(CMO) Thời gian qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh của một số công ty, doanh nghiệp, từ đó nhiều người lao động (NLĐ) phải mất việc làm. Vì vậy, thời điểm này, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được xem là điểm tựa cho NLĐ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp tăng
Đang đợi làm hồ sơ hưởng BHTN tại Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh, anh Nguyễn Quốc Liên, xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi, cho biết: “Tôi làm nhân viên ở một công ty chuyên về sản xuất đồ nội thất ở Bình Dương, có ký hợp đồng và đóng bảo hiểm xã hội hơn 5 năm nay. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công ty tạm ngưng hoạt động. Nhận thấy tình hình không ổn nên tôi xin nghỉ việc, trong lúc chờ tìm việc tôi làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp để trang trải cuộc sống”.
Đã nhận trợ cấp thất nghiệp được 2 tháng, chị Đặng Thuỳ Dung, ngụ xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, đến Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính để khai hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp tháng thứ 3. Chị Đặng Thuỳ Dung chia sẻ: “Trước đây tôi làm giáo viên tại huyện Năm Căn, do hoàn cảnh gia đình, tôi xin nghỉ việc nên làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Số tiền trợ cấp thất nghiệp được nhận 2 tháng qua phần nào giúp tôi trang trải cuộc sống trong lúc đi tìm việc làm mới”.
Trưởng phòng Dịch vụ việc làm, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau Nguyễn Việt Nhân cho biết, theo Luật Việc làm năm 2013, ngay từ đầu năm, Sở LĐ-TB&XH giao trách nhiệm cho Trung tâm Giới thiệu lao động và việc làm tư vấn, hướng dẫn người lao động, đồng thời tiếp nhận hồ sơ theo quy trình TTHC giải quyết đúng quy định để NLĐ hưởng kịp thời. Tính đến tháng 5/2020, trung tâm đã tiếp nhận hơn 3.500 hồ sơ của NLĐ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, đã giải quyết hơn 2.600 hồ sơ, chủ yếu là lao động ngoài tỉnh chuyển về địa phương để hưởng chế độ.
Người lao động đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh Cà Mau. |
Theo quy định của Điều 50, Luật Việc làm năm 2013, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng BHTN. Cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 12 tháng. Bên cạnh đó, khi làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; được hỗ trợ học nghề và được hưởng quyền lợi về BHYT trong thời gian hưởng BHTN nhằm giải quyết phần nào khó khăn cho NLĐ khi không may mất việc làm.
Chi trả kịp thời
Thời gian vừa qua, BHXH tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan như Sở LĐ-TB&XH, Trung tâm Dịch vụ việc làm, Bưu điện tỉnh ban hành hướng dẫn và ký kết quy chế phối hợp trong thực hiện chính sách BHTN trên địa bàn, góp phần đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Theo đó, các đơn vị đã chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ phối hợp với cơ quan BHXH thực hiện hiệu quả, chi trả kịp thời chế độ cho NLĐ.
Giám đốc BHXH tỉnh Cà Mau Trịnh Trung Kiên cho biết, những tháng đầu năm 2020, tình hình NLĐ nghỉ việc nhận chế độ BHTN cũng như BHXH một lần có chiều hướng gia tăng. Con số này phản ánh thực tế tâm lý lo lắng của NLĐ về dịch Covid-19 nên nảy sinh nhu cầu muốn nhận BHXH một lần. Cơ quan BHXH tỉnh Cà Mau cũng khuyến cáo, NLĐ không nên nhận BHXH một lần, vì như vậy sẽ thiệt thòi khi chưa đến tuổi nghỉ hưu đã dùng hết tiền dưỡng già. Nếu không may bị bệnh, không có thẻ BHYT, NLĐ còn đối mặt với nguy cơ không chi trả nổi chi phí khám chữa bệnh.
"Để chính sách BHTN thực sự là bạn đồng hành với NLĐ, thời gian tới, BHXH tỉnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các đơn vị phối hợp tiếp tục tăng cường tuyên truyền đến người sử dụng lao động và NLĐ về chính sách BHTN. Đồng thời, quan tâm hơn tới công tác đào tạo nghề, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để đáp ứng yêu cầu của công việc mới, giới thiệu việc làm mới cho NLĐ. Cùng với đó, xây dựng các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp thông qua hỗ trợ doanh nghiệp và NLĐ duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của 2 bên nhằm tăng cường sự liên kết", ông Nguyễn Việt Nhân chia sẻ./.
Hồng Phượng