Du lịch được xác định là lĩnh vực quan trọng, được kỳ vọng là mũi nhọn đột phá và động lực phát triển mới của tỉnh Cà Mau trong tương lai. Diện mạo du lịch tỉnh nhà đang không ngừng khởi sắc, với sức hấp dẫn ngày càng lớn đối với du khách. Người làm du lịch đang có được những điều kiện thuận lợi để đầu tư, phát triển. Tuy nhiên, chủ thể du lịch cần nhiều hơn những cơ chế, chính sách đồng hành, hỗ trợ để có cơ hội chuyển mình mạnh mẽ hơn.
- Du lịch Cà Mau - Sắc riêng giữa màu chung
- Năm 2023, tổng thu du lịch đạt hơn 2.800 tỷ đồng
- Khát vọng bứt phá du lịch
Ông Tiêu Minh Tiên, Phó giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, cho biết: “Phát triển du lịch, trong đó có các cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ các chủ thể làm du lịch, là ưu tiên lớn của tỉnh Cà Mau trong thời gian qua. Bên cạnh việc được tạo điều kiện tham gia các hội thảo, các chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm, mô hình và sản phẩm du lịch ở các địa phương khác, người làm du lịch còn nhận được sự ủng hộ, đồng hành và những hỗ trợ kịp thời của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương nơi có điểm, khu du lịch hình thành, đi vào hoạt động”.
Bà Ngô Huỳnh Trang, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch sinh thái Cà Mau (Cà Mau - ECO), ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, chia sẻ: “Khi bắt đầu quan tâm đến lĩnh vực du lịch, tôi nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và cả sự đồng hành, chia sẻ của cộng đồng người làm du lịch Cà Mau”. Cà Mau - ECO đi vào hoạt động với kết quả tích cực, tạo thêm điểm nhấn mới cho diện mạo du lịch tuyến U Minh Hạ.
Du khách trải nghiệm các sản phẩm du lịch tại Ðiểm du lịch sinh thái Cà Mau - ECO.
Khi bắt tay làm du lịch, những chủ thể như bà Trang phải đầu tư khá lớn để hình thành cơ sở hạ tầng, xây dựng cảnh quan môi trường, sản phẩm du lịch, thuê nhân lực... đảm bảo các điều kiện tốt nhất phục vụ khách tham quan. “Với những cá nhân làm du lịch, nguồn lực kinh tế có giới hạn, phải coi trước tính sau, thế nên không thể cùng lúc bung hết sức để đầu tư, phải dự tính các rủi ro và nguồn lực tái đầu tư, duy trì hoạt động của điểm du lịch”, bà Trang bộc bạch.
Thực tế là, cho đến thời điểm này chưa có cơ chế để những chủ thể làm du lịch ở Cà Mau tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư, phát triển. “Cơ chế đã có rồi, nhưng việc tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi là vô cùng quan trọng, cần thiết để người làm du lịch Cà Mau được tiếp thêm sinh lực”, ông Giang Hoàng Hon, Giám đốc Ðiểm du lịch sinh thái Hương Tràm, Ấp 16, xã Khánh An, huyện U Minh, trăn trở.
Cái hay của Hương Tràm chính là tái hiện hệ sinh thái đặc trưng của rừng tràm U Minh Hạ. Ý thức giữ gìn, khôi phục môi trường thiên nhiên là điều mà ông Hon luôn hết sức tâm huyết thực hiện.
Du khách trải nghiệm hệ sinh thái rừng tràm đặc trưng U Minh Hạ tại Ðiểm du lịch sinh thái Hương Tràm.
“Tuy nhiên, cơ chế đất đai đang là chỗ vướng của Hương Tràm. Ðể mở rộng quy mô, tăng hiệu quả khai thác du lịch, cần phải đầu tư xây dựng các hạng mục mới đảm bảo các điều kiện phục vụ du khách, nhưng quy định đất rừng thì không cho phép”, ông Hon trăn trở. Với hơn 17 ha đất hiện có, ông Hon mong mỏi cơ chế phù hợp về đất đai làm du lịch để Hương Tràm có thể phát triển tốt hơn nữa.
Một băn khoăn khác của những người chọn mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, như bà Trang, ông Hon, là việc kết nối, tạo ra và lan toả những giá trị cộng đồng từ du lịch. “Tôi luôn muốn liên kết với bà con để cùng nhau làm du lịch, cùng nhau chia sẻ giá trị, lợi ích từ du lịch, nhưng không nhiều người mặn mà”, bà Trang bộc bạch. Ông Hon cũng cùng nỗi niềm: “Người làm du lịch đang đơn độc trong cộng đồng, dù rất muốn lan toả những giá trị, lợi ích từ du lịch cho mọi người. Ðơn cử như, việc đề nghị bà con liên kết để cung cấp các sản phẩm du lịch sẵn có thôi cũng rất khó khăn”. Ðó là chưa kể ý thức cộng đồng chung quanh các điểm/khu du lịch về giữ gìn vệ sinh môi trường, văn hoá ứng xử, văn hoá kinh doanh, mua bán... cũng còn nhiều bất cập.
Người làm du lịch rất cần hỗ trợ chính sách tín dụng để mở rộng quy mô hoạt động.
Mục tiêu cao nhất của du lịch Cà Mau là hướng tới xây dựng chuỗi giá trị để cộng đồng, xã hội cùng hưởng lợi. Diện mạo du lịch, sức hút du lịch, giá trị của du lịch Cà Mau không chỉ là câu chuyện riêng của người làm du lịch, mà còn là trách nhiệm, đóng góp chung của mọi người. Ðây là vấn đề mà các cấp, ngành, nhất là cấp uỷ, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động trong Nhân dân.
Xa hơn nữa, cần những giải pháp quyết liệt, hiệu quả và đủ sức hấp dẫn, thuyết phục về liên kết du lịch, để người dân cùng đồng hành, tham gia làm du lịch, trực tiếp thụ hưởng lợi ích từ du lịch. Ðó cũng là một trong những điểm mấu chốt giúp sức khoẻ du lịch Cà Mau dẻo dai hơn, bền vững hơn trong tương lai./.
Hải Nguyên thực hiện