Cùng với sự phát triển chung của toàn ngành giáo dục cả nước và tỉnh Cà Mau, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên trên địa bàn huyện Ngọc Hiển từng bước được chuẩn hoá theo từng cấp học và trình độ đào tạo. Nhiều đảng viên, giáo viên thể hiện rõ tính tiên phong, gương mẫu trong việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, góp phần cùng toàn ngành giáo dục huyện Ngọc Hiển hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận giáo viên chưa nhận thức một cách đầy đủ, toàn diện, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng. Vẫn còn có những ý kiến cho rằng, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là việc của cấp uỷ đảng, chính quyền, ngành tuyên giáo, quân đội, công an... chứ không phải của giáo viên.
Nhận thức như vậy là chưa đúng. Chính từ chỗ nhận thức chưa đầy đủ việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng dẫn tới trên tài khoản Facebook, Zalo trong đội ngũ giáo viên vẫn còn chia sẻ những thông tin thiếu kiểm chứng, những hình ảnh, video thiếu tính giáo dục. Vẫn còn một bộ phận nhà giáo “thờ ơ” trước những sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, của địa phương, cần phải được kịp thời chấn chỉnh.
Tranh: Minh Tấn
Mỗi thầy, cô giáo trong giai đoạn hiện nay không chỉ làm tốt nhiệm vụ giảng dạy mà còn phải tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Ðảng trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo cần phải tập trung thực hiện tốt một số nội dung, yêu cầu sau:
Thứ nhất, phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp; tuyệt đối tin tưởng vào mục tiêu lý tưởng cách mạng của Ðảng.
Ðể tu dưỡng phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trước hết mỗi thầy, cô giáo phải là một tấm gương tự tu dưỡng rèn luyện để tự hoàn thiện nhân cách của mình. Từ lời nói, cử chỉ, hành động trong giao tiếp hằng ngày của người thầy đều ảnh hưởng đến học sinh của mình; một hành vi thiếu chuẩn mực của người thầy có thể làm mất niềm tin của cả một thế hệ. Vì vậy, cùng với tự bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, mỗi thầy, cô giáo phải có ý thức tự tu dưỡng rèn luyện về đạo đức, giữ gìn danh dự, phẩm chất người thầy để lan toả những chuẩn mực đạo đức tốt đẹp đến các thế hệ học trò. Dạy chữ gắn với dạy người, quá trình dạy học phải là quá trình hình thành nhân cách cho người học.
Thứ hai, phải tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ, người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền đối với đội ngũ nhà giáo.
Tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ, người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo nói chung và việc xây dựng đội ngũ giáo viên nói riêng, giúp cấp uỷ, người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền thấy được những thuận lợi, khó khăn trong việc phát triển giáo dục - đào tạo ở địa phương mình; đồng thời cũng thấy được chất lượng thực trạng, trình độ của đội ngũ giáo viên để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hoá đội ngũ giáo viên đáp ứng với yêu cầu phát triển giáo dục trong thời đại mới.
Thực tế cho thấy, khi nào, địa phương nào người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi xây dựng đội ngũ giáo viên thì phong trào dạy tốt, học tốt ở địa phương đó được nâng cao.
Thứ ba, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng.
Ðây là vấn đề thuộc về trách nhiệm và nêu gương của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Theo yêu cầu cơ cấu hiện nay ở các bậc học từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, hiệu trưởng cũng đồng thời là bí thư chi bộ.
Với vai trò bí thư chi bộ là người chủ trì công tác tư tưởng của Ðảng ở chi bộ, vì vậy hiệu trưởng có vai trò đặc biệt quan trọng trong mọi hoạt động của nhà trường, từ vai trò lãnh đạo đến vai trò là người thủ trưởng cơ quan.
Hiệu trưởng phải là người tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Ðảng. Thực sự tiêu biểu, tiên phong đi đầu trong mọi hoạt động của nhà trường, trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng hiện nay để truyền cảm hứng cho đội ngũ giáo viên.
Thứ tư, mỗi thầy, cô giáo phải ý thức rõ trách nhiệm của mình trong việc đấu tranh phản biện với các luận điệu sai trái, thù địch trên không gian mạng; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng.
Ðể thực hiện tốt nhiệm vụ này, đòi hỏi mỗi thầy, cô giáo phải nắm vững các quy định của Ðảng; chấp hành nghiêm các quy định về phát ngôn, cung cấp thông tin báo chí, nói, viết đúng quan điểm của Ðảng.
Mỗi thầy, cô giáo phải tích cực tham gia viết, chia sẻ những thông tin bổ ích, tăng lượng tương tác trên mạng chính thống và thường xuyên thể hiện tình cảm, yêu quê hương đất nước.
Khi trên mạng xã hội xuất hiện những bài viết mang tính xuyên tạc, không đúng với quan điểm, đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bằng lý luận, kiến thức của mình, thầy cô giáo phải có chính kiến. Dùng lý luận cách mạng và khoa học chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để viết bài, phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị một cách thuyết phục.
Thứ năm, phối hợp với các bậc phụ huynh giáo dục các em học sinh về ý thức, trách nhiệm khi truy cập Internet và mạng xã hội.
Cuộc sống hiện đại với chiếc điện thoại thông minh kết nối mạng Internet là nhu cầu thiết yếu không thể thiếu đối với con người. Từ đó, rất nhiều em sử dụng Facebook, Zalo, tham gia nhóm kín, thậm chí có không ít học sinh nghiện game Online làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập. Trong giảng dạy, các thầy, cô giáo phải biết lồng ghép những nội dung kiến thức, kỹ năng về sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, lành mạnh cho học sinh.
Thứ sáu, xây dựng môi trường văn hoá học đường lành mạnh, trường học thân thiện, hạnh phúc. Ðây là vấn đề cần được quan tâm trong xây dựng môi trường văn hoá trường học hiện nay. Chỉ cần vào mạng Internet đánh vào từ khoá “văn hoá học đường” hoặc “bạo lực học đường”, chỉ trong vòng chưa đầy 1 giây, Google cho hiển thị kết quả hàng ngàn những thông tin, bài viết, clip, những hình ảnh phản cảm trên không gian mạng, về thực trạng văn hoá học đường đến mức đáng báo động!
Ðể xảy ra những chuyện phản giáo dục trong môi trường học đường là trách nhiệm của toàn xã hội, nhưng trước hết là trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và mỗi thầy cô. Vì vậy, mỗi thầy, cô giáo với lương tâm nghề nghiệp, tình thương và trách nhiệm, phải xây dựng cho được môi trường văn hoá học đường lành mạnh để các em “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Nhà trường thực sự là nơi rèn luyện nhân cách, giáo dục các em sống có hoài bão, có lý tưởng cao đẹp.
Thứ bảy, mỗi thầy, cô giáo phải tích cực tham gia viết bài dự thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và các cuộc thi tìm hiểu về văn hoá con người Việt Nam.
Tham gia cuộc thi viết chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh với các quan điểm sai trái thù địch, là dịp tốt để mỗi thầy, cô giáo nâng cao trình độ viết, trình độ lập luận, phản biện, kỹ năng sưu tầm tư liệu, chọn nhập và xử lý thông tin. Khi đó sẽ có nhiều bài viết với những lập luận sắc sảo, thuyết phục, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch trên không gian mạng hiện nay./.
Lê Xuân Hùng