Là huyện thuần nông nên mỗi năm nông dân huyện U Minh sản xuất ra trên 100.000 tấn lương thực, trong đó có hàng chục ngàn tấn lúa được sản xuất thủ công. Ðây là cách làm truyền thống, chưa tác động nhiều bởi khoa học - kỹ thuật và người dân cũng chưa có thói quen dùng phân bón, thuốc trừ sâu. Những hạt gạo làm ra còn đậm đà hương vị tự nhiên.
Tiềm năng gạo “sạch”
Hàng ngàn hộ nông dân trên lâm phần rừng U Minh Hạ hiện đang còn độc canh cây lúa, mỗi năm một vụ theo tập quán canh tác truyền thống. Sản lượng lúa làm ra chủ yếu để nuôi sống gia đình, năng suất không cao. Tuy nhiên, đó là hạt gạo chưa bị tác động bởi phân bón hoá học. Cách sản xuất của bà con hoàn toàn bằng thủ công, từ khâu cuốc đất, gieo mạ, phát dọn cỏ ruộng, nhổ mạ và cấy. Cũng xuất phát từ cách làm này mà tạo sự gắn kết tình làng nghĩa xóm, hỗ trợ nhau trong sản xuất.
Lúa trên đất nuôi tôm cho ra hạt gạo siêu sạch, do không sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu. Ảnh: NHẬT HUY |
Từ “vần công” khi vào mùa sản xuất, nông dân ở đây hay dùng tới. Tập quán sản xuất này có từ xa xưa và hiện nay ở một vài xóm dân cư trên lâm phần vẫn còn duy trì. Họ cũng không thích cày bừa hay phân bón, thuốc trừ sâu vì cho rằng làm vậy đất sẽ nhanh bạc màu và hạt cơm không thơm, dẻo tự nhiên.
Ông Lê Văn Liệt, Ấp 13, xã Khánh Lâm, có 1,5 ha đất nông nghiệp sản xuất thủ công, năng suất bình quân từ 15-20 giạ/công. Ông Liệt nói: “Nhà ít người ăn nên tôi thích làm đất phát vì hạt cơm thơm, dẻo đậm đà. Nếu bỏ phân bón hoá học vào, hạt cơm không ngon nữa”.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện U Minh, toàn huyện hiện có gần 5.500 ha sản xuất một vụ lúa mùa, trong đó phần lớn diện tích này sản xuất thủ công nên năng suất không cao. Ngoài tập quán của một bộ phận nông dân thích sản xuất thủ công thì còn một yếu tố gây khó khăn trong khâu cơ giới hoá là cơ chế quản lý rừng được ưu tiên hơn với hệ thống đập ngăn mặn giữ ngọt được xây dựng đều khắp nên máy nông nghiệp khó di chuyển và chi phí tăng cao. Tuy nhiên, tổng sản lượng lúa được sản xuất theo phương pháp an toàn này lên đến hàng chục ngàn tấn, chỉ để người dân sử dụng trong năm.
Ngoài ra, huyện U Minh có gần 19.000 ha đất sản xuất một vụ lúa, một vụ tôm với cách sản xuất cũng rất an toàn. Khi sản xuất lúa trên đất nuôi tôm, nông dân hạn chế tối đa dùng phân bón hoá học, thuốc trừ sâu vì sợ ảnh hưởng đến tôm nuôi. Theo số liệu từ ngành nông nghiệp huyện, vụ lúa trên đất nuôi tôm năm 2016, nông dân trong huyện U Minh xuống giống trên 12.500 ha, trong đó áp dụng sản xuất 2 mô hình cánh đồng lớn lúa - tôm và 1 mô hình thí điểm sạ lúa - tôm theo hướng VietGAP. Các mô hình thực hiện đều theo hướng sản xuất an toàn sinh học.
Nên có thương hiệu gạo “sạch” U Minh
Nếu tính về sản lượng gạo sản xuất an toàn theo phương pháp trên thì mỗi năm huyện U Minh có hàng chục ngàn tấn lúa. Tuy nhiên, xét về hiệu quả kinh tế hiện nay, cách sản xuất này mang lại chưa cao. Việc sản xuất của bà con còn manh mún, đầu ra của hạt gạo chưa đảm bảo.
Thế nhưng, cách làm này đã tạo ra hạt gạo sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Trong khi nguồn nguyên liệu gạo sạch rất dồi dào và thị trường đang rất cần thì việc xây dựng thương hiệu cho hạt gạo U Minh là cần kíp. Ðây được xem là bài toán giải quyết cái nghèo ở khu vực lâm phần.
Việc tổ chức lại sản xuất ở khu vực này cũng phải được tính toán. Nhưng trước mắt, huyện U Minh cần xây dựng vùng nguyên liệu gạo an toàn, tăng cường quảng bá sản phẩm để các doanh nghiệp biết và tìm đến./.
Lê Hữu Lợi