ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 21:57:43
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Hạ tầng nông thôn Cà Mau bất cập và lãng phí

Báo Cà Mau (CMO) Nông thôn ở Cà Mau còn những nơi nghèo hơn các xã nghèo, khó khăn hơn cả các xã khó khăn và đang lay lắt tồn tại các khu tái định cư. Kỳ vọng và mục tiêu của các khu tái định cư là rõ ràng, nói như ông Phùng Sơn Kiệt, Phó chi Cục trưởng Chi Cục Phát triển nông thôn (PTNT), Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau: “Giúp đỡ những đối tượng dễ bị tổn thương ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế”.

Bài 2: Tái định cư "thất thủ"

Thế nhưng có một thực tế, các khu tái định cư dần trở thành gánh nặng của các địa phương, người dân thì đang dần mất hết hy vọng. Có thể nói, tái định cư là một gam màu buồn trong bức tranh tổng thể của nông thôn Cà Mau.

Dở dang quy hoạch

Thông tin từ ông Sơn Kiệt, quy hoạch tổng thể theo Quyết định số 33/QĐ-UBND ngày 28/5/2007 của UBND tỉnh Cà Mau về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch bố trí dân cư tỉnh Cà Mau giai đoạn 2006-2015, toàn tỉnh sẽ hình thành 35 cụm tuyến dân cư mới trên địa bàn 8 huyện. Diện tích quy hoạch hơn 945 ha, số lượng dân cư bố trí, ổn định là 13.873 hộ. Trong đó, đối tượng di dời vào các khu tái định cư vào khoảng trên 8.700 hộ với nhu cầu vốn là 425 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, tỉnh chỉ mới lập xong 18 dự án đầu tư và triển khai trên thực tế 15 dự án.

Ông Sơn Kiệt cho biết: “Giai đoạn 2006-2017, có 18 dự án lập xong, triển khai 15 dự án, 5 dự án hoàn thành, 5 dự án dở dang, đình lại 2 dự án, hoãn 3 dự án còn lại là trên giấy tờ”. Số hộ đã được sắp xếp tái định cư là 1.578 hộ.

Thực tế số vốn đầu tư giai đoạn 2006-2017 là 209 tỷ đồng, chỉ đạt 39% kế hoạch vốn. Nói về những khó khăn của công tác sắp xếp dân cư, ông Kiệt phân tích: “Số hộ cần di dời quá lớn, trong khi đó các địa phương hầu như không còn quỹ đất công. Bởi vậy chỉ có thể tái định cư chớ chưa thể tái định canh cho bà con”.

Ngoài ra, hàng loạt khó khăn cũng được chỉ ra như nguồn vốn dành cho công tác này vô cùng hạn hẹp, dẫn đến việc đầu tư không đồng bộ, dở dang. Sinh kế của người dân trong khu tái định cư trở thành vấn đề vô cùng nhức nhối.

Những ngôi nhà hoang, hình ảnh quen thuộc tại Khu tái định cư Hương Mai.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử khi kết luận về vấn đề tái định cư cũng nêu rõ: “Việc quy hoạch cụm, tuyến dân cư chưa phù hợp về vị trí, thiếu sự kết nối. Thiếu vốn, thiếu quỹ đất, đầu tư dàn trải nên chất lượng một số công trình chưa tốt. Việc lồng ghép, phối hợp các chương trình, dự án trên địa bàn để giải quyết sinh kế cho người dân còn hạn chế”.

Bên cạnh đó, việc quản lý và phối hợp quản lý các khu tái định cư cũng hết sức chồng chéo theo kiểu “cha chung không ai khóc”. Theo ông Kiệt: “Các địa phương chưa quan tâm đúng mức đến đời sống người dân ở các khu tái định cư”. Trong khi đó, các địa phương quả quyết quản lý đầu mối các khu tái định cư là vấn đề của Chi cục PTNT.

Ông Phạm Ngọc Toàn, Trưởng Phòng PTNT và Bố trí dân cư thuộc Chi cục PTNT, còn nêu ra một thực trạng bức bách: “Sinh kế của bà con vùng tái định cư là vấn đề rất nổi cộm. Một bộ phận bà con đã rời bỏ nơi ở để làm ăn nơi khác. Cá biệt có tình trạng sang nhượng hoặc cho thuê lại”.

Cho đến nay, Chi cục PTNT cũng chưa thống kê con số cụ thể liên quan đến tình trạng này, nhưng có thể khẳng định là không hề ít. Ông Toàn cũng nêu quan điểm: “Theo tôi, những khu tái định cư có sự quan tâm của địa phương thì phát triển tốt và ngược lại”.

Có một điểm chung đáng buồn, hầu hết các khu tái định cư trên địa bàn tỉnh hiện nay đều nằm trong tình trạng biệt lập, hầu như rất khó kết nối với các huyết mạch giao thông. Do đó, việc giao lưu, phát triển kinh tế của cư dân ở các khu vực này rất hạn chế, nếu không nói là trì trệ. Dễ hiểu vì sao, người dân tái định cư ngày càng bi quan về tương lai của mình.

