ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 10-5-24 21:50:16
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ðội quân kiến vàng

Báo Cà Mau Thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một số địa phương ở miền Nam, như Bến Tre, sáng tạo cách đánh giặc bằng hầm chông kết hợp ong vò vẽ, làm cho kẻ địch bao phen bạt vía... Ở Cà Mau, lại có loại vũ khí lợi hại chẳng kém ong vò vẽ, khiến quân nguỵ bị một phen điếng hồn, bỏ chạy, đó là “đội quân kiến vàng”, không phải nuôi và cũng không huấn luyện gì.

Mũi Ông Lục là khu rừng chồi, ngập mặn, sầm uất, với nhiều loại cây tạp, dây leo, cóc kèn, ráng, ô rô... mọc um tùm quanh gốc mắm, bần, vẹt và mấy cây gừa cao to, gie tàn rộng. Có 3 con rạch Xẻo Vẹt Lớn, Xẻo Vẹt Nhỏ và rạch Trảng Chim ngoằn ngoèo trong khu rừng. Suốt những năm chiến tranh, các loại máy bay Mỹ như “đầm già” (L19), trực thăng vũ trang... nhiều trận phóng pháo, oanh kích và các cụm pháo Chi khu Rạch Ráng, Giá Ngự không ngớt bắn phá vào khu rừng Mũi Ông Lục và các vùng xung quanh.

Khu rừng Mũi Ông Lục vẫn tồn tại qua 2 cuộc kháng chiến, đã thành những kỷ niệm, bi hùng, sống động trong ký ức nhiều người.

Ðịa phương quân huyện Cái Nước hành quân qua xóm Tân Phú Thành. Cùng một đêm này, ta tấn công 2 đồn Quản Phú và Thứ Vãi nằm trên tuyến phòng thủ, bảo vệ đặc khu Bình Hưng. (Ảnh tư liệu)

Thời luật 10/59, tên Quến ở Bến Ðìa, đầu sỏ, dẫn hàng trăm lực lượng “tự vệ hương thôn” (tổ chức bán võ trang của Ngô Ðình Diệm) càn vào khu rừng Mũi Ông Lục, đập phá, đốt chòi căn cứ của cán bộ Huyện uỷ Cái Nước. Chúng dùng cây chọc thủng bồn chứa nước mưa và lấy gạo cho xuống bùn... Tên Quến thúc tốp “tự vệ hương thôn” tràn qua rạch vây bắt, giựt súng cán bộ ta, đã bị anh Ba Tài (sau này là Phó bí thư Huyện uỷ Cái Nước) bắn hạ.

Anh Lê Hữu Nghiêm (Út Rô) năm 1959 là chàng trai 20 tuổi cùng gần chục anh chị em Chi uỷ, Chi đoàn xã Tân Hưng Ðông bị lính giặc Chi khu Cái Nước kết hợp “tự vệ hương thôn” bao vây, lùng bắt... Suốt cả ngày lẩn tránh ở vùng đất bồn bồn, bông súng, thuộc đất chú Tư Mên, Năm Nhịn (ấp Trần Mót), bị đói lả. Ai nấy tự nhổ củ bồn bồn nhai “cầm hơi”.

Xế chiều, các anh chị “mở đường máu” thoát vòng vây của địch, về đến ven rừng Mũi Ông Lục. Dù đói, khát, mệt lả nhưng người nào mặt mày cũng tươi rói, cười tươi mà không được nói lớn tiếng. Ðịch không tài nào theo kịp dấu chân các anh chị để bắt những “cán bộ Việt cộng nằm vùng”, như chúng đã la hét inh ỏi đồng Trần Mót.

Mỗi người xúm làm một việc: càn, đạp sậy tạo mặt bằng; kiếm cây dựng sườn, dùng những sợi mây vóc căng dọc căng ngang, phủ cao su lên... Sau khi lều tạm dựng xong, anh Út và anh Bảy Sao còn trẻ, khoẻ, được giao việc ra bìa rừng “thám thính” tình hình và kiếm củi nhánh khô về nấu cháo...

Hai người ngồi nghỉ dưới gốc bình bát, hút thuốc. Có lẽ đây là nơi tránh nắng của những người làm rẫy... Anh Bảy Sao liếc nhìn, bỗng phát hiện bờ bên kia có 2 trái bí rợ ngay bụi ráng. Thế là 2 anh mỗi người ôm 1 trái về “cứ” nấu ăn đỡ đói chiều nay...

