(CMO) Thời gian qua, công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên được các đơn vị trường học trên địa bàn huyện U Minh quan tâm thực hiện.
Cô Nguyễn Cẩm Lai, Tổng phụ trách Đội trường Tiểu học Thái Văn Lung, cho biết, trường được thành lập cách đây gần 20 năm, mang tên Liệt sĩ Thái Văn Lung. Từ khi thành lập đến nay trường có nhiều hoạt động giáo dục truyền thống mang tính thiết thực, hiệu quả cao nhằm giáo dục cho học sinh hiểu thêm về ý nghĩa của ngôi trường. Thông qua các buổi sinh hoạt dưới cờ, buổi ngoại khoá, trường đã tuyên truyền giáo dục cho học sinh về tiểu sử, quá trình hoạt động của ông. Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức hội thi thông qua tiểu phẩm viết về quá trình hoạt động của Liệt sĩ Thái Văn Lung để các em hiểu và ra sức học tập, noi theo.
Bia truyền thống giáo dục Nam Bộ là nơi ghi lại năm tháng và những hoạt động, những địa điểm của Sở Giáo dục Nam Bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. |
Thầy Lê Huy Hùng, Hiệu trưởng trường THCS Hoàng Xuân Nhị, xã Nguyễn Phích, cho biết, Bia truyền thống giáo dục Nam Bộ được xây dựng từ năm 2009, đặt trong khuôn viên của của trường, là công trình di tích lịch sử cấp quốc gia. Trong xây dựng kế hoạch năm học hàng năm, nhà trường đều gắn với việc giữ gìn, duy tu, bảo dưỡng chăm sóc bia, đặc biệt là tuyên truyền giáo dục cho học sinh về lịch sử giáo dục truyền thống Nam bộ. Thông qua buổi sinh hoạt dưới cờ, nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm giáo dục học sinh qua những tiết ngoại khoá và kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, đồng thời giáo dục các em về tiểu sử của Giáo sư Hoàng Xuân Nhị mà địa phương lấy tên ông đặt tên trường.
Em Nguyễn Thị Ái Xuân, học sinh lớp 9 A, cho biết: "Qua tiếp thu kiến thức của thầy cô, em được biết Giáo sư Hoàng Xuân Nhị là giảng viên cao cấp, giáo sư văn học. Ông sinh năm 1914, mất năm 1991, quê ở làng Yên Hồ, phường Đức Thọ, huyện Lai Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Tên tuổi ông gắn liền với quá trình hình thành nền văn hoá giáo dục Nam Bộ trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Ông là Giám đốc Giáo dục Nam Bộ giai đoạn năm 1949-1953, là người nghiên cứu về tác phẩm văn học Việt Nam và thế giới".
Em Trương Sơn Hà, lớp 9B, cho biết thêm: "Theo em được biết, Bia truyền thống giáo dục Nam Bộ là nơi ghi lại năm tháng và những hoạt động những địa điểm của trụ sở giáo dục Nam Bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đây còn là công trình văn hoá giáo dục Nam Bộ, là nơi tri ân các thầy cô trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và nhắc nhở thế hệ trẻ chúng em phải phát huy tinh thần hiếu học của người Việt Nam. Hiện nay chúng em được sống trong thời bình nên phải ra sức học tập không phụ lòng cha ông, những người đi trước".
Hiện nay, tất cả các trường do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện U Minh quản lý, từ bậc tiểu học đến THCS, đều được đặt tên các anh hùng liệt sĩ, hay danh nhân văn hoá. Việc lấy tên danh nhân lịch sử đặt cho các trường học là nhằm giáo dục cho học sinh về truyền thống cách mạng, công lao to lớn của các bậc tiền nhân trong dựng nước và giữ nước, nhằm giúp các em có ý thức rèn luyện nhân cách, trân trọng quá khứ hào hùng của dân tộc, yêu mến những bậc tiền nhân và phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ./.
Trọng Nguyễn