ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 21-5-25 14:28:02
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nỗi lo sữa giả

Báo Cà Mau Thời gian qua, hàng loạt vụ việc sản xuất và buôn bán sữa giả bị cơ quan chức năng phát hiện xử lý, gây hoang mang, bức xúc trong người tiêu dùng, nhất là các bậc phụ huynh có con nhỏ. Cuộc chiến chống sữa giả cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của cơ quan chức năng, nhà phân phối và trên hết là sự tỉnh táo, chủ động từ chính người tiêu dùng.

Sữa giả là sản phẩm không đảm bảo thành phần dinh dưỡng như đã công bố, thậm chí có thể chứa tạp chất hoặc chất phụ gia không được phép sử dụng trong thực phẩm dành cho người tiêu dùng. Ngày nay, sự bùng nổ của mua sắm trực tuyến vô tình tạo điều kiện cho sữa giả len lỏi dễ dàng vào từng gia đình. Trên các nền tảng mạng xã hội, những quảng cáo sữa ngoại nhập giá rẻ, khuyến mãi “sốc” vẫn đều đặn xuất hiện, thu hút sự chú ý của người tiêu dùng thiếu thông tin. Ðiều đáng nói, người tiêu dùng rất dễ bị đánh lừa bởi giá rẻ, dù chênh lệch chỉ vài chục ngàn đồng, hình thức giống thật và lời giới thiệu hấp dẫn như: “hàng xách tay”, “hàng thanh lý”, “sữa ngoại nhập tồn kho”, sữa kèm quà tặng... để rồi hậu quả là phải đánh cược sức khoẻ gia đình khi sử dụng phải sữa giả.

Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra các mặt hàng sữa tại các cửa hàng bán lẻ.

Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra các mặt hàng sữa tại các cửa hàng bán lẻ.

Chị Võ Tuyết Ngân, xã Tắc Vân, TP Cà Mau, chia sẻ: “Trước các nguồn tin về sữa giả và việc các sản phẩm không rõ nguồn gốc, sữa gia công tràn lan trên thị trường, mình cảm thấy rất lo lắng, nhất là khi các sản phẩm này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con nhỏ. Qua đây, mình cũng mất dần niềm tin vào việc mua sắm tràn lan trên mạng hoặc ở những nơi không rõ uy tín. Trước đây, khi mua Online, tôi nghĩ rằng, chỉ cần bao bì đẹp, đánh giá tốt là có thể yên tâm chọn mua, nhưng giờ thì không thể chủ quan”.

Qua những lần các cơ quan chức năng triệt phá các cơ sở sản xuất, buôn bán sữa giả được báo đài đưa tin, có thể thấy những chiêu trò của “công nghệ sữa giả” thường diễn ra với hai hình thức phổ biến: sản xuất nhái hoặc sử dụng bao bì thật để chiết rót lại sữa kém chất lượng. Không ít cơ sở tận dụng vỏ hộp sữa đã qua sử dụng, mua gom từ các điểm thu gom phế liệu, sau đó “tút tát” rồi đổ vào loại sữa bột trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Tinh vi hơn, kẻ gian còn sử dụng máy để in tem chống giả, mã vạch y như thật, đóng gói bằng máy công nghiệp, rất khó phân biệt bằng mắt thường. Ðến khi đưa mẫu đi kiểm nghiệm thì mới phát hiện không đạt chuẩn dinh dưỡng, thậm chí nhiễm khuẩn.

Một hộp sữa giả không chỉ là chuyện gian dối thương mại, mà còn có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ cộng đồng, đặc biệt là trẻ nhỏ và người già - những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Trong cuộc chiến chống sữa giả, ngoài sự vào cuộc của ngành chức năng, cần sự tỉnh táo, mua sắm thông thái của chính người tiêu dùng.

