ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 1-2-25 07:51:26
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Hạnh phúc không khuyết

Báo Cà Mau (CMO) Chủ tịch Hội Người khuyết tật (NKT) huyện Thới Bình Nguyễn Trọng Nghiệp chỉ tay về phía ngôi nhà khang trang bên kia sông, tấm tắc: “Đó là nhà của ông Lê Văn Cần. Ổng có tật ở chân chớ giỏi giang, tháo vát lắm, thu mua phế liệu, nuôi bầy heo gần trăm con, mấy trăm vịt gà... thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Đáng khâm phục hơn nữa là nuôi hết thảy 9 người con thành tài, còn cấp vốn cho ra riêng để gây dựng hạnh phúc”. Dứt lời, ông vẫy tay chào người đang chạy chiếc vỏ lãi cập bến: “Khoẻ hả chú Cần, tôi tính điện thoại chú biểu mấy đứa nhỏ rước sang chơi, dè đâu chú tới”. Ông Cần tươi cười: “Tôi đi mua phế liệu hồi sớm, vừa về thôi”. 

Đã ở tuổi thất thập, lẽ ra ông Cần có thể an nhàn hưởng phước bên con cháu, nhưng ông cứ hoài trăn trở, bởi ở huyện còn nhiều người khuyết tật cảnh đời cơ cực, họ có ý chí vươn lên nhưng thiếu vốn, thiếu sở làm và thiếu niềm tin vào chính bản thân họ. Thế nên, ông Cần tiên phong làm kinh tế, hỗ trợ con giống, kỹ thuật, kể cả tham gia các lớp tập huấn để giúp NKT hoà nhập cộng đồng. Hễ có kế giúp là ông Cần suy tính kỹ lưỡng triển khai ngay, nhất là đối với 13 thành viên Câu lạc bộ NKT của thị trấn Thới Bình, do chính ông làm chủ nhiệm.

Ông Lê Văn Cần (bên trái) chia sẻ kinh nghiệm nuôi vịt xiêm cùng ông Nguyễn Trọng Nghiệp.

Nhấp ngụm trà nóng, ông Cần tư lự: “Tuy giờ mần ăn khấm khá nhưng chưa từng quên những ngày tháng ăn gió nằm sương. Khuyết tật, dựng cơ nghiệp từ đôi bàn tay trắng đâu dễ. Nên mình hiểu hết sự nhọc nhằn, pha lẫn tủi buồn của người cùng cảnh. Tôi quyết hỗ trợ hết mình, trước hết là các thành viên câu lạc bộ có cuộc sống ổn định hơn, mần ăn khá, kế đến là NKT của huyện có thêm thu nhập, sống vui, sống có ích”. 

Ông Cần cho biết, ông đã dành cả quãng đời để nỗ lực và đấu tranh với số phận để các con có nhà ở, được sống no ấm, hạnh phúc. Theo lời kể, ông quê ở Quảng Trị, sinh ra đã tật nguyền, đi đứng bất tiện, nhưng quyết nuôi chữ, mỗi ngày ông phải chống gậy gần 5 cây số đến trường, học hết tú tài. Ông lập gia đình riêng, nhưng vì đời sống quá khổ, lại nuôi thêm 3 đứa con thơ dại, nên vợ chồng ông gồng gánh nhau về vùng đất mới Cà Mau kiếm kế sinh nhai. Ngày về, tay trắng. Ban ngày giăng lưới kiếm cá vừa để ăn, vừa để bán, ban đêm cả nhà phải ngủ hành lang chợ nhà lồng. 

“Cái chân đi khó, lại không có xuồng để bơi, ngày nào ổng cũng ôm cái thau hì hục lội sông giăng lưới. Thương lắm”, bà Nguyễn Thị Kiệm, vợ ông, tiếp lời. Hoá ra nãy giờ bà bận chăm bầy heo và cho lũ vịt gà ăn nên chưa lên chào khách. Nghe chồng kể, bà hồi nhớ như in. Bà nói vui: “Chắc nhờ chồng tên Cần, vợ tên Kiệm, nên vợ chồng tôi cần kiệm cả đời mới tích được tài sản lớn là 9 đứa con, cuộc sống đề huề”.

