ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-6-25 14:08:44
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Du lịch Cà Mau - Sắc riêng giữa màu chung

Báo Cà Mau Tại Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Cà Mau ngày 9/12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng tin tưởng: "Cà Mau sẽ có bước đột phá phát triển nhanh và bền vững". Nhắc lại câu thơ "Tổ quốc tôi như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó - mũi Cà Mau", Thủ tướng nhấn mạnh: Cà Mau là tỉnh duy nhất trong cả nước có thế mạnh 3 mặt giáp biển, có Mũi Cà Mau là nơi mỗi người Việt Nam và mỗi người nước ngoài tới Việt Nam đều muốn đặt chân đến, tỉnh cần khai thác tốt thương hiệu này.

Chưa bao giờ du lịch Cà Mau lại đứng trước cơ hội lớn để chuyển mình mạnh mẽ, toàn diện như thời điểm hiện nay và một trong những mục tiêu của Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ðể đạt mục tiêu đó, nhận diện những thế mạnh nổi trội của du lịch Cà Mau; những việc làm được và chưa được; đặt trong mối quan hệ với bức tranh tổng thể của du lịch khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) và cả nước để xây dựng, khẳng định vị thế; đề ra những mục tiêu kỳ vọng, giải pháp phát triển cho du lịch Cà Mau chính là công việc cần phải bắt tay thực hiện ngay.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Tôi tin tưởng, sau công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư, Cà Mau sẽ có bước đột phá phát triển”. (Trong ảnh: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn lãnh đạo bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh Cà Mau tham quan Không gian trưng bày triển lãm, thương mại ngành tôm và sản phẩm OCOP trong khuôn khổ Festival Tôm Cà Mau năm 2023).

Bài 1: Khẳng định vị thế

Khi chia sẻ về du lịch Cà Mau, Th.S Phan Ðình Huê, chuyên gia du lịch ÐBSCL khẳng định: “Du lịch Cà Mau đang phát triển đúng hướng, có thể nói là sôi động, hiệu quả bậc nhất ở khu vực thời gian gần đây. Cà Mau có những lợi thế nổi trội, khác biệt và hoàn toàn có thể trở thành cực trọng điểm du lịch của toàn vùng”.

Tài nguyên du lịch nổi trội, khác biệt

Là chuyên gia duy nhất báo cáo về lĩnh vực du lịch trong 3 năm gần đây tại Diễn đàn Báo cáo kinh tế thường niên ÐBSCL do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright tổ chức, Th.S Phan Ðình Huê đánh giá: “Du lịch ÐBSCL đã bắt đầu hình thành các cực trọng điểm gồm TP Phú Quốc (Kiên Giang) - Cần Thơ và Cà Mau. Thực tế và các số liệu cho thấy, cả về lượng khách và thời gian “giữ chân khách” của những nơi này là vượt trội hơn so với phần còn lại”.

Sự khác biệt chính là vấn đề sống còn của du lịch. Theo ông Phan Ðình Huê: “Cà Mau có những tài nguyên du lịch mà nơi khác không có. Ðó là Mũi Cà Mau, là hệ sinh thái rừng ngập mặn - rừng ngập ngọt. Ðây là điều mà khi nhắc tới Cà Mau ai cũng biết, cũng nhớ. Ðó là chưa kể Cà Mau còn là nơi hội tụ dồi dào các tài nguyên du lịch đa dạng từ đặc trưng thiên nhiên, lịch sử văn hoá, cốt cách con người, ẩm thực đặc sắc”...

Với hàng loạt hoạt động trong chuỗi sự kiện Cà Mau điểm đến, tỉnh thu hút đông đảo du khách đến tham quan, thưởng lãm. (Ảnh chụp Giải Marathon - Cà Mau 2023 Cup Petrovietnam với chủ đề “Hương rừng U Minh”).

Ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Cà Mau, nhấn mạnh: "Cà Mau có vị trí địa lý rất đặc biệt mà không địa phương nào có được, là vùng đất điểm đầu cực Nam của Tổ quốc, nằm ở trung tâm vùng biển các nước Ðông Nam Á; thuộc hành lang phát triển kinh tế phía Nam của Chương trình hợp tác phát triển tiểu vùng Mê Kông mở rộng, có điều kiện thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế với các nước Ðông Nam Á".

