(CMO) 10 giờ sáng 1/5/1975, cờ giải phóng tung bay trên nóc Toà Hành chính, Dinh tỉnh trưởng của giặc, lan dần khắp thị xã Cà Mau. Cả thị xã rực rỡ cờ hoa chiến thắng, tiếng hoan hô vang dậy, Cà Mau đã hoàn toàn giải phóng. Báo cáo Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (năm 1976) nêu rõ: “Thắng lợi của Nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta, một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”. Thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 ở Cà Mau là một bộ phận, một phần máu thịt của thắng lợi vĩ đại chung đó.
Thắng lợi trọn vẹn của Đảng bộ, quân và dân Cà Mau trong mùa xuân lịch sử năm 1975 là thắng lợi lớn nhất, vĩ đại nhất trong cuộc kháng chiến trường kỳ 21 năm chống Mỹ và bè lũ tay sai. Đây là trận đánh cuối cùng để quét sạch kẻ thù ra khỏi vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Từ đây, Cà Mau bước vào một kỷ nguyên mới, một bước ngoặt lịch sử - kỷ nguyên của hoà bình, độc lập, non sông thu về một mối, Bắc - Trung - Nam sum họp một nhà trong thời đại Hồ Chí Minh.
Hàng vạn quần chúng từ nông thôn kéo về thị xã Cà Mau mừng ngày hội lớn của dân tộc. Ảnh tư liệu |
Cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ và bè lũ tay sai ở Cà Mau là một quá trình kiên gan, bền bỉ, hy sinh mất mát lớn lao, nhưng chiến thắng là lẽ tất yếu cuối cùng. Cà Mau luôn giữ vững tư thế kiên trung, son sắt với Đảng, với Bác Hồ, xây dựng thế trận đánh giặc toàn dân, với những nét sáng tạo độc đáo, khiến cho kẻ thù phải sợ vỡ mật, nhận về thất bại ê chề nhưng “tâm phục, khẩu phục”. Giải phóng thị xã Cà Mau là đỉnh cao chói lọi nhất, kết tinh đầy đủ nhất quyết tâm và sức mạnh phi thường của Đảng bộ, quân và dân Cà Mau để đánh đuổi giặc thù, giải phóng quê hương.
Nhìn lại những ngày đầu kháng chiến chống Mỹ, khó khăn, thách thức bủa vây. Với vị trí chiến lược, truyền thống cách mạng hào hùng, Cà Mau là trọng điểm đánh phá của giặc. Ngay sau khi kết thúc 200 ngày tập kết chuyển quân, Mỹ - Diệm đã “lòi đuôi” ác ôn, khủng bố cách mạng, tìm và thủ tiêu cơ sở cách mạng của ta ở Cà Mau. Hàng loạt khu dinh điền, biệt khu được Mỹ - Diệm thành lập ở Cà Mau nhằm dồn dân, thực hiện chính sách tàn độc của chúng. Trong đó, người Cà Mau không thể nguôi căm hờn với “lò sát sinh” có cái tên mỹ miều là biệt khu Hải Yến - Bình Hưng do tên khát máu Nguyễn Lạc Hoá đội lốt tôn giáo mị dân cầm đầu.
Mục tiêu của giặc là “bình định” địa bàn, kiểm soát hậu cứ Nhân dân, tìm diệt lực lượng cách mạng ở Cà Mau. Hàng loạt đồn bót được giặc thiết lập, muốn ăn tươi nuốt sống Cà Mau bằng súng đạn, lưỡi lê, máy chém. Giặc không từ một thủ đoạn, tội ác đê hèn nào để thực hiện mục tiêu ấy. Có ở đâu trên thế giới, khi giữa thế kỷ XX, lại diễn ra cảnh ăn gan, uống máu, xem rẻ sinh mạng con người như chế độ Mỹ - Diệm đã gieo rắc tội ác trên mảnh đất Cà Mau và khắp miền Nam?