Chị Tăng Kim Ngân, Phường 6, TP Cà Mau, cho rằng: “Là người tiêu dùng thông thái, đối mặt với tình trạng sữa giả như hiện nay, việc đầu tiên là cần tìm hiểu kỹ thông tin về nguồn sữa mình đang sử dụng cho bé. Chọn lọc hãng sữa uy tín và mua các sản phẩm sữa tại cửa hàng, siêu thị lớn trên thị trường. Kiểm tra kỹ mã vạch, hạn sử dụng, tem chống giả, quan trọng nhất là không nên ham rẻ hoặc mua ở các nơi không rõ uy tín như trên mạng xã hội hay các shop nhỏ lẻ, không có phản hồi rõ ràng. Nên để ý đến mùi vị, màu sắc sữa sau khi pha, nếu thấy khác thường, phải ngưng sử dụng ngay. Tôi mong các cơ quan chức năng tăng cường ra quân kiểm tra, rà soát chặt chẽ các nguồn sữa, để người tiêu dùng yên tâm hơn trong chọn lựa sản phẩm sữa cho con”.

Hiện nay, nhầm hạn chế các cơ sở tận dụng thu mua các lon sữa rỗng đã qua sử dụng để dùng lại, nhiều mẹ bỉm đã có hành động dứt khoát là dùng các vật nhọn sắt như dao, đinh, búa... đục các lỗ trên lon rồi mới mang đi vứt. Ðây cũng là một trong những động thái của người tiêu dùng thông thái, nhằm bảo vệ sức khoẻ thế hệ mầm non.

Không chỉ người tiêu dùng chịu thiệt, các nhà bán lẻ uy tín cũng lao đao vì vấn nạn sữa giả. Chị Nguyễn Ngọc Bích, chủ cửa hàng bách hoá trên địa bàn TP Cà Mau, chia sẻ: “Tôi luôn nhập hàng từ các nhà phân phối chính hãng, nhưng nhiều lần khách quay lưng, vì cho rằng có nơi bán rẻ hơn rất nhiều. Trong khi đó, hàng giả, đặc biệt là sữa, đang tràn lan, khiến việc kinh doanh của tôi vô cùng khó khăn, vì sức mua giảm rõ rệt”.

Sữa giả không chỉ không cung cấp đủ dưỡng chất mà còn có nguy cơ gây hại cho hệ tiêu hoá, gan, thận, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ nhỏ. Nếu nhiễm khuẩn nặng, có thể dẫn đến ngộ độc.

Sau hàng loạt vụ việc sản xuất sữa giả, người tiêu dùng ngày càng thận trọng hơn khi chọn lựa sản phẩm cho trẻ.

Sau hàng loạt vụ việc sản xuất sữa giả, người tiêu dùng ngày càng thận trọng hơn khi chọn lựa sản phẩm cho trẻ.

Bác sĩ CKI Nguyễn Kim Loan, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, cho biết: "Thai phụ nếu sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng không an toàn (trong đó có sản phẩm từ sữa) sẽ ảnh hưởng đến sự hình thành và hoàn thiện các cơ quan trong cơ thể của thai nhi, có nguy cơ bị hạn chế, khiếm khuyết, suy dinh dưỡng bào thai. Khi chào đời cho đến 24 tháng tuổi, trẻ được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ và kết hợp ăn bổ sung đúng cách khi trẻ tròn 6 tháng là tốt nhất. Nhưng vì lý do nào đó trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ, phải uống sữa công thức, nếu sữa công thức không đảm bảo chất lượng, không an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển. Trẻ có thể bị suy dinh dưỡng, nhẹ cân, thấp còi, thừa cân, béo phì... nguy cơ mắc các bệnh mãn tính không lây, ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ sau này”.

Trẻ em, thế hệ tương lai cần được bảo vệ khỏi những sản phẩm độc hại mang mác “dinh dưỡng”. Ðể làm được điều đó, người dân cần cảnh giác, nhà bán lẻ cần trung thực và cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn nữa trong cuộc chiến loại bỏ sữa giả trên thị trường.


Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, ngành chức năng tỉnh tiến hành kiểm tra, rà soát các loại thực phẩm dinh dưỡng và thực phẩm chức năng, đặc biệt là các sản phẩm sữa trên địa bàn tỉnh. Theo thông tin từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, đến nay, các đoàn kiểm tra chưa phát hiện sản phẩm nào được bày bán trên địa bàn thuộc danh sách 11 công ty sữa giả do Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cảnh báo.


