Thời gian qua, cùng với các doanh nghiệp (DN) khác trên địa bàn, các DN lĩnh vực xăng dầu không ngừng thực hiện chuyển đổi số, góp phần đem lại thuận lợi, minh bạch cho người tiêu dùng và cả công tác quản lý. Tuy nhiên, hiện nay, thực hiện quy định của Bộ Tài chính, từ ngày 1/7/2022, tất cả DN, tổ chức kinh tế phải chuyển đổi sang thực hiện hoá đơn điện tử (HÐÐT), trong đó có DN, tổ chức kinh tế hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu, gây không ít khó khăn cho các đơn vị kinh doanh.
Thực hiện Thông tư số 78/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính, từ ngày 1/7/2022, tất cả DN, tổ chức kinh tế trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã sử dụng HÐÐT để bán hàng hoá cung cấp dịch vụ; trong đó có DN, tổ chức kinh tế hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu. Tuy nhiên, việc thực hiện lập HÐÐT sau từng lần bán hàng tại các cửa hàng, điểm bán lẻ xăng dầu chưa được các công ty, DN quan tâm thực hiện đúng quy định.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện có 234 công ty, DN hoạt động kinh doanh lĩnh vực xăng dầu, với 359 cửa hàng, điểm bán lẻ xăng, dầu, 1.176 trụ bơm. Trong đó, huyện Trần Văn Thời có 56 DN, với 74 cửa hàng và 204 trụ bơm; huyện Thới Bình có 37 DN, 41 cửa hàng và 114 trụ bơm; huyện Ðầm Dơi 27 DN, 40 cửa hàng và 109 trụ bơm...
Tuy nhiên, theo thông tin ghi nhận, trong tổng số công ty, DN trên, chỉ có 1 DN với 62 cửa hàng, 232 trụ bơm (Công ty Xăng dầu Cà Mau) đã thực hiện lập HÐÐT theo từng lần bán hàng (số cửa hàng 62/359, tỷ lệ 17,27%; trụ bơm 232/1.176, tỷ lệ 19,73%). Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Tân Hải đang liên hệ đơn vị lắp đặt, sẽ hoàn thành trong quý I/2024; Công ty TNHH MTV Tổng Công ty 28 - Chi nhánh Cà Mau đã lập dự án đầu tư thiết bị kết nối trụ bơm, phần mềm chuyên dùng, thực hiện hoàn thành trong quý III/2024.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, chỉ có Công ty Xăng dầu Cà Mau, với 62 cửa hàng, 232 trụ bơm đã thực hiện lập HÐÐT theo từng lần bán hàng.
Ðể tháo gỡ khó khăn, khuyến khích DN thực hiện đúng quy định, Cục Thuế tỉnh đã tổ chức các cuộc đối thoại với DN kinh doanh xăng dầu về HÐÐT từng lần phát sinh. Ngoài thông tin đến các DN về các văn bản pháp lý quy định về HÐÐT đối với DN kinh doanh xăng dầu cũng như xử phạt trong quản lý và sử dụng HÐÐT khi bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ, Cục Thuế còn giải đáp những vướng mắc của các DN, công ty xung quanh việc ra hoá đơn cho từng lần bán. Ðồng thời, các đơn vị viễn thông đã giới thiệu, hướng dẫn sử dụng phần mềm nâng cấp, quản lý HÐÐT bán xăng dầu, để các doanh nghiệp, công ty xăng dầu trên địa bàn tỉnh có sự lựa chọn giải pháp thực hiện phù hợp với thực tế, đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Các doanh nghiệp, công ty xăng dầu trên địa bàn tỉnh bày tỏ lo ngại về vấn đề xuất hoá đơn điện tử từng lần bán tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp lĩnh vực xăng dầu do Cục Thuế tỉnh tổ chức.
Ông Bùi Quốc Khánh, Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế tỉnh, cho biết: “Theo quy định, sau mỗi lần bán, cửa hàng, điểm bán lẻ xăng dầu đều phải lập hoá đơn ngay, thay vì để dồn đến cuối ngày mới xuất 1 hoá đơn cho tất cả các khách lẻ trong ngày. Với quy định này, hiện nay, còn 233 công ty, DN với 297 cửa hàng, 944 trụ bơm, mặc dù đã triển khai thực hiện HÐÐT theo Nghị định số 123/2020, nhưng chỉ xuất hoá đơn cho khách hàng là DN, tổ chức có nhu cầu lấy hoá đơn, chưa thực hiện được việc lập HÐÐT đối với từng lần bán hàng theo quy định. Còn đối với khách hàng không có nhu cầu lấy hoá đơn, cuối ngày thực hiện xuất 1 hoá đơn chung”.