Trưa hôm sau, anh Út và anh Bảy Sao men theo bờ hậu rẫy nghe ngóng tình hình, nếu không có gì “động” thì vào xóm gặp bà con... Ðằng bụi bình bát có mấy bóng người. Hai anh dừng lại dò xét: Bà con làm rẫy hoặc tránh giặc? Anh Bảy Sao đi trước, anh Út từ từ theo sau... Ðến chỗ mấy chú ngồi dưới gốc bình bát, anh Bảy Sao vừa cất tiếng: “Thưa mấy chú...” đã được niềm nở, gọi:

- Lại đây, lại đây! Mấy chú chờ các cháu lâu rồi, ngồi xuống.

Dáng vóc những người đứng tuổi này có vẻ hiền từ, chất phác. Cả 3 người đều mặc bà ba đen, vải hột dền. Tay áo ngấm phèn, chiếc quần dài khỏi đầu gối cũng ngấm phèn. Hai anh quây quần bên các lão nông... Chú Bảy Lợi vóc người nhỏ nhắn, vầng trán cao và rộng, giọng nói chậm rãi mà chắc nịch:

- Giới thiệu cho mấy em biết, đây là chú Tư Dần, nhà ở ngoài bờ sông, gần nhà của chú. Còn ông này là chú Hai Ngoan (anh ruột của chú Tư Dần), nhà gần đập Xẻo Tra đằng kia! Mấy anh em tôi vào đây làm rẫy mấy mùa rồi, chưa hề mất trộm một trái bắp, một củ khoai...

Anh Bảy Sao tiếp lời:

- Hôm qua, 2 cháu đây cùng 7-8 anh chị em thoát vòng vây của địch ở cánh đồng ông Một Hồ, từ đìa ớt về đây... Tại gốc bình bát này, 2 anh em ngồi nghỉ mệt. Ðói, khát cả ngày. Chục người chỉ còn vài lon gạo... Rồi 2 cháu thấy 2 trái bí rợ, không biết của ai, đánh liều ôm về nấu trộn với gạo ăn đỡ lòng, sau sẽ tìm đến gặp cô bác nhận lỗi...

Chú Tư Dần cười, ngắt lời Bảy Sao:

- Ðúng là có lỗi quá còn gì? Mấy em có lẽ được cách mạng dạy dỗ “không được động đến cây kim sợi chỉ của dân”, vậy mà 2 người “cõng” hết 2 trái bí của bà con ở đây mà không dám cho hay sớm. 2 trái bí rợ đó là của ông Bảy này nè! Phải liên hệ được các cháu sớm thì cuộn luôn rẫy bí của ổng mang về cho anh em ăn no thì 2 cháu đâu có lỗi...

Chú Hai Ngoan phụ hoạ thêm:

- Chú Tư nói đúng đó! Lỗi của 2 cháu là không liên hệ sớm với bà con xóm này để nắm tin tức, rồi bà con báo tin bên ngoài cho anh em biết và còn cung cấp gạo thóc cho anh em bên trong kịp thời mới phải... Sáng nay, mấy chú thấy 2 trái bí “biến mất”, mừng trong bụng, biết chắc anh em mình còn tồn tại... Mấy tháng trước, bọn thằng Kèm, thằng Quến dẫn lính lùng sục vào rừng Mũi Ông Lục này tìm gặp “cứ” của anh em cán bộ, lục soát thấy mấy thùng gạo, chúng đổ ra vung vãi dưới chân rừng...

Chúng nó hí hửng lắm! “Việt cộng nằm vùng” sẽ bị tiêu diệt bằng đạo luật 10/59.

Chúng nó đã bị đền tội. Và cái kho gạo đang nằm ở trong lòng dân thì chúng làm sao cướp phá hết được. Hai cháu đến dưới gốc bụi ráng có 2 trái bí rợ hôm qua, lấy 2 thùng gạo của mấy chú chôn giấu ở đó. Mấy cháu nhớ tìm cho kỹ và tới đây thường để liên hệ với bà con...

Và, trong đời anh Lê Hữu Nghiêm (Út Rô) mãi không quên kỷ niệm với câu chuyện những trái bí rợ và hạt gạo nghĩa tình ở điểm hẹn Mũi Ông Lục này trong những tháng năm đen tối, khốc liệt nhất.

Bà con ở Giáp Nước còn nhớ hình ảnh chú Sáu Nguyên (1918), cán bộ Huyện uỷ Cái Nước, với khẩu súng ngắn oai phong, có bảo vệ, hoạt động bí mật sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954... Cảnh gia đình ly tán, trong lúc vợ con bị giặc lùa ra khu tập trung ở Bà Hính, quân giặc quận Cái Nước lại càn quét, đánh phá vào căn cứ Mũi Ông Lục; chú xông lên cùng anh em chiến đấu bằng khẩu súng ngắn, bắn đến viên đạn cuối cùng và hy sinh lạnh lẽo trong khu rừng cuối năm 1959.

