ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 18-1-25 14:40:54
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Hạnh phúc khi con có “mẹ”

Báo Cà Mau Rất nhiều lần tôi đến Hoà Tân (xã vùng ven, cách TP Cà Mau hơn 30 phút đường xe) và hiếm khi trời không mưa. Mưa không quá lớn nhưng ẩm người, đủ làm mình khó chịu nhưng cũng đầy vấn vương. Mưa rả rích len lỏi qua kẽ lá, lâu dần làm cho mặt đường kênh Tám Thắng (ấp Xóm Chùa) đã nhỏ hẹp lại phủ đầy rêu xanh. Lần này cũng thế, mưa không ngớt khiến mặt đường thêm trơn trượt. Người dân đi trên con đường này thường không dám ngoái đầu. Tuy con đường khó đi nhưng không thể ngăn được lòng người đến với nhau. Chúng tôi gọi đây là “con đường hướng đến tương lai”.

“Có mẹ”, con không còn lẻ loi

Với ai từng đến Hoà Tân, chắc hẳn đều biết và vô cùng xót xa về hoàn cảnh gia đình có người con trai đi lao động ở Bình Dương, chẳng may bị kẹt lại rồi mất do Covid-19, vợ rời nhà bỏ đi, các con sống nương náu với ông bà nhưng rất chăm ngoan và học giỏi. Ðó là gia đình vợ chồng bà Trương Kim Yến và ông Ðoàn Văn Sắt.

Căn nhà nhỏ của vợ chồng ông bà nép sau rẫy bắp đang trổ cờ. Phía trái góc nhà là bàn thờ trang trọng của anh Ðoàn Văn Diễn (người con trai duy nhất của vợ chồng ông bà). Ngoài trời lất phất mưa, câu chuyện bất hạnh của gia đình được ông bà thay nhau kể trong nước mắt, khiến người nghe lòng quặn thắt.

 Lúc còn sống, anh Diễn chăm chỉ làm ăn, nhưng cứ thiếu trước hụt sau. Thấy bạn bè đi lao động xa nhà có của ăn của để nên anh xin cha mẹ đi làm ở Bình Dương, mong cuộc sống khấm khá và nuôi các con ăn học.

Xa con, có cha mẹ nào muốn, nhưng vì tương lai gia đình, ông bà đành chấp nhận. Trớ trêu thay, mới làm được ít tháng thì anh Diễn bị nhiễm Covid 19 rồi mất, ông bà không nhìn được mặt con lần cuối.

 Bà Yến thổn thức: "Ngày rời nhà đi làm, con là một thanh niên khoẻ mạnh; ngày đón con trở về, chỉ vỏn vẹn hũ tro cốt lạnh lẽo. Tôi không ngờ người đầu bạc lại tiễn kẻ đầu xanh". Người con trai duy nhất đã mất, nhiều ngày liền bà Yến chẳng tha thiết ăn uống. Vừa xót con, vừa thương các cháu.  Hàng loạt câu hỏi đặt ra trong đầu bà, việc học các cháu rồi sẽ ra sao? Tiền đâu lo cho chúng?

Biết chuyện, chính quyền, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã thường xuyên lui tới động viên, giúp đỡ, kết nối để các con của anh Diễn có mẹ đỡ đầu.

Chị em Đoàn Như Ý, Đoàn Hoàng Thuận, Đoàn Hoàng Tứ sống với ông bà, rất ngoan, học giỏi.

Khi nhắc đến mẹ đỡ đầu, Ðoàn Như Ý (con gái lớn của anh Diễn, năm nay 14 tuổi) dáng người mảnh khảnh, đôi mắt tròn xoe, rực sáng: "Nếu không có các mẹ chắc giờ chị em con phải nghỉ học. Các mẹ thương yêu, chăm lo, giúp đỡ chúng con rất nhiều. Từng bộ quần áo, quyển tập, cây viết, chiếc balo chị em con đi học mấy năm nay đều do các mẹ ở Hội Phụ nữ Công an TP Cà Mau và Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh... mang đến". Ðoàn Hoàng Tứ, Ðoàn Hoàng Thuận cùng ngồi trầm tư bên ông bà nội. Mặc dù mới 6 tuổi nhưng Thuận ngoan ngoãn, hiểu chuyện, có lẽ Thuận dần quen với những thiệt thòi của mình. Từng câu của em đều khiến mọi người rơi nước mắt: "Ngày con có thêm mẹ, con hạnh phúc lắm. Sau này con sẽ cố gắng học giỏi như anh chị để báo hiếu cho ông bà, các mẹ và cha con ở trên trời được vui". Thật bất ngờ với suy nghĩ của một đứa trẻ lớn lên trong sự thiếu vắng cả về vật chất và tình cảm, nhưng có một tâm hồn đẹp, thật sự biết yêu thương, kính trọng, biết ơn đối với người đã sinh ra và nuôi dưỡng mình.