Ðược biết, việc lập và xuất HÐÐT theo từng lần bán không quá khó, hoá đơn được xuất theo phần mềm thực hiện tự động; số lượng hoá đơn đã xuất sẽ được lưu trữ bằng hình thức điện tử một cách đầy đủ mà không phải in ra tại các cửa hàng, điểm bán lẻ xăng dầu và đảm bảo có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu. Tuy nhiên, mỗi đơn vị kinh doanh xăng dầu cần chuẩn bị về máy móc, thiết bị khi thực hiện đúng quy định này.
Là đơn vị đã thực hiện xuất HÐÐT theo từng lần bán đúng quy định, ông Nguyễn Văn Thể, Phó giám đốc Công ty Xăng dầu Cà Mau, chia sẻ: “Công ty hiện có 62 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh, từ ngày 1/7/2022, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã triển khai thành công xuất HÐÐT từng lần bán hàng cho người mua, trong đó có Công ty Xăng dầu Cà Mau. Muốn triển khai được vấn đề này, đòi hỏi các trụ bơm của các cửa hàng phải kết nối được hệ thống máy tính của công ty thông qua phần mềm quản lý cửa hàng. Tất cả các dữ liệu đều được lưu trữ, đảm bảo tính minh bạch và chính xác trong quá trình bán hàng quản lý, tránh sai sót giữa công ty và khách hàng".
Nói về các giải pháp thực hiện lập HÐÐT sau từng lần bán hàng tại các cửa hàng, điểm bán lẻ xăng dầu, ông Phạm Học Khiêm, Phó giám đốc Viettel Cà Mau, cho biết: “Ðối với HÐÐT, các DN đã triển khai từ rất lâu. Riêng đối với hoạt động bán lẻ xăng dầu, Viettel Cà Mau khuyến khích giải pháp trang bị hệ thống điều khiển tự động, kết nối máy tính. Ưu việt của giải pháp này là hoàn toàn tự động, giúp DN quản lý đầu ra, đầu vào, lợi nhuận, hàng tồn. Tuy nhiên, giải pháp này đầu tư ban đầu khá tốn kém, song Viettel đã phối hợp nhiều nhà cung cấp để hạ giá thành rẻ nhất, hiện nay giải pháp này chỉ khoảng 20 triệu đồng. Có thể dùng cho 1 DN quản lý rất nhiều trụ bơm và giúp cho DN có từ 2 cửa hàng trở lên có thể quản lý tổng thể, quản lý từ xa”.
Ông Nguyễn Văn Bé, Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Cà Mau, nhấn mạnh: “Ðể thực hiện đúng quy định về việc lập HÐÐT bán xăng dầu cho từng lần bán hàng, các công ty, DN kinh doanh xăng dầu cần nghiêm túc xem việc lập HÐÐT sau từng lần bán hàng, có kết nối dữ liệu với cơ quan thuế là bắt buộc và đúng quy định. Ðồng thời, chuẩn bị trang thiết bị như: trụ bơm, cột bơm tại các cửa hàng, điểm bán lẻ xăng dầu có tính năng điện tử, có khả năng kết nối dữ liệu trên trụ bơm với máy tính để lập hoá đơn theo quy định; chủ động liên hệ với các đơn vị cung cấp giải pháp, cấu hình và thiết lập hệ thống phát hành hoá đơn theo từng lần bán hàng đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước, minh bạch với khách hàng".
“Mỗi hoá đơn lập sai thời điểm sẽ bị xử phạt vi phạm 1 lần, tương ứng với số lượng hoá đơn lập sai thời điểm. Nếu lập sai thời điểm bao nhiêu hoá đơn thì lấy số hoá đơn lập sai thời điểm nhân (x) với mức trung bình của khung tiền phạt. Ðặc biệt, theo quy định tại khoản 5, Ðiều 24, Nghị định số 125/2020/NÐ-CP về xử phạt hành vi vi phạm quy định về lập hoá đơn khi bán hàng hoá, dịch vụ, đối với hành vi không lập hoá đơn khi bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ cho người mua, mức phạt từ 10-20 triệu đồng”, ông Khánh thông tin thêm./.
Hồng Nhung