(CMO) Những năm qua, Đảng bộ huyện Thới Bình cùng các cấp, các ngành quan tâm thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc đối với đồng bào Khmer trên địa bàn. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ, nhiều hộ tự thân vượt khó vươn lên thoát nghèo, nhờ vậy mà cuộc sống gia đình ngày càng ổn định.
Ông Lê Văn Dãy, Phó Ban Dân vận Huyện uỷ Thới Bình, cho biết: “Hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới, những năm gần đây, huyện Thới Bình phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa phương, thể hiện được vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay, góp sức thay đổi bộ mặt vùng nông thôn”.
Vai trò người có uy tín
Huyện Thới Bình có hơn 1.100 hộ đồng bào Khmer, tập trung nhiều ở các xã: Hồ Thị Kỷ, Tân Lộc, Tân Phú và Biển Bạch Đông. Trước đây, việc đi lại của bà con rất khó khăn, bởi hầu hết các tuyến lộ giao thông nông thôn đều xuống cấp, hư hỏng. Vì vậy, huyện có chủ trương vận động người dân hiến đất làm các tuyến lộ mới, bà con vùng đồng bào dân tộc Khmer sẵn sàng tự nguyện hiến đất hoặc đóng góp ngày công lao động. Nhiều người tích cực tham gia làm cột cờ, trồng hàng rào cây xanh để tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.
Ông Đặng Việt Lành, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Thới Bình, nhận xét: “Người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer là hạt nhân của mọi phong trào”. Điển hình như ông Hữu Hoàng Danh, Chi hội trưởng cựu chiến binh ấp Đường Đào, xã Hồ thị Kỷ là một trong những chi hội trưởng người dân tộc có bản lĩnh chính trị vững vàng, gương mẫu trong công tác phối hợp với chính quyền địa phương hoà giải thành công nhiều vụ việc tranh chấp trong đồng bào dân tộc, giúp đỡ nhiều hội viên và quần chúng là người dân tộc thoát nghèo. 100% hội viên tích cực tham gia làm hàng rào cây xanh, cột cờ, vệ sinh môi trường nơi ở. Hiện hội viên nghèo còn dưới 3%. Ngoài ra, ông Hữu Hoàng Danh còn cung cấp nhiều thông tin có giá trị cho lực lượng công an, phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Giao lưu văn nghệ của bà con đồng bào dân tộc Khmer dịp lễ, Tết tại chùa Rạch Giồng, xã Hồ Thị Kỷ. |
Ông Danh Chụm, hội viên cựu chiến binh ấp Cây Khô, xã Hồ Thị Kỷ luôn phát huy tính gương mẫu, nói đi đôi với làm. Không chỉ tiên phong thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, bản thân ông Chụm và gia đình còn tiên phong trong phong trào lao động sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo… Đặc biệt, ông còn vận động đồng bào thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, xây dựng nông thôn mới, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, vận động bà con tăng gia sản xuất để ổn định cuộc sống.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Tân Lộc, thông tin: Toàn xã có hơn 300 hộ dân là đồng bào dân tộc Khmer. Thời gian qua, xã phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc trong việc tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với bà con theo phương châm dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện nên được bà con đồng tình hưởng ứng.
Nỗ lực vươn lên
Bà Thạch Thị Hoa, ấp Cây Khô, xã Hồ Thị Kỷ, phấn khởi cho hay: “Khi địa phương mời họp dân để bàn việc làm lộ giao thông nông thôn, bà con Khmer chúng tôi rất mừng. Nhiều người tự nguyện chặt bỏ cây bạch đàn, dọn dẹp hành lang lộ để dễ dàng thi công. Con lộ hoàn thành trước nhà không chỉ giúp người dân đi lại thuận tiện, mà còn làm cho bộ mặt xóm ấp thêm khang trang, gia đình đi lại cũng thuận lợi hơn”.
Giao thông nông thôn đi lại thuận lợi, nhiều hộ dân đồng bào dân tộc Khmer đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, giảm thời gian làm thuê, làm mướn, thay vào đó là mua cá phi, cá chốt, tôm thẻ, tép giáo… mang ra các điểm chợ xã, chợ huyện hoặc chợ tỉnh bán, góp phần cải thiện kinh tế gia đình
Tiêu biểu như hộ anh Thạch Văn Việt, ấp Đường Đào, xã Hồ Thị Kỷ. Hộ anh Việt trước đây không đất sản xuất, chủ yếu làm thuê, nhưng nhờ siêng năng, tự vươn lên bằng nghị lực bản thân, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế gia đình, anh Việt còn tích cực hưởng ứng các hoạt động ở địa phương như trồng hàng rào cây xanh, làm cột cờ và áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất hiệu quả trên phần đất thuê mướn của người dân địa phương.
Anh Danh Sên quê quán ở tỉnh Sóc Trăng với nghề làm thuê. Năm 2000, anh chọn ấp Quyền Thiện, xã Biển Bạch Đông làm nơi an cư. Với tính siêng năng và chịu khó, kết hợp với việc được chính quyền địa phương tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn trồng lúa, nuôi tôm, gia đình đã thoát nghèo, vươn lên khá giàu từ 5 năm về trước.
Diện mạo ở các vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống đã đổi thay, nhất là sự chuyển biến trong ý thức và ý chí tự lực vươn lên, xứng đáng với niềm tin của người dân. Đặc biệt, những đóng góp của họ đã góp phần củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Huỳnh Măng