(CMO) Yêu thương, chăm sóc con cái chu đáo để con có môi trường phát triển toàn diện là điều mà bậc cha mẹ nào cũng hướng đến. Tuy nhiên, một số phụ huynh vì quá yêu thương con mà nuông chiều quá mức, vô tình dẫn đến các con bị thụ động, ỷ lại. Do đó, ở mỗi lứa tuổi, các em cần được gia đình và nhà trường tạo điều kiện để phát triển các kỹ năng sống, thích ứng những điều xảy ra trong cuộc sống.
Hiện nay, tại các trường học, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh không còn là câu chuyện xa lạ nữa. Các hoạt động ngoại khoá, những sân chơi do nhà trường tổ chức hay được tích hợp vào các môn học trên lớp đều hướng đến hình thành cho các em những kỹ năng như: kỹ năng tự tin, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng thích nghi…
Phó hiệu trưởng trường THCS thị trấn Thới Bình Trần Văn Thắng cho rằng, sự phát triển của xã hội có rất nhiều yếu tố tác động, ảnh hưởng đến các em học sinh, đặc biệt là ở lứa tuổi THCS học sinh rất dễ bị sa ngã, học theo những điều không tốt do không làm chủ được bản thân. Do đó, việc tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh từ gia đình đến học đường vô cùng cần thiết.
Học sinh THCS cần được rèn luyện kỹ năng sống nhiều hơn vì đây là lứa tuổi có nhiều thay đổi về tâm sinh lý. (Ảnh chụp tại trường THCS thị trấn Thới Bình). |
Em Nguyễn Minh Bạch, học sinh trường THCS thị trấn Thới Bình, chia sẻ: “Ở nhà ba mẹ hỗ trợ em làm những công việc khó. Còn những công việc bình thường liên quan đến việc học hay sinh hoạt cá nhân thì ba mẹ để em tự lực. Em nghĩ, qua những việc nhỏ như vậy, bản thân em đã tự rèn luyện được tính tự giác”.
Sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong rèn luyện các kỹ năng sống cho học sinh là rất quan trọng. Những kỹ năng được rèn luyện hằng ngày là yếu tố giúp các em phát huy năng lực bản thân, bổ trợ cho học tập. Đối với trường học, việc tạo ra những sân chơi với những hoạt động ngoại khoá được xem là môi trường hiệu quả nhất để rèn cho học sinh những kỹ năng cần thiết như tự tin, đoàn kết, giao tiếp. Tuy nhiên, thực tế tại các trường học, việc giáo dục kỹ năng sống vẫn chưa đạt hiệu quả cao.
Phó hiệu trưởng trường Tiểu học thị trấn Thới Bình A Nguyễn Hiệp Hoà cho biết: “Trường không thể tổ chức thường xuyên các hoạt động ngoại khoá vì kinh phí cũng như thời gian không cho phép. Trong khi đó, tiết học trên lớp có quá nhiều nội dung cần phải được tích hợp nên việc rèn luyện kỹ năng cho học sinh cũng có giới hạn. Nếu kỹ năng sống trở thành một môn học riêng biệt để giảng dạy thì tin rằng nó sẽ bổ trợ rất nhiều cho học sinh cả trong học tập và cuộc sống”.
Cô Tô Hồng Ghi, Tổng phụ trách Đội trường THCS thị trấn Thới Bình, cho biết: “Khó khăn lớn nhất của nhà trường hiện nay chính là tình trạng cha mẹ ly hôn và gia đình phải đi làm ăn xa ngoài tỉnh, gửi các em lại nhà họ hàng chăm sóc. Điều này dẫn đến các em thiếu sự gắn kết tình cảm gia đình. Trong khi đó, một số học sinh được ba mẹ cưng chiều, bao bọc quá mức, không có cơ hội để trải nghiệm nên trong các mối quan hệ bạn bè chưa có sự hài hoà”.
Tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là việc làm cần thiết và cũng là trách nhiệm chung của gia đình, nhà trường. Các bậc phụ huynh hãy dành nhiều thời gian quan tâm, lắng nghe và yêu thương, chăm sóc các em một cách hợp lý nhất thay vì chăm bẵm, nuông chiều. Nhà trường, gia đình sẽ là nơi gợi mở, khơi dậy ở các em tinh thần tự giác, trải nghiệm và khám phá… thích nghi với những thay đổi và phát triển hằng ngày của xã hội. Đây sẽ là hành trang giúp các em tự tin hơn khi bước ra "trường đời"./.
Kim Chi