Mỗi nghề đều có những vất vả và tự hào riêng, với nghề điện, nhất là ở vùng đất bị chia cắt bởi hệ thống sông ngòi chằng chịt như Cà Mau, thì sự vất vả càng nhiều hơn. Những công nhân áo cam ấy không chỉ phải treo mình trên trụ điện, ngâm mình hàng giờ dưới nước mặn mà còn phải thường xuyên vượt sông, băng rừng... để mang ánh sáng điện lưới quốc gia đến với những vùng quê xa xôi, hẻo lánh nhất.
Ngành điện luôn đầu tư công nghệ hiện đại để phục vụ ngày một tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của người dân.
Cà Mau quê hương tôi, mảnh đất cuối cùng cực Nam Tổ quốc hôm nay đang phát triển, đổi mới từng ngày, mặc dù mới đây thôi vẫn còn nhiều vùng rất đỗi khó khăn. Như quê tôi, dù cách trung tâm huyện Thới Bình chỉ 2 km nhưng ngọn đèn dầu, những con đường đất đen lầy lội vào mùa mưa là thứ gắn liền với tuổi thơ ngày ấy.
Ðiện là một cái gì đó rất xa lạ đối với những đứa trẻ quê tôi.
Ngày ấy, một buổi học trên lớp, buổi còn lại phải tranh thủ học và làm bài cho xong vì đến tối việc thắp đèn dầu cũng hết sức khó khăn. Ðể tiết kiệm dầu, hầu như khi mặt trời vừa khuất bóng là mọi người sập mùng đi ngủ. Tôi nhớ mãi việc nhà dượng Tư mua được cái tivi trắng đen sử dụng điện bình ắc quy, chiều nào cả xóm cũng kéo nhau đến để xem ké. Hôm nào cũng vậy, đến chương trình quảng cáo là phải tắt tivi, vậy mà cũng không ít lần các cô, chú phải xuýt xoa tiếc nuối vì tuồng cải lương, tập phim Hồng Kông phải bỏ lỡ giữa chừng do hết bình.
Vào những kỳ thi, ban đêm, cha phải thắp đèn dầu cho tôi ôn bài. Có hôm hết dầu, đèn tắt, anh em chúng tôi phải ra sân đốt rơm lấy ánh sáng để học tiếp. Những hình ảnh ấy tôi vẫn còn nhớ như in.
Sau chuỗi ngày gắn bó với ánh đèn dầu, cuối cùng ánh sáng từ điện đã được kéo về trong xóm. Do xóm tôi lúc ấy chưa có lộ nên việc di chuyển cột điện, cặm trụ, lắp bình và kéo dây... gần như chỉ dựa vào sức người. Tôi không sao quên được hình ảnh những chú thợ điện trong chiếc áo cam ướt sũng mồ hôi lẫn với những vết bùn đất. Sau bao ngày không quản nắng mưa của những "người lính” áo cam, ánh điện được bật sáng từ đầu xóm đến cuối xóm trong niềm hân hoan của mọi người. Bắt đầu từ thời khắc ấy, làng quê trở nên nhộn nhịp hẳn lên.
Và cũng từ đó, nguồn điện đã thắp sáng thêm ước mơ của tôi trên bước đường đến trường. Con đường đất tối om mỗi khi mặt trời lặn ngày nào giờ đã sáng trưng, thôn xóm bừng lên sức sống mới. Mọi người trong xóm rủ nhau đi mua tivi, quạt điện và nhiều vật dụng khác... Cảnh xem tivi ké nhà dượng Tư chỉ còn trong ký ức. Ðặc biệt, bọn trẻ chúng tôi có điều kiện tốt hơn để tiếp cận với con chữ.
Hình ảnh những chú thợ điện bám trên những cây cột điện dưới cái nắng như đổ lửa đã in sâu vào ký ức tôi từ thuở ấy. Dù còn nhỏ nhưng khi đó tôi đã cảm nhận được phần nào những vất vả và cả hiểm nguy mà công nhân ngành điện phải vượt qua trong hành trình thắp sáng làng quê.
