Hơn 20 năm qua, hình ảnh ông Nguyễn Quang lọc cọc đạp chiếc xe cũ bán cà rem, rồi tần tảo thu mua ve chai; còn vợ của ông quẩy đôi gánh rong ruổi khắp nẻo góp nhặt đồ phế liệu đã quá quen thuộc với người dân khóm 6, thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi. Và họ càng khâm phục vợ chồng ông Quang khi biết các con ông bà, đứa đầu rồi đứa thứ hai tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu, còn cô con út thì cũng sắp tốt nghiệp đại học.
Hơn 20 năm qua, hình ảnh ông Nguyễn Quang lọc cọc đạp chiếc xe cũ bán cà rem, rồi tần tảo thu mua ve chai; còn vợ của ông quẩy đôi gánh rong ruổi khắp nẻo góp nhặt đồ phế liệu đã quá quen thuộc với người dân khóm 6, thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi. Và họ càng khâm phục vợ chồng ông Quang khi biết các con ông bà, đứa đầu rồi đứa thứ hai tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu, còn cô con út thì cũng sắp tốt nghiệp đại học.
Lan toả phong trào “gia đình hiếu học”
Gia cảnh khó khăn, vợ chồng ông Quang gắn bó với nghề ve chai, chắt chiu từng đồng với tâm niệm: gắng lo cho con cái chữ để cái nghèo không đeo bám. Tâm niệm ấy của ông đã thành hiện thực khi cô con gái lớn là Nguyễn Thị Như Ý, tốt nghiệp loại xuất sắc ngành Sư phạm Địa lý, Trường Đại học Cần Thơ, hiện đang dạy ở Trường THCS Lê Hồng Phong (thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân) cô con gái thứ hai là Nguyễn Thị Kim Anh, tốt nghiệp Đại học Ngữ văn loại giỏi, hiện là Biên tập viên Phòng Thời sự của Đài PT-TH tỉnh Hậu Giang; còn cô út Nguyễn Thị Ngọc Anh là sinh viên giỏi năm 3 ngành Luật Tư pháp, Trường Đại học Cần Thơ. Năm 2014, gia đình ông Quang được công nhận thoát nghèo.
Nhờ suất học bổng của Ban Khuyến học dòng họ Ðỗ Thừa Luông - Ðỗ Thừa Tự và sự động viên của thầy cô, bè bạn, cô bé Lê Lam Thiên phấn đấu học tập để đạt loại giỏi trong năm học này. |
“Hằng ngày, vợ chồng tôi tằn tiện, kiếm được chỉ hơn 100.000 đồng, có lúc chỉ vài chục ngàn. Lo tiền học phí cho các con rất nhọc nhằn, nên các chi phí khác mấy đứa đều tự lo làm thêm để trang trải. May mà các con tôi đều rất ham học và học rất giỏi, được nhiều suất học bổng và được vay vốn sinh viên”, ông Quang tâm tình. “Khoe” với khách về những tấm bằng khen, giấy khen của các cấp trao tặng, ông Nguyễn Quang nở nụ cười mãn nguyện, coi như vợ chồng ông đã hoàn thành tâm nguyện của mình.
Từ năm 2009 đến nay, huyện Đầm Dơi có hơn 4.500 hộ được công nhận “Gia đình hiếu học”. “Không chỉ có gia đình ông Quang, trong huyện Đầm Dơi này, nhiều gia đình nghèo không chỉ ra sức phát triển kinh tế mà còn cố gắng, quyết tâm lo cho con cháu học hành thành tài, rất đáng trân trọng. Hiện nay có rất nhiều con em học đại học, sau đại học trở về làm việc, góp sức xây dựng quê hương. Những “nhân tài” đó là tấm gương và là động lực để thế hệ sau tiếp nối truyền thống hiếu học, góp sức xây dựng và phát triển quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh”, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Đầm Dơi Nguyễn Quốc Kháng phấn khởi thông tin.
Ban Khuyến học dòng họ Đỗ Thừa Luông - Đỗ Thừa Tự trao học bổng cho các em học sinh. |
Ông Nguyễn Quốc Kháng cho biết thêm, nhằm tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân, các trung tâm học tập cộng đồng mở nhiều lớp học cho các đối tượng khác nhau đáp ứng nhu cầu của người dân với 3 chức năng chủ yếu: giáo dục, thông tin và tư vấn, phát triển cộng đồng.
