ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 2-7-25 03:45:47
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Du lịch Cà Mau - Sắc riêng giữa màu chung - Bài 2: Bàn về “sức khoẻ” của du lịch Cà Mau

Báo Cà Mau Những số liệu báo cáo cơ học là tích cực, nhưng du lịch Cà Mau vẫn đối mặt với nhiều thách thức, hạn chế. Th.S Phan Ðình Huê, Chuyên gia du lịch đồng bằng sông Cửu Long, cho rằng: “Cần phải có cách tiếp cận, đánh giá và làm du lịch hướng đến đúng bản chất của lĩnh vực này. Ðiều cốt yếu là phải nhìn thẳng, nhìn thật về “sức khoẻ” du lịch Cà Mau”.

Nhiều điểm nghẽn của du lịch Cà Mau cũng đã được phân tích, mổ xẻ như kết nối giao thông; những nhà đầu tư đủ tâm và tầm; hạ tầng cơ sở và nhân lực lĩnh vực du lịch; sản phẩm du lịch, tính kết nối du lịch... Hệ luỵ là những “cục máu đông” của du lịch Cà Mau: Khách đến đã khó, đến rồi thì thiếu chỗ... tiêu tiền. Giá trị thực chất mang về của du lịch rõ ràng là chưa tương xứng với kỳ vọng.

Cà Mau cần tạo nguồn nhân lực lĩnh vực du lịch - đội ngũ được ví như “đại sứ du lịch" cho tỉnh. (Ảnh chụp tại Khách sạn Mường Thanh Luxury Cà Mau).

Nhận diện “điểm nghẽn”

Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch Cà Mau, nhìn nhận: “Du lịch Cà Mau chỉ ở mức khởi đầu, tức là chỉ làm du lịch từ những cái mình có, cái có sẵn, chớ chưa thể đáp ứng nhu cầu của khách. Sự kết nối giữa các trục, tuyến khá rời rạc".

Dẫn ra bài báo “Du lịch cộng đồng miền Tây: Về nghe tiếng ếch kêu...” (Tuổi trẻ Cuối tuần số 22/10/2023), ông Phan Ðình Huê trăn trở: “Homestay là lựa chọn phù hợp với bà con mới làm du lịch, trong đó có nhiều bà con ở Cà Mau. Nhưng nói thật, nó như tiếng ếch kêu, vài lần thì thấy hay nhưng nghe nhiều thì buồn nẫu ruột. Ngay bây giờ đây, người làm du lịch Cà Mau cần phải nhận diện rõ nguy cơ này. Nếu chỉ tập trung khai thác những cái có sẵn, ăn xổi thì khó mà bứt phá và bền vững”.

Với bà con làm du lịch, trăn trở lớn nhất vẫn là sự trùng lặp, na ná nhau về loại hình du lịch, sản phẩm du lịch của những khu, điểm gần nhau. Anh Phạm Duy Khanh, chủ Ðiểm Du lịch sinh thái Mười Ngọt, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Ví dụ như trải nghiệm nghề ăn ong, khách chỉ cần đến một nơi là coi như hết sự tò mò, thích thú. Nếu chỗ nào cũng làm giống nhau thì lấy đâu ra khách?!”.

Ðó là chưa kể những khó khăn về cơ chế, nói như ông Giang Hoàng Hon, chủ Ðiểm Du lịch sinh thái Hương Tràm (U Minh): “Hương Tràm cũng muốn đầu tư, xây dựng thêm nhưng vướng cơ chế đất đai”. Hay nỗi niềm canh cánh về nguồn lực để làm du lịch cho người dân, theo ông Quách Văn Ngãi, ấp Cồn Mũi, xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển: “Cứ “liệu cơm gắp mắm” để làm du lịch thôi. Bởi người dân làm du lịch chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, nếu vay mượn để đầu tư thì rủi ro trăm bề. Ðó là chưa kể cơ chế đất đai thuộc Vườn Quốc gia, làm gì cũng phải theo quy định hết!”.

Dù tập trung phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, hướng đến trở thành ngành kinh tế mũi nhọn sau năm 2030, nhưng Cà Mau là tỉnh chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu (BÐKH); trong đó, du lịch là ngành trực tiếp chịu ảnh hưởng.

“Hiện trên địa bàn có khoảng 70% điểm du lịch sinh thái đang hoạt động dưới hình thức kết hợp giữa mô hình du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng. Ðây là những loại hình dễ bị tổn thương do tác động của BÐKH và thiên tai”, ông Trần Hiếu Hùng nêu rõ.

Toàn tỉnh có khoảng 70% điểm du lịch sinh thái, đây là loại hình dễ bị tổn thương do tác động của BÐKH và thiên tai. (Ảnh: Du khách len lỏi trong những tán rừng tràm bạt ngàn của Khu Du lịch sinh thái Cà Mau - ECO, huyện Trần Văn Thời).

