ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 21:52:10
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ðời biển cạn

Báo Cà Mau (CMO) Biển cả bao la là nguồn sống của hàng ngàn ngư dân trên địa bàn huyện Trần Văn Thời. Ngoài những hộ có điều kiện vươn xa bám biển, phần nhiều ngư dân vẫn hành nghề khai thác biển ven bờ. Ông Năm Ẩn (Nguyễn Ngọc Ẩn, ấp Kinh Hòn Bắc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) là một trong số đó.

Rời đất biển Kiên Giang, lặn lội đến Cà Mau cư ngụ với ý nghĩ “đất lành chim đậu” từ trước khi cơn bão số 5 năm 1997. Nghề biển gần bờ là chỗ dựa mưu sinh duy nhất của gia đình ông Năm Ẩn gần trọn cuộc đời. Thuở đầu chỉ một chiếc ghe gỗ nhỏ làm nghề te, sau sắm thêm được chiếc vỏ composite để làm nghề câu kiều. 66 tuổi đời, mái đầu đã bạc trắng, được cái đôi mắt vẫn còn khoẻ, sức còn bền, hàng ngày, ông Năm Ẩn vẫn bám biển mưu sinh.

Ông Năm Ẩn bày tỏ: “Mùa đẩy te ruốc thì hai vợ chồng cùng đi, còn đi câu kiều thì tôi đi một mình. Câu kiều thì làm từ tháng 9 âm lịch đến tháng 3 năm sau, đi từ 12 giờ khuya đến 4, 5 giờ sáng. Mùa ruốc vừa rồi cũng được mười mấy, hai chục triệu”.

Ông Nguyễn Ngọc Ẩn (ấp Kinh Hòn Bắc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) tẩn mẩn vô từng lưỡi câu, chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới.

Những tưởng nghề biển ven bờ thu nhập khá cao, thế nhưng, không mấy ổn định, khi nghề biển vốn phụ thuộc vào thời tiết, những phương tiện thô sơ như của ông Năm Ẩn không đủ sức chống chọi với mưa gió. Bởi vậy, chưa kể dù chưa có bão, hay chỉ dự báo áp thấp nhiệt đới, chỉ cần thấy trời hơi dông gió là ông Năm Ẩn đành cho phương tiện nằm bờ. Vậy nên, ông hay bảo: “Nghề biển ven bờ này là vậy, 6 tháng làm 6 tháng nghỉ. Một ngày làm có thu nhập có khi phải trang trải cho cả chục ngày sau”.

Cũng gắn liền với đời biển cạn, lão nông Huỳnh Việt Hùng được biết đến là ngư dân đầu tiên đem nghề câu kiều về xứ biển Kinh Hòn Bắc này, từ lúc chưa có dụng cụ gắp câu tiện lợi như bây giờ mà “phải móc trên be xuồng rồi thả xuống”. 30 năm dựa vào biển cả mà sống, ông Hùng hiểu rõ như lòng bàn tay cái nghề sông nước này. “Hồi đó, cá nhiều lắm. Với 6.000 câu, 1 ngày đánh bắt được 100-200 kg cá đuối, cá quát là bình thường, nhưng bán buôn khó khăn chớ không được như bây giờ. Qua nhiều năm đánh bắt, nay tôi còn 280 gắp câu. Bữa đánh bắt được vài trăm ngàn đồng. Như sáng nay, được 9 kg cá, được hơn bốn trăm”.

Xong mùa câu kiều thì ông Hùng quay qua nghề lưới cá. Buông cái này bắt cái kia, với ông Hùng, miễn chịu khó thì việc làm từ biển ven bờ cũng có được quanh năm, mặc dù sản lượng thuỷ sản dồi dào chỉ còn là quá khứ. Làm lụng, chắt chiu, ông Hùng dần có cuộc sống ổn định, 4/5 người con của ông cũng tiếp tục mưu sinh với nghề biển.