Ðầu những năm 60, anh Tám Thậm là Trưởng đài Minh ngữ của bộ phận Thông tấn trực thuộc Ban Tuyên huấn tỉnh Cà Mau, làm việc trong căn chòi cặp bìa rừng Mũi Ông Lục, hằng ngày vào nhà dân trên bờ sông Giáp Nước, chỉ ăn 1 bữa cơm trưa rồi trở ra làm việc tới chiều tối (1962-1964)... (Anh Tám Thậm, tức Ðại tá Trần Phương Thế, Phó giám đốc Công an tỉnh Cà Mau, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân sau này...).

Sau Mậu Thân 1968, giặc ráo riết phản kích quyết liệt... Năm 1969, trận đánh giặc đổ quân xuống Giáp Nước, quân ta bắn rơi 1 chiếc trực thăng, bốc cháy và cắm đầu xuống rạch Trảng Chim, một tên phi công Mỹ bị chết cháy nhăn răng... Nữ Nhà báo Hồng Nhiên kịp lội ra hiện trường và tận mắt chứng kiến. Khi viết bài đăng báo Cà Mau, Hồng Nhiên tả chi tiết này: "Tên phi công Mỹ bị chết cháy nhăn răng như răng rùa...". Ngỡ rùa có răng, chị liên tưởng vậy. Năm ấy, Nhà báo Nguyễn Mai gọi Hồng Nhiên là “Chị Hai răng rùa”...

Trải qua bao mưa bom bão đạn, cánh rừng Mũi Ông Lục vẫn tồn tại, sừng sững, thách thức với thời gian và càng trở nên sầm uất - nơi xây tổ ấm cho các loại chim cò, ong mật, ong ruồi và các loại kiến tha hồ sinh sôi nẩy nở, đáng sợ là “đội quân kiến vàng”...

Năm 1973, tôi với Hải “khắc gỗ” ở bộ phận báo Cà Mau vào rừng Mũi Ông Lục cốt một cây gừa tủa nhiều gốc bự chở về cắt khúc, bửa củi trải phơi đầy sân, đầy bờ, từng bị kiến vàng, kiến hôi đeo bám đầy đầu, cổ giữa trưa nắng nóng...

***

Thời kỳ khó khăn, gian khổ, giặc “bình định” đánh phá ác liệt... Vào mùa nước năm 1971, chúng cho một bầy “cá nhái” (máy bay trực thăng) đổ quân xuống cánh đồng kinh Chống Mỹ, ấp Giáp Nước, xã Phú Mỹ (Cái Nước), mở trận càn quét, hòng chọc thủng khu rừng Mũi Ông Lục để “tìm diệt Việt cộng”. Cả tiểu đoàn thuộc Sư 21 nguỵ hùng hổ lội càn vô rừng, nhưng khoảng vài công đất, chúng phải tháo lui trở ra và vang dậy tiếng chửi thề... Việt cộng đâu không thấy, chỉ thấy vô số kiến vàng đeo khắp đầu, cổ...

Quả là bom tấn, pháo bầy không tiêu diệt hết kiến vàng... Nhiều tên lính giặc, cả những thằng chỉ huy, tên nào tên nấy nhễ nhại mồ hôi, mặt mày lửa đốt. Chúng lớp bị gai ráng cản, quàu xướt lúc đang sa lầy tới háng, lớp bị kiến vàng đeo bám không còn chỗ phủi; nhất là bị kiến “tấn công” vào cổ và da non, thì phủi sao cho xiết... Hàng trăm tên giặc phải vứt bỏ lựu đạn, từng cặp tuýt-xe đạn đang mang trên mình cho nhẹ bớt để dễ bề lội nước, tháo lui...

Khi quân giặc Sư 21 rút chạy sạch, anh em du kích và thanh niên xóm Khâu Bè - Lung Xẻo Tra kéo ra tuyến rừng ráng dọc dài cặp theo bìa rừng Mũi Ông Lục, phát hiện và thu gom chiến lợi phẩm từ “đội quân kiến vàng” mà có. Lượm từng trái lựu đạn mê như hái bần, vớt từng cặp tuýt-xe đạn khoái như bắt được tôm, cua, cá bự... Ông Nguyễn Ngọc Ẩn (Tám Ấn), một cựu chiến binh ấp Giáp Nước, hồi năm 1999, cười ngất, nhớ rành rọt: "Lựu đạn và các loại đạn, cả một số quân dụng thu được, chở gần đầy chiếc xuồng be mười!".

