(CMO) Cùng với công tác sắp xếp trường lớp, đội ngũ giáo viên, khó khăn dường như đang chồng khó khăn khi năm học mới này, huyện Đầm Dơi có tỷ lệ sinh bỏ học tăng nhiều so với năm học trước.
312 học sinh ở cấp THCS và TH bỏ học, 168 học sinh trong độ tuổi đến trường nhưng chưa được huy động đến lớp. Đa số các em đều nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, nhà cách xa trường hoặc theo cha mẹ đi làm ăn xa nhưng không rút hồ sơ chuyển trường.
Vất vả đường đến trường
Mỗi người một hoàn cảnh, một điều kiện. Người ở gần, người ở xa nhưng trên hành trình đi tìm con chữ của những học trò vùng nông thôn không ít gian nan, vất vả. Năm học mới này, em Trần Bé Thoảng (ấp Tân Điền, xã Tân Duyệt) bắt đầu chuyển ra điểm chính để học. Những năm học trước đây Thoảng đi học ở điểm lẻ Tân Điền thuộc trường Tiểu học Tân Duyệt. Thay vì chỉ mất năm đến bảy phút đi bộ đến trường như trước đây, giờ Thoảng phải đạp xe hơn tiếng đồng hồ mới tới điểm chính trường Tiểu học Tân Duyệt.
Phụ huynh vất vả đồng hành cùng con đến trường. |
Thoảng năm nay đã vào lớp 5 nên phải học ngày hai buổi. Để tiện cho việc học em phải mang theo thêm quần áo, tập sách và nghỉ lại nhà cô giáo. Thoảng bộc bạch: “Sáng con phải dậy từ năm giờ chuẩn bị thì đi tới trường mới kịp học. Thầy cô và gia đình luôn động viên phải cố gắng. Mặc dù vất vả hơn trước rất nhiều nhưng con luôn ước mơ học thật tốt để sau này được làm cô giáo”.
Đồng hành bên các con mình trên con đường đi học còn có những người cha, những người mẹ. Đường đến trường vất vả bao nhiêu thì con chữ đối với họ càng đáng trân trọng bấy nhiêu. Nhân giờ ra chơi, chị Lý Thị Lệ (ấp Nhị Nguyệt, xã Trần Phán, huyện Đầm Dơi) tranh thủ đút từng muỗng cơm cho đứa con mới vào lớp 1. Hơn tháng nay, chị cũng như nhiều phụ huynh khác đều đồng hành cùng con đến trường. Xa có, gần có, đi xe cũng có, đi xuồng, đi đò cũng có nhưng mỗi người đều mong muốn con mình sẽ được học tập thật tốt ở môi trường mới.
Trước đây con chị Lệ học trường điểm lẻ, năm nay ra điểm chính (trường Tiểu học Tân Duyệt) rộng lớn và đầy đủ điều kiện học tập hơn. Vì đoạn đường chưa có lộ nên chị phải đưa con đi học bằng xuồng máy gần 6 km. Tận dụng ngày công bỏ ra đưa con đi học chị đưa rước luôn mấy đứa nhỏ trong xóm để có thêm tiền phụ chi phí xăng dầu. Chị Lệ chia sẻ: “Để con được đi học mình bỏ cả ngày công để đi theo. Nắng mưa, vất vả, tốn kém gì thì cũng ráng chứ để con mình mù chữ thì tội nghiệp nó”. Tuy vất vả nhưng mỗi bữa cơm của cô giáo, mỗi chuyến đò đưa của mẹ… đều mong ước cho thế hệ tương lai được tươi sáng hơn.
Bỏ chữ mưu sinh
Đường đến trường gian nan, vất vả, điều kiện kinh tế khó khăn… các em vẫn cố gắng bám trụ, nhưng có em phải đành bỏ học. Cứ nghĩ được đến trường học là một trong những quyền lợi của trẻ em, nhưng đối với nhiều học sinh ở vùng nông thôn, hoàn cảnh khó khăn thì đó là ước mơ. Ở lứa tuổi đáng lẽ ra phải được cắp sách đến trường, các em phải buôn gánh bán bưng, hay theo gia đình bươn chải kiếm sống, gác lại ước mơ tri thức.
Lâm Ngọc Linh (trường Tiểu học Tân Duyệt) thuộc diện hộ nghèo. Linh là con lớn trong gia đình có bốn chị em. Nếu được tiếp tục đến trường, năm nay Linh sẽ vào lớp 3. Nhưng hiện tại Linh đã đi làm công cho một tiệm tạp hoá với số tiền mỗi tháng ba triệu đồng. Mấy tháng trước căn nhà cũ kỹ của gia đình Linh bị cháy, cuộc sống ngày càng chật vật hơn. Ba mẹ Linh bươn chải mọi công việc để kiếm tiền. Dù khao khát được đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa, nhưng vì cái nghèo nên ước mơ của Linh đành dang dở.
Ánh mắt thoáng buồn và rụt rè của cô bé 12 tuổi đã mang lên đôi vai mình gánh nặng mưu sinh, Linh tâm sự: “Con nghỉ học đi làm được tháng, con cũng muốn được đi học như mấy bạn nhưng nhà con nghèo quá, con phải đi làm để mấy đứa em đi học”.
Câu chuyện của Linh chỉ là một trong những góc nhỏ. Bởi lẽ, toàn huyện Đầm Dơi có đến 312 học sinh bỏ học vì điều kiện kinh tế khó khăn và phải đi lao động phụ giúp gia đình. Cô Đinh Thuỳ Trang, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Tân Duyệt, ngao ngán: “Năm nay trường Tiểu học Tân Duyệt xoá ba điểm lẻ. Hiện tại trường còn một điểm chính và hai điểm lẻ. Các điểm lẻ được xoá xa nhất cách điểm chính 8 km, điểm gần nhất cũng khoảng 5 km. Đầu năm trường có 15 học sinh bỏ học. Được nhà trường và địa phương vận động, đến nay còn bảy em. Đa phần các em là con gia đình nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, khi ghép trường do khoảng cách xa, điều kiện đi học khó khăn nên các em bỏ học”.
Ông Trần Thanh Văn, Phó trưởng Phòng Giáo dục huyện Đầm Dơi, thông tin: “Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã chỉ đạo rà soát học sinh bỏ học để có giải pháp kịp thời. Năm nay tỷ lệ học sinh bỏ học tăng hơn năm học trước, nguyên nhân chủ yếu là do điều kiện kinh tế khó khăn, nhà xa trường, một số em thì đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Tỷ lệ học sinh bỏ học ảnh hưởng đến chất lượng phổ cập giáo dục của huyện. Nhà trường và địa phương đang tích cực vận động, hỗ trợ để các em được đến trường đến lớp”./.
Kim Chi