Mỗi môn học đều có vị trí, vai trò riêng trong quá trình dạy học và đều góp phần quan trọng cung cấp kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hình thành thái độ về nghề nghiệp của sinh viên. Việc giáo dục đạo đức cho sinh viên không chỉ đơn thuần dừng lại ở môn học riêng biệt nào mà là sự cộng hưởng của tất cả các môn học.
Mỗi môn học đều có vị trí, vai trò riêng trong quá trình dạy học và đều góp phần quan trọng cung cấp kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hình thành thái độ về nghề nghiệp của sinh viên. Việc giáo dục đạo đức cho sinh viên không chỉ đơn thuần dừng lại ở môn học riêng biệt nào mà là sự cộng hưởng của tất cả các môn học.
Thực tế cho thấy, không phải người giảng viên nào cũng đều lồng ghép việc giáo dục đạo đức sinh viên thông qua môn học của mình phụ trách, mà thường việc giáo dục đạo đức học sinh, sinh viên được đặt nặng lên đôi vai của giáo viên quản lý lớp (giáo viên chủ nhiệm), các bộ phận chuyên trách hoặc các tổ chức đoàn thể, nhất là Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Sinh viên thực tập tại phòng thực hành. |
Ngoài ra, một số giảng viên chỉ chú trọng việc hoàn thành khối lượng kiến thức trong nội dung bài giảng của mình đối với học sinh, sinh viên mà ít quan tâm đến việc giáo dục đạo đức cho sinh viên bởi hạn chế về thời gian khi lên lớp. Hơn nữa, kết quả của việc giáo dục đạo đức cho sinh viên không được thể hiện liền sau mỗi tiết dạy mà là kết quả toàn bộ quá trình giáo dục có sự kết hợp từ nhiều môn học với nhau.
Lĩnh vực giáo dục đạo đức cho sinh viên phải được nhận thức toàn diện thông qua thái độ học tập, hành vi ứng xử, tinh thần, thái độ trong công việc, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ với vai trò là người học. Do đó, trong từng môn học, giảng viên phải có trách nhiệm trong việc hướng cho học sinh, sinh viên nhận thức đúng đắn và có những hành vi ứng xử phù hợp từng hoàn cảnh cụ thể.
Giáo viên, giảng viên phải thể hiện cho học sinh, sinh viên thấy rằng thời gian mà họ trải qua trong từng tiết học trên lớp là thực sự cần thiết và xứng đáng; rằng đó là những kiến thức thực sự quan trọng trên con đường hoàn thiện kiến thức chuyên môn về nghề nghiệp của các em sau này. Ðiều đó liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm với nghề nghiệp vì chỉ khi có kiến thức chuyên môn vững thì khả năng xử lý những tình huống trong chuyên môn mới có thể chính xác và mang lại kết quả cao.
Ngoài ra, giáo dục đạo đức cho sinh viên thông qua hành vi ứng xử, giải quyết tình huống của giảng viên. Bất cứ buổi học nào cũng có thể xảy ra những tình huống giao tiếp thông thường trong hoặc ngoài dự kiến của giảng viên. Vì vậy, các em có thể học được cách xử lý tình huống từ giảng viên để linh hoạt, khéo léo hơn khi gặp những tình huống cụ thể. Ðồng thời, những biểu hiện về xử lý tình huống trong giao tiếp cũng mang lại ấn tượng tốt đẹp cho các em.
Bên cạnh đó, giáo dục đạo đức cho sinh viên còn có thể thông qua lối sống, phong cách của giảng viên. Thực sự phong cách, lối sống của người giảng viên ảnh hưởng không nhỏ trong quá trình giáo dục sinh viên. Khi đề cập đến những chuẩn mực về đạo đức, dư luận xã hội thường tôn vinh đạo đức của người thầy giáo; và thầy, cô giáo thực sự là tấm gương cho học sinh của mình noi theo. Vì vậy, giảng viên phải chuẩn mực, lối sống giản dị, trong sáng, lành mạnh. Cuối cùng, thông qua các hoạt động ngoại khoá, sinh hoạt chuyên đề của các môn học, người giảng viên có dịp để giáo dục đạo đức cho sinh viên nhiều hơn. Các hoạt động này là sự kết hợp rèn luyện kiến thức, kỹ năng, thái độ cho sinh viên.
Giáo dục tư tưởng trong đào tạo là hoạt động quan trọng gắn liền trong toàn bộ quá trình giáo dục nói chung, mỗi giảng viên phụ trách từng môn học cần thiết phải giáo dục tư tưởng bên cạnh nhiệm vụ cung cấp kiến thức chuyên môn theo phương châm dạy người đi cùng với dạy chữ./.
Bài và ảnh: Phương An