Chủ tịch Hội LHPN xã Hoà Tân, chị Ðào Phương Trang, chia sẻ với chúng tôi: "Hoà Tân tuy không phải là xã giàu nhưng tình người luôn thấm đẫm. Ngoài 3 người con của anh Diễn (Ý, Thuận, Tứ) có “các mẹ” đến tận nhà hỗ trợ quần áo, sách vở, tiền hằng tháng hoặc đột xuất, trên địa bàn xã có thêm 3 trẻ là Lê Hoàng Khang, Bùi Hà An Nhiên và Phan Minh Trương cũng mồ côi người thân do Covid 19 và được Hội Phụ nữ xã kêu gọi, vận động các nguồn lực để giúp các em tiếp tục học cái chữ, hy vọng tương lai các em được tươi sáng".

Khi các con cần, “mẹ” luôn có mặt

Với các bé, ở lứa tuổi ăn chưa no lo chưa tới, lại mất đi người thân, không chỉ là nỗi đau mà còn là sự thiệt thòi nhất trong cuộc sống. Thấu hiểu, ngay từ những ngày đầu triển khai chương trình "Mẹ đỡ đầu" (do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động), hầu hết cán bộ, hội viên Hội LHPN không chỉ riêng xã Hoà Tân mà ở các xã, phường trong TP Cà Mau không ngừng kết nối, tìm mẹ đỡ đầu cho các trẻ mồ côi. Nếu không có mạnh thường quân đỡ đầu thì cán bộ hội tự nguyện gánh trọng trách làm mẹ những đứa con không do mình sinh ra.

Mới đó mà dịch Covid-19 đã trôi qua 4 năm, nhớ lại những tháng ngày ấy, chị Ðỗ Thuỳ Ngân, Chủ tịch Hội LHPN Phường 6, TP Cà Mau, vẫn vẹn nguyên niềm xúc động: "So với một số địa phương khác thì Phường 6 có trẻ mồ côi mẹ do Covid-19 ít nhất (1 trường hợp), nhưng mỗi lần đến thăm là chúng tôi buồn lắm. Dù không mang nặng đẻ đau, nhưng chúng tôi yêu thương các con tuyệt đối, khi các con cần là mẹ luôn có mặt.

Theo chân chị Ngân, chúng tôi đến thăm nhà em Lý Bảo Trân, tạm trú Khóm 7, Phường 6. Ðây là trường hợp rất đáng thương, trong căn nhà trọ thuê gần cầu Huỳnh Thúc Kháng, mọi vật dụng phải xếp gọn, chất chồng lên nhau để không chiếm lối đi, đôi bàn tay Bảo Trân đan vào nhau, em ngồi thu mình, từ tốn: “Con cảm ơn dì Ngân (là mẹ đỡ đầu của Bảo Trân), dì thường đến hỗ trợ học bổng, sách, vở...  Dì ơi, con dần vơi bớt nỗi buồn rồi. Hằng ngày, con đều cố gắng học thật tốt để sau này trở thành đầu bếp, nấu ăn ngon thì sẽ có tiền, đúng không dì?", câu hỏi hồn nhiên của Bảo Trân khiến chúng tôi vô cùng xúc động. Thiếu vắng sự chăm sóc của mẹ, nên thấy các mẹ đến thăm là Bảo Trân quấn quýt, bịn rịn.

Các mẹ, là cán bộ Hội LHPN Phường 6 rất quan tâm việc học của Lý Bảo Trân.

