(CMO) Sinh ra trên vùng đất đầy nắng gió của vùng quê Ninh Thuận, Họa sĩ Đỗ Quang Em đã hun đúc cho mình sự mạnh mẽ và khát khao vươn lên. 80 năm cuộc đời cầm cọ, ông đã lưu lại cho đời những tác phẩm đi thẳng, đi sâu vào lòng người một cách chân thực qua nét cọ của mình với một dấu ấn riêng thật đậm nét.
Họa sĩ Đỗ Quang Em, sinh năm 1942, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định năm 1965 và trở thành họa sĩ theo phong cách cực thực (hyperrealism). Năm 1966, ông tham gia thành lập Hội Họa sĩ trẻ tại Sài Gòn. Từ 1973 - 1974 ông tham gia giảng dạy hội họa tại Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định.
Hoạ sĩ Đỗ Quang Em với nét cọ chân thật đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét. |
Xuất thân là con trai của một nhiếp ảnh gia tài danh ở miền Nam vào những năm năm mươi, sáu mươi của thế kỷ XX. Đỗ Quang Em ngay từ nhỏ đã được cha dìu dắt từng bước đi vào cung đường nghệ thuật ấy. Nhưng, chẳng mấy ai ngờ được, khi ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật cũng chính là lúc ông đóng cửa tiệm ảnh của cha để chuyên tâm đi theo con đường cầm cọ. Ông đã lựa chọn cho bản thân mình một tôn chỉ rất riêng là phải vẽ cho thực hết mức có thể, đánh đổi bằng thời giờ, đánh đổi bằng sự tinh tế và chi li tỉ mỉ trong từng chi tiết nhỏ.
Đỗ Quang Em đã chọn lối vẽ chân thực như một lập trường nghệ thuật vừa cứng nhắc vừa mạnh mẽ, để người nghệ sĩ bộc lộ tài năng một cách không thể lấp liếm giả dối, vẽ cho thực cho giống, cũng tức là vẽ thực, tuyệt đối không thể hí hoáy nguệch ngoạch dăm ba đường cọ bê bết màu rồi tán cho cao siêu. Và Đỗ Quang Em đã thành công rực rỡ trên cung đường ấy, cung đường chân thực trên từng nét vẽ.
Ông là một người họa sĩ đặc biệt, cả nửa thế kỷ chỉ vẽ vợ con, tự họa và vài đồ vật dân dã của người Việt, nhưng tranh của họa sĩ Đỗ Quang Em vẫn thu hút sự quan tâm của giới sưu tập quốc tế. Ông từng được xem là họa sĩ Việt Nam có tác phẩm được bán với giá cao nhất, khi phòng tranh Galerie La Vong ở Hồng Kông bán bức Ấm và tách trà của ông với giá 50.000 USD vào năm 1995. Ông đã có nhiều triển lãm chung và cá nhân: Tranh sơn dầu và lụa của bốn họa sĩ tại TP.HCM (1991), New Space của các họa sĩ Việt Nam và Singapore (1993), 36 Tác phẩm mới tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh (1994)…
Đỗ Quang Em được đánh giá là một “người đặt để ánh sáng một cách quyền uy”, với những ai đã từng xem qua tranh của Đỗ Quang Em, có thể nhìn thấy lối xử lý sự phân hoá sáng tối trong hầu hết tác phẩm của Đỗ Quang Em chính là chỗ làm nên "bản sắc", tạo điểm nhấn phong cách khó trùng lắp ở con người nghệ sĩ của ông. Cá tính nghệ sĩ và cá tính làm người của Đỗ Quang Em hòa quyện lại rồi dàn trải trên vuông vải, tạo thành cái uy trên nét bút đi thẳng vào lòng người mà ta bắt gặp ở từng tác phẩm của ông.
Và hôm nay, dù Họa sĩ Đỗ Quang Em đã đi qua cuộc đời, nhưng dòng tranh của ông vẫn ở lại. Trong một chừng mực nào đó ông đã hiện hữu như một dấu ấn đậm nét trong lịch sử hội họa Việt Nam đã đi vào lòng thế giới mà đoán chắc rằng nhiều năm sau nữa người ta vẫn còn nhắc đến tên ông bằng tất cả sự kính vì.
Tác phẩm "Tĩnh vật". (sơn dầu trên toan, năm 2006) |
Tác phẩm tranh tĩnh vật sơn dầu với lối xử lý sự phân hóa sáng tối làm nên bản sắc của tác giả. |
Hồng Nhung (tổng hợp)