ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 27-7-24 14:23:10
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Hào khí mùa thu từ rừng đước Viên An

Báo Cà Mau (CMO) Cà Mau là xứ sở của rừng, của biển, của những dòng sông và lớp lớp con người sống hào sảng, nghĩa tình. Chính ở vị trí biên thuỳ địa đầu cực Nam Tổ quốc này, những trang sử vàng chói lọi đầu tiên của quê hương trong thời đại Hồ Chí Minh đã được viết nên. Cách đây 77 năm, vùng đất của cây đước, cây mắm, của phù sa mới bồi lắng, khí thế của mùa thu lịch sử bừng lên, người người cùng nhau xông lên đạp đổ gông xiềng, áp bức, thoát khỏi cảnh đời nô lệ tối tăm, trở thành công dân của một đất nước hoàn toàn độc lập, tự do.

Ông Trần Thanh Phong, Phó bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Viên An, khẳng định: “Truyền thống cách mạng là tài sản quý báu nhất, tự hào nhất của quê hương Viên An. Nơi đây, không một người dân nào theo giặc, phản bội lại cách mạng. Với Bác Hồ, với Đảng, đất và người Viên An trọn một lòng chung thuỷ sắt son. Và nói về truyền thống cách mạng của Viên An, là bao trọn cả lịch sử hào hùng một vùng đất rộng lớn bao gồm cả xã Viên An Đông, Đất Mũi ngày nay”.

Đền thờ Bác Hồ ở Viên An, nơi đất và người Viên An mãi mãi ghi tạc công ơn trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trọn lòng tin vào sự nghiệp cách mạng. Ảnh: HUỲNH LÂM

Sau cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai (13/12/1940), thực dân Pháp và bè lũ tay sai thực hiện chính sách tàn độc khủng bố trắng. Vùng Viên An là nơi giặc ra sức thực thi các thủ đoạn tàn độc nhằm triệt tiêu lực lượng cách mạng. Trước tình hình khó khăn của cách mạng trong nước, từ ngày 10-19/5/1941, Trung ương Đảng họp dưới sự chủ trì của Bác, đề ra những vấn đề sống còn của cách mạng: “Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia dân tộc...”. Mặt trận Việt Minh ra đời để cứu quốc.

Cuối năm 1941, nhiều cán bộ, đảng viên bị tù lần lượt trở về, Cà Mau khẩn trương gầy dựng lại cơ sở cách mạng. Đồng chí Trần Văn Đại tìm cách liên hệ với đồng chí Phạm Hồng Thám và các đồng chí Trần Văn Mân, Lê Văn Thạnh, Thái Ngọc Sanh khôi phục lại phong trào.

Phát xít Nhật tràn vào nước ta, thực thi chính sách vơ vét, đàn áp, khủng bố. Đời sống Nhân dân rơi vào cảnh cùng cực kiệt quệ. Cuối năm 1943, Chi bộ xã Viên An thành lập, do đồng chí Nguyễn Thành Thô làm Bí thư. Từ đó, phong trào biểu tình chống sưu cao, thuế nặng, trang bị vũ khí, luyện tập quân sự diễn ra sôi nổi. Đặc biệt là tổ chức Thanh niên Tiền phong của địa phương phát triển nhanh chóng. Lực lượng này trang bị roi, đao, kiếm, tầm vông vạt nhọn, tổ chức canh gác, luyện tập võ nghệ, biểu diễn văn nghệ.

Tại xã Viên An, Nhật cho đóng một “nhà việc” gần vàm Ông Trang. Nơi đây có 6 tên Nhật và 1 thông ngôn người Việt. Chúng bố trí thang trông rất cao để có tầm quan sát từ vùng biển Gò Công đến Mũi Cà Mau.

Nhận được chủ trương tổng khởi nghĩa giành chính quyền, Chi bộ Đảng Viên An cử đồng chí Dương Văn Mính ra làm Phó Hương quản để nắm tình hình hoạt động của bọn tề xã và nắm lực lượng thanh niên. Công tác địch vận được tổ chức phụ nữ đảm nhiệm, xây dựng nội tuyến trong lòng giặc. Song song đó, lực lượng vũ trang của Viên An sẵn sàng mọi công tác chuẩn bị.

Đêm 23, rạng sáng 24/8/1945, lực lượng khởi nghĩa Viên An bí mật tiếp cận đồn Nhật. Nội tuyến cung cấp thông tin quan trọng, đó là thói quen cách vài ngày, buổi sáng, lính Nhật đi lượm trứng chim, đến hơn 8 giờ mới về. Nhận ám hiệu nội tuyến là người phiên dịch, lực lượng Viên An tràn vào làm chủ đồn giặc, phân chia súng đạn. Lúc lính Nhật trở về, lực lượng của ta chĩa súng buộc chúng đầu hàng tại chỗ.