Bảo Trân có hoàn cảnh rất khó khăn, mẹ mất do Covid-19, hiện sống với cha. Trong căn nhà nhỏ, mọi áp lực nhiều năm nay đè nặng lên vai cha của Bảo Trân (ông Lý Văn Sang, 62 tuổi). Ông Sang nghề nghiệp bấp bênh. Các chị của Bảo Trân rất thương em. Vì tương lai của em, các chị chấp nhận nghỉ học, làm thuê. Cuộc sống giữa chốn thị thành, ngọn rau, con cá đều phải mua, nên dù dè sẻn cuộc sống của gia đình Bảo Trân vẫn đối mặt với cảnh đóng được tiền trọ lại phải lo tiền điện, nước.

Biết hoàn cảnh của cha con Bảo Trân, cán bộ, hội viên Hội LHPN Phường 6 thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, giúp đỡ gia đình trong cuộc sống hằng ngày. Vui mừng hơn, các chị đứng ra làm mẹ đỡ đầu, kết nối trợ giúp Bảo Trân mỗi năm 2 triệu đồng, dịp lễ, Tết thì hỗ trợ thêm quà, dụng cụ học tập... Có được điểm tựa từ những người mẹ hiền nên nhiều năm nay Bảo Trân luôn là học sinh khá giỏi, ở nhà thì hết mực chăm ngoan.

Nhặt ve chai giúp con đổi lấy tương lai

Tiếng xe máy tụ về nhà chị Huỳnh Thị Vis Phương, Chủ tịch Hội LHPN nữ phường Tân Thành, các chị góp nhặt từng vỏ lon bia, chai lọ rỗng để lo cho những đứa con không do mình mang nặng, đẻ đau.

Gương mặt các chị ai cũng rạng rỡ khi khoe những túi ve chai đầy ắp được góp nhặt, tích luỹ, phân loại chuẩn bị bán. Hơn 10 chị, là mẹ đỡ đầu của các trẻ mồ côi ở phường Tân Thành, chung một niềm vui. Chị Vis Phương cho biết: "Chúng tôi là mẹ đỡ đầu, luôn yêu thương, giúp đỡ các trẻ mồ côi như chính máu mủ của mình. Lần này được1.423 vỏ lon bia, thêm 60 kg phế liệu. Sẽ bán được 646 ngàn đồng, mỗi trẻ sẽ nhận được 223 ngàn đồng.

Từ ngày nhận đỡ đầu em Huỳnh Nhật Minh Thư (10 tuổi, Khóm 3, phường Tân Thành) mồ côi mẹ, thiếu vắng tình cha từ nhỏ, các mẹ trở thành những người đi xin ve chai "chuyên nghiệp". Riêng chị Vis Phương, mọi người đặt cho biệt danh “chủ tịch nhặt ve chai”.

Chị Vis Phương thường xuyên đến thăm và dạy Minh Thư học.

Chị Vis Phương thường xuyên đến thăm và dạy Minh Thư học.

Trong xóm, nhà nào có đám tiệc là chị Vis Phương ghé lại xin. Nếu hôm nào ít thì chị rong ruổi ngõ ngách, tìm đến các quán quen xin những vỏ lon bia vứt lăn lóc dưới nền gạch. Việc làm này nhận được rất nhiều lời khen ngợi nhưng cũng không ít lời mỉa mai, xúc phạm. Gạt bỏ ngoài tai, với chị, mỗi vỏ lon hay chai lọ rỗng bỏ vào trong chiếc bao là có thêm niềm hy vọng thay đổi cuộc đời của các con, trong đó có Minh Thư.

Với các mẹ ở phường Tân Thành, hạnh phúc không phải là đích đến, mà là cả cuộc hành trình. Và hành trình này phải được xuất phát từ tình thương để bù đắp những thiệt thòi của các con. Suy nghĩ đó đã giúp những người phụ nữ, mà cuộc sống vốn chẳng dư dả gì, sẵn sàng dang rộng vòng tay yêu thương, sưởi ấm trái tim của các con.

