ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 19-4-25 21:00:49
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Du lịch Cà Mau - Sắc riêng giữa màu chung - Bài 3: Hoạch định chiến lược đúng đắn

Báo Cà Mau Cà Mau là tỉnh thứ 21 vừa được phê duyệt Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Ðây là khởi nguồn thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh thời gian tới. Việc khai thác tốt thương hiệu “Ðất Mũi” sẽ giúp tỉnh Cà Mau trở thành cực tăng trưởng của vùng đồng bằng sông Cửu Long và xứng tầm là vùng đất địa đầu cực Nam của Tổ quốc”.

Nhìn nhận rõ những “điểm nghẽn” ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, Cà Mau bằng sức mạnh nội sinh và tranh thủ mọi nguồn lực đã từng bước tạo đột phá với những chiến lược, giải pháp quyết liệt, phù hợp, hiệu quả, trong đó có những ưu tiên lớn cho lĩnh vực du lịch.

Phấn đấu đến năm 2025, Khu Du lịch Mũi Cà Mau trở thành trọng điểm lớn nhất của tỉnh; một trong những trung tâm du lịch sinh thái, trải nghiệm rừng ngập mặn đặc sắc, điểm đến quan trọng trên hành trình tham quan vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: HUỲNH LÂM

Kiến tạo nền tảng phát triển

Cà Mau đã thông xe cầu sông Ông Ðốc (thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời). Ðây không chỉ là công trình lớn về quy mô, kinh phí mà còn là dấu nối quan trọng để thông suốt huyết mạch trục hành lang Ðông - Tây trên đường bộ của địa phương. Gắn với trục Bắc - Nam đã hoàn thiện, nâng cấp, đây sẽ là cú huých lớn cho toàn bộ diện mạo kinh tế - xã hội Cà Mau.

Ðặc biệt, các kiến nghị hỗ trợ Cà Mau rút ngắn khoảng cách với các trung tâm lớn của cả nước, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho tỉnh: Kéo dài tuyến cao tốc Bắc - Nam thông tuyến tới tận Mũi Cà Mau; xem xét, thực hiện đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Cà Mau đạt tiêu chuẩn cấp 4C theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Trong nhiệm kỳ này, phải thông tuyến đường bộ cao tốc từ Bắc vào Nam tới Cà Mau và sẽ tiếp tục triển khai xây dựng cao tốc tới tận Mũi Cà Mau, thay vì chỉ tới TP Cà Mau như quy hoạch hiện nay. Phải làm bằng được đường băng để máy bay lớn có thể hạ xuống Sân bay Cà Mau sớm nhất có thể, khi nào đông khách hơn thì sẽ mở rộng nhà ga”.

Sau Hội nghị Công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Cà Mau ngày 9/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đại diện lãnh đạo Bộ, ngành Trung ương và tỉnh Cà Mau khảo sát Dự án nâng cấp Sân bay Cà Mau (Ảnh HUỲNH LÂM)

Bên cạnh đó, tỉnh xác định các nhiệm vụ trọng tâm là phát triển bền vững kinh tế biển gắn với khai thác hiệu quả Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, Khu Kinh tế Năm Căn; đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông (đường cao tốc, đường ven biển, cảng biển, cảng hàng không), hạ tầng đô thị, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng du lịch. Hình thành và phát triển 2 hành lang kinh tế theo hướng Bắc - Nam (TP Cà Mau - Cái Nước - Năm Căn - Ðất Mũi) và hướng Ðông - Tây (Tân Thuận - Sông Ðốc) trên cơ sở kết nối đường cao tốc, đường ven biển, cảng hàng không, cảng biển và 5 cực tăng trưởng (TP Cà Mau, Năm Căn, Sông Ðốc, Tân Thuận, Ðất Mũi).

Ðồng chí Huỳnh Quốc Việt, Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, khẳng định: “Tỉnh Cà Mau cam kết luôn mở rộng cửa để chào đón các nhà đầu tư trong, ngoài nước và luôn đồng hành cùng với sự phát triển của các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ được tạo điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án và phát triển bền vững trong thời gian tới theo đúng quy định”.

Với góc nhìn của nhà tổ chức du lịch chuyên nghiệp, ông Trần Văn Thảo, Giám đốc Công ty Vietravel Cà Mau, phấn khởi: “Với việc quy hoạch, định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực du lịch theo vùng - trục, tiểu vùng, gắn với thế mạnh nổi trội, khác biệt, du lịch Cà Mau sẽ có bước tiến xa với sự tăng trưởng không ngừng về số lượng khách, doanh thu du lịch. Khi đó, sự quan tâm, nguồn lực xã hội dành cho du lịch sẽ tăng theo cấp số nhân, đó là một hiệu ứng hoàn toàn có thể dự báo được”.