Thực tế ngổn ngang

Về Khu tái định cư Hương Mai, Ấp 7, xã Khánh Tiến, huyện U Minh, chúng tôi không khỏi bùi ngùi trước cảnh sống bấp bênh của người dân. Quyền Chủ tịch UBND xã Khánh Tiến Mai Tuấn Anh cho biết: “Ngoài đó quy hoạch hơn 80 hộ (theo đề án là 436 hộ) giờ chắc còn khoảng 70 hộ trụ lại”. Con số không chính xác bởi vì tình hình dân cư ở đây liên tục biến động.

Anh Nguyễn Quốc Toản, Phó trưởng Ấp 17, trầm ngâm: “Từ năm 2009 tôi về đây, đầu tư hạ tầng dở dang, bà con không có công ăn việc làm, như vầy khó sống quá”. Thấy có phóng viên, anh Dương Văn Lựa tạt vào thở dài nói: “Ở đây người ta đi Bình Dương bộn rồi, sống kiểu này chịu gì thấu”.

Anh Lựa và anh Toàn nhớ về những ngày còn ở bên ngoài đê biển Tây mà nghĩ ngợi: “Ở ngoải thấy vậy khoẻ hơn, thoải mái hơn trong này”. Hỏi nguyên do, anh Toàn cho biết: “Giờ bà con đậu ghe xuồng ngoài bờ đê, đi vô trong khu tái định cư, sáng ra tụi ăn trộm lấy hết đồ nghề. Nhiều người chán nản bỏ đi luôn”.

Xứ Hương Mai dân sống bằng nghề câu kiều, lưới cạn, mà cá tôm ven bờ đang dần cạn kiệt, vậy nên sự bí bách ngày càng dồn thúc. Chưa hết, anh Toàn còn lo một chuyện khác: “Đời anh em tụi tôi coi như đã xong nhưng tội nghiệp mấy đứa nhỏ, khổ quá nên bỏ học bộn rồi. Mình tính đâu vô đây sẽ khấm khá hơn, ai mà dè vậy đây”.

Chị Phạm Thị Ái, người xứ khác về Khánh Tiến đã ngót chục năm, than thở: “Chồng tui (anh Danh Văn Cảnh) đợt rồi đi câu mực hết con trăng mà không dư một đồng, nhà tui 7 miệng ăn giờ hết biết tính sao”.

Bữa cơm đầy âu lo của chị Phạm Thị Ái và con dâu tại khu tái định cư Hương Mai, Khánh Tiến, bởi con trăng vừa rồi, chồng chị Ái đi câu mực mướn thất bát.

Hỏi chị Ái: “Ở đây phụ nữ có nghề nghiệp gì không?”, chị buồn so: “Ăn rồi nhổng nhổng vậy thôi, ai có ghe lưới thì hụ hợ ở nhà. Nghe xã nói dạy may, dạy chăn nuôi đủ thứ mà nghe không à, chưa thấy xã dạy”.

Theo vị Quyền Chủ tịch UBND xã Khánh Tiến: “Tình hình của bà con ở khu Hương Mai rất khó khăn, nếu không có sự hỗ trợ, điều chỉnh thì việc bà con bỏ đi nơi khác là chuyện sớm muộn mà thôi”.

Khu Lung Ranh, Ấp 1, xã Khánh Hội cũng là nơi dự án tái định cư đầu tư dang dở. Anh Trương Hoàng Minh, Phó trưởng Ấp 1 cho biết: “Mới đầu tính có 82 hộ ở giờ còn hơn 50 hộ, bỏ đi cũng nhiều lắm rồi. Đây là khu dành cho đồng bào dân tộc khó khăn thuộc huyện U Minh định cư, ổn định và phát triển đời sống, tuy nhiên người dân ở đây lại không mấy mặn mà".

Chị Lâm Thị Sang chỉ cái nhà lồng hoang nói: “Hổng biết xây chi mà để không vậy đó. Ở đây dân nghèo muốn chết mà buôn bán cái gì không biết nữa…”. Xóm Lung Ranh này, người dân cũng trông chờ con tôm, con cá ven biển để sinh kế, tuy nhiên nhìn những ngôi nhà bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, không ai tin rằng nơi đây sẽ có một tương lai nào đó xán lạn hơn.

Nhà lồng bỏ hoang tại khu tái định cư Lung Ranh, Khánh Hội, U Minh.

Tại khu Xẻo Quao, Khóm 6B thị trấn Sông Đốc, cái lạ là khi hỏi thăm ông Huỳnh Văn Lâm và bà Phan Thị Bé Ngoan, cả hai đều nói là thuê mướn lại người khác. Ông Lâm còn quả quyết: “Nhiều người thuê, nhượng lại mấy lần luôn”. Xẻo Quao lại là một dự án dở dang, theo bà Ngoan: “Đường sá ở đây chỗ có chỗ không, nước nôi cũng không đảm bảo, vậy nhưng chẳng thấy cán bộ, chính quyền hỏi han, giúp đỡ”.

Khu tái định cư Xẻo Quao, thị trấn Sông Đốc, Trần Văn Thời trong tình trạng thiếu và yếu về hạ tầng, ô nhiễm trầm trọng.