Cái Nước, 4/2024

 

Nguyễn Minh

 

CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ - SỨC MẠNH VIỆT NAM, TẦM VÓC THỜI ĐẠI - Phần I: Bối cảnh lịch sử, âm mưu của thực dân Pháp và sự chỉ đạo chiến lược của ta

70 năm đã trôi qua, Chiến dịch Điện Biên Phủ (07.5.1954 - 07.5.2024) là chiến thắng vĩ đại đã ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc son rực sáng nhất trong thế kỷ XX. Đây là chiến thắng của chủ nghĩa yêu nước, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử... Ý nghĩa, tầm vóc, những bài học lịch sử vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca bất diệt của thời đại Hồ Chí Minh

Đúng ngày này 70 năm trước, bộ đội ta đã nổ những phát súng đầu tiên mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, tiến công tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của thực dân Pháp mà ngay cả trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ II cũng không có tập đoàn cứ điểm nào mạnh bằng. Trải qua 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non (thơ Tố Hữu), bộ đội Việt Nam anh hùng đã vượt lên bao mưa bom, bão đạn và cắm lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng của Bác Hồ trao trên nóc hầm Đờ Cát, vào giữa tim con nhím Điện Biên Phủ, kết liễu số phận của nó.

Ðong đầy ký ức Ðiện Biên

Chiến thắng Ðiện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm 1954 là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. 70 năm trôi qua, những người lính Bộ đội Cụ Hồ, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến từng tham gia Chiến dịch Ðiện Biên Phủ luôn tự hào về những năm tháng gian khổ nhưng đầy oanh liệt ấy.

Chiến thắng Điện Biên Phủ, thắng lợi vĩ đại của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Cách đây vừa tròn 70 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã tiến hành trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đây là thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam, minh chứng hùng hồn cho sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh.

Những năm tháng mãi trong tim...

Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, với quyết định mang tầm chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Ðảng, những chuyến tàu năm 1954 đã đưa nhiều người con miền Nam tập kết ra Bắc tiếp tục học tập, nhằm đào tạo lực lượng cán bộ cho sự nghiệp cách mạng lâu dài của Ðảng. Trong số đó, có những người con Cà Mau. Ðến nay, dù đã 7 thập kỷ trôi qua, nhưng họ vẫn nhớ như in cái ngày lịch sử ấy.

Vẹn nguyên giá trị ngày toàn thắng

49 năm, ngót nửa thế kỷ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, với tầm vóc lịch sử đã được đúc kết: “Thắng lợi của Nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta, một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc” (Báo cáo chính trị tại Ðại hội Ðại biểu toàn quốc lần thứ IV của Ðảng).

Ðội quân kiến vàng

Thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một số địa phương ở miền Nam, như Bến Tre, sáng tạo cách đánh giặc bằng hầm chông kết hợp ong vò vẽ, làm cho kẻ địch bao phen bạt vía... Ở Cà Mau, lại có loại vũ khí lợi hại chẳng kém ong vò vẽ, khiến quân nguỵ bị một phen điếng hồn, bỏ chạy, đó là “đội quân kiến vàng”, không phải nuôi và cũng không huấn luyện gì.

Ấm lòng người có công

“Chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Thực hiện đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thời gian qua, tỉnh Cà Mau đặc biệt quan tâm, triển khai đồng bộ nhiều chính sách chăm lo cho người có công”, ông Nguyễn Xuân Tình, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH), thông tin.

Kết nối, trao tặng tư liệu, hiện vật là trách nhiệm

Cùng với việc khẩn trương xây dựng cụm công trình Tượng đài kỷ niệm Chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954 (tại thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời) để kịp hoàn thành trong dịp Kỷ niệm 70 năm Chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954 (vào tháng 11/2024), thì việc tìm kiếm, sưu tầm tư liệu, hiện vật liên quan sự kiện trên trưng bày ngay dịp lễ kỷ niệm, cũng được tiến hành gấp rút. Và Nhà giáo Ưu tú (NGƯT) Ðàm Thị Ngọc Thơ (nguyên Hiệu trưởng Trường Phổ thông Trung học Hồ Thị Kỷ, thị xã cà Mau) là học sinh miền Nam trong dòng người tập kết tại bến Sông Ðốc ngày ấy, cũng tích cực kết nối, thực hiện công việc hết sức ý nghĩa này.

Hành hương về Cà Mau

Những ngày này, trong sâu thẳm tâm thức của người Việt Nam, tiếng vọng cội nguồn luôn thôi thúc: “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba” (ca dao). Theo hành trình “mang gươm mở cõi”, vùng đất mới Cà Mau với lớp lớp con người khai phá, dựng xây, khôn nguôi nỗi niềm: “Hằng năm ăn đâu, làm đâu/Cũng biết cúi đầu nhớ ngày Giỗ Tổ” (đoạn trích Ðất Nước - Nguyễn Khoa Ðiềm).