ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 19-7-25 20:22:31
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Giữ nét nghề truyền thống

Báo Cà Mau (CMO) Chẳng biết nghề vót đũa tre ở Ấp 6, xã Khánh Lâm, huyện U Minh có từ khi nào, chỉ biết là cách đây rất lâu người dân vùng này thường vót đũa tre để sử dụng trong gia đình. Nhiều hộ khéo tay làm ra những đôi đũa đẹp, bền chắc… Tiếng lành đồn xa, đũa tre của người dân Ấp 6 được nhiều người biết đến và ưa chuộng. Nghề vót đũa tre trở thành nghề ăn nên làm ra, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình.

Chị Trần Thị Sánh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Ấp 6, cho biết: “Cách đây khoảng 5-6 năm, trong một lần triển lãm của huyện, hội phụ nữ xã yêu cầu mỗi ấp phải có ít nhất 1 sản phẩm để trưng bày. Tôi cứ băn khoăn không biết chọn sản phẩm gì, chợt nhớ tới mấy chục đũa tre mới mua của bà Út gần nhà nên đem đi trưng bày triển lãm. Không ngờ lần đó có mấy chị phụ nữ trên tỉnh xuống tham quan, khen đũa đẹp và mua hết. Từ đó đến nay, đũa tre ở Ấp 6 được nhiều người biết tiếng. Cũng từ đó, Chi hội thành lập tổ phụ nữ vót đũa tre, hiện nay có 15 chị tham gia, trong đó có khoảng 10 chị vót thường xuyên”.

Cưa tre thành từng lóng, công đoạn đầu tiên của nghề vót đũa.

Bà Út mà chị Sánh nhắc đến là bà Võ Thị Hường, 64 tuổi, người đầu tiên trong ấp làm đũa tre. Gia đình bà cũng là hộ làm đũa tre nhiều nhất và thường xuyên nhất. Bà Hường cho biết, mỗi tháng một mình bà vót được khoảng 4.500-5.000 đôi đũa. Vậy mà không đủ nhu cầu khách hàng đặt mua. Các con, cháu bà từ con trai tới con dâu, cháu nội đều phụ bà nhiều việc, con trai thì đi mua tre, cưa tre, con gái thì chẻ tre, phơi tre, phơi đũa, luộc đũa… Với giá bán hiện nay 25 ngàn đồng/chục đôi, mỗi tháng gia đình bà có nguồn thu không nhỏ từ nghề này. Điều đặc biệt làm nên những đôi đũa đẹp chính là bí quyết luộc đũa bằng rễ nhàu mà không sử dụng phẩm màu để nhuộm như những nơi khác.

Bà Hường không giấu giếm: “Thiệt tình là nhờ làm đũa tre mà cuộc sống gia đình tôi ổn định hơn. Có những lúc tôi khoẻ, vót đũa nhiều, mỗi tháng thu nhập gần 9 triệu đồng. Gia đình có 7 công đất làm lúa chỉ đủ ăn. Thời gian chồng tôi bệnh nặng, gia đình khó khăn, nhờ làm đũa tre mà tôi xoay xở được mọi chi phí, không phải nợ nần. Nay ổng mất rồi, mấy mẹ con tôi vẫn duy trì nghề này”.

Bà Hường cho biết, cô con gái thứ ba nhà ở gần bà, cũng vót đũa khéo lắm. Làm ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu.

Hỏi chị Sánh sao ấp mình không thành lập tổ hợp tác làm đũa tre để chị em phụ nữ được tạo điều kiện phát huy tay nghề và sản xuất nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu thị trường, cải thiện thu nhập. Chị Sánh cho biết: “Tôi cũng rất mong mỏi điều đó. Nếu được cấp trên hỗ trợ thành lập tổ hợp tác, được đầu tư máy móc, chắc chắn số lượng sản phẩm làm ra sẽ nhiều hơn. Khi đó, sản phẩm sẽ có nhãn hiệu, bao bì đàng hoàng chứ không phải như bây giờ”.

Trưởng Ấp 6, xã Khánh Lâm Trần Văn Sỉ kể câu chuyện vui: “Cách đây 2 năm, nhân dịp Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer, Ban Dân tộc tỉnh xuống thăm và tặng quà cho bà con Ấp 6. Lần đó, xã có mời đoàn bữa cơm thân mật, sử dụng đũa tre này. Thấy đũa đẹp quá, trước khi về, đoàn ngỏ ý xin một ít về làm kỷ niệm. Vì không đặt trước nên đũa không có sẵn, vậy là anh bí thư chi bộ lấy 200 đôi gia đình vừa mới mua tặng lại cho đoàn”.

Cũng vì chỉ làm theo đơn đặt hàng nên khi chúng tôi ngỏ ý mua ít đũa mang về làm quà cho bà con, bà Hường bảo “không dặn trước làm sao có”. Rồi thấy chúng tôi có vẻ tha thiết quá, không đành lòng, bà mang ra mấy trăm đôi đũa và bảo, này là của nhà để dành xài, không có ý định bán, thấy mấy cô ở xa, lần đi lần khó, thôi thì chia cho một ít về xài”.

Bà Hường tâm sự: “Nghề vót đũa cũng cực lắm chứ đâu dễ dàng. Làm ra đôi đũa phải qua rất nhiều công đoạn: Cưa tre, chẻ tre, phơi khô rồi mới vót. Vót xong phải đánh bóng bằng giấy nhám, sau đó cho vào nồi luộc cùng rễ nhàu, rồi lại phơi thêm lần nữa”.

Chọn tre là khâu quan trọng quyết định chất lượng đũa. Tre dùng để vót đũa phải là tre mạnh tông và phải đủ độ già. Hiện tại gia đình bà Hường phải đi mua tre ở nhiều nơi vì tại địa phương không có. Mỗi cây tre tuỳ lớn, nhỏ có giá từ 15-30 ngàn đồng, thậm chí 80-100 ngàn đồng. Một cây tre lớn có thể vót được từ 200 đôi đũa trở lên. Còn rễ nhàu ban đầu bà đi đào, sau này bà con xung quanh ai có thì đem lại cho bà, bà không trả bằng tiền mà cho lại vài chục đũa. Công đoạn luộc đũa cũng mất nhiều thời gian. Thường bà luộc từ 4 giờ chiều đến khoảng 9-10 giờ đêm thì không thêm củi nữa và để đũa trong nồi cho thấm màu, đến sáng mới vớt ra phơi. Mỗi lần luộc trong cái nồi lớn khoảng 1.500 đôi đũa và 4-5 kg rễ nhàu xắt mỏng, sắp xen kẽ với đũa từng lớp.

Nghề nào cũng cực, nghề làm đũa cũng không ngoại lệ. Có điều, nhờ lấy công làm lời nên thu nhập mang lại từ nghề vót đũa cũng khá. Trung bình 1 ngàn đôi đũa bà Hường có lời khoảng 1,5 triệu đồng. Đó là động lực để gia đình bà cũng như nhiều phụ nữ ấp này duy trì nghề vót đũa.

Rời Ấp 6, xã Khánh Lâm, mang theo hình ảnh đẹp về những con người cần mẫn, chịu khó, chúng tôi mường tượng một ngày không xa nơi đây sẽ trở thành một làng nghề sung túc./.

Chẻ tre thành vóc, khâu này bà Hường vận động cả gia đình cùng làm.
Vót đũa là khâu quan trọng, đòi hỏi sự khéo léo, không phải ai làm cũng được.
Đũa vót xong đem luộc cùng rễ nhàu từ 5-6 tiếng, sau đó ngâm cả đêm cho thấm màu.
Đũa luộc xong phải phơi nắng và đánh bóng lại trước khi giao cho khách hàng.
Gia đình bà Võ Thị Hường là hộ có thâm niên nhất trong nghề vót đũa tre ở Ấp 6, xã Khánh Lâm.

