Đó chính là mục tiêu hướng đến của phương pháp dạy học “Bàn tay nặn bột” (BTNB) hiện đang được triển khai thí điểm tại Trường Tiểu học Quang Trung (TP Cà Mau) và Trường Tiểu học A Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời).
Đó chính là mục tiêu hướng đến của phương pháp dạy học “Bàn tay nặn bột” (BTNB) hiện đang được triển khai thí điểm tại Trường Tiểu học Quang Trung (TP Cà Mau) và Trường Tiểu học A Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời).
Cô Võ Thị Lệ Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung, cho biết, năm đầu thực hiện, nhà trường chọn lớp 3 để thực nghiệm ở môn Tự nhiên và Xã hội và môn Khoa học ở khối lớp 5. Giáo viên chủ động vận dụng phương pháp trực quan và thực nghiệm khoa học ở mức độ phù hợp, kết hợp với phương pháp dạy học tích cực đã mang lại hiệu quả bước đầu. Qua đó, tạo được sự thích thú cho học sinh khi được thực hành khám phá, nắm bắt kiến thức một cách vững chắc qua thực nghiệm khoa học. Kể từ năm học 2014-2015, trường tiến hành triển khai chuyên đề cho các giáo viên ở 5 khối lớp, được 20 tiết. Năm học mới 2015-2016, nhà trường tập trung mọi sự ưu tiên hoàn thành chương trình thí điểm này, hướng đến chia sẻ kinh nghiệm cho các đơn vị trường học trong toàn tỉnh.
Tiết học theo phương pháp “Bàn tay nặn bột” của học sinh Trường Tiểu học Quang Trung, TP Cà Mau. |
Cô Nguyễn Thị Phương, giáo viên khối lớp 5, Trường Tiểu học Quang Trung, cho rằng, so với phương pháp dạy truyền thống, trong phương pháp BTNB, học sinh là trung tâm của quá trình nhận thức, chính các em là người tìm ra câu trả lời và lĩnh hội kiến thức dưới sự giúp đỡ của giáo viên dựa trên thí nghiệm nghiên cứu. Phương pháp này chú trọng đến việc để chính các em tìm ra câu trả lời cho các vấn đề được đặt ra trong cuộc sống thông qua các thí nghiệm, quan sát, nghiên cứu tài liệu hay điều tra…
“Ở bậc tiểu học, các em đang ở giai đoạn bắt đầu tìm hiểu mạnh mẽ các kiến thức khoa học, hình thành các khái niệm cơ bản về khoa học, do đó, BTNB sẽ tạo tính tò mò, ham muốn khám phá, yêu và say mê khoa học của học sinh. Ngoài ra, BTNB còn chú ý nhiều đến việc rèn luyện kỹ năng diễn đạt cho học sinh”, cô Phương nhận định.
Chẳng hạn ở bài học “Không khí cần cho sự cháy”, giáo viên làm thực nghiệm nhỏ với 2 cây nến như nhau và 2 lọ thuỷ tinh không bằng nhau (1 lọ nhỏ, 1 lọ to). Giáo viên đưa ra tình huống: “Nếu úp 2 lọ thuỷ tinh lên 2 cây nến thì hiện tượng gì sẽ xảy ra?”. Ðể tìm ra đáp án, học sinh phải quan sát, lập luận và đưa ra các lý lẽ, thảo luận nhóm về các ý kiến và các kết quả. Các em đã đưa ra rất nhiều kết quả. Có em cho rằng cả 2 cây nến cùng tắt. Em thì cho là nến nhỏ tắt trước… Cho đến khi tiến hành thực nghiệm và có được kết quả, các em thích thú và bày tỏ nhiều cảm nhận khi đã trả lời được câu hỏi, qua đó hiểu rằng: có nhiều ô-xy thì sự cháy sẽ duy trì lâu hơn, do đó cây nến trong lọ nhỏ sẽ tắt trước.
Có thể thấy, ưu điểm của phương pháp này là ngoài dạy kiến thức, giáo viên còn dạy học sinh cách tự học, tự khám phá, tìm hiểu, nghiên cứu cuộc sống xung quanh. Giáo viên chỉ đóng vai trò tư vấn, hướng dẫn.
Theo cô Võ Thị Lệ Hiền, để phương pháp BTNB triển khai có hiệu quả, giáo viên cần lưu ý: liệt kê các bài học có thể áp dụng phương pháp này; phải có sự chuẩn bị trước các thí nghiệm dự kiến để có kết quả như mong muốn; vận dụng tối đa những nguyên vật liệu sẵn có, dễ kiếm; ứng dụng công nghệ thông tin đúng lúc, đúng chỗ, sao cho hợp lý. Riêng với một số thí nghiệm đơn giản, giáo viên có thể giao việc cho học sinh để học sinh tự chuẩn bị các vật liệu của nhóm mình.
Ông Hồ Thành Nhựt, chuyên viên Phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD&ÐT, cho biết, qua thời gian thực nghiệm BTNB tại 2 trường tiểu học đã thấy rõ đây là phương pháp rất hiệu quả đối với môn học Tự nhiên và Xã hội lớp 1, 2, 3 và môn Khoa học lớp 4, 5. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều ưu điểm, vẫn bộc lộ những hạn chế gây ra một số khó khăn cho cả người dạy lẫn người học như: phương pháp đòi hỏi phải có nhiều thời gian đối với mỗi tiết học chứ không thể hạn chế 35-40 phút/tiết như quy định hiện tại; và để thực hiện BTNB, giáo viên phải có kiến thức khoa học tự nhiên vững vàng, khả năng linh hoạt để ứng phó mọi tình huống bất ngờ xảy ra trong tiết học. Về phía học sinh, do các em mới làm quen nên còn lúng túng, thao tác chưa nhanh nhẹn.
Thực tế hiện nay tại các nhà trường, trang thiết bị thí nghiệm chưa đáp ứng được nhu cầu của phương pháp mới này, do đó, ngành giáo dục cần tiếp tục hỗ trợ trang thiếu bị dạy học, nhất là dụng cụ thí nghiệm và thực hành để phát huy hiệu quả các tiết học; đồng thời, nhân rộng phương pháp BTNB để nâng cao hiệu quả giáo dục nói chung và dạy học các môn Tự nhiên và Xã hội, Khoa học ở trường tiểu học./.
Bài và ảnh: Băng Thanh