(CMO) Vừa qua, báo Cà Mau nhận được đơn thư của ông Lê Văn Tính, ngụ Khóm 4, thị trấn U Minh yêu cầu không ghép trường Tiểu học Nguyễn Văn Huyên với trường Tiểu học Thái Văn Lung, Khóm 3, thị trấn U Minh, huyện U Minh.
Theo đơn, ngày 8/1/2019, ông Lê Văn Tính cùng tập thể phụ huynh học sinh của trường Tiểu học Nguyễn Văn Huyên làm đơn yêu cầu không ghép trường Tiểu học Nguyễn Văn Huyên với trường Tiểu học Thái Văn Lung, địa điểm tại Khóm 3, thị trấn U Minh, nhưng được UBND tỉnh chuyển đơn về UBND huyện U Minh trả lời. Song, đến nay vẫn chưa được hồi âm từ UBND huyện U Minh về việc có ghép trường hay không?
Cũng theo ông Lê Văn Tính, Bộ GD&ĐT có công văn là trường tiểu học có từ 10 lớp học trở lên không được ghép, vả lại trường này khá đầy đủ phương tiện học tập, đội ngũ giáo viên cũng đảm bảo, cơ sở vật chất khá tốt cho con em học tập. Ông Tính cho rằng, không nên ghép trường vì trường Tiểu học Nguyễn Văn Huyên đã đạt chuẩn quốc gia.
Ngày 22/4/2019, phóng viên báo Cà Mau đã làm việc trực tiếp với Trưởng phòng GD&ĐT huyện U Minh Trần Hoàng Lạc về vấn đề này. Ông Trần Hoàng Lạc cho biết, huyện đã xin chủ trương của tỉnh tiến hành ghép trường Tiểu học Nguyễn Văn Huyên vào trường Tiểu học Thái Văn Lung. Ông Lạc nhìn nhận, thời gian đầu ghép trường sẽ có trở ngại đối với phụ huynh và học sinh khi đưa con em đến trường. Tuy nhiên, trường Tiểu học Thái Văn Lung cũng thuộc địa bàn thị trấn, 2 trường chỉ cách nhau con sông và đã có cầu bắc ngang, đảm bảo việc đi lại của học sinh khi chuyển về trường mới.
Ông Trần Hoàng Lạc lý giải, nguyên nhân ghép trường là do tình hình thực tế địa phương. Cụ thể, trường Tiểu học Nguyễn Văn Huyên thường bị mưa ngập, không có đường thoát nước. Nhiều năm qua, chính quyền địa phương đã tìm nhiều giải pháp thoát nước nhưng không khả quan. Bên cạnh đó, do trường gần khu vực chợ, người dân thường xuyên mua bán trước cổng trường, dẫn đến việc vệ sinh, an ninh trật tự ảnh hưởng đến trường và học sinh. Chưa kể việc một số hộ dân đi lại ngay trong khu vực trường, trường không thể đóng cổng, điều này không thể đảm bảo an toàn, an ninh cho trường.
Giờ tan học ở Trường Tiểu học Nguyễn Văn Huyên thường ùn tắc giao thông do người mua bán, đi chợ, phụ huynh, học sinh chen chúc nhau. |
“Chính việc mua bán của người dân còn gây mất vẻ mỹ quan trường học. Giờ tan học, một lượng lớn học sinh, giáo viên, phụ huynh đưa rước con ra trước cổng trường dẫn đến ùn tắc, không đảm bảo an toàn giao thông”, ông Trần Hoàng Lạc thông tin thêm.
Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện U Minh, huyện đã có phương án cụ thể đảm bảo việc học tập cho học sinh trường Tiểu học Nguyễn Văn Huyên khi chuyển về địa điểm mới. Đó là đầu tư thêm phòng học, trang thiết bị cho trường Tiểu học Thái Văn Lung. Ông Trần Hoàng Lạc thông tin, để giải toả lo ngại của phụ huynh về số lượng học sinh của 2 trường sau sáp nhập hơn 1 ngàn em, cùng với lượng học sinh Trường THCS Nguyễn Thái Bình lúc tan học về sẽ gây ùn tắc giao thông, huyện đã giao Phòng Kinh tế - Hạ tầng thực hiện dự án mở thêm tuyến đường phía sau để giải quyết vấn đề ùn tắc.
Hiệu trưởng trường Tiểu học Thái Văn Lung Trần Lệ Chi cho biết, diện tích trường gần 12 ngàn mét vuông, có thể đảm bảo việc ghép Trường Tiểu học Nguyễn Văn Huyên về đây. Hiện nay, nhà trường có 552 học sinh, nếu ghép 14 lớp của trường Nguyễn Văn Huyên về, số học sinh tăng hơn 1 ngàn em, vẫn đảm bảo theo quy định trường đạt chuẩn quốc gia (mỗi em 10 m2).
“Nhà trường đang xây thêm 16 phòng và 4 phòng khác. Trường Tiểu học Thái Văn Lung đạt chuẩn quốc gia năm 2007 và đã được kiểm định chất lượng giáo dục mức độ III năm 2014”, cô Trần Lệ Chi cho biết thêm.
Theo cô Lệ Chi, nhà trường đã làm công tác phân luồng học sinh theo địa giới hành chính, các em cả 2 trường không chỉ thuộc địa bàn 4 khóm, mà còn các ấp lân cận thuộc các xã Khánh Hoà, Nguyễn Phích, Khánh Lâm, Khánh Thuận, để quản lý học sinh. Hiện nay, điều kiện giao thông thuận lợi, các em đi lại dễ dàng giữa các địa bàn dân cư, do đó, việc ghép 2 trường vẫn đảm bảo tốt công tác dạy và học. Cô Lệ Chi mong có được sự đồng thuận từ phía phụ huynh và người dân để ngay khi sáp nhập, các em không bỡ ngỡ, học tập tốt./.
Phúc An