Với độ che phủ rừng của 2 hệ sinh thái rừng mặn và ngọt lớn nhất khu vực ÐBSCL; có 2 vườn quốc gia, có khu Ramsa, Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, cùng với truyền thống lịch sử cách mạng và những lễ hội truyền thống dân gian đặc sắc, giúp tỉnh hội tụ nhiều giá trị, tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch sinh thái; du lịch biển, đảo; du lịch nông nghiệp; du lịch cộng đồng...

“Mũi Cà Mau cũng là tài nguyên, thương hiệu du lịch được khai thác, phát huy tốt nhất hiện nay và theo Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau trở thành một trong những trung tâm du lịch sinh thái, trải nghiệm rừng ngập mặn đặc sắc, điểm đến quan trọng trên các tuyến du lịch của vùng ÐBSCL”, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Tiến Hải khẳng định.

Theo ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, năm 2023, du lịch Mũi Cà Mau thu hút 800 ngàn lượt khách, tăng bình quân 6%/năm, doanh thu gần 500 tỷ đồng. Cùng với đó, không gian khai thác du lịch Mũi Cà Mau từ 160 ha đã tăng lên 42.000 ha; sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng cơ sở du lịch, dịch vụ du lịch, nhân lực du lịch đã khẳng định vị trí không thể thay thế của Mũi Cà Mau.

Cà Mau đã nhìn đúng, trúng và bắt đầu tập trung phát triển trọng tâm, trọng điểm từ những tài nguyên du lịch nổi trội, khác biệt của địa phương.

Phát triển đúng hướng

Khoảng 10 năm trở lại đây, du lịch Cà Mau có chuyển biến rõ rệt cả trong tư duy, chiến lược và thực tế phát triển. Trục tam giác du lịch gồm U Minh Hạ - TP Cà Mau - Mũi Cà Mau dần hình thành nên các cực trọng điểm về du lịch của địa phương.

Thống kê cho thấy, TP Cà Mau nằm ở tốp đầu về cơ sở lưu trú (với gần 2.700 phòng, chỉ sau TP Cần Thơ và TP Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang); lượt khách đến không chỉ nằm nhóm đầu ở khu vực mà còn tăng dần qua các năm.

TP Cà Mau nằm ở tốp đầu về cơ sở lưu trú so với các tỉnh/thành khu vực, và tăng dần qua các năm. (Ảnh chụp tại Khách sạn Mường Thanh Luxury Cà Mau, khách sạn cao cấp hàng đầu khu vực, đạt tiêu chuẩn 5 sao).

Các loại hình du lịch ở tỉnh bắt đầu hình thành và phát triển như: du lịch dựa vào cộng đồng; du lịch nông nghiệp và xu hướng du lịch nghỉ dưỡng trải nghiệm... Theo đó là sự nở rộ của các điểm, khu, hộ làm du lịch và sự tham gia của các công ty du lịch lữ hành. Ước tính, năm 2023 ước có khoảng 2 triệu lượt du khách đến Cà Mau, tổng doanh thu gần 3 ngàn tỷ đồng.

Là một trong những hộ tiên phong làm du lịch dựa vào cộng đồng, cũng là người “góp gạch” xây dựng Làng Văn hoá Du lịch tại ấp Cồn Mũi, xã Ðất Mũi, nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của người dân vùng cực Nam Tổ quốc, ông Nguyễn Văn Nhuần bộc bạch: “Nhờ làm du lịch mà bà con ấp Cồn Mũi có sinh kế ổn định, phát triển. Khách tới đây nhiều người trở lại, muốn biết thêm, hiểu thêm về vùng đất, con người Mũi Cà Mau. Ðiều đó khiến tôi và bà con cảm thấy tự hào, vui mừng, từ đó nỗ lực để làm du lịch chuyên nghiệp hơn, tốt hơn nữa”.

Với 30 ha rừng tràm, ông Giang Hoàng Hon, Ấp 16, xã Khánh An, huyện U Minh đã xây dựng điểm du lịch Farmstay Hương Tràm trở thành điểm đến hấp dẫn. Ông Hon cho biết: “Các sản phẩm du lịch của chúng tôi gắn liền với sự độc đáo, trù phú của hệ sinh thái rừng tràm U Minh Hạ. Khách đến phản hồi hết sức tích cực, điều đó càng khích lệ những người làm du lịch tiếp tục gắn bó, nỗ lực”.