Chưa đủ bứt phá

Ngay cả những loại hình du lịch đã, đang hình thành tại Cà Mau cũng chưa khai thác hết những tài nguyên sẵn có. “Cà Mau có bao nhiêu tour du lịch về sông nước, rừng biển? Loại hình du lịch văn hoá vẫn bỏ ngỏ; du lịch nông nghiệp cũng chưa có điểm nhấn đặc biệt!”, ông Phan Ðình Huê trải lòng.

Từ đánh giá của một người làm du lịch, nghiên cứu về du lịch, ông Huê chỉ ra rằng, Cà Mau đang còn rất nhiều dư địa du lịch trống khuyết: “Cà Mau chưa có những loại hình du lịch đủ tầm để phục vụ những đối tượng du khách đặc thù, cao cấp hơn, như du lịch: nghỉ dưỡng, hội thảo, mạo hiểm... Với khách du lịch nước ngoài, Cà Mau gần như chưa chạm đến. Khi nói về du lịch, số lượng du khách là quan trọng, nhưng doanh thu, lợi nhuận, tác động tổng thể lên kinh tế - xã hội địa phương mới là vấn đề cốt lõi, doanh thu của du lịch Cà Mau chưa thể hiện điều đó”.

Trong khi tuyến Mũi Cà Mau sôi động thì tuyến U Minh Hạ khá trầm lắng. Sự kết nối giữa các trục, tuyến du lịch còn rời rạc. (Ảnh chụp tại Khu Du lịch sinh thái Sông Trẹm, huyện U Minh).

Cái vướng dễ nhận thấy trong lĩnh vực du lịch ở nhiều nơi, trong đó có Cà Mau là “trên - dưới chưa thông”. “Thực tế cho thấy, các chủ trương, chính sách, đề án về du lịch khi về đến cấp cơ sở thường rơi vào tình trạng lúng túng, thụ động, còn đến người dân thì theo kiểu “hiểu tới đâu làm tới đó và mạnh ai nấy làm”, ông Lê Hữu Lợi, Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện U Minh, chia sẻ.

Trong Ðề án phát triển du lịch của U Minh, ông Lê Hữu Lợi khẳng định: “Phải biết du lịch của huyện nhà, xã nhà đang hướng đến mục tiêu gì, công việc cụ thể ra sao, ưu tiên làm gì trước và bắt đầu đổi mới tư duy, nhận thức làm du lịch từ chính đầu mối chính quyền cơ sở. Và phải làm sao để du lịch trở thành nhận thức cộng đồng, trách nhiệm cộng đồng và huy động được nguồn lực tổng thể cộng đồng thì khi ấy du lịch mới thực sự có chuyển biến căn cơ, toàn diện”.

Một thực tế phải nhìn nhận, đó là du lịch Cà Mau chưa đánh giá đúng để khai thác, phát huy những mối quan tâm lớn của xã hội để thúc đẩy tăng trưởng du lịch, cụ thể ở đây là vấn đề toàn cầu về BÐKH.

Tại Hội thảo khoa học “Du lịch gắn với thích ứng BÐKH, đảm bảo môi trường và các hệ sinh thái sinh sống hiện tại và tương lai trên địa bàn tỉnh Cà Mau” tháng 11/2023, PGS. TS Ðào Ngọc Cảnh, Trưởng khoa Du lịch và Quản trị nhà hàng - khách sạn, Trường Ðại học Nam Cần Thơ, gợi ý rằng: “BÐKH là thách thức nhưng cũng là cơ hội lớn cho du lịch Cà Mau. Bởi hiện nay đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là 1 trong 3 đồng bằng bị tổn thương lớn nhất trên thế giới về BÐKH, trong đó Cà Mau có nguy cơ cao nhất. Do đó, thế giới rất quan tâm, vì vậy tỉnh cần tận dụng để khai thác những đặc thù, bứt phá phát triển du lịch thuận thiên”.

“Sức khoẻ” của du lịch Cà Mau đã có nhiều tín hiệu đáng mừng sau thử thách dịch Covid-19. Tuy nhiên, để trở nên “cường tráng”, có sức hấp dẫn hơn, dẻo dai hơn, vẫn cần rất nhiều bổ khuyết. Không thể khác, nắm bắt thời cơ, dự báo và hình dung rõ ràng về diện mạo du lịch trong tương lai chính là chìa khoá mở ra thành công./.

 

Hải Nguyên - Băng Thanh

Bài 3: Hoạch định chiến lược đúng đắn

 

Khi ý Ðảng gặp sức dân - Bài cuối: Nâng cao hiệu quả quản trị cộng đồng

Bức tranh toàn cảnh về sự hình thành và những thành công bước đầu của mô hình tổ Nhân dân tự quản (NDTQ) tại Cà Mau, cho thấy một thiết chế đầy tiềm năng trong việc kết nối ý Ðảng với sức mạnh cộng đồng. Tuy nhiên, hành trình xây dựng và phát triển mô hình này không tránh khỏi những “gập ghềnh”, những “nút thắt” cần được tháo gỡ.