Từ những dự án với biết bao kỳ vọng, thực tế các khu tái định cư đang đối mặt với hàng loạt thách thức, tồn tại. Cũng phải thẳng thắn rằng, những khu tái định cư ở Cà Mau mà người dân đánh giá là “sống được” và có khả năng phát triển chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nói không quá khi cho rằng bài toán tái định cư đã “thất thủ” và nếu không kịp thời có những giải pháp thì tất yếu sẽ dẫn đến những hệ luỵ dai dẳng hơn./.

Về vấn đề tái định cư, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử chỉ đạo một số nội dung quan trọng như sau: “Đối với các khu tái định cư đã đầu tư phải khẩn trương rà soát, tập trung thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn. Các địa phương chỉ đạo rà soát, phân loại đối tượng ở các khu tái định cư, xây dựng kế hoạch giải quyết vấn đề sinh kế với từng loại đối tượng. Ưu tiên các hộ nghèo tham gia các chương trình, dự án lồng ghép tại địa phương để tăng thêm thu nhập và thoát nghèo. Quy hoạch, đầu tư và kết nối hạ tầng, mời gọi thu hút đầu tư phát triển các cơ sở, dịch vụ, chế biến sản phẩm khai thác từ biển; tạo việc làm cho người dân.

Các ngành chức năng liên quan tập trung vấn đề đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người dân khu vực tái định cư. Rà soát lại tất cả các dự án, hạng mục, công trình đã đầu tư, lấy ý kiến chính quyền địa phương và đối tượng tái định cư để có những đề xuất, tham mưu phù hợp. Các công trình dang dở, cần tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành và phục vụ đời sống cho người dân khu vực tái định cư”.

Phạm Hải Nguyên 

Bài 3: Chưa đột phá trong đầu tư hạ tầng nông thôn

Giải quyết nhanh thủ tục cho người dân

Nỗ lực cải cách hành chính (CCHC), hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, chính quyền xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời tạo được niềm tin trong Nhân dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.

Rạch Gốc quyết tâm xây dựng nền hành chính văn minh

Thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC) gắn với chuyển đổi số, thị trấn Rạch Gốc đang dồn lực, quyết tâm cao để xây dựng nền hành chính “văn minh”, “hiện đại”, phục vụ tốt nhất cho người dân.

Hoà Mỹ - Hướng dẫn nhiệt tình, giải quyết nhanh gọn

Thời gian qua, UBND xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước nỗ lực thực hiện cải cách hành chính (CCHC), tạo chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.

Giải quyết toàn trình khi đăng ký, cấp biển số xe lần đầu

Thời gian qua, ngành thuế tích cực đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người nộp thuế (NNT). Trong đó, giải quyết thủ tục khai, nộp lệ phí trước bạ đối với ô tô, xe máy đem lại hiệu ứng tích cực.

“Thị sát” bộ phận một cửa

Ðóng vai một người dân đến thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) tại bộ phận một cửa ở một số xã trên địa bàn tỉnh, thành viên Ðoàn Kiểm tra cải cách hành chính (CCHC) tỉnh đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong thái độ tiếp công dân của công chức. Cũng từ những chuyến “thị sát” thực tế này đã ghi nhận nhiều hạn chế nhất định.

Cải cách mạnh mẽ nền hành chính ở cơ sở

Là nơi trực tiếp làm việc với công dân, chính quyền cơ sở (xã, phường, thị trấn) trên địa bàn tỉnh không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động. Việc xây dựng chính quyền gần dân, vì dân được thể hiện rõ nét trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC), xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, trình độ, gần dân và sát dân.

Ðem lợi ích đến người dân

Thời gian qua, để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, huyện Ðầm Dơi không chỉ rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) mà còn triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hoá phương thức chỉ đạo, điều hành và tiếp nhận, giải quyết TTHC, tăng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến.

Nỗ lực dỡ rào cản “Chi phí không chính thức”

Ðược đánh giá là chỉ số nhạy cảm nhất trong 10 chỉ số thành phần cấu thành Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số “Chi phí không chính thức” của tỉnh Cà Mau trong năm qua mặc dù ghi nhận có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vấn đề cải thiện đối với chỉ số này vẫn còn chậm so với mục tiêu đề ra.

Rõ người, rõ việc, rõ thời gian

“Việc cải cách hành chính (CCHC) cần rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm... để dễ kiểm tra, dễ đánh giá, dễ thúc đẩy, khơi thông nguồn lực đất nước”, đây là yêu cầu được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc lại nhiều lần trong các cuộc họp liên quan đến công tác CCHC với các địa phương.

Gỡ “điểm nghẽn” trong đào tạo lao động

Ðứng vị trí 52/63 tỉnh, thành cả nước, Chỉ số thành phần Ðào tạo lao động trong Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Cà Mau được đánh giá còn nhiều hạn chế, tiêu cực. Trong đó, nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ về công tác đào tạo lao động, tuyển dụng lao động, chất lượng lao động qua đào tạo, hướng đến cải thiện môi trường kinh doanh, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN).