Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của huyện Trần Văn Thời là 32 triệu đồng/năm, đạt 100,9% chỉ tiêu; sản lượng lúa ước đạt 300.000 tấn, đạt 100% chỉ tiêu; sản lượng thuỷ sản ước đạt 138.000 tấn, đạt 100% chỉ tiêu; thu ngân sách Nhà nước 66,5 tỷ đồng, đạt 119% chỉ tiêu. Ngoài ra, tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,88% và tỷ lệ hộ nghèo ước còn 11,08% (giảm 2,01%) là 2 chỉ tiêu quan trọng, thể hiện sự quết tâm chính trị trong giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của huyện.
Ấp Kinh Hội và ấp Chống Mỹ, thuộc xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, một thời từng được nhắc đến gắn liền với biệt danh "vùng đất cầm trâu". Bởi lẽ, nơi đây một thời những cánh đồng mênh mông chỉ toàn là năn, đất bị phèn mặn, canh tác gặp nhiều khó khăn, chủ yếu để hoang cho trâu ăn.
Hôm nay, trên vùng đất năm nào, cuộc sống người dân thay đổi hẳn. Lộ làng thông thoáng, trụ sở văn hoá sạch, đẹp, nhà cửa khang trang, đầy đủ tiện nghi. Vùng quê từng một thời nghèo khó đã và đang bước sang trang mới.
Bám đất, bám làng
Nói về thời gian khó của vùng đất Kinh Hội, Chống Mỹ, ông Dương Minh Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Bình, còn nhớ như in: “Lúc tôi chừng mười mấy tuổi vẫn còn thấy năn mọc khắp đồng, cao tới đầu người. Ðất đai mênh mông nhưng người thì thưa thớt. Lúc đó vùng đất thuộc tuyến Kinh Ranh bây giờ, giáp với xã Khánh An, huyện U Minh, nhà ở chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bởi lẽ, làm ruộng thất quá, 1 năm chỉ có vụ cấy mà chưa tới 10 giạ/công, nhiều người vì không trụ nổi đành bỏ xứ”.
Vùng “đất chết” ấp Kinh Hội nay lộ làng khang trang, trẻ em đến trường dễ dàng hơn. |
Sinh ra và lớn lên ở ấp Chống Mỹ, vì vậy, ông Dư Minh Út hiểu rất rõ về những năm làm ruộng vất vả, cực nhọc nhưng đến khi thu hoạch chỉ có dăm ba giạ lúa. Ông Út kể, trước đây vùng đất này là đất hoang, dân tự khai phá để sinh sống. Cha mẹ, anh em ông phải đổ biết bao mồ hôi, nước mắt mới có được 100 công đất ruộng. Nói là đất nhiều nhưng cuộc sống chẳng mấy dư dả. Nguyên nhân là vì làm ruộng thất bát. Nhiều khi thất trắng, còn lúc có thu hoạch thì chỉ 3-5 giạ lúa/công. Ðồng ruộng chỉ toàn là năn nên trâu thả lan quanh năm.
Cuộc sống gian nan, nghèo khó, nhìn những cánh đồng ruộng đầy năn rồi lắc đầu ngán ngẩm, không ít gia đình bảo nhau chọn cách tha hương để mưu sinh. Nhưng cũng nhiều người quyết bám đất, bám quê hương xứ sở. Và rồi, chính việc đổi thay trong sản xuất; một bên từ trồng lúa kém hiệu quả sang vụ lúa - vụ tôm, một bên chuyển sang trồng 2 vụ lúa/năm đã đánh thức tiềm năng của vùng đất nghèo khó, vực dậy cuộc sống người dân nơi đây.
Ông Út phấn khởi: “Từ hồi chuyển dịch sản xuất tới giờ ngót nghét 15 năm. Phải nhìn nhận rằng, cuộc sống người dân nơi đây khấm khá hẳn. Trồng lúa trúng lắm, còn nuôi tôm cũng hiệu quả cao”.
Với 40 công đất được cha mẹ cho và tự tạo lập, năm nào ông Út cũng trồng 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm. Trung bình mỗi năm ông thu hoạch 40 giạ lúa/công. Còn đối với tôm nuôi cũng đem lại 100-150 triệu đồng.
Hơn 1 năm nay, ông Út còn nuôi tôm quảng canh cải tiến vừa để đa dạng hoá mô hình sản xuất, vừa tăng thu nhập cho gia đình. Năm 2015, với 1,5 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến mang lại cho ông lãi 70 triệu đồng. Ngoài nuôi tôm, trồng lúa, ông Út còn sắm thêm máy cày chét để phục vụ sản xuất cho gia đình, đồng thời phục vụ bà con xung quanh những lúc rảnh rỗi kiếm thêm thu nhập.