Chiều 24/8/1945, lực lượng của ta cùng đông đảo Nhân dân Viên An tập trung đến Nhà việc tuyên bố thắng lợi, giải tán các tổ chức tay sai hội tề ở xã. Đêm 24/8, cùng với quân dân từ nhiều hướng, lực lượng Viên An tiến về tiếp cận và chiếm quận Kiểm Lâm Năm Căn vào sáng 25/8. Đồng chí Nguyễn Thành Thô, lúc đó là Bí thư Chi bộ Viên An, tuyên bố chính quyền về tay Nhân dân. Lúc này, hàng ngàn người rầm rộ kéo biểu tình với băng cờ rực rỡ, hô to các khẩu hiệu cách mạng. Ban tổ chức mít-tinh mừng chiến thắng mời tất cả hội tề và kiểm lâm cùng dự tại sân trường học Năm Căn. Cờ đỏ, sao vàng tung bay trên đỉnh cột cờ. 9 tiếng súng vang trời, khí thế Nhân dân vút cao trong ngày mừng độc lập.

Ngày 25/8/1945, toàn tỉnh Bạc Liêu (Cà Mau - Bạc Liêu) khởi nghĩa hoàn toàn thắng lợi. Tỉnh trưởng Bạc Liêu Trương Công Thiện và Quận trưởng Cà Mau Nguyễn Văn Kế cúi đầu đầu hàng, bàn giao chính quyền về tay Nhân dân.

Ngày 26/8, Viên An tổ chức mít-tinh mừng chiến thắng. Sân nhà ông Lê Văn Ngàn được lựa chọn làm địa điểm tổ chức. Mừng quá, ông Ngàn hơn 60 tuổi chạy gần như khắp nơi để mời bà con về dự. Đồng chí Nguyễn Thành Thô đọc diễn văn, nêu rõ: Chính quyền từ nay về tay Nhân dân, Nhân dân ta từ nay là chủ của đất nước Việt Nam độc lập. Nhà việc của Nhật được trưng dụng làm cơ quan của UBND và Mặt trận Việt Minh xã Viên An.

Ông Tạ Nhuỵ Quốc, nguyên Chủ tịch UBND xã Viên An, mong mỏi quê hương có bước phát triển đột phá hơn nữa, xứng đáng với truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương.

Những lớp người làm nên sự kiện chấn động ở xứ rừng đước Viên An trong mùa thu lịch sử năm xưa, nay đã không còn, nhưng ký ức hào hùng ấy luôn được gìn giữ, trao truyền lại cho thế hệ tiếp nối. Ông Tạ Nhuỵ Quốc (Bảy Quốc), nay đã ở tuổi xưa nay hiếm, xúc động: “Tôi tự hào là người con của Viên An. Ở đây, dân có đói thì ăn trái mắm, mò cua, bắt ốc để ăn chớ tuyệt đối không theo giặc, không phản bội cách mạng. Cũng từ rừng đước này, Viên An đã dựng cất một Đền thờ Bác Hồ uy nghiêm, trở thành biểu tượng bất tử của xứ sở”.

Ông Bảy Quốc còn kể lại: “Tụi giặc nó biết rừng đước là nơi che chở, cưu mang cách mạng nên rải chất độc hoá học giết cây rừng”. Theo mô tả của ông Bảy Quốc, phi đội rải chất độc giết từng vệt dài cây đước chết đứng. Nhân dân Viên An lại dựng chòi ở nơi đước còn sống bám trụ đất đai, nuôi chứa cách mạng. Có thời điểm đước chết trắng, dân Viên An dựng chà đước thành cụm, kiên quyết không rời bỏ quê hương, xứ sở, chung một lòng tin chiến thắng kẻ thù.

Từng là Chủ tịch UBND xã Viên An, ông Bảy Quốc mừng vui vì đà phát triển của Viên An hôm nay, nhưng cũng có những điều tiếc nuối. Đó là nguồn lợi tài nguyên thiên nhiên xứ rừng, xứ biển Viên An đã không còn như trước. Ngày hội cá đường, bãi điệp, bãi cá đối, bãi sò... nay chỉ còn là những giai thoại mà người lớn tuổi kể lại cho thế hệ sau nghe. Và trong định hướng phát triển lâu dài, Viên An vẫn cần phải có những quyết sách mạnh mẽ hơn, đột phá hơn, để đất anh hùng có thể vươn tầm.

Chúng tôi cũng cố gắng kết nối với ông Nguyễn Việt Trung, con của đồng chí Nguyễn Thành Thô, để tìm thêm thông tin, nhưng rất tiếc là chưa nhận được phản hồi. Được biết, gia quyến của đồng chí Nguyễn Thành Thô không còn ở Viên An. Xã Viên An và huyện Ngọc Hiển cũng đang nỗ lực và đang trong giai đoạn hoàn thành chính sách cán bộ tiền khởi nghĩa cho đồng chí Nguyễn Thành Thô để tri ân, đền ơn đáp nghĩa, trọn vẹn nghĩa tình quê hương./.