“Đáng phấn khởi là đối tượng học sinh bỏ học ít dần, chủ yếu các em tham gia để được hướng nghiệp, tư vấn việc làm. Cán bộ ấp, xã, còn có cả những người nông dân đăng ký học để có được chuẩn học lên bậc học khác. Nhờ đó, nhiều gia đình, dòng họ đăng ký danh hiệu “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học”, tạo nên xã hội học tập của huyện nhà. Chỉ tính riêng năm 2015, có hơn 500 gia đình và 9 dòng họ đăng ký mới”, ông Kháng vui mừng.
Điểm sáng dòng họ khuyến học
Trong ngày khai giảng năm học 2015-2016 của Trường Tiểu học Đỗ Thừa Luông, phường 1, TP Cà Mau, có 10 học sinh được nhận học bổng của Ban Khuyến học dòng họ Đỗ Thừa Luông - Đỗ Thừa Tự. Có 3 em học sinh nhận học bổng này, cô Nguyễn Thị Bích Lệ, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A, Trường Tiểu học Đỗ Thừa Luông, phường 1, TP Cà Mau, chia sẻ: “Dù hoàn cảnh rất khó khăn nhưng các em rất ham học và đạt thành tích khá, giỏi. Thế nên, những suất học bổng, những quyển tập, sách trao tay là phần thưởng quý giá, là nguồn động lực thúc giục các em phải phấn đấu hơn trong học tập và vượt qua nghịch cảnh".
Từ năm 2011 đến nay, Ban Khuyến học dòng họ Ðỗ Thừa Luông - Ðỗ Thừa Tự đã trao hơn 100 suất học bổng từ hoạt động tự phát kêu gọi anh em dòng họ cùng nhau giúp học sinh nghèo có thêm động lực học tập. Tháng 2/2015, Ban Khuyến học dòng họ Đỗ Thừa Luông - Đỗ Thừa Tự chính thức được thành lập tại xã Hoà Thành (TP Cà Mau). Đây là mô hình khuyến học dòng họ đầu tiên trong tỉnh được công nhận và đi vào hoạt động.
Ông Nguyễn Quang phấn khởi xem lại thành tích học tập của 3 người con. |
Ông Đỗ Văn Nghiệp, Trưởng Ban Khuyến học dòng họ Đỗ Thừa Luông - Đỗ Thừa Tự, cho biết: “Để nâng cao hiệu quả hoạt động, chúng tôi bầu ra ban khuyến học của dòng họ với 23 thành viên; thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền về truyền thống hiếu học của dòng họ. Bên cạnh, tích cực vận động các gia đình chăm lo con cái học hành để xây dựng “Gia đình hiếu học”; thường xuyên quan tâm tới việc học của con cháu trong dòng họ, có biện pháp giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn để tạo điều kiện cho các cháu đến trường. Đồng thời, động viên, khuyến khích để tất cả con cháu nội, ngoại họ Đỗ tham gia công tác khuyến học tại địa phương; kêu gọi đóng góp xây dựng quỹ học bổng”.
Theo ông Đỗ Văn Nghiệp, số tiền đóng góp được dùng để trao thưởng cho học sinh đạt thành tích cao trong học tập, học sinh đỗ đại học, cao đẳng, cũng như trao học bổng cho học sinh nghèo có nguy cơ bỏ học, có hoàn cảnh khó khăn… Khi chưa sử dụng, tiền được gởi ngân hàng hoặc đưa vào kinh doanh, sản xuất tiếp tục sinh lợi.
Phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, nhiều gia đình, dòng họ có cách riêng của mình trong hỗ trợ con em học tập và nó đã trở thành điểm tựa, là nguồn động viên, hỗ trợ, giúp đỡ con em trong gia đình, dòng họ mình vượt khó, học giỏi, thành đạt./.
Theo ông Lê Văn Vượng, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Cà Mau, thời gian qua phong trào xây dựng “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học” tiếp tục phát triển trong cộng đồng, được cấp uỷ Đảng, chính quyền đánh giá cao. Đến nay, toàn tỉnh đã xét và công nhận hơn 43.700 hộ đạt chuẩn “Gia đình hiếu học”. Hiện, 101 trung tâm học tập cộng đồng trong tỉnh đã và đang cố gắng đổi mới hoạt động để đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời của các tầng lớp Nhân dân. Bên cạnh, từ năm 2011 đến nay, phong trào cộng đồng khuyến học với các hoạt động vận động xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài nhận được sự đóng góp trên 77 tỷ đồng (gồm tiền mặt và hiện vật quy thành tiền). Từ số tiền này, đã có hơn 21.000 suất học bổng được trao cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học. |
Bài và ảnh: Băng Thanh