Từ giăng lưới bán cá, vợ chồng ông sinh nghề bán vé số, rồi được người ta cho cất chòi ở đậu, góp nhặt nuôi được 1 con heo nái. Từ con heo giờ tích góp nuôi được 100 con vịt nhỏ, rồi đến 3.000 con vịt chạy đồng hết tỉnh này đến tỉnh khác. Vợ chồng ông mua đất cất nhà ở hẳn chỗ này (nay thuộc Khóm 3, thị trấn Thới Bình), rồi mua thêm đất ở nhiều nơi trong huyện để làm của cho các con. Kể ra như cổ tích, chớ đối với ông bà, cần - kiệm là cả hành trình không dừng lại, không nản lòng và sẽ còn tiếp tục.

Ông Cần bộc bạch: “Tôi nhờ vào kinh nghiệm chăn nuôi cha truyền con nối mới có được như hôm nay. Nuôi con gì cũng vậy, cũng phải chịu khó, chịu cực. Kinh nghiệm nhưng cũng phải cập nhật, ứng dụng kỹ thuật nuôi mới, như tuân thủ lịch tiêm ngừa, vệ sinh chuồng trại, thức ăn... và quan trọng nhất là lựa chọn con giống tốt, phù hợp với địa phương”. 

Hiện tại, gia đình ông nuôi bầy heo hơn 70 con, mấy trăm vịt gà. Hễ con nào rục rịch bệnh, ngoài dùng thuốc thú y, ông còn dùng kinh nghiệm dân gian để chữa trị cho chúng, nhanh khoẻ, tiết kiệm chi phí. Ông cho biết, từ giống heo đến vịt xiêm, gà nòi lai đều do ông tìm mối ở các tỉnh. Làm ăn uy tín nên đầu vào, đầu ra ông đều không phải lo, nhờ đó thu nhập ổn định. Ông Cần còn tự ấp trứng (gà, vịt), lai tạo con giống (heo) để hỗ trợ NKT ở huyện cùng phát triển kinh tế. 

Ghi nhận nghị lực, ý chí vươn lên, ông được Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tặng bằng khen có thành tích vượt khó lao động sản xuất, công tác và phát triển kinh tế, giai đoạn 2013-2016. Tháng 11/2017, ông hoàn thành khoá tập huấn phương pháp phát triển cộng đồng dựa vào năng lực tại Cần Thơ thuộc dự án của NMA-V (tên viết tắt tổ chức Liên minh Na Uy tại Việt Nam). Đây cũng chính là dự án tài trợ, trực tiếp hỗ trợ về mặt tổ chức mạng lưới từ huyện đến cơ sở, để từ đó thành lập nên Hội NKT huyện Thới Bình (ngày 15/12/2016), huyện đầu tiên và duy nhất của tỉnh thành lập Hội NKT một cách độc lập.

“Tôi may mắn và hạnh phúc có được người vợ đồng cam cộng khổ, cùng dốc sức nuôi 9 đứa con có nghề nghiệp, lập gia đình riêng. Và tôi mong có thể chia sẻ cùng những mảnh đời khác. NKT chịu nhiều thiệt thòi, buồn tủi, họ cần được tiếp lửa, cần niềm tin bước tiếp”, ông Cần bộc bạch. Ông cho biết, Câu lạc bộ NKT của thị trấn họp ngày 14 hằng tháng để cùng gây quỹ tương trợ và góp vốn xoay vòng phát triển kinh tế. Ông đang cùng 3 hộ thành viên triển khai mô hình chăn nuôi tập thể. Hy vọng sẽ có được kết quả khả quan, gây dựng được mô hình kinh tế hiệu quả để nhân rộng ra toàn huyện. Ngoài ra, ông còn vận động thành viên tham gia các sân chơi: hội thao, trò chơi dân gian, diễu hành để NKT thực sự hoà nhập cộng đồng./.

Băng Thanh 

Tận tình phục vụ những ngày cận Tết

Năm 2024, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên địa bàn huyện Năm Căn ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước hạn và đúng hạn cho tổ chức, cá nhân đạt cao. Ðặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC được đẩy mạnh.

Tiếp tục tinh gọn bộ máy và nâng cao chỉ số hài lòng của người dân

Chiều 15/1, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình, Phó trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ chủ trì phiên họp thứ 9 của Ban Chỉ đạo theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với 63 điểm cầu trên cả nước.

Dịch vụ công trực tuyến: Không làm thay người dân

Nhằm từng bước hình thành thói quen và nâng cao kỹ năng tự thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của người dân, Chủ tịch UBND tỉnh vừa chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo công chức, viên chức (CC,VC) làm việc tại bộ phận một cửa thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, đơn vị tiếp tục tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện DVCTT, không trực tiếp làm thay, để người dân quen dần thao tác, các bước thực hiện trên môi trường điện tử.

Cà Mau tiếp tục dẫn đầu cả nước về chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp

Với 91,6 điểm, tăng 1,43 % so với năm 2023, tỉnh Cà Mau tiếp tục giữ vị trí đứng đầu các tỉnh thành cả nước về Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp năm 2024. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp Cà Mau dẫn đầu cả nước về bộ chỉ số này.

Khánh Hoà hoàn thành sớm kế hoạch CCHC năm 2024

Chú trọng đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ công tác cải cách hành chính (CCHC), xã Khánh Hoà (huyện U Minh) đã hoàn thành 17/17 nhiệm vụ theo kế hoạch năm 2024, đạt 100%.

Bước nhanh hơn để tạo đột phá

Xây dựng Chính quyền điện tử (CQÐT) hướng đến Chính quyền số (CQS) là mục tiêu quan trọng mà tỉnh Cà Mau nỗ lực hướng tới, nhằm tạo đột phá trong công tác cải cách hành chính (CCHC), góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Sự hài lòng của người dân là thước đo chất lượng

Với phương châm “Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo chất lượng”, thời gian qua, huyện Ngọc Hiển đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tạo chuyển biến tích cực trong công tác cải cách hành chính (CCHC), nhất là chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) ngày một nâng lên, đem lại nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp. Qua đó, góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân, xây dựng chính quyền ngày càng thân thiện, vì Nhân dân phục vụ.

Nỗ lực tạo đột phá

Năm 2024, công tác chỉ đạo triển khai, thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC) được TP Cà Mau quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, thông suốt. Ðến nay, thành phố đã hoàn thành 23/23 nhiệm vụ CCHC. Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho tổ chức, cá nhân trên địa bàn được nâng cao. Mức độ hài lòng của người dân về giải quyết TTHC đạt 100%.

Quyết tâm cải cách tốt hơn

Với quan điểm “Lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm của cải cách hành chính; tất cả hướng đến mục tiêu là phục vụ người dân, doanh nghiệp”, huy động sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị... công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2024 của tỉnh đạt được nhiều kết quả nổi bật, tiến bộ. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần tiếp tục khắc phục, tạo sự thông suốt để phục vụ người dân và cộng đồng doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Ðiểm nhấn thành tựu cải cách hành chính

Cà Mau là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước hoàn thành sớm việc kết nối Hệ thống Thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh với Hệ thống Ðịnh danh và xác thực điện tử của Bộ Công an, để phục vụ chuyển đổi sang sử dụng VNeID làm tài khoản duy nhất trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử kể từ ngày 1/7/2024. Cùng với đó, Cà Mau là 1 trong 14 địa phương hoàn thành sớm việc số hoá dữ liệu sổ hộ tịch lịch sử trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định số 87/2020/NÐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ (giao trước ngày 31/12/2024).