(*) Bài viết có tham khảo tư liệu từ sách Lịch sử xã Viên An anh hùng

 

Phạm Hải Nguyên

 

Làm đẹp địa chỉ đỏ

Trải qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, xương máu của lớp lớp thế hệ ông cha đã thấm đẫm trên từng tấc đất quê hương. Ðể tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, tại các xã, thị trấn trong huyện Ngọc Hiển đều xây dựng các đài tưởng niệm, nhà bia ghi danh liệt sĩ. Những công trình này vừa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, vừa góp phần giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Ánh thép U Minh

Tôi thực sự ngỡ ngàng, xúc động và cảm phục khi lần đầu tiên đến Khu Du lịch sinh thái Làng rừng Cà Mau (ECO), ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời. Làng rừng là sự kiện độc đáo của Ðảng bộ, quân và dân tỉnh Cà Mau trước ngày Ðồng khởi 1960, thế kỷ XX. Làng rừng thể hiện tinh thần quật khởi, là thái độ bất khuất trước quân thù tàn bạo với ý chí “Thà hy sinh tất cả, quyết không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ!”. Nơi đây đã được công nhận Di tích Lịch sử cấp quốc gia.

Dọc chiều dài kinh Chống Mỹ

Kinh Chống Mỹ ở xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, được đào bằng sức người, phục vụ kháng chiến từ thời chống Pháp vào năm 1949-1950, chiều dài gần 6 km, từ kinh Ðòn Dong, qua cuối Kinh Tư, qua đầu kênh Sáu Thước, xuyên qua Hào Sai, Ðộc Lập, Trảng Cò, Kinh Cũ, xuyên bờ Bắc Kinh Cũ ra tới xóm Kinh Cùng...

Nơi thành lập lực lượng TNXP Cà Mau

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) tỉnh Cà Mau với gần 800 nam, nữ thanh niên đã không quản ngại hy sinh, gian khổ, luôn có mặt ở những nơi khó khăn nhất, bền gan vững chí, sẵn sàng hy sinh, vượt qua gian khổ, lập nên những chiến công oanh liệt, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Về thăm địa chỉ đỏ

Năm 2024, được sự thống nhất của Huyện uỷ, UBND huyện, UBND xã Hiệp Tùng đã tiến hành sưu tầm tư liệu, lời kể từ nhân chứng lịch sử, phối hợp với các ngành có liên quan xây dựng kịch bản và dựng bộ phim tư liệu “Chiến thắng Bến Dựa oai hùng”, nhằm ghi nhận những chiến công vẻ vang của các chiến sĩ Tiểu đoàn Ngô Văn Sở anh hùng. Ðây là tư liệu quý trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng địa phương cho các thế hệ trẻ.

Tên người ghép đôi thành tên đất

Lần theo dấu chân người đi mở đất Cà Mau mới thấy, nhiều tên người đã hoá thành tên đất. Những cái tên như: Ông Ðịnh, Ông Do, Bà Bường, Bà Thanh... trên những ngã ba sông, những con rạch ở rừng đước Năm Căn, theo giải thích trong dân gian, đó là tên những người đầu tiên đến vùng đất này, được người sau gọi riết thành địa danh.

Tự hào Thanh niên xung phong

Năm 1964, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh xâm lược, tiến hành “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam, leo thang đánh phá miền Bắc. Chúng tăng cường lực lượng quyết tâm thôn tính miền Nam, với ý đồ lập ấp chiến lược kìm kẹp Nhân dân, thực hiện triệt để chính sách chia cắt, ngăn chặn lực lượng cách mạng trong vùng giải phóng. Ở miền Bắc, không lực Hoa Kỳ thực hiện cuộc đánh phá miền Bắc bằng máy bay, tàu chiến, nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến miền Nam. Với tầm nhìn chiến lược, Trung ương Ðảng đã chỉ đạo củng cố, bổ sung thành lập quân đội vững mạnh và lực lượng phục vụ chiến đấu, “trọng yếu là lực lượng nam, nữ thanh niên” nhằm hỗ trợ, phục vụ cho các đơn vị chủ lực, sẵn sàng đương đầu với địch trong mọi tình huống.

Sống mãi ký ức thời chiến

Quay ngược thời gian về những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân dân ta, cùng với con đường vận tải chiến lược “xẻ dọc Trường Sơn” trên bộ, đường Hồ Chí Minh trên biển với Ðoàn tàu Không số như huyền thoại, lập chiến công hiển hách, góp phần đưa cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn.

Chuyện về ngôi mộ 74 hài cốt ở Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Cà Mau

Tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Cà Mau hiện có 1.070 mộ liệt sĩ, trong số này có đến 235 mộ chưa có tên. Trong số những ngôi mộ theo năm tháng vẫn chưa tìm ra tên ấy, có 1 ngôi mộ “lạ”, có đến 74 hài cốt. Một điều đáng chú ý nữa ở ngôi mộ này là đã hiện diện tại đây trước khi Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh hình thành.

Hương tháng Năm dâng Bác

Hôm nay, ngày 19/5, kỷ niệm 134 năm ngày sinh Bác Hồ, cùng với cả đất nước, dân tộc, đất và người Cà Mau cùng nghiêng mình tưởng nhớ và thể hiện tấm lòng yêu kính Người vô hạn.