Trang Thăm - Thuỳ Trâm

Diện mạo mới ở Công viên Hùng Vương

Sau khoảng thời gian được nâng cấp, cải tạo một số hạng mục, Công viên Hùng Vương (phường Tân Thành), nơi được xem như “lá phổi xanh” giữa lòng đô thị Cà Mau, nay khoác diện mạo mới, vừa đáp ứng nhu cầu của người dân, vừa tạo điểm nhấn mỹ quan.

Sắc mới ở những miền quê Khmer

Sở hữu nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp cùng các lễ hội truyền thống độc đáo, đồng bào Khmer góp phần làm giàu bản sắc văn hóa của vùng đất Cà Mau. Những năm qua, nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và nỗ lực vươn lên của chính người dân, vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống đang từng ngày chuyển mình, khoác lên “chiếc áo mới” đầy rạng rỡ.

Giăng lưới cá sặt mùa mưa

Mưa bắt đầu từ giữa khuya, rả rích đến sáng. Những hạt mưa đầu mùa như tưới mát cả một khoảng trời khô hạn, làm mềm đất, làm đầy ruộng, và làm dậy mùi phù sa ngai ngái. Trong màn mưa nhoè nhoẹt, người đàn ông quê xách chiếc lưới trên tay, bước xuống ruộng, mương bắt đầu một mùa giăng cá sặt.

Sẵn sàng tâm thế, đưa tỉnh Cà Mau mới phát triển nhanh và bền vững

Thực hiện Nghị quyết số 60/NQ-TW ngày 12/4/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII và các văn bản chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thời gian qua hai tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu đã vào cuộc với tinh thần quyết liệt, trách nhiệm cao. Theo đó, mọi công việc chuẩn bị cho ngày hợp nhất tỉnh đều đã sẵn sàng, với tâm thế phấn khởi, quyết tâm đưa tỉnh Cà Mau mới phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với tiềm năng và vị thế của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc.

Ðảo ngọc nơi cực Nam

Cụm đảo Hòn Khoai - hòn ngọc trên biển Ðông nơi địa đầu cực Nam Tổ quốc (thuộc xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), có diện tích trên 4 km2, bao gồm 5 đảo. Ðây là nơi ghi dấu mốc son lịch sử cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai do Anh hùng Phan Ngọc Hiển lãnh đạo giành thắng lợi trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp xâm lược. Ngày 13/12/1940, ngày khởi nghĩa Hòn Khoai, được chọn làm ngày Truyền thống cách mạng của Ðảng bộ và quân, dân Cà Mau. Hòn Khoai được công nhận Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp quốc gia năm 1990.

Ấm áp mùa thi

Trong hai ngày 25-26/6, tại 17 điểm thi tốt nghiệp THPT trên địa bàn tỉnh, hơn 1.600 lượt tình nguyện viên từ 34 đội hình “Tiếp sức mùa thi” đã đồng hành, sẻ chia, lan toả yêu thương bằng những hành động thiết thực và đầy cảm xúc.

Đồng hành cùng sĩ tử

Ngày 26/6, cùng với hơn 1,1 triệu thí sinh cả nước, tỉnh Cà Mau có hơn 11.100 thí sinh bước vào ngày thi đầu tiên của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

  “Trải nghiệm để trưởng thành”

Từ ngày 24 - 27/6, Nhà Thiếu nhi tỉnh tổ chức hành trình “Trải nghiệm để trưởng thành” với sự tham gia của 50 em thiếu nhi, diễn ra tại Nhà Thiếu nhi tỉnh và Khu du lịch Nhà Mát (Bạc Liêu).

Cà Mau qua góc nhìn nhà báo - nghệ sĩ nhiếp ảnh

Chi hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Việt Nam tỉnh Cà Mau hiện có 21 hội viên, trong đó có nhiều hội viên đồng thời cũng là nhà báo. Dù hiện đã nghỉ hưu hay vẫn đang công tác tại các cơ quan báo chí, trong cả quá trình dài làm nghề, các nhà báo - NSNA đã đóng góp công sức to lớn cho sự trưởng thành của phong trào nhiếp ảnh trong tỉnh và sự phát triển mạnh mẽ của báo chí địa phương.

Thầm lặng hậu kỳ