Những trang sử của Cà Mau được viết từ máu, từ hy sinh mất mát to lớn của biết bao nhiêu người con kiên trung, sống và chết vì quê hương, Tổ quốc. Giặc khủng bố trắng, người Cà Mau lại lập các “làng rừng”, lấy rừng làm căn cứ để đánh giặc. Nói như TS Nguyễn Tuấn Thiết, trong một bài tham luận được đọc từ năm 2005: “Từ đốm lửa làng rừng, đã bùng lên thành bão lửa Đồng Khởi trên toàn vùng Mũi Cà Mau”. Ít người biết, thị trấn Sông Đốc là thị trấn đầu tiên được giải phóng của Cà Mau và của cả toàn miền Tây Nam Bộ. Đến năm 1960, cách mạng đã làm chủ hầu hết vùng nông thôn rộng lớn Cà Mau, phá 4 khu trù mật, 4 khu dinh điền của Mỹ - Diệm. Cũng thời điểm này, quân ta đã tiến ra giải phóng cụm đảo Hòn Khoai, giành lại chủ quyền biển đảo thiêng liêng.
Cũng tại Cà Mau, con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển gắn liền với tên tuổi của Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Bông Văn Dĩa đã được khơi thông. Tuyến đường huyết mạch lịch sử, độc đáo, sáng tạo độc nhất vô nhị này không chỉ cung cấp vũ khí, thuốc men, quân trang cho miền Tây Nam Bộ mà còn là dòng máu chi viện cho khắp chiến trường miền Nam.
Ơn Bác, ơn Đảng khắc sâu vào đất và người Cà Mau. Năm 1969, ngay sau cú đánh làm choáng váng quân giặc Tết Mậu Thân (1968), quê hương Cà Mau hay tin Bác Hồ qua đời, đau thương bao trùm xứ sở. Người Cà Mau khóc thương tiễn Bác, nhưng không bi luỵ mà lấy “nỗi đau vô cùng làm sức mạnh vô biên”, dựng Đền thờ Bác Hồ ngay giữa rừng đước Viên An. Người người cùng thề nguyện với Bác Hồ sẽ đánh đuổi giặc thù, Cà Mau sẽ đi tới ngày toàn thắng bằng lòng kính yêu vô bờ và lòng tin trọn vẹn với Vị cha già của dân tộc.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ và bè lũ tay sai đi qua nhiều giai đoạn thăng trầm, nhưng tư thế chiến đấu và chiến thắng của Cà Mau là bất diệt. Trước kẻ thù sừng sỏ, cường quốc quân sự của thế giới, Cà Mau cùng với miền Nam vẫn chiến thắng những chiến thuật quân sự với trang bị tối tân của địch, từ “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, rồi “Việt Nam hoá chiến tranh”. Riêng ở Cà Mau, giặc muốn “nhổ cỏ U Minh”, tiêu diệt căn cứ kháng chiến của Cà Mau. Nhưng súng đạn, dã tâm tàn bạo, phi chính nghĩa làm sao có thể khiến cho cỏ U Minh, rừng tràm U Minh thôi hiện diện ở xứ sở này. Quê hương Cà Mau đã đánh giặc và thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào”.
Thất bại của giặc trên đất Cà Mau thật ê chề, nhục nhã. Đêm 30/4/1975, tên Tỉnh trưởng Nhan Nhựt Chương trốn lên máy bay L19 tẩu thoát, bỏ lại đám tàn quân rệu rã, chờ đợi bàn giao chính quyền cho cách mạng. Các hướng quân của ta đồng loạt tiến về tiếp quản thị xã, trong một sớm mai đẹp lộng lẫy của mùa xuân năm 1975.
47 năm qua đi, và mãi mãi về sau nữa, Cà Mau vẫn nhắc nhớ về ngày chiến thắng ấy với một cảm xúc vỡ oà, thiêng liêng, ngây ngất: “Vui sao nước mắt lại trào”...
Phạm Quốc Rin