“Ðất này lúc trước rẻ bèo, hầu như chẳng có giá trị gì, 1 công đất ruộng chỉ có hơn chục giạ lúa, còn giờ ai muốn mua được công đất phải cầm trong tay ít nhất 40 triệu đồng. Giờ khác xưa nhiều. Lúa có, tôm có. Không rời bỏ quê hương là quyết định đúng đắn”, ông Út cho biết.
Thời tiết sản xuất vụ lúa - tôm năm nay không mấy thuận lợi, nhưng ruộng lúa của ông Nguyễn Văn Ðây ở ấp Chống Mỹ vẫn phát triển rất tốt. Mười mấy năm chuyển dịch sản xuất, chưa năm nào ông Ðây không cấy lúa trên đất nuôi tôm, dù có khó khăn cách mấy. Bởi lẽ, qua nhiều năm áp dụng vụ lúa - vụ tôm, ông nghiệm được rằng “muốn có tôm thì phải trồng lúa”.
Ông Nguyễn Văn Bình, ấp Kinh Hội, xã Khánh Bình, nhờ biết tận dụng tiềm năng, lợi thế vùng đất một thời nghèo khó mà xây dựng được cơ ngơi khang trang. |
Ðó không phải là suy nghĩ của riêng ông mà của nhiều hộ dân trong vùng. Lúa - tôm là mô hình kinh tế bền vững, không chỉ nâng cao năng suất tôm nuôi mà quan trọng là cải thiện, bảo vệ môi trường sản xuất. Vì vậy, mỗi khi đến vụ lúa trên đất nuôi tôm, người dân trong vùng đồng loạt tháo nước xổ phèn, xuống giống. Chính vì đồng thuận trong sản xuất nên năng suất lúa của ấp nói riêng, xã Khánh Bình nói chung luôn đạt cao.
Với 3 ha đất sản xuất, hằng năm, ông Ðây dành 2 ha xuống giống vụ lúa. Bình quân mỗi công đạt 30 giạ, đem lại thu nhập hơn 30 triệu đồng. Không chỉ trúng lúa mà vụ tôm sau đó cũng thường trúng đậm, thu nhập ít nhất là 50 triệu đồng.
Ngoài duy trì mô hình lúa - tôm, 2 năm nay, ông Ðây còn mạnh dạn đưa con tôm càng xanh vào nuôi mùa nước ngọt. Ông Ðây cho biết, trong một lần tình cờ xem tin tức trên đài, thấy người dân Thới Bình nuôi tôm càng xanh trúng thấy ham, suy xét thấy mô hình này cũng phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình nên ông Ðây mua 10.000 con tôm giống về nuôi.
“Nuôi chơi chơi, coi như bỏ thí, vậy mà mấy tháng sau thu hoạch được 35 triệu đồng, trừ tiền con giống lời hơn 30 triệu đồng. Năm nay, tôi tiếp tục nuôi với số lượng 15.000 con. Tuy chưa thu hoạch nhưng qua theo dõi, tôi thấy năm nay số lượng tôm nhiều hơn năm rồi, thu nhập chắc sẽ cao hơn”, ông Ðây phấn khởi.
Chung vai cùng phát triển
Ðoàn kết là chìa khoá thành công trong sản xuất, vì vậy, năm 2013, người dân 2 ấp Kinh Hội và Chống Mỹ đã tự nguyện thành lập tổ hợp tác nuôi trồng thuỷ sản hoạt động khá hiệu quả và duy trì cho đến nay. Còn đối với vùng ngọt, chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện để người dân tiếp cận khoa học - kỹ thuật, giống lúa cho năng suất cao, thành lập cánh đồng lớn. Từ đó, năng suất lúa của 2 ấp cũng như của toàn xã thường bằng hoặc cao so với bình quân chung của toàn huyện.
Người dân ấp Chống Mỹ luôn tiên phong thực hiện các mô hình sản xuất hiệu quả cao. |
Ông Dương Minh Sang cho biết, năng suất lúa vùng ngọt bình quân đạt 5,8 tấn/ha. Riêng đối với trà lúa vụ 2, năng suất có khi đạt hơn 6 tấn/ha. Còn đối với năng suất lúa thuộc cánh đồng lớn như ở ấp Chống Mỹ còn cao hơn từ 0,2-0,3 tấn/ha.
Kinh tế phát triển, chuyện chăm lo cho con cái học hành cũng thay đổi nhiều so với trước. Những gia đình có con học đại học, cầm tấm bằng cử nhân không còn xa lạ với người dân nơi đây. Gia đình ông Phạm Việt Tân (ấp Chống Mỹ) là một trong số đó. Không chỉ nhà cửa khang trang, kinh tế thuộc dạng khá trong vùng mà ông Tân còn nuôi các con học hành đến nơi đến chốn. 2 người con của ông đều đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định./.
Bài và ảnh: Ngọc Minh