Yến Nhi - Hữu Nghĩa

 

Về Ấp 19/5...

Tại vùng quê yên bình xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, Ấp 19/5 không chỉ là một địa danh hành chính mà còn là biểu tượng sống động của tấm lòng người dân nơi đây đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi dịp tháng 5 về, đặc biệt là ngày 19/5 Sinh nhật Bác, ấp lại rộn ràng trong không khí tự hào nhắc nhớ và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn với Bác.

Chuẩn bị kỹ cho kỳ thi tốt nghiệp THPT

Năm 2025 là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ngành giáo dục Cà Mau chủ động, tích cực chuẩn bị kỹ các điều kiện cần thiết, bảo đảm nâng cao chất lượng dạy, học và tổ chức tốt kỳ thi.

10.508 thí sinh tham gia Kỳ thi thử tốt nghiệp THPT năm 2025

Sáng nay (17/5), các trường THPT trong tỉnh tổ chức Kỳ thi thử tốt nghiệp THPT năm 2025.

Người dân mong sớm khắc phục lộ sụt lún

Đã hơn 4 tháng trôi qua kể từ khi đoạn lộ tại ấp Ba Dinh, xã Định Bình (TP Cà Mau) bị sụt lún nghiêm trọng, nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục. Sự cố này không chỉ gây khó khăn cho việc đi lại của người dân mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, đặc biệt vào ban đêm khi khu vực thiếu ánh sáng.

Chung tay vì môi trường học đường an toàn

Sáng ngày 16/5, tại tỉnh Cà Mau, trong khuôn khổ Chương trình Caravan tuyên truyền, phổ biến pháp luật và an toàn giao thông (ATGT) học đường, Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp với Ban ATGT tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ phát động Cuộc thi online “Học sinh với an toàn giao thông” tại Trường THCS Nguyễn Mai, đồng thời khánh thành hệ thống lọc nước sạch tại Trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa (xã Khánh Tiến, huyện U Minh).

Sông nước Cà Mau trong tôi

Cà Mau, mảnh đất tận cùng của Tổ quốc, nơi những con sông, những kênh rạch uốn lượn mang màu phù sa ánh bạc, nơi rừng xanh đước, mắm hoà quyện cùng hơi thở mặn mòi của biển cả, nơi tràm xanh thơm ngát hương rừng. Sông nước Cà Mau không chỉ là một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ mà còn là hồn cốt, là hơi thở của vùng đất này, nơi con người và thiên nhiên gắn bó trong một mối tình sâu đậm, bền bỉ qua bao thế hệ.

Phú Tân quyết tâm hoàn thành chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát trong tháng 6

Chiều 15/5, Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Nguyễn Đức Hiển làm trưởng đoàn công tác kiểm tra kết quả thực hiện khai Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện Phú Tân.

Triển khai sàng lọc bệnh lao theo dự án ACT5

Sáng nay (15/5), Hội nghị triển khai sàng lọc về bệnh lao của dự án ACT5 diễn ra tại Bệnh viện Đa khoa Cà Mau.

Ông Tư Rô tiếp tục cải tiến sáng chế

Luôn cần mẫn, chăm chỉ và giữ tinh thần sáng tạo, sau sáng chế máy cày siêu nhẹ (đoạt giải Ba, Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 15, năm 2018-2019), hiện ông Nguyễn Văn Rô (Tư Rô), ấp Giá Ngự, xã Ðông Hưng, huyện Cái Nước, tiếp tục sáng chế, cải tiến thành chiếc máy cày 2 lưỡi, đánh rãnh thoát nước phục vụ gieo trồng vụ lúa trên đất nuôi tôm, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp và nuôi thuỷ sản trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay.

An cư để vươn lên

Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát đã và đang được triển khai quyết liệt tại các địa phương trong tỉnh, bước vào giai đoạn nước rút để về đích, với số lượng nhà hoàn thành là 3.842 căn, trong tổng số 4.194 căn đã khởi công. Nhiều căn nhà mới khang trang được hình thành, không chỉ là mái ấm an cư mà còn là động lực đối với nhiều hộ gia đình, giúp họ có thể vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống.