(CMO) Địa danh Ðồng Cùng gắn liền thời khẩn hoang mở đất, trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ suốt 30 năm (1945-1975), qua bao thế hệ tiền nhân, ông cha khai cơ lập nghiệp, nơi đây vẫn là địa danh Ðồng Cùng, xã Trần Thới, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.
Góc sông Ðồng Cùng. Ảnh: MỘNG THƯỜNG |
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975), không rõ vào năm nào và ai là người đầu tiên đề xuất bằng văn bản, sửa lại địa danh Ðồng Cùng ở nơi đây là Ðầm Cùng? Ðiều đáng lưu tâm, một thế hệ những người kháng chiến ở Cái Nước, ở Cà Mau bấy lâu nay không ai nói gì về vụ này!
Việc muốn thay đổi địa danh, đúng ra phải tham khảo rộng rãi, trưng cầu ý kiến các cụ lão nông tri điền, các vị lão thành cách mạng và các cựu chiến binh cao niên…
Trong bài “Quốc lộ 1A - miền đất cuối” chưa công bố, tôi có viết đoạn như sau:
“Thiết nghĩ, xin nhắc lại điều này để nhớ: Suốt hàng trăm năm, kể từ thời khẩn hoang khai phá, đồng đất Cà Mau “cò bay thẳng cánh…”, từ Cái Nước xuống Năm Căn, dòng Bảy Háp ngăn cách đôi bờ. Bên này là ruộng lúa, bên kia sông là rừng đước. Ðồng ruộng từ Cà Mau trải dài đến đây là cùng, nên dân cư trong vùng quen gọi thành địa danh Ðồng Cùng. Cảnh vật tự nhiên và rất thực tế từ bao đời nay chỉ là dòng Bảy Háp, không có cái đầm nào ở đây!
Nhà báo Phạm Văn Tri (Bảy Minh), nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Minh Hải và Cà Mau nhiều nhiệm kỳ, không chịu gọi địa danh Ðồng Cùng là Ðầm Cùng suốt thời gian còn làm việc cho đến khi nghỉ hưu… Ông Bảy Minh nay hơn 80 tuổi, quê gốc Cái Muối, Trần Thới, Cái Nước (Cà Mau), lớn lên ở vùng quê này, tình cảm gắn bó từng địa danh nơi chôn nhau cắt rốn - địa danh Ðồng Cùng đã thấm vào máu thịt, vào tim óc, in đậm trong tiềm thức con người… Suốt thời gian kháng chiến, dù ở địa bàn xa, nhưng ông vẫn luôn hướng về quê hương Cái Muối, Ðồng Cùng… Và, trong những áng văn, câu thơ của ông cũng đã không ít lần nhắc đến địa danh Ðồng Cùng thân thương của một thời chiến tranh khói lửa…
Sự tuỳ tiện, ngang nhiên thay đổi địa danh cũ như vậy, nên cũng chả trách những người làm báo Cà Mau đã am hiểu chuyện cũng không dễ dàng chấp nhận… Từ ông Bảy Minh, đến Nhà báo Nguyễn Bé, nguyên Tổng biên tập, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Cà Mau tiếp sau ông Bảy Minh (Nhà báo Nguyễn Bé hiện nay là Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam) và cả Ban Biên tập báo Cà Mau hiện nay cũng mạnh dạn, kiên quyết giữ lại tên gốc, không chịu thay đổi địa danh Ðồng Cùng là Ðầm Cùng.
Năm 2010, Nhà báo Ðỗ Văn Nghiệp (Sáu Sơn) hợp đồng viết quyển Lịch sử Ðảng bộ xã Tân Hưng Ðông - thị trấn Cái Nước (đơn vị gốc là xã Tân Hưng Ðông anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước). Lần ấy tôi có nhắc anh Sáu Sơn về địa danh Ðồng Cùng và bài phóng sự nổi tiếng của Nhà báo Nguyễn Mai viết vào mùa gieo mạ năm 1968… Anh Sáu Sơn cười, nói câu gọn hơ: - Có khi hồi đó ổng viết trật!
Sông Bảy Háp đoạn chảy qua ngang vàm kinh xáng lộ xe Cái Nước - Ðồng Cùng, thời chiến được Nhà báo Nguyễn Mai gọi là sông Ðồng Cùng trong bài tuỳ bút “Những dòng sông” của ông viết vào mùa thu năm 1969.
Ðáng nói, ngoài lớp cán bộ sau năm 1975, còn số đông thuộc thế hệ kế thừa 8X, 9X nhờ được đào tạo, học hành bài bản, có trình độ, cũng đã biết làm lãnh đạo, như bí thư xã là bình thường… Năm 2017, tôi có nhận viết Lý lịch Căn cứ Huyện uỷ Cái Nước, vì thời gian rỗi rãi nên tôi mải mê chịu khó tập trung viết một vòng rộng; đọc không sót chữ nào và tóm lược hết quyển sử của huyện, có thấy vài chi tiết sai… Ðồng chí Nguyễn Văn Ðể (Tư Vân) là Bí thư Huyện uỷ sau cùng, đến khi chiến tranh kết thúc, ngày 30/4/1975 trở về tỉnh làm Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ Cà Mau. Trong quyển sử của huyện đã ghi rành rạnh: Ðồng chí Nguyễn Văn Ðể (Tư Vân) 5/1973-5/1976, là đã lố qua một năm. Tôi định đây là dịp để sửa lại chi tiết này, nhưng viết chưa xong nội dung, tôi bị bệnh nên đành bỏ dở… Huyện Cái Nước giao cho đồng chí Biện Thanh Lâm, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện, Huyện uỷ viên, Bí thư xã Trần Thới, viết tiếp và in xong…
Nhiều người ắt còn nhớ, sau khi Chi khu Cái Nước bị ta đánh tiêu diệt năm 1963, giặc tái chiếm và chuyển dinh quận - hành chánh xuống Ðồng Cùng và lập Chi khu Ðồng Cùng cho đến gần kết thúc chiến tranh, một lần nữa, giặc chuyển hành chánh ở Chi khu Ðồng Cùng xuống Chi khu Năm Căn ở Cả Nẩy… Thế là, hơn 40 năm sau, Chi khu Ðồng Cùng thời chiến in trong tập Lý lịch Căn cứ Huyện uỷ, trở thành Chi khu Ðầm Cùng.
Ðây thuộc về lịch sử. Cần đúng sự thật. Hãy nhớ cho!
***
Sau mấy chục năm thay đổi được địa danh Ðồng Cùng thành Ðầm Cùng, dòng Bảy Háp và ở cuối dòng Bảy Háp bên kia bờ có một địa danh xém chút nữa cũng bị thay đổi lệch mất tên gốc, đó là sông Bảy Háp và địa danh Bù Mắt, dưới Cây Thơ.
Cách nay chưa đầy mười năm, nghe một nữ phát thanh viên Ðài Truyền hình Cà Mau đọc thông báo của Cục thuỷ lợi miền Nam gọi sông Bảy Háp là Bảy “Hạp” và gọi địa danh Bù Mắt là “Bùi” Mắt, nội dung văn bản lặp đi lặp lại 3-4 lần chữ Bảy “Hạp” và “Bùi” Mắt như là muốn cho người nghe nhớ là sông Bảy “Hạp” và “Bùi” Mắt , chứ không phải là sông Bảy Háp và Bù Mắt vậy! Nghe là biết chắc người viết văn bản này từ nơi khác, chứ không phải người địa phương ở Cà Mau… Ðáng trách, Ban Biên tập không ai phát hiện, sửa lại cho đúng, chữ Bảy “Hạp” và “Bùi” Mắt nghe lạ hoắc vậy mà vẫn để nguyên và cho đọc lên…
Trời ơi, hú vía! Xém chút nữa mất gốc địa danh Bảy Háp và Bù Mắt rồi!
Ðiều thiển ý tôi muốn nói, các thế hệ lớn lên sau này, nhất là những người biết làm lãnh đạo - dù là cấp nào, đều được thừa hưởng thành quả và sự nghiệp của bao lớp người đi trước tạo dựng nên bằng mồ hôi, nước mắt và xương máu không xiết kể…
Mong đừng ai vô tâm, vô cảm, vô ơn phủ nhận công lao của cha ông mình đổ xuống vùng đất này; đừng ai đánh mất cái nghĩa “không thầy đố mầy làm nên” và “uống nước nhớ nguồn”…
Tháng 9/2021
Nguyễn Minh