ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 4-2-25 03:06:02
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Giữ “nếp nhà” Ngày Tết

Báo Cà Mau (CMO) Cứ mỗi độ tiết trời se lạnh, mang theo những luồng gió mát dịu tâm hồn, báo hiệu Tết đến xuân về, cũng là lúc lòng dạ những người con xa quê cồn cào nỗi nhớ quê nhà. Bởi nơi ấy, có dáng mẹ với ánh mắt ngóng trông con cháu về để cùng ôn lại “nếp nhà ngày Tết”: xúm xít, quây quần bên nồi bánh tét, lửa hồng; nồi thịt kho tàu; các cháu chờ đợi để được ăn bánh bông lan, bánh phồng còn nóng hổi; hay giây phút sum họp, đầm ấm bên mâm cơm gia đình…

Nếu ai đã từng được sinh ra và lớn lên ở các vùng nông thôn, Tết quê sẽ trở thành một phần ký ức tuổi thơ thật đẹp. Cũng bởi ngày xưa ở quê còn nghèo, nhà thì xa chợ, thiếu thốn nên Tết là dịp chúng tôi được sắm đồ mới, tha hồ ăn bánh mứt, nhận tiền lì xì, anh em, bà con tập hợp về đông đúc thật vui…

Nướng bánh bông lan, một trong những món ăn rất phổ biến trong ngày Tết.

Nhớ thời xưa, xứ Đầm Dơi còn làm ruộng, vụ lúa đông xuân là ông bà nội chừa khoảnh ruộng riêng cấy nếp, canh đến ngày đưa ông Táo (23 Tết) thì gặt, đập làm món cốm dẹp, hay quết bánh phồng ăn Tết, vị bánh nếp ngày xưa từ ruộng lúa thiên nhiên, đặc biệt lắm và làm chúng tôi nhớ mãi… Sáng 29 Tết, mẹ và bà nội tôi bắt đầu ngâm nếp với nước tro từ than củi đước, bằm thêm vài trái khóm chín, chuẩn bị gói bánh tét vào chiều 30 Tết. Tầm 3 giờ chiều, bà nội, mẹ tôi và các cô hàng xóm cùng phụ gói bánh, rồi chia nhau cùng ăn Tết. Đến 6 giờ, khi trời chạng vạng tối, cha tôi tìm góc khuất gió sau nhà, kê 3 cục gạch làm 3 ông táo, bắc cái xoong thật to, nhóm lửa chuẩn bị luộc bánh tét. Củi luộc bánh khi ấy thường là đầu trâu, chôm chôm dừa mùa khô, gốc củi mục khi gặp lửa bốc cháy phà phà ra thành xoong, xua tan cái lạnh đêm đông. Có ánh lửa thắp sáng thay ánh đèn, anh em chúng tôi quây quần vui chơi gần đó, chờ bánh chín và đón giao thừa. Bà nội bảo rằng bánh tét luộc càng lâu thì càng nhuyễn, ngon nên mãi đến gần giao thừa bà mới vớt bánh, chọn đòn bánh tét ngon, tròn, đẹp, cả hai loại nhân chuối và đậu mỡ cắt ra còn nóng hổi dâng cúng ông bà. Nội chuẩn bị thêm mâm ngũ quả (chủ yếu là trái cây có sẵn trong vườn nhà) cùng bình trà, đĩa gạo, muối, rượu và bông trang hái trước nhà, thắp nén hương cúng ông bà, phật trời cầu năm mới bình an, phát tài, phát lộc khi kim đồng hồ chạm số 12.

Gói bánh tét ngày 30 Tết đã trở thành thói quen của gia đình, sau đó chia đều cho tất cả anh chị em ăn Tết.
Thức canh nồi bánh tét, chờ vớt những chiếc bánh nóng hổi cúng ông bà đêm giao thừa, thể hiện lòng thành con cháu gửi đến ông bà, tổ tiên.