Sau khi tốt nghiệp, đi làm, tôi lại tiếp tục có cơ hội được đồng hành cùng các anh công nhân ngành điện. Sau những lần chứng kiến cảnh các công nhân dựng cột, kéo dây, treo bình, khắc phục sự cố điện do bão, lốc xoáy, hay sửa điện miễn phí cho bà con còn khó khăn... tôi lại cảm nhận được thêm sự vất vả và hiểm nguy của nghề điện.
Trong đợt lốc xoáy xảy ra vào ngày 30/7/2023 trên địa bàn huyện U Minh, do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 2, đã làm nhiều trụ điện khu vực Khóm 4, thị trấn U Minh và xã Khánh Thuận bị đổ ngã, hàng trăm hộ dân trong khu vực mất điện. Ðặc biệt, nhiều trụ trong số này nằm la liệt trong khu vực nuôi tôm. Ðể khắc phục sự cố, nhanh chóng cấp điện lại cho bà con, những công nhân ngành điện đã phải ngâm mình hàng giờ dưới nước mặn và bùn sình. Tôi còn nhớ khi ấy, anh Phạm Quốc Khánh, Tổ trưởng Tổ khắc phục sự cố khu vực này, đã chia sẻ, do điều kiện địa hình nên máy móc, thiết bị hỗ trợ không tiếp cận được, phải dựa vào sức người là chính. Ngoài ra, nhiều vật dụng, nhất là tấm lợp nhà bị lốc cuốn dính vào dây điện nên trong quá trình khắc phục cũng gặp không ít khó khăn và nguy hiểm. Dù vậy, với quyết tâm cấp điện lại sớm nhất có thể cho người dân, những công nhân ngành điện đã vượt qua hết những khó khăn, chỉ sau hơn một ngày khi sự cố xảy ra, điện đã được nối mạch trở lại, để bà con nhanh chóng ổn định cuộc sống và sản xuất sau thiên tai.
Chính nhờ sự miệt mài của những công nhân ngành điện, bất kể điều kiện thời tiết hay địa hình nào, dưới cái nắng gắt, mưa dầm, thậm chí là dông sét... đã tạo nên con số hơn 99,98% hộ dân trên địa bàn tỉnh được sử dụng điện lưới quốc gia.
Ánh điện đã mang lại thêm sức sống không chỉ cho những làng quê xa xôi mà còn là nền tảng để thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển ngày một nhanh và bền vững. Các công ty, nhà máy, xí nghiệp... được xây dựng ngày một nhiều hơn trên vùng đất Cà Mau, đây là nền tảng để tỉnh đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 này và từ 2 con số trong những năm tiếp theo.
Ðóng điện Trạm biến áp 110kV Ðầm Dơi, một trong những nỗ lực để nâng cao chất lượng điện phục vụ người dân trong khu vực.
Ðể góp phần cùng tỉnh đạt được những mục tiêu đã đề ra, ông Huỳnh Hữu Quang, Giám đốc Công ty Ðiện lực Cà Mau, cho biết, ngành điện tiếp tục tranh thủ nhiều nguồn vốn để đầu tư phát triển hạ tầng lưới điện phục vụ ngày một tốt hơn nhu cầu phát triển cũng như sinh hoạt của người dân. Ðặc biệt, đơn vị đang từng bước tiến tới hiện đại hoá lưới điện, chuyển đổi số từ công tác quản lý, vận hành cho đến chăm sóc khách hàng... mang đến nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp.
Vất vả, nhọc nhằn, thậm chí có cả hiểm nguy luôn rình rập, nhưng hình ảnh những chiếc áo cam đã có mặt ở tất cả vùng quê dù xa xôi nhất của tỉnh. Bởi đối với họ, việc thắp sáng và duy trì dòng điện đã là sứ mệnh rất đỗi tự hào, nên dù trong điều kiện nào cũng đang từng ngày theo sát đường dây, trụ điện, trạm biến áp... phát hiện sớm nhất những khiếm khuyết để duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa... duy trì nguồn điện liên tục cho mọi gia đình./.
Phan Ngọc Ẩn