(CMO) Năm 2018, toàn ngành GD&ĐT tỉnh Cà Mau nỗ lực phấn đấu đạt nhiều kết quả quan trọng, nhất là việc thực hiện chủ đề năm học 2018-2019 “Dân chủ, kỷ cương, đổi mới, phát triển” tạo khí thế mới, động lực mới trong toàn ngành, với rất nhiều dấu ấn đã và đang nhen lên những kỳ vọng về sự đổi mới giáo dục.
Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân cho biết, đến nay, toàn tỉnh đã xoá được 199 điểm trường lẻ không còn phù hợp; Tình trạng thừa, thiếu giáo viên được khắc phục cơ bản, hiện giáo dục mầm non và THPT thiếu giáo viên, tiểu học còn thừa 135 giáo viên, THCS thừa 46 giáo viên. Sau sắp xếp, Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất cho ngành giáo dục tiếp tục hợp đồng 916 giáo viên, bổ sung 615 biên chế và cho hợp đồng mới 374 giáo viên.
Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển nỗ lực giữ nòng cốt cho đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia. Ảnh: BT |
Theo đó, chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên rõ rệt: Năm học 2016-2017 cấp tiểu học năng lực loại tốt đạt 52,1%; Cấp THCS, tỷ lệ đạt khá, giỏi hơn 52%; Cấp THPT là 56%. Đến năm học 2017-2018, năng lực loại khá, giỏi từng cấp học tăng từ 2-5%; Tỷ lệ học sinh học lực yếu kém giảm 1,5% so với năm học trước, tỷ lệ học sinh hạnh kiểm yếu kém giảm còn 2,1%. Có 13 em đạt học sinh giỏi cấp quốc gia.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 271/535 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt hơn 50%. Theo ông Nguyễn Minh Luân, kế hoạch đầu tư, nâng cấp, công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia được các cấp uỷ, chính quyền quan tâm, đã có chuyển biến tích cực về nhận thức, quan tâm đầu tư đối với kế hoạch ngắn hạn, trung hạn trường đạt chuẩn bằng nhiều hình thức lồng ghép.
- Nhìn lại toàn bộ quá trình phát triển của ngành giáo dục tỉnh nhà, có điều gì làm ông cảm thấy tâm đắc và còn băn khoăn, thưa ông?
Ông Nguyễn Minh Luân: Đến nay, đội ngũ quản lý giáo dục và giáo viên các cấp ngày càng được phát triển đồng bộ về cơ cấu, đủ về số lượng và mạnh về chất lượng, đáp ứng yêu cầu giáo dục trong thời kỳ đổi mới.
Đáng mừng là các cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp quan tâm rà soát, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục; Đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ nhà giáo và quản lý giáo dục các cấp; Đồng thời, từng bước điều chỉnh sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả. Bên cạnh đó là việc triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và quản lý giáo dục các cấp; Công tác định hướng nghề nghiệp cũng được tăng cường, lồng ghép các chủ đề giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông và hoạt động tư vấn tuyển sinh.
Công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục đi vào chiều sâu, kết quả khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục đúng thực chất, có tác động tích cực, tạo sự chuyển biến rõ rệt chất lượng giáo dục và đào tạo thông qua việc đẩy mạnh công tác tự đánh giá, tổ chức đánh giá ngoài các cơ sở giáo dục. Số lượng các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT hoàn thành tự đánh giá và số trường được đánh giá ngoài ngày càng tăng lên; Tiếp tục thực hiện việc đổi mới phương thức thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan; Tổ chức tốt các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh THPT, thi thành lập đội tuyển học sinh giỏi THPT dự thi cấp quốc gia và thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia THPT.
Tuy nhiên, hiện phương thức dạy nghề trong các trường phổ thông còn nặng về kiến thức lý thuyết, việc phối hợp giữa nhà trường phổ thông với các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất… chưa hiệu quả.
Điều tôi cũng như những người công tác ngành giáo dục luôn băn khoăn, trăn trở là cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu; Nguồn kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất còn hạn hẹp. Trong khi đó, công tác xã hội hoá lĩnh vực giáo dục chưa thực sự hiệu quả. Việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm và trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo còn hạn chế.
- Năm 2019 với nhiều kỳ vọng mới, vậy ngành giáo dục đề ra những mục tiêu như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Minh Luân: Năm 2019, ngành tiếp tục rà soát, quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông phù hợp với điều kiện của từng địa bàn theo hướng trường có nhiều cấp học; Xoá các điểm trường lẻ không còn phù hợp, đảm bảo hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa phương, đáp ứng nhu cầu giáo dục; Tăng cường công tác dự báo về phát triển trường, lớp học, đội ngũ để nâng cao chất lượng quy hoạch.
Tăng cường công tác bồi dưỡng giáo viên, quản lý thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, ưu tiên bồi dưỡng đối với đội ngũ giáo viên dạy lớp 1. Bồi dưỡng và phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường THCS và THPT.
Năm 2019 và những năm tiếp theo, ngành đổi mới mạnh mẽ phương pháp, hình thức dạy học đồng bộ với đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, tiếp cận với chương trình giáo dục phổ thông mới. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở giáo dục và giáo viên thực hiện thường xuyên, hiệu quả các phương pháp và hình thức dạy học tích cực; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học; Chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học, kỹ năng thực hành vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tiễn.
- Nhân dịp đầu xuân mới, ông gửi gắm gì đến tất cả cán bộ, viên chức ngành giáo dục tỉnh nhà?
Ông Nguyễn Minh Luân: Những dấu ấn của năm 2018 sẽ là niềm tin mới bắt đầu cho một năm mới với sự kỳ vọng, tin tưởng lớn lao hơn, năm Kỷ Hợi 2019.
Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, các cô giáo, thầy giáo, công chức, viên chức trong toàn ngành sẽ tiếp tục phát huy truyền thống và những thành tích đã đạt được, kiên quyết khắc phục những tồn tại, hạn chế trong năm vừa qua, chủ động đổi mới, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mà ngành giáo dục đã đề ra.
Tôi mong các em học sinh, sinh viên tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc ta, cố gắng khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu trong học tập và rèn luyện, góp phần xây dựng tương lai tốt đẹp cho bản thân, gia đình và xã hội.
- Xin cảm ơn ông!./.
Băng Thanh