Dân gian thường có câu “Mùng Một Tết cha”, nhà tôi có ông bà nội và bàn thờ tổ tiên nên các cô, chú tập hợp về từ rất sớm, trước là mừng tuổi ông, bà; mang theo phần trà, bánh dâng cúng tổ tiên; sau các cô, chú, anh em dòng họ lâu ngày gặp lại tay bắt mặt mừng cùng nhau chia sẻ buồn vui và ăn bữa cơm sum họp đại gia đình…

Theo dòng thời gian, chúng tôi lớn lên, có gia đình riêng, anh em đi làm việc xa, mỗi người một nơi, ít có điều kiện sum họp gia đình như trước đây. Rất may, gia đình chồng tôi vẫn giữ được “nếp nhà” ngày Tết từ trước đến nay, để tôi cùng gia đình nhỏ có cơ hội cùng trải nghiệm cảm giác hạnh phúc sum vầy vào những ngày nghỉ cuối tuần, dịp đám giỗ hoặc trong những ngày xuân.

Nhà chồng tôi có tất cả 11 anh chị em, trong đó có đến 7 chị, em gái; các chị em đều giỏi việc nội trợ và có hoa tay làm các loại bánh khéo, nên thường 30 Tết chị em tập hợp về nhà gốc, nơi thờ cúng ông bà tổ tiên cùng nhau gói bánh tét, nướng bánh khéo rồi chia đều cho tất cả anh, chị em ăn Tết. Đêm 30 Tết, ai có nhà riêng thì về đón giao thừa, không thì ở lại cùng đón giao thừa, thắp nén hương cho ông bà. Thông lệ hàng năm, mùng 1 Tết, tất cả anh em, con cháu đại gia đình chúng tôi tập hợp về mừng tuổi cha mẹ, ông bà. Nay cha mẹ không còn nữa nên anh em, con cháu chúng tôi nắm chặt tay nhau, đứng trước bàn thờ tổ tiên nghe lời anh Hai - đại diện anh trai trưởng trong gia đình nhắc nhở anh em, con cháu sống hoà thuận, hiếu thảo, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau để ông bà, cha mẹ nơi chín suối được an lòng.

Anh em chúng tôi cùng nhau ăn bữa cơm sum vầy ngày Tết, bọn trẻ thì hớn hở, xếp hàng chờ nhận bao lì xì, rồi chụm đầu lại đếm, khoe tiền lì xì; cùng chơi các trò chơi dân gian: bịt mắt bắt dê, trốn tìm... Nhìn tụi nhỏ, tôi nhớ về những ngày Tết tuổi thơ và nay khi trưởng thành, tôi nhận ra rằng: “Nếp nhà” ngày Tết của gia đình vẫn được gìn giữ là điều rất quý. Dù Tết xưa hay Tết nay - một cái Tết được cho là sung túc không nằm ở mâm cao cỗ đầy mà chính là sự tròn đầy của tình cảm gia đình, nơi “hương vị tình thân” vốn rất đỗi giản dị, đời thường nhưng có sức hút và lan toả diệu kỳ, cứ làm bụng dạ chúng tôi nôn nao, như hối thúc chúng tôi nhanh chóng sắp xếp mọi công việc để sớm được về quê ăn Tết…

 

Trần Loan Phương

 

Bừng sáng đô thị Năm Căn

Qua rà soát, đến cuối tháng 10/2024, thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn) đã đạt 9/9 tiêu chí đô thị văn minh (ÐTVM), với 52/52 nội dung theo Quyết định số 04/2022/QÐ-TTg ngày 18/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Ðịa phương đã hoàn thiện việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân công nhận thị trấn Năm Căn đạt chuẩn ÐTVM, với 99,91% tổng số hộ dân đồng thuận. Ðây là kết quả đáng tự hào sau thời gian dài nỗ lực phấn đấu của Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương, là cơ sở để UBND huyện Năm Căn công nhận thị trấn Năm Căn đạt chuẩn ÐTVM trong năm 2024.

Ðất lạ hoá quê hương

Có nhiều lý do đưa họ đến với Cà Mau - mảnh đất cực Nam của Tổ quốc. Song, điều khiến họ gắn bó là do đất lành mang đến cuộc sống ấm no và tình người ấm áp. Trên quê hương thứ hai, họ góp sức khai phá, dựng xây, biến vùng đất hoang sơ thuở nào trở thành vùng đất trù phú, đa dạng về cách phát triển kinh tế.

Tiềm năng tín chỉ carbon

“Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cũng như các hướng dẫn về tín chỉ carbon vẫn chưa đầy đủ, các địa phương cũng chỉ dừng lại ở việc tập huấn, nâng cao nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm, mời gọi các tổ chức để khảo sát, nghiên cứu và thực hiện các bước chuẩn bị. Mặc dù vậy, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh đang rất quan tâm vấn đề này, qua đó tiếp tục tăng cường công tác trồng, bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao chất lượng rừng, để đến khi hoàn thiện thể chế, có thể sẵn sàng tham gia thị trường tín chỉ carbon”, ông Phan Hoàng Vũ thông tin.

Gắn kết, nhân sức mạnh cộng đồng người xa quê

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, cuộc gặp gỡ nhân buổi họp mặt đồng hương Cà Mau - Bạc Liêu tại TP Cần Thơ diễn ra ý nghĩa và đầy xúc động. Đây không chỉ là dịp để mọi người ôn lại kỷ niệm, mà còn là cơ hội để gắn kết cộng đồng, đặc biệt là những người con xa quê lâu nay. Chắc chắn rằng, mỗi cuộc hội ngộ như vầy đều mang theo những ký ức, niềm vui và cả những nỗi nhớ không thể nào quên…

Những 'điểm sáng' an sinh năm 2024

Lao động, việc làm năm 2024 có nhiều điểm sáng, đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đem lại những hiệu quả lớn.

Hội thi “Bánh chưng xanh” người lính biển

Trong 2 ngày 26-27/1 (nhằm 27-28 tháng Chạp năm Giáp Thìn), tại TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển 4 tổ chức Hội thi “bánh chưng xanh” nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Xuân về phum sóc

Mùa xuân mới đang điểm tô rực rỡ từ thành thị đến từng làng quê, phum sóc, nhà nhà háo hức đón chào năm mới. Bộ mặt nông thôn đang được thay áo mới, những tuyến đường hoa, hàng rào cây xanh chạy dài theo các tuyến lộ bê tông. Những cánh hoa tươi thắm khoe sắc như điểm tô cho mùa xuân no ấm, sum vầy.

Tròn đầy yêu thương

Dù không phải là nhà, nhưng ngày Tết ở những nơi đặc biệt như Trung tâm Bảo trợ xã hội, Làng trẻ em SOS, không khí vẫn rộn ràng, ấm áp, tràn đầy tình yêu thương.

Mùa vui ở vùng đồng bào dân tộc

Những ngày này, về vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Trần Văn Thời, U Minh, sẽ thấy cảnh đồng bào Khmer nơi đây đang tất bật thu hoạch lúa, hoa màu và sản xuất các mặt hàng truyền thống bán dịp Tết.

Hương tết quê nhà

Chiều 26/1/2025 (nhằm 27 tháng Chạp năm Giáp Thìn), Bảo tàng tỉnh Cà Mau tổ chức Chương trình “Hương tết quê nhà” trong không khí ấm áp của những ngày giáp tết. Đây là sự kiện đặc biệt, không chỉ mang lại cho mọi người những trải nghiệm thú vị về tết cổ truyền, mà còn là dịp để mọi người cùng nhau ôn lại những giá trị văn hoá đặc sắc của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là những phong tục, tập quán ngày tết tại vùng đất Cà Mau.