(CMO) Với sự phát triển của cuộc sống hiện nay, giáo dục giới tính cho học sinh không còn là câu chuyện “vẽ đường cho hươu chạy” nữa mà cần được quan tâm, đánh giá đúng tầm quan trọng hơn.
Những con số đáng suy ngẫm
Không chỉ gây ra những vấn đề về tâm lý, mang thai ở lứa tuổi vị thành niên còn gây nên những hệ luỵ khôn lường về sức khoẻ. Song đến nay, mang thai ở lứa tuổi vị thanh niên vẫn là câu chuyện còn nhiều trăn trở. 12 trường hợp phá thai (chiếm 0,87% tỷ số phá thai chung của toàn tỉnh), 820 trường hợp khám thai ở lứa tuổi vị thành niên. So với cùng kỳ số lượng trẻ vị thành niên mang thai nhiều gấp 2 lần là những con số do Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau thống kê được trong 9 tháng đầu năm.
Bác sĩ Dương Phú Nhân, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, cho hay: “Những số liệu trên chỉ thống kê được khi người nhà đưa các em vào thăm khám tại bệnh viện. Vẫn còn rất nhiều trường hợp tìm đến các cơ sở y tế tư nhân. Trường hợp đến khám thai nhỏ nhất là 10 tuổi. Việc trẻ vị thành niên phá thai sẽ có nguy cơ tai biến cao gấp 2 lần người lớn”.
Lứa tuổi học sinh rất dễ bị tác động, lôi kéo từ bên ngoài. Giáo dục giới tính sẽ giúp các em bảo vệ bản thân tốt hơn. |
Thực tế cho thấy, có rất nhiều trường hợp trẻ vị thành niên mang thai ngoài ý muốn do nhiều nguyên nhân, trong đó có không ít trường hợp thiếu kiến thức về sức khoẻ giới tính. Theo Bác sĩ Dương Phú Nhân: “Những năm qua, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau đã phối hợp với các đơn vị, nhà trường tổ chức rất nhiều buổi tư vấn, giáo dục giới tính trong trường học. Học sinh đặt ra nhiều câu hỏi về cách ngừa thai, phá thai, phát hiện thai như thế nào... Thực tế hiện nay, các vấn đề về giới tính, sức khoẻ sinh sản được các em học sinh quan tâm. Tuy nhiên, vấn đề là làm thế nào tạo môi trường thoải mái để các em cởi mở, chia sẻ thắc mắc”.
“Hiện nay, vẫn còn rất nhiều gia đình cho rằng giáo dục giới tính là vẽ đường cho hươu chạy. Nhiều phụ phụ huynh cứ nghĩ con còn nhỏ nên không quan tâm vấn đề này. Trong khi đó, lứa tuổi dậy thì bắt đầu sớm hơn nên việc giáo dục giới tính tốt nhất từ độ 11 tuổi”, Bác sĩ Nhân cho biết thêm.
Lắng nghe tiếng nói từ người trong cuộc
Giáo dục giới tính có thể dạy một cách không chính thức, có thể là cuộc trò chuyện giữa cha mẹ với con, với những chuyên gia về chăm sóc sức khoẻ giới tính, giữa thầy, cô giáo với học sinh. Những năm qua, trong nhà trường, kiến thức về sức khoẻ giới tính chủ yếu được các em học sinh tiếp cận qua bộ môn sinh học. Tuy nhiên, để công tác tư vấn, chăm sóc sức khoẻ giới tính đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của các em ở lứa tuổi học sinh cần có sự chung tay từ nhiều phía.
Em Võ Nguyễn Thảo Trân, lớp 12H, Trường THPT Hồ Thị Kỷ, bộc bạch: “Do cha mẹ em đi làm nên ít có thời gian trò chuyện. Hơn nữa, sức khoẻ giới tính là chuyện nhạy cảm nên em rất ngại trao đổi với cha mẹ, thầy cô, chỉ tìm hiểu thông tin trên mạng xã hội. Em mong muốn có thêm những câu lạc bộ, nhóm có các chuyên gia để chúng em mạnh dạn, tin tưởng trao đổi, giải đáp thắc mắc”.
Cũng như Thảo Trân, dù đã là học sinh cuối cấp THPT, nhưng em Quách Khả Hoàng, lớp 12H, Trường THPT Hồ Thị Kỷ, vẫn rất băn khoăn và ngại ngùng khi trao đổi những vấn đề liên quan đến giới tính, sức khoẻ sinh sản với gia đình, những người xung quanh.
Hoàng bộc bạch: “Vì đã đến tuổi trưởng thành nên bản thân em có nhiều thắc mắc về sức khoẻ giới tính, nhưng rất ngại hỏi trực tiếp cha mẹ. Nhờ những người có chuyên môn để tư vấn thì sợ bị tiết lộ thông tin, sợ bạn bè biết. Do đó, em tự tìm hiểu, tìm đến các bác sĩ tư vấn online, không gặp trực tiếp đỡ ngại hơn”.
Bác sĩ Dương Phú Nhân cho biết: “Hiện nay, chương trình giáo dục giới tính, tư vấn, chăm sóc sức khoẻ sinh sản rất đa dạng, tuỳ theo lứa tuổi sẽ có những nội dung phù hợp. Do đó, phụ huynh và nhà trường nên phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để các em được tiếp cận với các chương trình tư vấn về sức khoẻ giới tính, giúp các em bảo vệ tốt bản thân”./.
Kim Chi