Ðịnh hình bản sắc

Hướng đến mục tiêu phát triển du lịch xanh, bền vững, đồng thời khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế sẵn có của một tỉnh địa đầu cực Nam Tổ quốc, tỉnh ưu tiên phát triển loại hình du lịch sinh thái dựa trên xây dựng sản phẩm du lịch từ nông nghiệp, gắn việc khai thác, bảo vệ và phát triển tài nguyên với hoạt động du lịch như: tuyến du lịch xuyên rừng Mũi Cà Mau, Làng Văn hoá Du lịch Ðất Mũi, khai thác sản phẩm trải nghiệm hệ sinh thái rừng ngập ngọt thuộc hệ thống Vườn Quốc gia U Minh Hạ, trải nghiệm đầm Thị Tường...

Theo Th.S Phan Ðình Huê, chuyên gia du lịch ÐBSCL, du lịch Cà Mau nên tập trung vào loại hình du lịch nông nghiệp, sinh thái nhưng ở mức độ cao hơn, đáp ứng đa dạng hơn nhu cầu của du khách. (Ảnh: Du khách trải nghiệm các trò chơi dân gian tại Ẩm thực sinh thái Dìa Quê, TP Cà Mau).

Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, tâm đắc: “Cà Mau đã và đang chủ động ứng phó, xây dựng sản phẩm du lịch thích ứng biến đổi khí hậu để phát triển du lịch, nhất là phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với Chương trình xây dựng NTM, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo hướng phát triển du lịch xanh trên nền tảng sản phẩm nông nghiệp sạch và phát triển nông nghiệp sạch để phục vụ, phát triển du lịch xanh. Bên cạnh đó, đưa ẩm thực Cà Mau trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng độc đáo, thu hút nhiều hơn du khách tới địa phương”.

Phấn khởi hơn nữa, Chủ tịch HÐND tỉnh đã ký ban hành nghị quyết thông qua nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau đến năm 2030. Trong quy hoạch tầm nhìn dài hơi này, Cà Mau hướng tới phát huy lợi thế và nét đặc trưng, đặc biệt quan tâm hướng kết nối Mũi Cà Mau với khu vực Hòn Khoai, Phú Quốc, Côn Ðảo... nhằm phát huy kinh tế biển, du lịch biển.

Các dự án du lịch trọng điểm của Cà Mau đang trong giai đoạn mời gọi nhà đầu tư chiến lược, trong đó có thể kể đến những kỳ vọng lớn như: Khu Du lịch đầm Thị Tường; du lịch Vườn Quốc gia U Minh Hạ; du lịch Hòn Khoai, hòn Ðá Bạc... Ðây đều là những tài nguyên đắc địa của Cà Mau, nếu được đầu tư, khai thác đúng mức sẽ mang lại hiệu ứng mạnh mẽ.

Thông điệp phát triển, trong đó có lĩnh vực du lịch của Cà Mau rất rõ ràng: “Không vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi môi trường. Phát triển phải song hành với sự hài hoà, bền vững”.

Tương lai, diện mạo của du lịch Cà Mau được định hướng rõ nét, đó là chú trọng phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch xanh gắn với phát triển các loại hình du lịch khác như: biển - đảo, văn hoá, lịch sử, tâm linh, mua sắm, nghỉ dưỡng... Tất cả để xây dựng bản sắc, định hình vị trí du lịch Cà Mau, một điểm đến lý tưởng, có sức hấp dẫn lâu bền và đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với các thị trường du lịch không chỉ khu vực đồng bằng sông Cửu Long mà là của cả nước và quốc tế./.

 

Hải Nguyên - Băng Thanh

Bài cuối: Cơ hội “kim cương”

 

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài 2: Bước chuyển mình của đô thị hoá nông thôn

Khác với sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đô thị động lực, như TP Cà Mau, Sông Ðốc và Năm Căn, những làng quê, nơi mà quá trình đô thị hoá đang diễn ra một cách lặng lẽ lại trở thành nơi lý tưởng, đáng sống, ước mơ của nhiều người. Cà Mau, từ một bức tranh tưởng chừng đơn điệu, với ruộng lúa, ao tôm, cánh đồng hoa màu và những con rạch hiền hoà, nay khoác lên mình diện mạo mới, hiện đại hơn, thuận tiện hơn, nhưng vẫn giữ được bản sắc miền Tây sông nước.

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài 3: Giải mã “điểm nghẽn” để khơi thông tiềm năng

Tốc độ đô thị hoá của Cà Mau tăng trung bình 1,3%/năm, phản ánh sức hút và tiềm năng nội tại. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa tương xứng với tiềm lực vốn có và còn cách biệt so với khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Quá trình đô thị hoá tại Cà Mau vẫn đang đối diện với những nút thắt cần tháo gỡ.