Viết báo tết trong chiến khu

Buổi sáng cuối đông năm 1973, bầu trời se lạnh. Chúng tôi ngồi viết báo Tết trong khu vườn dừa của chú Sáu Lân ở ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.

Khi phóng viên địa bàn đồng hành cùng địa phương

Từ thời Báo Minh Hải, phóng viên đã được Toà soạn phân công phụ trách địa bàn để cùng ăn, cùng ở, cùng làm với cơ sở, với bà con, nắm bắt thật sát tình hình địa phương, thực hiện các tin, bài nóng hổi tính thời sự, góp phần và đồng hành cùng với sự ổn định, phát triển của địa bàn phụ trách.

Khi ý Ðảng gặp sức dân

Trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của dân, do dân, vì dân”, ở Cà Mau, một mô hình tổ chức xã hội đặc biệt đang âm thầm bén rễ và lan toả sức sống: Tổ Nhân dân tự quản (NDTQ). Thoạt nghe, cụm từ này có vẻ khô khan, mang nặng tính hành chính, nhưng khi đặt chân đến những xóm, ấp nơi mô hình này đang hoạt động, người ta mới cảm nhận được hơi thở của sự tự nguyện, tinh thần đoàn kết và khát vọng làm chủ cuộc sống cộng đồng. Ðây không chỉ là hình thức tập hợp người dân theo địa bàn cư trú, mà sâu xa hơn, nó đang dần khẳng định vai trò như một cầu nối sống động, nơi ý Ðảng được truyền tải một cách gần gũi nhất, hoà quyện với nhu cầu và sức mạnh nội tại của Nhân dân.

Với nghề, tôi thấy mình như vừa chập chững tập đi...

Tôi bắt đầu công việc viết lách từ rất sớm, như các bạn tuổi mới lớn khác, tập tành sáng tác thơ và tản văn. Ở những năm học cấp III, tôi chi tiêu cho mua dụng cụ học tập, hàng quà hay những thứ lặt vặt khác, từ chính nguồn nhuận bút viết lách.

Thức cùng sóng biển

Hầu như năm nào cũng vậy, khi những làn gió chướng đầu tiên lao xao trên cành lá là cái rạo rực về những bài báo xuân cứ thôi thúc trong mỗi chúng tôi.

Làm báo thời chiến

Từ buổi bình minh của cách mạng và xuyên suốt các chặng đường đấu tranh gian khổ, báo chí Cà Mau luôn khẳng định là vũ khí sắc bén, đóng góp tích cực vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong những năm tháng đầy lửa đạn ấy, những người làm báo Cà Mau dù phải đối mặt với muôn vàn hiểm nguy, kề cận với cái chết nhưng vẫn kiên cường giữ vững niềm tin và khí tiết cách mạng. Họ đã xuất sắc hoàn thành sứ mệnh của những người chép sử, ghi lại chân thực cuộc chiến đấu anh dũng của dân tộc, của quê hương.

Nơi tôi “khởi mầm” nghề báo

Nhà báo Nguyễn Danh gọi nhắc: Báo Cà Mau chuẩn bị làm kỷ yếu kỷ niệm 100 năm báo chí cách mạng, Kiều Tiên viết gì gửi về đi! Dù bận khá nhiều việc ở cơ quan nhưng tôi cũng hứa sẽ tranh thủ viết. Xem đây là dịp để nhắc về kỷ niệm một thời cùng các anh chị em ở Báo Cà Mau và cũng để tri ân nơi “khởi mầm” nghề báo cho tôi đến hôm nay.

Hành trình về ngôi nhà chung

Đài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau (CTV) được thành lập vào ngày 4/7/1977, tiền thân là Ðài Phát thanh - Truyền hình Minh Hải. Hơn một tháng sau ngày thành lập, Ðài chính thức phát đi tiếng nói đầu tiên lúc 5 giờ sáng ngày 19/8/1977, khởi nguồn chặng đường xây dựng và phát triển của loại hình báo phát thanh - truyền hình trên mảnh đất cực Nam Tổ quốc.

Nhà báo tay ngang

Hôm bữa, Nam Phong, Phó Tổng Biên tập Báo và Ðài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau - bạn tắm sông thuở nhỏ của tôi, gửi Zalo bản chụp bài báo “Về một xí nghiệp đóng tàu” (Báo Minh Hải, thứ Năm, ngày 8/10/1987). Trời đất! Tìm đâu ra vậy? Ðó là “lễ vật chào sân” của tôi với Báo Minh Hải thuở tập tành viết báo.