Cả 3 tuyến du lịch trọng điểm Cà Mau đã đưa vào khai thác, với khoảng cách di chuyển từ 50 đến hơn 100 km mỗi tuyến nhưng lại thiếu các trạm, điểm dừng chân phù hợp, đáp ứng nhu cầu khách tham quan.
Cả 3 tuyến du lịch trọng điểm Cà Mau đã đưa vào khai thác, với khoảng cách di chuyển từ 50 đến hơn 100 km mỗi tuyến nhưng lại thiếu các trạm, điểm dừng chân phù hợp, đáp ứng nhu cầu khách tham quan.
Thực tế, tại nhiều địa phương trong cả nước, việc xây dựng trạm, điểm dừng chân du lịch đã được các nhà đầu tư, doanh nghiệp khai thác từ rất lâu, hiệu quả tích cực. Tại đây, du khách được cung ứng đầy đủ các dịch vụ từ nghỉ ngơi, ăn uống, thư giãn đến mua sắm hàng lưu niệm, đổi tiền…
![]() |
Vườn trái cây sẽ là điểm dừng chân thú vị để du khách tham quan và thưởng thức sản vật của địa phương. |
Ðơn cử, tuyến Quốc lộ 1 về Sóc Trăng, trạm dừng chân đặt tại cửa ngõ của thành phố. Ở đây, ngoài việc giới thiệu những món ngon vật lạ đặc sắc của Sóc Trăng, du khách còn được “chiêm ngưỡng” nhà xưởng hiện đại sản xuất bánh pía của Công ty Tân Huê Viên. Ðầu năm 2014, TP Cần Thơ khai trương trạm dừng chân chợ nổi Cái Răng để tạo thêm nhiều chọn lựa cho chuyến tham quan của du khách. Trạm còn là nơi kết nối với các tour du lịch vườn, các làng nghề trong vùng, có nhà hàng phục vụ tới 300 người.
Hoạt động du lịch Cà Mau đang dần có bước chuyển biến tích cực. Tổng lượng khách đến cuối năm 2014 trên 917.000 lượt, tăng 7,83% so với năm 2013. Trong đó, khách quốc tế hơn 19.500 lượt. Doanh thu đạt trên 252 tỷ đồng. Do vậy, Cà Mau nên sớm đầu tư nhiều trạm, điểm dừng chân, vì mỗi trạm không chỉ là nơi quảng bá hình ảnh của tỉnh mà còn được ví như “chợ đặc sản địa phương”, thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm tại chỗ. Bên cạnh, việc phát triển hệ thống trạm, điểm dừng chân sẽ còn làm điểm tựa cho việc xây dựng, kết nối các tour du lịch nội địa và các tuyến du lịch quốc tế trong tương lai.
Ông Trần Xuân Trường, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Du lịch, Sở VH,TT&DL, cho biết, sau chuyến khảo sát các điểm dừng chân trên tuyến du lịch trọng điểm và xây dựng sản phẩm du lịch của tỉnh năm 2014, sở đã đề xuất xin chủ trương phát triển tuyến, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 và những năm tiếp theo.
Theo đó, tuyến 1: Cà Mau - U Minh - Sông Trẹm (51 km), sẽ có điểm dừng chân cách trung tâm huyện U Minh hơn 7 km, là hộ gia đình có vườn cây trái xum xuê, mặt bằng đẹp, dự kiến phối hợp các hộ đan đát bên kia sông thuộc ấp 15, xã Nguyễn Phích để hướng bà con bán hoặc ký gửi các sản phẩm thủ công lưu niệm.
Tuyến 2: Cà Mau - Vườn Quốc gia U Minh Hạ - Ðá Bạc (50 km), có điểm phụ tuyến T19 được xây dựng theo mô hình du lịch cộng đồng (gác kèo ong, câu cá giải trí…); điểm dừng chân là hộ kinh doanh đặc sản khô bổi của ông Ba Việt (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) để tìm hiểu cách sản xuất khô bổi, ăn uống hay điểm kinh doanh các sản phẩm từ chuối (xã Trần Hợi).
Các công ty du lịch, đơn vị vận chuyển hành khách đánh giá tầm quan trọng của các trạm, điểm dừng chân du lịch là giải pháp làm phong phú thêm sản phẩm du lịch địa phương, tăng tính hấp dẫn đối với du khách, kéo dài thời gian lưu trú và tăng khả năng chi tiêu. Theo đó, các trạm, điểm dừng chân phải bảo đảm 3 chức năng: tạo điều kiện tốt để du khách vệ sinh cá nhân, ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí; cung cấp thông tin, quảng bá về văn hoá, lịch sử; là nơi mua bán, giới thiệu các sản phẩm địa phương, thúc đẩy việc sản xuất, tạo điều kiện tốt cho người dân quanh vùng tham gia mua bán, trao đổi hàng hoá. |
Tuyến 3 hơn 100 km: Cà Mau - Cái Nước - Năm Căn - Ðất Mũi, điểm phụ là các hộ bán bồn bồn và các loại mắm tại xã Tân Hưng Ðông; điểm di tích lịch sử quốc gia Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ (xã Hàm Rồng). Ngoài ra, với tuyến đường ca-nô về Ðất Mũi, năm 2015, Sở VH,TT&DL sẽ đề nghị địa phương sắp xếp trật tự chợ Ông Trang và chợ Ðất Mũi để khách dừng chân mua sắm, tham quan đời sống bà con nơi cuối trời Tổ quốc.
Theo ông Trần Xuân Trường, việc xây dựng điểm dừng chân du lịch rất khó thực hiện do vướng nhiều yếu tố như khoảng cách không gian chưa đủ, lượng khách, đặc biệt là kinh phí đầu tư… Nếu được UBND tỉnh chấp thuận theo đề xuất, sở sẽ bàn với các ngành có liên quan sớm giải quyết những khó khăn: đối với tuyến 1, UBND tỉnh chỉ đạo mở rộng nâng cấp cầu kinh Xáng Giữa, kinh Ba Kênh, Kinh Bảy. Trước mắt, phải bảo đảm cho xe 16 chỗ thuận lợi lưu thông. Xem xét có thể điều chuyển vốn đầu tư hạ tầng du lịch (từ chương trình mục tiêu) để cải tạo, nâng cấp tuyến phục vụ xe lớn hơn. Với tuyến 2, UBND tỉnh chỉ đạo mở rộng, nâng cấp cầu Cơi 5 đến Ðá Bạc để lưu thông xe 30-45 chỗ. Ðặc biệt, cần có chính sách hỗ trợ các hộ dân làm du lịch cộng đồng (đề xuất giao cho Hội Nông dân tỉnh lập dự án đầu tư).
Thiết nghĩ, về lâu dài ngành du lịch, tỉnh cần có những kế hoạch cụ thể nhằm tiến đến xây dựng các điểm dừng chân đạt chuẩn như 1 trạm thông tin du lịch với đầy đủ chức năng dịch vụ sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của khách du lịch, đặc biệt khách nước ngoài./.
Bài và ảnh: Băng Thanh