Mặc dù hay bệnh tật nhưng cựu chiến binh Nguyễn Văn Bền, sinh năm 1950, ở Ấp 8, xã Khánh Hoà, huyện U Minh, phát huy tốt truyền thống, phẩm chất bộ đội Cụ Hồ. Trong cuộc sống, ông Bền không trông chờ, ỷ lại vào các chế độ, chính sách đãi ngộ của Nhà nước, sự hỗ trợ, giúp đỡ của địa phương, mà cố gắng lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.
- Gương mẫu như người lính Cụ Hồ
- Sôi nổi Hội thi tuyên truyền về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
- Nguyện xứng danh Bộ đội Cụ Hồ
- Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ
Năm 1969, ông Bền tham gia bộ đội, giữ chức vụ Tiểu đội trưởng. Năm 1977, khi hoàn thành nhiệm vụ và đất nước được thống nhất, ông xuất ngũ trở về địa phương sinh sống và là Trưởng Công an Ấp 8, xã Khánh Hoà. Ðến năm 1980, ông được phân công làm Xã đội phó xã Khánh Hoà. Ðầu năm 1983, do sức khoẻ giảm sút và thường hay bệnh tật nên ông xin nghỉ công tác.
Thời gian này, hoàn cảnh gia đình ông Bền gặp nhiều khó khăn. Nhà đông người, đất sản xuất chỉ có 1 ha, mỗi năm trồng lúa được vài chục giạ, tạm đủ cho gia đình ăn trong năm. Trong thời gian chờ lúa chín, vợ chồng ông đi làm thuê. Sau bao năm làm lụng vất vả, vợ chồng ông dành dụm được một ít tiền mua thêm 3 ha đất nông nghiệp.
Nhờ áp dụng mô hình đa cây, đa con, hiện kinh tế gia đình ông Nguyễn Văn Bền đã ổn định.
Vùng đất này trước đây sâu trũng, nhiễm phèn nặng, đầy gốc tràm và năn, sậy mọc um tùm, việc trồng lúa, nuôi cá, trồng trọt kém hiệu quả. Có năm mưa nhiều, sâu rầy gây hại, ruộng lúa của gia đình thất trắng. Trên bờ liếp, việc trồng cây ăn trái cho năng suất thấp, cá nuôi dưới kênh, mương chết hết do phèn quá cao. Nhiều năm liền, cuộc sống gia đình ông Bền thiếu đói lúc giáp hạt. Mặc dù vậy, vợ chồng ông vẫn không nản lòng, quyết tâm khai phá, cải tạo đất, tập trung thu dọn gốc tràm, lên bờ bao, đào kênh mương tháo úng, xổ phèn. Dần dần, đất trở nên màu mỡ và sản xuất ngày càng đạt hiệu quả cao.
Ðến khi chuyển đổi sản xuất, nuôi tôm trên đất trồng lúa, gia đình ông cũng như nhiều hộ nông dân trong vùng có cơ hội đổi đời. Dù còn khó khăn, ông vẫn cố gắng đầu tư vốn gia cố bờ bao, đào kênh mương thực hiện mô hình nuôi tôm trên đất trồng lúa. Những năm đầu do chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật nên nuôi tôm không đạt hiệu quả.
Nhờ cần cù, chịu khó, chí thú làm ăn và phát huy tốt truyền thống của người lính Cụ Hồ, ông Bền không nản chí, quyết tâm tìm hiểu, học tập kinh nghiệm. Dần dần, việc sản xuất của gia đình thuận lợi hơn.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, ông Bền thực hiện thành công mô hình trồng lúa, nuôi tôm, cua kết hợp. Trên diện tích 4 ha đất của gia đình, mỗi năm ông rửa mặn trồng 1 vụ lúa mùa; thả nuôi 3 vụ tôm sú, mỗi vụ từ 30-40 ngàn con tôm giống; thả nuôi 2 vụ cua, mỗi vụ từ 5-7 ngàn con cua giống. Từ mô hình sản xuất đa canh kết hợp này, mỗi năm gia đình thu nhập từ 200-300 triệu đồng, từng bước vươn lên khá, giàu.
Ông Bền cho biết: “Trong sản xuất, tôi trồng đa cây, nuôi đa con. Ðể khi thất thu mô hình này thì còn có nguồn thu từ mô hình khác, gia đình không phải chịu cảnh trắng tay. Hễ mô hình nào có thu nhập thì tôi triển khai thực hiện. Tôi thấy, việc cấy lúa trên đất nuôi tôm không những có đủ lúa gạo ăn, tăng thu nhập mà quan trọng hơn là góp phần cải tạo môi trường nước, giúp cho tôm, cua phát triển tốt hơn”.
Ông Phạm Trọng Triều, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Khánh Hoà, nhận xét: “Trước đây, gia đình cựu chiến binh Nguyễn Văn Bền gặp nhiều khó khăn. Nhờ cần cù, chịu khó và thực hiện nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả nên nay đã ổn định cuộc sống. Ở địa phương, đồng chí Bền luôn gương mẫu thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, không trông chờ, ỷ lại vào các chế độ, chính sách của Ðảng, Nhà nước mà tự phấn đấu vươn lên, thoát nghèo và làm giàu chính đáng trên mảnh đất của gia đình. Cựu chiến binh Nguyễn Văn Bền là tấm gương tiên tiến, điển hình sản xuất kinh doanh giỏi và trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” ở địa phương”.
Hùng Phước