(CMO) Không tiếng trống trường, không đồng phục, thậm chí còn có bạn nhỏ không mang dép. Thế nhưng, lớp học ở Đầm Chim vẫn râm ran sớm chiều bên xóm rẫy.
Điểm lẻ Đầm Chim, ấp Hiệp Dư là 1 trong 2 điểm lẻ không thể xoá sau khi tinh gọn trường lớp của Trường Tiểu học Hố Gùi, xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi. Bởi, với khoảng cách địa lý khoảng 5 km từ Đầm Chim hay Trảng Tràm về điểm chính Hố Gùi hoàn toàn bị cô lập giao thông bộ. “Nếu không để tồn tại các điểm lẻ này thì nguy cơ bỏ học của học sinh rất rõ ràng”, thầy Nguyễn Văn Nhi, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Hố Gùi phân trần.
Sĩ số lớp dưới 10
Từ năm học 2019-2020, điểm Đầm Chim đã phải tồn tại hình thức lớp học ghép 1+2 (lớp 1 và lớp 2 học chung). Đó cũng là nguyên nhân khỏi bàn luận khi năm học mới 2020-2021 này điểm trường có lớp ghép 2+3.
“Vì tính chất quan trọng và giải quyết hoàn cảnh cụ thể, năm học này tại điểm Đầm Chim có 3 lớp của 4 khối: lớp 1, lớp 2+3 và lớp 5. Nhưng tổng số học sinh của cả 3 lớp học này chỉ vỏn vẹn 33 em. Nhà trường đã bố trí 4 giáo viên giảng dạy ở điểm này”, thầy Nhi cho biết.
Lớp học 2+3 điểm Đầm Chim, ấp Hiệp Dư, xã Nguyễn Huân. Trường Tiểu học Hố Gùi, xã Nguyễn Huân được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 vào năm 2015, chính vì thế điểm Đầm Chim cũng được suất đầu tư nâng cấp, sửa chữa duy nhất kể từ khi xây dựng từ những năm 2005-2006. Đó là các hạng mục: nâng cấp sân, lót nền, sơn và tuyến bờ chống tràn mùa triều cường. Kể từ lần đầu tư để điểm chính được công nhận chuẩn quốc gia, đến nay đã 5 năm điểm này vẫn thế, những vách tường trong lớp đã bong, nhiều cột phía hành lang mái đã bung lớp vữa trát để lộ thiên mớ sắt. Trong khi đó, phía điểm trường chính đang thực hiện thi công nhiều hạng mục nâng cấp để hướng đến công nhận lại chuẩn. Điều đặc biệt ở điểm Đầm Chim năm học 2020-2021 là lớp học 2+3. Lớp có 18 học sinh (10 của khối lớp 3 và 8 khối lớp 2). Trong giờ học sáng 9/9/2020, cả 2 lớp cùng chung giờ, chung 1 bục giảng dưới sự hướng dẫn giảng dạy cùng lúc của 2 giáo viên. Các khối lớp còn lại: khối lớp 1 có 8 học sinh và khối lớp 5 có 7 học sinh cũng đang diễn ra dưới sự giảng dạy tận tâm của giáo viên. Cô Đỗ Thị Huyền, được phân công phụ trách lớp ghép 2+3, cho biết: “Tuy điều kiện khó khăn nhưng nhà trường vẫn quan tâm bố trí đảm bảo công tác giảng dạy. Các em học sinh ở điểm trường này hầu hết có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cha mẹ chỉ mỗi nghề đi biển hay bắt ốc, mò cua”. Cách điểm Đầm Chim hơn 3 km hướng về Tân Tiến là Trường Tiểu học Hồng Phước cùng trên địa bàn xã Nguyễn Huân. Trường này cũng đang tồn tại 2 điểm lẻ, Minh Hùng và Chánh Tài (vì không thể xoá); trong đó điểm Minh Hùng chỉ để giảng dạy 1 lớp 3, điểm Chánh Tài cũng giống như Đầm Chim đang tồn tại 12 học sinh của lớp ghép 2+3. Thầy Đặng Minh Hoài, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Phước, cho biết: “Trước năm 2018, trường có 4 điểm lẻ. Sau tinh gọn vẫn phải tồn tại 2 điểm, Minh Hùng và Chánh Tài, vì điều kiện đi lại rất khó khăn, nếu không thực hiện lớp ghép ở Chánh Tài thì 12 học sinh ở lứa tuổi lớp 1, 2 năm học 2019-2020 sẽ bỏ học vì điểm này không có đường đi ra điểm chính”. Vừa nói, những vệt mồ hôi cứ thấm dần vào thân áo thầy Hoài. Đó là minh chứng sinh động nhất vì từ sáng, thầy Hoài cũng thực hiện chuyến đi làm từ nhà (gần điểm Chánh Tài) vượt mấy ki-lô-mét đường bờ vuông tôm để ra điểm chính Hồng Phước. Hỏi đi bằng đường sông thì sao, thầy Hoài cho biết, ở tuyến có kênh Ký Bình, nhưng do lòng kênh cạn nên nhiều năm qua, mỗi tháng có 2 lần nước kém vỏ máy không thể di chuyển được. |
Điểm trường lẻ Đầm Chim. |
Thiếu đường đi thì còn lớp ghép
Giống như ở Đầm Chim, điểm Chánh Tài muốn xoá lớp học ghép chỉ khi giao thông nông thôn hoàn thiện, việc đi lại của học sinh và người dân được thuận tiện.
