(CMO) Từ khi thành lập đến nay, Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau đã góp phần đào tạo và liên kết đào tạo hơn 10.000 sinh viên có trình độ chuyên môn từ trung cấp đến đại học với 52 chuyên ngành ở nhiều lĩnh vực. Hướng tới kỷ niệm 20 năm ngày thành lập trường, TS Dương Thu Thuỷ, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ:
Để tạo cơ hội học tập cho cộng đồng, cung ứng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của địa phương, song song với 9 ngành đào tạo hệ cao đẳng chính quy như: Quản trị kinh doanh, Nuôi trồng thuỷ sản, Kế toán doanh nghiệp, Tin học văn phòng, Kỹ thuật máy tính… thời gian qua, trường đã chủ động phối hợp, liên kết với 13 trường đại học và trung cấp trong nước để đa dạng hoá ngành nghề đào tạo. Đồng thời, trường cũng chú trọng đến việc liên thông, liên kết, mở các lớp đào tạo văn bằng 2, thạc sĩ...
Trường CĐCĐ Cà Mau đang mở rộng quy mô đào tạo nhằm tạo nguồn lực đáp ứng sự phát triển của địa phương. |
- Sau gần 20 năm hoạt động, đội ngũ giảng viên của nhà trường hiện như thế nào, thưa Tiến sĩ?
TS Dương Thu Thuỷ: Qua 20 năm, kể từ ngày đầu thành lập với đội ngũ giảng viên ít ỏi, đến nay đội ngũ cán bộ, nhân viên, giảng viên của nhà trường lớn mạnh về cả về số lượng lẫn chất lượng, với 106 người. Trong đó có 1 tiến sĩ, 5 nghiên cứu sinh, 56 thạc sĩ. Đối với ngành đào tạo, hiện trường tiếp tục tuyển sinh và đào tạo trình độ cao đẳng chính quy 12 ngành, trong đó có 3 ngành sư phạm.
- Xin Tiến sĩ cho biết, so với thời gian đầu, việc tuyển sinh hiện nay ra sao?
TS Dương Thu Thuỷ: Từ năm 2017, trường chịu sự quản lý của Bộ LĐ-TB&XH, mọi hoạt động từ khâu xác định chỉ tiêu tuyển sinh, áp dụng quy chế tuyển sinh, quy chế đào tạo, điều kiện được công nhận tốt nghiệp, phôi bằng tốt nghiệp được áp dụng thực hiện theo quy chế, quy định chung của bộ chủ quản.
Những năm đầu thành lập, chỉ tiêu tuyển sinh luôn đạt và vượt. Nhưng do nhu cầu xã hội, chỉ tiêu tuyển sinh của những năm gần đây thấp hơn vì có nhiều trường đại học mới thành lập. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động đối với sinh viên đã tốt nghiệp trình độ cao đẳng, đại học hình thức vừa học vừa làm, hệ từ xa… ở địa phương còn nhiều hạn chế.
Trước sức ép đó, nhà trường luôn chú trọng đổi mới, đa dạng hoá hình thức tư vấn, quảng bá, trực tiếp giải đáp thắc mắc cho học sinh về thông tin tuyển sinh, đồng thời phối hợp với các trường đại học tổ chức tuyển sinh với đa dạng hình thức, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu người học.
Trường cũng chú trọng đổi mới trong cách soạn giáo án, cập nhật thông tin, hình ảnh, số liệu, thiết kế bài giảng sinh động, dễ hiểu; thăm dò ý kiến người học nhằm điều chỉnh nội dung, phương pháp giảng dạy; nâng cao chất lượng đề kiểm tra, thi nhằm đánh giá kết quả học tập đảm bảo chính xác, khách quan… với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có trình độ tay nghề cao, có kỷ luật, năng lực chuyên môn tốt, yêu nghề, sáng tạo, có đạo đức trong nghề nghiệp và xã hội…
- Thời gian tới, định hướng của nhà trường trong việc đào tạo nguồn nhân lực như thế nào, thưa Tiến sĩ?
TS Dương Thu Thuỷ: Đặt mục tiêu đào tạo đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài của địa phương lên hàng đầu, trường thường xuyên khảo sát nhu cầu thực tế và sự phát triển của tỉnh nhà để có hướng đề xuất mở thêm các ngành đào tạo, nhằm tạo nguồn lực có phẩm chất và năng lực đáp ứng nhu cầu hội nhập. Qua đó, khai thác hiệu quả nguồn nhân lực của địa phương, kết hợp với các nguồn lực bên ngoài để cùng phát triển.
Từ khi thành lập đến nay, Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau đã góp phần đào tạo và liên kết đào tạo hơn 10.000 sinh viên có trình độ chuyên môn từ trung cấp đến đại học với 52 chuyên ngành ở nhiều lĩnh vực. Mặc dù đã được đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giảng dạy, nhưng để Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau khẳng định được vị thế, thương hiệu và lợi thế so sánh với các tỉnh bạn thì cần sự quan tâm đầu tư hơn nữa…
- Cảm ơn TS Dương Thu Thuỷ về cuộc trò chuyện này!
Ngọc Trầm