Các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, dịch vụ du lịch gần đây mang lại tín hiệu khởi sắc rõ nét, như: Lễ hội Cua Cà Mau, Festival Tôm Cà Mau và chuỗi sự kiện Cà Mau điểm đến hằng năm. Ðặc biệt, các hội thảo, toạ đàm về du lịch đã có ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các tập đoàn du lịch trong và ngoài nước, tạo nên bầu không khí hết sức sôi động, khoẻ khoắn, tươi mới cho du lịch Cà Mau.

Trang du lịch camau360.com vừa ra mắt giúp du khách trải nghiệm du lịch 3D với cái nhìn tổng quan, thực tế, chân thật về Cà Mau.

Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch Cà Mau, khấp khởi: “Trang du lịch camau360.com vừa ra mắt với việc số hoá các địa điểm du lịch nổi tiếng và nổi bật nhất của tỉnh sẽ giúp du khách trải nghiệm du lịch 3D với cái nhìn tổng quan hơn, thực tế, chân thật - Một Cà Mau ảo có trên trang rất trực quan, sinh động. Hứa hẹn tăng sức hút du khách đến Cà Mau đông hơn thời gian tới”./.

 

Hải Nguyên - Băng Thanh

Bài 2: Bàn về “sức khoẻ” của du lịch Cà Mau

 

Báo ảnh Ðất Mũi - Tự hào 41 năm thực hiện sứ mệnh với quê hương

Báo chí cách mạng Việt Nam tính đến nay đã trải qua chặng đường dài 1 thế kỷ hình thành và phát triển, khẳng định vai trò và vị thế không thể thiếu trong đời sống xã hội, được Ðảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận, tôn vinh. Trong hành trình chung ấy, báo chí Cà Mau chuyển mình theo kịp xu thế phát triển của báo chí cả nước qua từng giai đoạn, góp phần đắc lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển quê hương nơi địa đầu cực Nam.

Báo Cà Mau - Bạc Liêu - Những dấu ấn mái nhà chung

Xưởng phim Tây Nam Bộ

Tôi về công tác tại Xưởng phim Tây Nam Bộ vào năm 1970, khoảng 8 năm sau khi xưởng phim được thành lập. Thực ra, đơn vị này có 2 tên. Một là: “Xưởng phim Giải phóng Tây Nam Bộ” ghi ở đầu phim để định danh nơi sản xuất, bởi vì phim thời sự lúc đó còn có Hãng phim Thời sự tài liệu Trung ương (Hà Nội) và Xưởng phim Giải phóng (Cục Ðiện ảnh miền Nam). Hai là: Tiểu ban Ðiện ảnh (19A, C9) thuộc Ban Tuyên huấn Khu Tây Nam Bộ, cùng với nhiều Tiểu ban khác như: Tuyên truyền, Thông tấn - Báo chí, Văn nghệ... Cũng cần nói rõ thêm là bộ phận nhiếp ảnh khi thì thuộc Tiểu ban Ðiện ảnh (C9), lúc thì thuộc Tiểu ban Thông tấn - Báo chí (C8). Chẳng hạn khoảng 5 năm tôi công tác ở Tiểu ban Ðiện ảnh thì nhiếp ảnh thuộc Tiểu ban Thông tấn - Báo chí (C8).

Báo Cà Mau đồng hành cùng quê hương phát triển - Bài cuối: Hợp nhất sức mạnh

Năm 2020 đánh dấu bước ngoặt lịch sử của Báo Cà Mau bằng sự hợp nhất giữa Báo Cà Mau và Báo ảnh Ðất Mũi, tạo nên sức mạnh tổng hợp và động lực phát triển mới. Sự kiện này không chỉ là sự sáp nhập về mặt tổ chức mà còn là sự kết tinh kinh nghiệm và tiềm năng của 2 cơ quan báo chí hàng đầu của tỉnh.