Đó cũng là nhận định của giáo viên Tiểu học Hồng Phước và Tiểu học Hố Gùi, 2 trong 3 trường tiểu học ở xã Nguyễn Huân.
Chuyến đi Đầm Chim lần này còn nghe thầy Nguyễn Văn Nhi kể câu chuyện thực sự cảm động về việc học của học sinh miền biển. “Trong buổi học Ngữ văn, tôi hỏi học sinh ước mơ học tập sau này để làm gì? Cả lớp 20 học sinh chỉ 1 em trả lời: em sẽ làm bác sĩ. Còn lại 19 em đều trả lời như nhau: hết lớp 5 em sẽ theo cha ra biển, theo mẹ phơi cá, làm ruốc”.
Câu chuyện nửa thực nửa đùa ấy không đơn thuần mà đã và đang đặt ra vấn đề bất cập trong việc suy xét, ấn định lại số thực của học sinh theo học và bỏ học. Nhất là lượng học sinh hoàn thành chương trình tiểu học ở Hố Gùi (nói riêng) tiếp tục theo học cấp THCS ở các điểm trường khác.
Thầy Nhi phân tích, chỉ chắc chắn 1/3 và cao nhất là 1/2 học sinh lớp 5 khi hoàn thành chương trình tiểu học ở Hố Gùi còn tiếp tục theo học lớp 6. Còn lại đều bỏ học, bắt đầu cuộc sống mưu sinh, theo cha mẹ. Vì từ Hố Gùi đi tới Vàm Đầm mới có trường THCS, trong khi phải đi bằng đò. “Nếu tiếp tục học thì việc duy trì hết cấp 2 ở đây cũng khó”, thầy Nhi trần tình.
Câu chuyện học hành của học sinh xứ biển Hố Gùi từ lâu rất chật vật. Bởi theo thầy Nhi, Hố Gùi chủ yếu là dân di cư. Và cả ở Xóm Rẫy, ấp Hiệp Dư, điểm Đầm Chim cũng không có bao nhiêu người là cư dân bản địa. Mỗi khi cuộc sống bị ảnh hưởng, họ lại cùng nhau đưa gia đình đến nơi khác mưu sinh, kéo theo đó là lượng học sinh dời trường, bỏ học.
Thầy Nhi lại minh chứng: Cách nay mấy năm, khi xoá điểm lẻ Trảng Tràm đã có 4/5 học sinh lớp 5 ở khu vực Trảng Tràm bỏ học vì không thể hàng ngày vượt 5, 7 cây số bằng đường bờ vuông để đi học. Nếu đi bằng vỏ máy thì chi phí mỗi ngày mấy chục ngàn đồng.
Theo báo cáo của ngành giáo dục, tổng kết năm học 2019-2020 toàn tỉnh còn 4 trường tồn tại lớp ghép với 7 lớp, 149 học sinh, thuộc địa bàn khó khăn ở huyện Đầm Dơi và Phú Tân. Lớp ghép ở các điểm này với các hình thức 1+2; 2+3; 3+4…, do vậy việc tiếp tục tồn tại các lớp ghép ở năm học 2020-2021 là không thể tránh khỏi.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Tân Bùi Minh Thiệp cho hay, việc tồn tại lớp ghép ở địa bàn huyện xuất phát từ điều kiện khó khăn về hạ tầng nông thôn và điều kiện của gia đình học sinh. Hiện Phú Tân chưa thể xoá các dạng lớp này, vì nếu xoá sẽ có lượng không nhỏ học sinh bỏ học.
Ngày 9/9, trao đổi với phóng viên báo Cà Mau về thực trạng lớp ghép trên địa bàn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đầm Dơi Võ Lợi thông tin: “Ngành đang hướng đến xoá lớp ghép nhằm hoàn thiện mạng lưới trường lớp và nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập. Tuy nhiên, vấn đề này phải tuỳ vào điều kiện cụ thể ở từng địa bàn, địa phương”.
Rời các lớp học đặc biệt, trở về nhịp sống sôi động, nhìn khung cảnh huyên náo ở các điểm trường phố thị mà không khỏi xao lòng. Khi cùng lứa tuổi, nhưng các em học sinh tiểu học ở thành phố lại hội tụ hết những nhu cầu “cần và đủ”, thậm chí còn đồng phục nguyên bộ quần và áo, đồng phục khăn quàng đỏ (khăn quàng in lô-gô trường) và cả những quy định không mang dép lê… Còn các em ở Đầm Chim, Chánh Tài chỉ mong mỏi có bộ đồ đi học đơn thuần là áo trắng như nhau, còn có cả ước mong có đôi dép để đến trường./.
Phong Phú