(CMO) Xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình có 555 hộ đồng bào dân tộc Khmer sinh sống tập trung ở 2 ấp: Cây Khô và Đường Đào. Trước đây, do đời sống còn khó khăn, nhiều gia đình phải chạy lo cái ăn, cái mặc hằng ngày nên ít quan tâm đến chuyện học hành của con em mình. Giờ đã khác trước, nhận thức của đồng bào dân tộc Khmer được nâng lên, hầu hết các gia đình đều chăm lo cho con đến trường.
Góc học tập của em Hữu Thị Tố Nữ, ấp Đường Đào, xã Hồ Thị Kỷ. |
Thầy Phan Thành Độ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồ Thị Kỷ, cho biết, ở ấp Cây Khô hiện nay, học sinh dân tộc thiểu số chiếm 1/3 học sinh toàn trường (168 em). Từ năm 2012 đến nay, giáo viên nhận chăm sóc học sinh nghèo, khó khăn trong đồng bào dân tộc như hỗ trợ quần áo và tập vở…
"Phong trào hiếu học rất phát triển, các em học chăm, học đều, không bỏ học giữa chừng. Có những trường hợp đặc biệt khó khăn do cha mẹ đi làm ăn xa, các em ở nhà với ông bà, nhà trường cùng với người uy tín trong đồng bào dân tộc đến vận động các em đến trường”, thầy Phan Thành Độ chia sẻ.
Gia đình bà Quách Thị Kện, dân tộc Khmer, ấp Đường Đào, xã Hồ Thị Kỷ là một điển hình trong phong trào hiếu học ở địa phương. Bà Kện cho biết: “Hơn 20 năm qua, gia đình tôi cũng bươn chải từ làm ruộng đến gói bánh tét bán, giăng lưới, đặt lờ bán từng con cá... để kiếm tiền nuôi 3 đứa con học đại học. Giờ con cái đã thành tài, 2 đứa là bác sĩ và 1 đứa là giáo viên. Con trai lớn nghỉ học năm lớp 7 để phụ gia đình nuôi các em ăn học, giờ có 2 đứa con học rất giỏi".
Toàn ấp Đường Đào có 295 hộ Khmer. Không chỉ có gia đình bà Kện, trong ấp còn nhiều gia đình nuôi con ăn học đến nơi đến chốn. Trường, lớp được đầu tư mở rộng, thu hút đông đảo các em đến trường.
Chị Hữu Thị Thắm, ấp Đường Đào có 2 người con. Con trai lớn của chị từng là học sinh giỏi, đang làm việc tại Công an huyện Thới Bình. Con gái đang học lớp 7, cũng là học sinh giỏi của trường.
Chị Thắm bộc bạch: “Ngày xưa nhà nghèo, vợ chồng tôi không được học hành đàng hoàng. Bây giờ kinh tế phát triển, nhà buôn bán nhỏ và nuôi tôm cũng đủ lo cho các con ăn học. Vợ chồng tôi quyết tâm cho các con học hành để sau này có cuộc sống ổn định”.
Niềm tự hào nhất của chính quyền và nhân dân xã Hồ Thị Kỷ là toàn xã có hơn 90% số trẻ được đến trường, 100% học sinh tốt nghiệp tiểu học và THCS đúng độ tuổi.
Em Hữu Thị Tố Nữ, học sinh lớp 7A2, Trường THCS Hồ Thị Kỷ, cho biết: “Em cảm ơn nhà trường và các nhà hảo tâm đã hỗ trợ tập vở cho em đi học. Em sẽ luôn cố gắng học thật tốt, vâng lời thầy cô và cha mẹ, học thật giỏi để thực hiện ước mơ, giúp ích cho xã hội, đền đáp công ơn cha mẹ và gia đình”.
Phó chủ tịch UBND xã Hồ Thị Kỷ Nguyễn Trung Thuật cho biết: “Việc chăm lo cho đồng bào dân tộc Khmer luôn được xã quan tâm. Bằng nhiều hình thức, trong đó xã chú trọng đầu tư chuyển đổi ngành nghề để bà con làm ăn, vươn lên thoát nghèo, chăm lo cho con cái ăn học, đẩy mạnh phong trào thi đua học tập trong đồng bào dân tộc Khmer”./.
Vũ Trân