Tạp chí Văn nghệ trong đời sống văn học, nghệ thuật Cà Mau

Một thế kỷ báo chí cách mạng Việt Nam là khoảng thời gian dài trong tiến trình lịch sử dân tộc. Tạp chí Lúa Vàng ra đời năm 1960 cũng có khoảng thời gian không ngắn để hình thành và phát triển của một tạp chí văn học, nghệ thuật miền đất cực Nam Tổ quốc. Tại buổi hội thảo khoa học này, tôi xin đại diện Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Cà Mau trình bày bài tham luận với nhan đề: “Tạp chí Văn nghệ từng bước khẳng định mình trong đời sống văn học, nghệ thuật Cà Mau”, nhằm góp phần tô đậm thêm chặng đường 65 năm qua của Tạp chí Lúa Vàng (tiền thân của Tạp chí Văn nghệ) - cơ quan ngôn luận của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Cà Mau đã từng bước trưởng thành, góp phần đáng kể vào sự nghiệp cách mạng của quê hương, đất nước.

Nhớ mái nhà Báo ảnh Đất Mũi!

Những ngày cận tháng 6, đội ngũ những người làm báo tỉnh Cà Mau cùng hướng về sự kiện trọng đại: Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo Chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025). Ðây là dịp để mỗi người ngẫm thấu đáo hơn nghề báo vinh quang trên mặt trận văn hoá tư tưởng của Ðảng, để từ đó nguyện lòng giữ trọn tâm huyết phụng sự, giữ vững lửa nghề. Hoà chung dòng cảm xúc với đồng nghiệp, trong niềm riêng tây, chúng tôi bồi hồi nhớ về mái nhà xưa: Báo ảnh Ðất Mũi. Bởi lẽ, trong dòng chảy 100 năm lịch sử báo chí cách mạng Cà Mau có sự góp mặt của Báo ảnh Ðất Mũi trong vai trò một binh chủng đắc lực với 41 năm cống hiến cho sự phát triển của báo chí tỉnh nhà (1979-2020), hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Ðảng và Nhân dân giao phó, góp phần cho sự phát triển quê hương, trước khi kết thúc sứ mệnh từ ngày 1/1/2021 hợp nhất với Báo Cà Mau, với tên gọi mới là Báo Cà Mau theo yêu cầu phát triển lớn mạnh của báo chí Cà Mau trong giai đoạn mới.

Báo Cà Mau đồng hành cùng quê hương phát triển - Bài 2: Hội nhập và phát triển

Bước sang thập niên thứ 2 của thế kỷ 21, Cà Mau chứng kiến sự hội nhập sâu rộng và đà phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực. Ðể đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của độc giả, Báo Cà Mau không ngừng đổi mới và nâng cao tần suất hoạt động.

Ðảng dẫn lối - Không ai bị bỏ lại phía sau - Bài cuối: Lòng dân hướng về Ðảng

Trong bối cảnh thế giới đầy biến động, các thế lực thù địch không ngừng gia tăng hoạt động chống phá Ðảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, càng đòi hỏi nhiệm vụ công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch phải đặt lên hàng đầu.

Báo chí cách mạng Cà Mau - Tự tin, tự hào trên mặt trận tư tưởng

Báo Thanh Niên mang lại hiệu ứng cực kỳ to lớn trong cuộc vận động phong trào cách mạng Việt Nam và cuộc vận động thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam nên Trung ương lấy ngày 21/6/1925 - ngày ra số báo Thanh Niên đầu tiên làm ngày truyền thống Báo chí cách mạng Việt Nam. Báo chí cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo, chăm sóc, giáo dục, rèn luyện của Ðảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ trở thành lực lượng xung kích trên trận địa chính trị, tư tưởng của Ðảng qua các thời kỳ đấu tranh cách mạng.

Ðảng dẫn lối - Không ai bị bỏ lại phía sau - Bài 2: Nơi yêu thương lan toả

Những năm qua, các thế lực thù địch không ngừng lợi dụng mạng xã hội để phát tán những luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Một trong những luận điệu lặp đi lặp lại là: “Xã hội Việt Nam thiếu lòng nhân ái, con người ngày càng trở nên thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bất hạnh của nhau”. Ðây là sự vu cáo vô căn cứ, không chỉ xúc phạm phẩm chất nhân văn của người Việt mà còn đi ngược hoàn toàn với thực tế đang diễn ra hằng ngày.