Chị Vis Phương bảo rằng, chị em trong hội tuy không giàu tiền bạc nhưng rất giàu tình cảm. Người lớn dẫu cuộc sống khó khăn nhưng vẫn  kiếm được tiền, còn như Minh Thư, thiếu vắng tình mẹ, tình cha, từ nhỏ ở cùng ông bà ngoại, tình thương này vẫn chưa trọn vẹn.

Tấm lòng ấm áp của những người mẹ đỡ đầu ở phường Tân Thành trở thành điểm tựa vững chắc để Minh Thư tựa nương. Những nghĩa cử nhân văn đó còn nối dài thêm sự tử tế, khiến nhiều người đồng cảm. Họ cùng nhặt phế liệu, trở thành “cộng đồng” nhặt phế liệu trao yêu thương, hoặc thay vì vứt đi thì 2 năm nay họ gom lại, đợi các chị đến lấy.

Và Minh Thư từ đứa con mà các mẹ là cán bộ Hội LHPN nhận đỡ đầu, giờ được cộng đồng yêu thương. Theo ông Trường (ông ngoại em Minh Thư), từ nhỏ Minh Thư rất ngoan, lễ phép, biến cố xảy ra khiến em dần trở nên ít nói, nét u buồn luôn hiện trên gương mặt trẻ thơ. Từ ngày có các mẹ đỡ đầu, Minh Thư dần dạn dĩ hơn, chịu mở lòng kết nối với mọi người xung quanh: "Con rất thương mẹ, nhớ mẹ. Thỉnh thoảng con thấy mẹ trong mơ, nhưng mẹ không nói gì mà rời xa con. Ðược thấy mẹ trong mơ con cũng đỡ nhớ”, Minh Thư bật khóc, các chị mắt ai cũng đỏ hoe. Chị Vis Phương quẹt nhanh những giọt nước mắt, ôm Minh Thư vào lòng, xoa nhẹ mái tóc, động viên: "Mẹ ở trên trời, các mẹ đều rất thương Minh Thư".

Lần nào gặp cũng thế, những câu chuyện giữa mẹ và con cứ dài ra mãi và mỗi lần gặp con, các mẹ luôn chuẩn bị đầy ắp những túi quà. Ðón nhận số tiền và những bộ quần áo mới được các mẹ trao tặng, Minh Thư xúc động: “Cảm ơn các mẹ vì con mà phải nhặt phế liệu. Con sẽ cố gắng học thật giỏi để mẹ, các mẹ, ông bà ngoại đều vui”.

 Hội LHPN phường Tân Thành góp nhặt, phân loại, bán ve chai để chăm lo cho các con của mình.

"Làm mẹ đỡ đầu không đơn thuần là mang giá trị vật chất đến cho các con rồi quày quả đi. Làm mẹ những đứa con đỡ đầu hay con mình rứt ruột đẻ ra là cả quá trình đồng hành, yêu thương, chia sẻ. Con vui mình vui, con buồn mình buồn. Con cần, mẹ liền có mặt. Ðiều hạnh phúc nhất đối với chúng tôi là những giọt nước mắt của các con dần được lau khô, những thiếu thốn được bù đắp, nỗi cam chịu được tan biến và những tấm giấy khen treo ngay ngắn... TP Cà Mau hiện có 24 trẻ mồ côi do ảnh hưởng Covid-19 và nhiều nguyên nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được các mẹ nhận đỡ đầu bằng nhiều hình thức. Qua hơn 2 năm, các mẹ đã chắt chiu, san sẻ cho những đứa con của mình hơn 550 triệu đồng”, chị Võ Bích Thuỷ, Phó chủ tịch Hội LHPN TP Cà Mau, xúc động.

Chiều quê yên ả thanh bình, những ca từ ngọt ngào như chính nỗi lòng cùng sự khao khát mà Minh Thư muốn bày tỏ cất lên để chia tay khiến chúng tôi thêm khắc khoải: “Mẹ ơi có biết con thương mẹ nhiều/Cứ muốn ôm mẹ và cười thật to... Tới lúc con lớn hứa sẽ chăm ngoan/Cố gắng học hành để mẹ được vui!”.  Chúng tôi hy vọng, những ca từ trong bài hát sẽ trở thành hiện thực, các mẹ sẽ gieo thật nhiều hạt mầm yêu thương trong cuộc sống và những đứa trẻ thiệt thòi sẽ nhận được phúc báo./.