Thu nhập từ biển ven bờ cũng giúp nuôi nấng 2 trong số 3 người con của ông Võ Lâm Sơn (ấp Kinh Hòn Bắc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) học hành thành tài. Ông Sơn bộc bạch: “Từ Cái Nước về vùng này lập nghiệp đã 30 năm. Nhờ có đất đai, nhà cửa riêng nên cuộc sống ổn định. Ðể kiếm sống thì đóng ruốc, câu kiều. Nghề biển phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Ðể tránh nguy hiểm, tôi cũng như bà con ở đây thường theo dõi dự báo thời tiết qua cài đặt phần mềm trên điện thoại hoặc theo dõi qua tivi”.

Sản lượng thuỷ sản không còn dồi dào như xưa, phương tiện đánh bắt ngày càng nhiều, thị trường khai thác vẫn vậy, ngư dân với nghề khai thác biển ven bờ đã khổ nay càng khó hơn trước tình trạng mất trộm ngư cụ trên biển.

75 tuổi, chân trái bị tật nhưng hàng ngày, ông Nguyễn Văn Hận (ấp Kinh Hòn Bắc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) vẫn hành nghề câu kiều để kiếm sống. Sản lượng thuỷ sản ít dần, phải khéo lắm, ông Hận mới lo được cho cuộc sống của hai vợ chồng già. Vậy mà, gắp câu cứ liên tục bị mất trộm, làm cho ông Hận càng túng quẫn thêm.

Ông Hận cho biết: “Trước 200 gắp câu, giờ còn mấy chục thôi. Cách đây 10 ngày mất 60 gắp, 3, 4 bữa nay mất nữa. Kiểu này chỉ còn nước tối giăng ngoài biển rồi chừng nào vô cuốn vô luôn, chớ hông dám để như xưa. Mất gắp câu, giờ không có dụng cụ để làm, còn chờ có đủ vốn sắm lại, không biết đến khi nào. Chục gắp cả triệu bạc lận”.

May mắn hơn phần nào khi có điều kiện sắm được phương tiện khai thác biển với công suất 48 và 72CV. Thế nhưng, nghề biển của anh Võ Việt Khanh (ấp Sào Lưới B, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời) cũng khó khăn vô vàn. Cách đây 7 năm, thuở mới tập tành làm biển, với nghề lú ven bờ, mỗi chuyến ra khơi, anh Khanh thu nhập cũng được vài chục triệu đồng. Thấy nghề biển sống được, anh Khanh tậu thêm phương tiện cũng làm nghề lú. Nhưng vài năm gần đây, sản lượng thuỷ sản vơi dần, nhất là năm nay, giá xăng dầu tăng mạnh, không ổn định, nghề biển ven bờ càng khó khăn hơn.

Anh Khanh cho biết: “Mấy đợt giá xăng lên ba mươi mấy ngàn một lít là không lời lớm gì, như cho bạn mượn ghe chạy. Nhưng cũng phải làm, chớ đâu thể cho ghe nằm bờ. Vì ghe biển của mình là chỗ sống của nhiều người, rồi còn phải giữ mối bạn nữa”.

Thu nhập bấp bênh nhưng nghề biển ven bờ cũng đem lại cơm ăn áo mặc, nuôi con chữ cho bao thế hệ. Những ngư dân như ông Hùng, ông Sơn, anh Khanh và bao ngư dân với đời biển cạn chỉ mong sao thiên nhiên còn ưu ái với con người và con người cũng biết giữ gìn nguồn lợi thuỷ sản. Và sâu thẳm là ước mong an cư lạc nghiệp. Như tâm tình của ông Năm Ẩn: “Ước mong duy nhất là có được 1, 2 công ruộng, đào ao nuôi cá, chứ tuổi này rồi, làm ruộng đâu nổi nữa”./.

 

Ngọc Minh

 

Tái diễn lấn chiếm lòng đường trước cổng bệnh viện

Theo ghi nhận và xác minh thực tế của phóng viên Báo Cà Mau, khu vực trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau gần đây thường xuyên xuất hiện tình trạng mua bán thức ăn lấn chiếm lòng đường.

Trường Đại học Bình Dương Phân hiệu Cà Mau: Đào tạo hơn 2 ngàn sinh viên

Năm học 2023-2024 đánh dấu chặng đường 27 năm Trường Đại học Bình Dương hình thành và phát triển. Riêng tại Phân hiệu Cà Mau đến nay đã tuyển sinh và đào tạo được 11 khoá học.

Xây dựng khu dân cư tự quản đoàn kết, ấm no, hạnh phúc

Xây dựng khu dân cư (KDC) tự quản đoàn kết, ấm no, hạnh phúc, là mô hình đột phá mà Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau hướng đến trong nhiệm kỳ 2024-2029, với mục tiêu hướng mạnh hoạt động về cơ sở, địa bàn KDC. Ðể mô hình này thực hiện có hiệu quả, đòi hỏi sự đồng thuận, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân.

Chuyến xe yêu thương

Với mong muốn san sẻ khó khăn, tương trợ đồng bào các tỉnh phía Bắc đang phải chịu thiệt hại, mất mát nặng nề do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra, Huyện đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Trần Văn Thời phối hợp với Bưu điện huyện phát động thực hiện chương trình “Chuyến xe yêu thương” từ ngày 12-17/9. Chương trình đã nhận được sự đồng hành của nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân, lan toả mạnh mẽ tình yêu thương, sẻ chia và giúp đỡ trong nghĩa đồng bào.

Những ngôi nhà ấm áp nghĩa tình

Thời gian qua, các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, địa phương trên địa bàn huyện Trần Văn Thời đã vận động, huy động mọi nguồn lực để xây dựng, sửa nhà ở cho hộ nghèo. Nhờ sự chung tay, đồng tình hưởng ứng, ủng hộ với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, hàng trăm ngôi nhà Ðại đoàn kết ấm áp nghĩa tình đã được xây dựng, giúp hộ nghèo có chỗ ở ổn định, từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Người dân Năm Căn hướng về đồng bào miền Bắc

Cơn bão số 3 (còn gọi là bão Yagi) đã qua đi, nhưng sự khốc liệt của nó đã gây thiệt hại rất nặng nề cho đồng bào ở một số tỉnh miền Bắc. Bằng tấm lòng ruột thịt Bắc - Nam một nhà, người dân tỉnh Cà Mau nói chung, huyện Năm Căn nói riêng đã có những việc làm thiết thực, nhằm sẻ chia, động viên bà con sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Trao học bổng "Quỹ xe đạp chở ước mơ"

Chiều 18/9, kỷ niệm 28 năm thành lập và Tháng hành động vì trẻ em, Công ty Bảo Việt nhân thọ Cà Mau tổ chức trao học bổng xe đạp cho các em học sinh nghèo hiếu học. Đây là hoạt động trong chương trình “Trao hơn cả cam kết” thể hiện sự quan tâm, chia sẻ khó khăn với các em học sinh nghèo hiếu học. 

Chống ngập cho TP Cà Mau cần giải pháp căn cơ

Hệ thống mương thoát nước thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo năng lực, cùng với cao trình nhiều tuyến đường thấp hơn so với mực nước triều cường... được xác định là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngập cục bộ tại nhiều khu vực trên địa bàn TP Cà Mau khi có mưa lớn.

Nhà văn hoá ấp xanh, sạch, đẹp

Mô hình trang trí Nhà văn hoá - Khu thể thao ấp, khóm xanh, sạch, đẹp và có nội dung hoạt động phong phú, được huyện Thới Bình linh hoạt tổ chức thành cuộc thi. Từ đó, góp phần thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh trên địa bàn huyện.

Cô bé Trạng nguyên tiếng Anh

Tại Festival Trạng nguyên tiếng Anh toàn quốc năm 2024, do Báo Thiếu Niên Tiền Phong và Nhi Ðồng tổ chức, tại Ðại học Hàng hải Việt Nam, TP Hải Phòng, tỉnh Cà Mau có duy nhất một em đạt danh hiệu "Trạng nguyên tiếng Anh". Ðó là em Vũ Bảo Ngọc, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Lê Quý Ðôn (Phường 9, TP Cà Mau).