẩn quẩn giữa việc thu hút người học và khả năng đáp ứng nhu cầu khiến hoạt động trung tâm trong tình trạng khó khăn.

Bà Ngô Ngọc Khuê, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội, HĐND tỉnh, sau khi khảo sát thực tế hoạt động của các trung tâm rất băn khoăn: “Kinh phí đầu tư cho trang thiết bị, cho hoạt động của các trung tâm không ít, thế nhưng nhìn những máy móc cũ kỹ, lạc hậu, có cái chưa sử dụng thì thật sự có vấn đề”. Theo phản ánh của các trung tâm, những máy móc chưa sử dụng được đề xuất gởi lại cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh nhiều lần, nhưng lâu nay sở cũng chưa có ý kiến gì.

Trường nghề chuyên nghiệp cũng vất vả

Thành lập năm 2015, Trường Cao đẳng Việt - Hàn là trường nghề chuyên nghiệp nhận được kỳ vọng rất lớn của địa phương. Bà Nguyễn Hồng Nhung, Phó Hiệu trưởng phụ trách trường, giới thiệu: “Trường được đầu tư xây dựng hiện đại bậc nhất ĐBSCL, là 1 trong 5 trường tại Việt Nam được Hàn Quốc hợp tác đầu tư”.

Thế nhưng, hình như ít người biết đến danh tiếng, hoạt động và thương hiệu ngôi trường này. Mỗi năm, trường đào tạo chỉ trên dưới 500 học viên ở tất cả các cấp độ học nghề, sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Có thể thấy, với quy mô, sự đầu tư và định hướng phát triển, con số này quá khiêm tốn.

Trường Cao đẳng nghề Việt - Hàn được định hướng là đầu tàu trong công tác đào tạo nghề, nhưng khó khăn lớn nhất vẫn là thu hút người học.

Ông Huỳnh Minh Hiếu, Phó hiệu trưởng nhà trường, bộc bạch: “Cái khó nhất của trường vẫn là thu hút học viên, sinh viên. Như đã biết, lực lượng lao động cần tay nghề, trình độ ở Cà Mau vô cùng lớn, thế nhưng, số lượng tuyển sinh của trường chưa có sự chuyển biến mạnh”.

Một trong những nguyên nhân được nêu ra là do khả năng giải quyết việc làm, là nhu cầu thị trường lao động chưa phù hợp với nghề. Đơn cử nghề sửa chữa ô-tô, hầu như các học viên phải tự xoay sở để tìm việc ở ngoài tỉnh. Tuy nhiên, cũng có một số tín hiệu tích cực từ những nỗ lực của trường. Nghề sửa chữa điện lạnh hiện đang là nghề có đông người theo học. Theo khẳng định của cô Nhung, 90% lực lượng đang hoạt động nghề điện lạnh là sinh viên của trường.

Dù được đầu tư bài bản, mạnh mẽ, song trường vẫn trong tình trạng khó khăn và chưa thật sự sẵn sàng để gánh trên vai nhiệm vụ là đầu tàu cho đào tạo nghề chất lượng cao tại Cà Mau.

Theo thầy Hiếu: “Khó khăn của trường là một số nghề chưa được đầu tư đồng bộ, lực lượng giáo viên, giảng viên có trình độ còn hạn chế, nhất là nhu cầu thị trường lao động tại Cà Mau chưa nhiều”.

Tương lai phát triển của Trường Cao đẳng nghề Việt - Hàn là điều không phải bàn, như lời ông Dương Huỳnh Khải, Phó chủ tịch HĐND tỉnh: “Phải làm sao để người ta biết tới mình, đào tạo xong là có việc làm, người học từ trường mình ra tay nghề giỏi, đạo đức tốt thì nhà trường sẽ tiếp đà đi lên. Tầm vóc của nhà trường phải xứng đáng với sự kỳ vọng, đó là thu hút cả trong và ngoài tỉnh, là đầu tàu của cả khu vực”.

Với nguồn lực lao động trong độ tuổi dồi dào, tuy nhiên, nhận thức của lực lượng này mới là điều quan trọng. Người ta sẵn sàng nhận mức lương thấp chỉ cần không phải học hành, tốn thời gian. Nhận thức ấy kèm theo muôn vàn hệ luỵ, người lao động Cà Mau dễ dàng bị lệ thuộc, thậm chí là bị o ép khi tham gia vào thị trường lao động đòi hỏi trình độ, kỹ năng, năng suất trong thời đại công nghiệp.