 

Bích Lệ

 

Liên đoàn lao động tỉnh thăm, tặng quà đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn

Đây là một trong những nội dung thuộc Chương trình “Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng” năm 2025 của LĐLĐ tỉnh. Thông qua chương trình để đoàn viên, NLĐ thấy được vai trò của tổ chức công đoàn là "tổ ấm", là người đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích cho đoàn viên, NLĐ.

Chợ tết 0 đồng - ấm lòng hộ nghèo

Nhằm tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn TP Cà Mau được vui xuân, đón tết, sáng nay (15/1), Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với CLB Nữ doanh nghiệp tổ chức “Chợ Tết 0 đồng”.

Xoá hơn 1.100 căn nhà tạm, nhà dột nát

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thực hiện chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát, đến nay, toàn tỉnh khởi công được 1.114 căn nhà.

Mang Tết đến nạn nhân chất độc da cam

Toàn TP Cà Mau có 899 người bị nhiễm chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, trong đó có người trực tiếp tham gia kháng chiến và con đẻ của họ. Phần lớn nạn nhân chất độc da cam cuộc sống còn nhiều khó khăn, lại thêm bệnh tật. Ðể bản thân và gia đình nạn nhân chất độc da cam phần nào vơi đi nỗi đau, mất mát đó, cứ mỗi dịp xuân về, Tết đến, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin (Hội Nạn nhân chất độc da cam) các cấp TP Cà Mau sẽ trao nhiều phần quà yêu thương đến những nạn nhân và gia đình họ.

Tỉnh đoàn trao quà tết công nhân trên công trình cao tốc Cần Thơ – Cà Mau

Chiều nay (13/1), Tỉnh đoàn Cà Mau tổ chức đoàn đến thăm, trao suất quà tết và 15 bao lì xì cho lực lượng công nhân thuộc Công ty Cổ phần Hải Đăng, TP Hồ Chí Minh, đơn vị đang thi công trên công trình cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, đoạn qua huyện Thới Bình.

Tết ấm cho người có công

Trong năm qua, huyện U Minh huy động mọi nguồn lực xã hội để chăm lo người có công, thân nhân thờ cúng liệt sĩ, gia đình chính sách. Chương trình hỗ trợ nhà ở cho những đối tượng này nhân đôi niềm vui khi Tết đang gần kề.

Chung một tấm lòng san sẻ yêu thương

Sáng 12/1, Hội Từ thiện tỉnh Cà Mau tổng kết hoạt động năm 2024 và đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2025.

Xuân ấm áp cho người dân Đất Mũi

Tiếp tục chuỗi chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” tại các đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh, chiều ngày 11/1, chương trình tiếp tục mang hơi ấm mùa xuân đến với người dân tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, với nhiều hoạt động vui xuân, cùng những phần quà ý nghĩa.

Sacombank Chi nhánh Cà Mau trao 550 phần quà “Ấm tình mùa xuân”

Hoạt động này là một phần trong chiến dịch “Ấm tình mùa xuân” lần thứ 22, diễn ra từ ngày 6-19/1, với tổng kinh phí 10 tỷ đồng, hướng đến các hộ nghèo và gia đình gặp khó khăn trên toàn quốc, đặc biệt là các tỉnh, thành phố khu vực miền Tây Nam Bộ.

Tấm lòng nhân ái của chị Huỳnh Diễm

Đều đặn hằng tháng, chị Huỳnh Diễm (Phường 6, TP Cà Mau) tham gia nhóm thiện nguyện phát quà cho bệnh nhân chạy thận, nấu ăn cho bệnh nhân ở Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần (xã Khánh An, huyện U Minh). Chị còn tích cực kêu gọi bạn bè, người thân và cộng đồng mạng xã hội giúp hàng trăm triệu đồng cho những bệnh nhân nghèo, hoàn cảnh khó khăn cần chi phí điều trị khẩn cấp. Chị Diễm bộc bạch: “Làm thiện nguyện từ tâm. Tôi chỉ mong giúp đỡ được càng nhiều người càng tốt”.