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh

Tỉnh Cà Mau đang kiến tạo một nền tảng vững chắc để đô thị hoá trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Ðến cuối năm 2024, tỷ lệ đô thị hoá của tỉnh đạt 33,04%, với 22 đô thị, cao hơn mức trung bình của đồng bằng sông Cửu Long (32,0%) và vượt một số tỉnh lân cận, như Vĩnh Long (28,7%), Hậu Giang (30,5%)... Với TP Cà Mau, Năm Căn và Sông Ðốc làm tam giác động lực, tỉnh không chỉ mở rộng không gian đô thị mà còn tạo sức bật kinh tế toàn diện. Không chạy theo đô thị hoá ồ ạt, tỉnh tập trung xây dựng nền tảng hạ tầng vững chắc, phát huy lợi thế kinh tế biển, logistics và dịch vụ thương mại để trở thành điểm sáng mới của vùng Tây Nam Bộ.

Khởi nghiệp “xanh” - Xu hướng phát triển bền vững - Bài cuối: Khơi thông dòng chảy

Khởi nghiệp dựa vào tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng tài nguyên bản địa của địa phương là một lợi thế. Tuy nhiên, nó cũng có nhiều thách thức cho hoạt động khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp “xanh” nói riêng của tỉnh. Ðể nâng tầm khởi nghiệp “xanh”, Cà Mau đang cần những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Ðịa phương cũng cần chú trọng hơn đến phát triển kinh tế bền vững và hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp “xanh”, cũng như các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, đào tạo, phát triển cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Khởi nghiệp “xanh” - Xu hướng phát triển bền vững - Bài 2: "Ghi điểm" trên "sân nhà"

Khởi nghiệp “xanh” tại Cà Mau mang đến động lực, truyền cảm hứng từ những câu chuyện thực tế của những bạn trẻ đầy nhiệt huyết, mạnh dạn tận dụng sân nhà để phát huy giá trị sản phẩm kinh doanh, gợi mở nhiều cơ hội trong tiến trình khởi nghiệp.

Khởi nghiệp “xanh” - Xu hướng phát triển bền vững

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã trở thành xu thế chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Ở nước ta, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là chủ trương lớn của Ðảng. Nghị quyết 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị đã xác định rõ vai trò của khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trong đó doanh nghiệp là trọng tâm của quá trình đổi mới sáng tạo quốc gia.

Hướng tới chính quyền số toàn diện - Bài cuối: Xây dựng nền hành chính kiến tạo, phục vụ

Nếu chuyển đổi số (CÐS) trong thủ tục hành chính (TTHC) là bước đột phá giúp cắt giảm phiền hà, tiết kiệm thời gian cho người dân và doanh nghiệp, thì xây dựng chính quyền thông minh lại mang tầm vóc lớn hơn. Ðó không chỉ là việc đưa công nghệ vào bộ máy quản lý Nhà nước, mà còn là một cuộc chuyển đổi toàn diện về tư duy điều hành, phương thức hoạt động và tinh thần phục vụ. Không còn cảnh văn phòng hành chính đầy ắp hồ sơ, giấy tờ, chính quyền số hôm nay đang định hình một mô hình làm việc mới: liên thông, minh bạch, gần gũi và lấy sự hài lòng của người dân làm trung tâm.

Hướng tới chính quyền số toàn diện

Hai năm liền (2023-2024), Cà Mau dẫn đầu cả nước về chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp, đây là dấu ấn nổi bật của tỉnh trong công tác cải cách hành chính (CCHC). Ðể có được thành tựu này, tỉnh không chỉ đơn giản hoá thủ tục mà còn đổi mới mạnh mẽ phương thức phục vụ. Hệ thống một cửa liên thông được triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã, giúp rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, nâng cao tính minh bạch, hiệu quả, sự hài lòng trong dân.

Tự hào vùng đất Tây Nam - Bài cuối: Biển - Dòng chảy phồn vinh

Ðịa bàn biên giới biển toàn vùng Tây Nam trải dài hơn 700 km, chiếm 1/5 tổng chiều dài bờ biển của cả nước, không chỉ là tuyến phòng thủ chiến lược mà còn là nguồn sống của hàng triệu ngư dân. Với hệ sinh thái phong phú, vùng biển này mang trong mình tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế biển, đóng góp quan trọng vào công cuộc dựng xây đất nước.

Tự hào vùng đất Tây Nam - Bài 3: Hồi sinh Ba Chúc

Cách nay 50 năm, trong khi các địa phương trong cả nước đang bắt tay kiến thiết quê hương sau đại thắng mùa Xuân 1975 thì Nhân dân Ba Chúc lại mang thêm trên mình những vết thương của nạn thảm sát diệt chủng Pol Pot. Nếu so sánh xuất phát điểm của vùng đất thanh bình vươn lên sau chiến tranh thì Ba Chúc khởi điểm sau các vùng đất khác 10 năm, với nền tảng ban đầu: đất đai cằn cỗi, nhà cửa xơ xác, cuộc sống của người dân bấp bênh giữa đói nghèo và ký ức đau thương. Trở lại Ba Chúc hôm nay là thị trấn sầm uất của huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.