Khó khăn trên được chính Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau Trương Linh Phượng đánh giá: “Chất lượng và trình độ lao động của Cà Mau chưa cao, còn rất nhiều vấn đề cần tháo gỡ, nhất là thái độ, ý thức của người tham gia lao động”. Vấn đề còn lại là của các cơ sở đào tạo nghề, phải tính toán, nghiên cứu, định hướng thế nào để đào tạo gắn với việc làm, gắn với thị trường lao động, gắn với nhu cầu của lao động. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là lực lượng lao động là nhiệm vụ chính trị lớn tại địa phương, điều này có thể ảnh hưởng và quyết định sự phát triển của Cà Mau trong chặng đường phía trước./.

Phạm Nguyên

Tính từ năm 2015 đến nay, Cà Mau có tổng số học viên tham gia đào tạo nghề  gần 118.000 người; tuy nhiên, ở bậc cao đẳng, trung cấp chỉ khoảng 5.000 người. Kinh phí thực hiện công tác đào tạo nghề gần 51 tỷ đồng. Tỷ lệ đào tạo có việc làm sau đào tạo là trên 80%, nhưng chủ yếu là lĩnh vực phi nông nghiệp.

 

Giải quyết nhanh thủ tục cho người dân

Nỗ lực cải cách hành chính (CCHC), hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, chính quyền xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời tạo được niềm tin trong Nhân dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.

Rạch Gốc quyết tâm xây dựng nền hành chính văn minh

Thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC) gắn với chuyển đổi số, thị trấn Rạch Gốc đang dồn lực, quyết tâm cao để xây dựng nền hành chính “văn minh”, “hiện đại”, phục vụ tốt nhất cho người dân.

Hoà Mỹ - Hướng dẫn nhiệt tình, giải quyết nhanh gọn

Thời gian qua, UBND xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước nỗ lực thực hiện cải cách hành chính (CCHC), tạo chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.

Giải quyết toàn trình khi đăng ký, cấp biển số xe lần đầu

Thời gian qua, ngành thuế tích cực đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người nộp thuế (NNT). Trong đó, giải quyết thủ tục khai, nộp lệ phí trước bạ đối với ô tô, xe máy đem lại hiệu ứng tích cực.

“Thị sát” bộ phận một cửa

Ðóng vai một người dân đến thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) tại bộ phận một cửa ở một số xã trên địa bàn tỉnh, thành viên Ðoàn Kiểm tra cải cách hành chính (CCHC) tỉnh đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong thái độ tiếp công dân của công chức. Cũng từ những chuyến “thị sát” thực tế này đã ghi nhận nhiều hạn chế nhất định.

Cải cách mạnh mẽ nền hành chính ở cơ sở

Là nơi trực tiếp làm việc với công dân, chính quyền cơ sở (xã, phường, thị trấn) trên địa bàn tỉnh không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động. Việc xây dựng chính quyền gần dân, vì dân được thể hiện rõ nét trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC), xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, trình độ, gần dân và sát dân.

Ðem lợi ích đến người dân

Thời gian qua, để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, huyện Ðầm Dơi không chỉ rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) mà còn triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hoá phương thức chỉ đạo, điều hành và tiếp nhận, giải quyết TTHC, tăng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến.

Nỗ lực dỡ rào cản “Chi phí không chính thức”

Ðược đánh giá là chỉ số nhạy cảm nhất trong 10 chỉ số thành phần cấu thành Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số “Chi phí không chính thức” của tỉnh Cà Mau trong năm qua mặc dù ghi nhận có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vấn đề cải thiện đối với chỉ số này vẫn còn chậm so với mục tiêu đề ra.

Rõ người, rõ việc, rõ thời gian

“Việc cải cách hành chính (CCHC) cần rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm... để dễ kiểm tra, dễ đánh giá, dễ thúc đẩy, khơi thông nguồn lực đất nước”, đây là yêu cầu được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc lại nhiều lần trong các cuộc họp liên quan đến công tác CCHC với các địa phương.

Gỡ “điểm nghẽn” trong đào tạo lao động

Ðứng vị trí 52/63 tỉnh, thành cả nước, Chỉ số thành phần Ðào tạo lao động trong Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Cà Mau được đánh giá còn nhiều hạn chế, tiêu cực. Trong đó, nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ về công tác đào tạo lao động, tuyển dụng lao động, chất lượng lao động qua đào tạo, hướng đến cải thiện môi trường kinh doanh, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN).