(CMO) Hiện nay, việc tổ chức bán trú cho học sinh các trường học thuộc hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Cà Mau đang gặp những khó khăn nhất định. Nhu cầu của phụ huynh và học sinh ngày càng tăng cao trong khi cơ sở vật chất phục vụ lớp bán trú chưa đáp ứng. Vừa qua, Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh đã có chuyến giám sát thực tế nhằm kịp thời gỡ khó cho vấn đề này.
Ngày 21/4/2016, UBND tỉnh phê duyệt Đề án tổ chức bán trú các trường học thuộc hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025. Việc tổ chức bán trú trong trường học vừa phù hợp với xu thế phát triển chung, vừa góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi để cha mẹ học sinh có thời gian chăm lo phát triển kinh tế gia đình, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tổ chức bán trú trong trường học phù hợp với xu thế phát triển chung trong điều kiện hiện nay. |
Theo đó, năm học 2018-2019, toàn tỉnh có 103 trường mầm non thực hiện bán trú, tăng 8 trường so với năm học 2017-2018. Giáo dục phổ thông có 16 trường với 3.925 học sinh học bán trú, tăng 2 trường và 1.329 học sinh so với năm học 2017-2018. Theo Phó giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau Lê Hoàng Dự, việc tổ chức bán trú cũng là động lực để huy động trẻ em đến trường, giúp duy trì sĩ số, tỷ lệ chuyên cần. Đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh trong việc gửi con em ăn và nghỉ trưa tại trường, hạn chế đưa đón, đảm bảo sức khoẻ học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Tuy nhiên, qua giám sát thực tế của Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh, hiện nay các trường chưa có khu bán trú riêng, cơ sở vật chất một số nơi xuống cấp, đồ dùng, đồ chơi còn thiếu… từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của nhà trường. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Việt Khái, xã Khánh An, huyện U Minh Lương Mỹ Hạnh cho biết, trường không nằm trong đề án bán trú nhưng do ghép các điểm trường vào nên việc đi lại của một số học sinh gặp rất nhiều khó khăn. Năm học 2018-2019, trường thực hiện bán trú trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh theo hình thức xã hội hoá. Tuy nhiên, do thiếu thốn về cơ sở vật chất nên các em phải ăn trưa tại sảnh hoặc lớp học, nghỉ trưa tại các phòng chức năng. “Năm 2017, trường được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Phòng học, phòng chức năng, trang thiết bị dạy và học đều đảm bảo theo yêu cầu. Tuy nhiên, để tiếp tục cho việc công nhận trường đạt chuẩn quốc gia trong thời gian tới, việc bán trú cho các em khó có thể duy trì”, cô Lương Mỹ Hạnh trăn trở.
Hiện nay, Phường 9, TP Cà Mau chỉ có 1 trường mẫu giáo (trường Hoa Hồng). Năm học này trường có 269 cháu/6 lớp. Do các cháu đông so với diện tích lớp học, cộng với cơ sở vật chất xuống cấp nên ảnh hưởng đến công tác chăm sóc nuôi dạy trẻ. Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hoa Hồng Phạm Xuân Chiều kiến nghị: “Để đảm bảo tốt nhu cầu dạy và học, trường rất cần được đầu tư mở rộng cơ sở vật chất cũng như tăng thêm hợp đồng nhân viên nấu ăn, bảo vệ”.
Qua giám sát thực tế, ngoài ghi nhận những nỗ lực trong công tác dạy, học, công tác bán trú, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh Ngô Ngọc Khuê tiếp thu những ý kiến, kiến nghị từ cơ sở để tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Thông qua hoạt động giám sát thực tế này sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đề án tổ chức bán trú các trường học thuộc hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao trong thời gian tới./.
Thanh Phương