ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 4-12-24 00:05:00
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Hậu cứ ven rừng tràm

Báo Cà Mau (CMO) Mùa khô năm 1971, chúng tôi ở kinh Ðòn Dong Ngọn, rồi ra Kinh Ngang. Khi quân giặc chiếm đóng đồn Cầu Chữ Y, xây cứ điểm “Bình Tây”, chúng tôi trở vô góc bùng binh Cơi Nhì. Nơi đây, những năm trước là nền khung Trường U Minh Anh Dũng của huyện, giờ này là một gian nhà lá rộng thuộc bản doanh của Ban Tuyên huấn huyện Trần Văn Thời, gia đình anh Hai Giang tá túc một góc ở đây. Bên bờ chuối ranh đất ruộng, đoạn giữa là căn chòi của gia đình anh Ba Gấm, thẳng trở lại đằng này là căn chòi của anh Út Thuận, gần bờ kinh Cơi Nhì phủ kín dây leo, bịt bùng…

Tại đây, tôi được quen biết nhiều người, có những người nổi tiếng như chú Sáu Phải, chú Tư Thanh, Nhà thơ Nguyễn Bá, Nhà văn Anh Ðộng, Nhà văn Nguyễn Thanh, Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Ðức Thượng và bạn Võ Hữu Thoại mới quen… Võ Hữu Thoại quê xã Khánh Bình, Trần Văn Thời, Cà Mau. Trong thời chiến tranh, người mẹ ruột của Thoại bị trực thăng Mỹ bắn chết ở miệt Ðồng Năn hồi năm trước… Thoại đang thoát ly, tham gia Ðoàn Văn công Quân khu 9, hậu cứ đóng gần đây. Vì cùng quê, gần gũi, thân thiết, Thoại ghé thăm anh Ba Gấm và ý cũng muốn làm em rể anh Ba… Tôi với Thoại đồng trạng nên hai đứa gọi nhau “mầy, tao” thân mật…

Mùa mưa nổi nước ruộng, Văn phòng Ban Tuyên huấn huyện cần tản ra. Chúng tôi chuyển đến các cất căn nhà nhỏ trên bờ đìa ranh đất của chú Tám Bửu ở đoạn kinh Cơi Nhì. Chúng tôi ở đây có anh Tư Minh, Chánh Văn phòng; tôi, Lữ Hùng, anh Mười Dũng… Tại căn nhà nhỏ trên bờ chuối này, anh Lê Hữu Nghiêm (Út Rô) và anh Hà Phương Dũng đi chung xuồng từ tỉnh về đây, thức suốt đêm bên ánh đèn dầu, ngồi đánh cờ tướng, sáng sớm xuống xuồng dông mất… Kế đến, chị Ba Dân, Phó bí thư Huyện uỷ, một mình đi xuồng đến đây, ngồi đọc bản nháp cho tôi đánh máy hơn chục táp bản báo cáo tổng kết 2 năm, 1969-1971, phong trào du kích chiến tranh Nhân dân đánh bại “bình định nhổ cỏ U Minh” của Mỹ nguỵ trên địa bàn huyện Trần Văn Thời…

Từ căn nhà nhỏ này, theo con mương vuông ranh đất bờ chuối, chống xuồng thẳng vô là tới hậu cứ Ðoàn Văn công Quân khu 9 đóng trong khu vườn mà bờ ranh hậu giáp đất ruộng của chú Tám Bửu, thuộc xóm Cơi Nhứt, kế bên nhà chú Năm Phán, gần Dinh Ðiền xã Trần Hợi. Ngoài Mười Chiến, Võ Hữu Thoại, tôi còn quen biết nhiều người ở đây, như anh Tám Thanh (người Bến Tre) chị Huyền Thống (vợ nhạc sĩ Phan Thao), Thanh Miền, Lam Ðiền (người Bến Tre), Sáu Nguyện (Cơi Ba), Hồng Huệ (Kinh Cũ), Tuyết Nguyên (Trảng Cò) sau này là vợ anh Tám Thanh, Hạnh Mỹ (Cơi Tư) sau này là vợ Trọng Nghĩa (Cần Thơ), sau này mới biết có Hoàng Bửu, Thiện Hùng…

Tôi có vài lần chống xuồng đi chơi vào đây, 2 lần được xem phim do Ðội điện ảnh Khu Tây Nam Bộ trình chiếu, phục vụ anh chị em Ðoàn Văn công Quân khu 9. Lần đầu xem phim truyện nhựa Việt Nam “Nổi gió” hình ảnh trắng đen với 2 nhân vật chị Vân và Trung uý Phương, vai 2 chị em ruột trong cuộc đấu tranh cách mạng, nhiều tình tiết và lời thoại rất hay...

Lần thứ hai vào đây, tôi được xem phim màu Trung Quốc: “Lửa hận rừng dừa”. Bộ phim dài, đã huy động trên 20 đoàn nghệ thuật biểu diễn ca múa nhạc, với phân đoạn 3 chương đại hợp xướng giao hưởng, diễn tả cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân miền Nam Việt Nam; từ cuộc Ðồng Khởi 1960, đến hình ảnh anh hùng Nguyễn Văn Trỗi và cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968... Mỗi chương đều có một cặp diễn viên nam, nữ quân phục kaki màu vàng nhạc, cầu vai, kê pi, dẫn chương trình, giới thiệu. Họ nói giọng hùng hồn qua thuyết minh lồng tiếng trong phim giọng nữ phát thanh viên Ðài Phát thanh Bắc Kinh thời đó:

- Chiến đấu, hãy chiến đấu! Tiến lên, hãy tiến lên! Khắp núi rừng, từ thành thị đến nông thôn, lửa dậy bừng bừng...

Một lần tôi vào đây, trong lúc anh chị em đang tập dượt điều lệnh trên sân khấu. Tôi còn nhớ hình ảnh nữ diễn viên Thanh Miền với bộ quân phục nghiêm chỉnh, đang đứng tập động tác hô khẩu lệnh và chào chỉ huy, trước 2 ông lãnh đạo Ðoàn là Bảy Phước, Ba Sơn ngồi dưới nhìn lên xem... Thanh Miền gương mặt trái xoan, dáng đẹp, đôi mắt sáng quắc, lạ thường! Tôi cứ tưởng Thanh Miền người Cần Thơ, nhưng quê gốc Cà Mau, ở Ba Tiệm - kinh xáng Thọ Mai, sau này là vợ của bạn Võ Hữu Thoại…

Mùa lúa cây xanh tốt nở bụi tròn mình, tháng 10/1971, Sư đoàn 21 nguỵ tập trung đổ quân càn quét xung quanh khu vực Nhà Máy, Kinh Ðứng và dọc tuyến đê rừng, hòng tìm diệt Việt cộng vùng này. Bọn “bình định” lấn chiếm tiếp tục chiến dịch “nhổ cỏ U Minh” lần thứ ba, đầy tham vọng. Chúng hà hơi, tiếp sức cho quân bảo an thọc sâu vào, lần dò, định chiếm đóng Nhà Máy, khu trù mật Quản Hảo, ngã tư So Le… Nhưng cho dù giặc có ráo riết đổ quân dọc tuyến đê rừng, chúng cũng không sao thực hiện được ý đồ lấn chiếm thêm đồn bót nào...

Trận giặc đổ quân bằng trực thăng xuống Nhà Máy, chúng ém quân lại ban đêm... Sáng hôm sau, mặt trời lên chừng 2 sào, tôi chống xuồng vừa lọt ra kinh Cơi Nhì, nhìn qua khoảng ruộng lúa cấy bỗng thấy quân giặc đang đi hàng một, lội dưới ruộng lúa cấy nở bụi tròn mình xanh đồng cặp bờ kênh Cơi Ba, thẳng hướng lên Chín Rỗ.

Mới mấy ngày qua, lại một trận nữa. Sáng, giặc đổ quân bằng máy bay trực thăng xuống Kinh Ðứng. Ðến trưa, bọn chúng lội ruộng giữa hậu Cơi Nhứt với Cơi Nhì, kéo lên hướng Dinh Ðiền.

Bọn giặc đổ quân băng đồng lội ruộng kéo xác đến đây, vướng phải 2 đầu đạn pháo 105 ly cải biên thành mìn gạt mà Mười Chiến gài thật bí hiểm - dùng dây chì buộc đầu kíp nổ, luồn trong tàu lá chuối khô, căng dùn rối rắm, cản trở trên bờ chuối - đầu bờ ngang, phải càn mạnh mới qua được… Hai trái nổ... Một bàn chân giặc bỏ sót lại trận địa… Qua máy bộ đàm, ta theo dõi được, giặc thú nhận 2 trái nổ, chúng chết và bị thương 47 tên. Bọn chúng chưa kịp hoàn hồn, trên đường kéo lên hướng Dinh Ðiền đã bị tốp anh em Ðoàn Văn công Quân khu, trực tiếp là Võ Hữu Thoại tiếp tục chống càn, bắn tỉa, diệt và làm bị thương 7 tên nữa. Vậy đã rõ, trận này quân giặc chết và bị thương 54 tên.

Tôi không còn trở lại đây từ đầu năm 1972. Văn phòng Ban Tuyên huấn huyện Trần Văn Thời cất nhà ra công khai ở mặt tiền đất của chị Chín Thôi trên bờ kinh Cơi Ba, đoạn ngã tư Chín Rỗ nên một đỗi...

Chiến dịch Xuân hè 1972 diễn ra trên toàn miền Nam, giành thắng lợi giòn giã… Tôi được cử đi học Trường Thông tấn Báo chí miền Tây Nam Bộ ở rừng đước Năm Căn gần 2 tháng, trở về huyện nhà trong lúc ta đang đồng loạt nổ súng tấn công quân giặc ở căn cứ Bà Thầy, Nổng Cạn, Ðồn Cồi, Rạch Ráng, Cầu Chữ Y... Bộ đội Trung đoàn 10 đánh thiệt hại nặng Trung đoàn 33, tập kích toàn đội hình Sư đoàn 21 nguỵ, ghìm đầu quân chủ lực giặc trên chiến trường U Minh. Qua đài bán dẫn - radio, tin chiến thắng vang dội, nức lòng người…

Cuối năm 1972, tôi được phân công xuống kinh Hãng Giữa, đoạn nhà anh Hai Tổng, liên hệ địa phương tổ chức một đêm biểu diễn nghệ thuật của Ðoàn Văn công Quân khu 9 phục vụ bà con Nhân dân vùng này. Ngày ấy, đi xuồng chèo từ kinh Cơi Ba thẳng xuống Nhà Máy và từ hậu Nhà Máy trổ ra ngã tư Miễu Ông Tà, thẳng tới kinh Hãng Giữa.

Tiết mục múa “Tay cày tay súng” do đạo diễn múa Võ Thanh Hồng dàn dựng (30/10/1972). Ảnh tư liệu

Từ điểm tổ chức đêm biểu diễn chương trình nghệ thuật này chỉ cách một con kênh Hãng Bìa là tới cứ điểm cầu Chữ Y và đồn Công Nghiệp Giữa... Cuộc tổng phản công Chiến dịch Xuân hè 1972 đã tạo ra khí thế phấn khởi mới, cổ vũ đồng bào, cán bộ và chiến sĩ ta... Sân khấu nhỏ ngoài trời được dựng lên trên nền đất, có căng phông vải cánh gà, màn kéo, trang trí nổi bật màu sắc… Dưới ánh sáng đèn măng-xông, đèn bóng tròn phát bằng máy nổ cho âm thanh loa điện và nhạc cụ... Hàng trăm khán giả là bà con nông dân được xem vở kịch nói “Sao mai” của nữ tác giả Nhị Hà, nội dung cốt truyện kể về tinh thần quả cảm của anh hùng Lưu Văn Liệt, chiến sĩ đội biệt động thị xã Vĩnh Long… Trong bài thơ “Gương mặt chiến trường” (1/1973), Nhà thơ Nguyễn Bá đã ca ngợi nhiều tấm gương chiến đấu ở miền Tây Nam Bộ, trong đó có 2 câu điển hình:

…Gương mặt điềm nhiên của Lưu Văn Liệt

Rời khối mìn trước tiếng nổ vài giây…

Vở kịch có khá nhiều vai diễn, vai những tên lính giặc, vai quần chúng Nhân dân, tôi chỉ còn nhớ 2 nhân vật - 2 diễn viên Trọng Nghĩa trong vai Lưu Văn Liệt và chị Huyền Thống vai bà Lệ Hoa, chủ quán ở thị xã Vĩnh Long… Và vở kịch “Sao mai” được bà con Nhân dân ở kênh Hãng Giữa hoan nghênh nhiệt liệt…

Sau gần 3 năm về đóng quân, xây hậu cứ ở xóm ven rừng U Minh Hạ này, Ðoàn Văn công Quân khu 9 luôn khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, thiếu thốn trong điều kiện chiến tranh; hoạt động theo phương châm tay đàn tay súng, bảo toàn lực lượng, vẫn bền bỉ, âm thầm tập dượt các tiết mục nghệ thuật cho ra mắt công chúng vùng nông thôn giải phóng Cà Mau vở kịch nói “Sao mai” đáng nhớ!

Và, cái nôi - hậu cứ của Ðoàn Văn công Quân khu 9 ở xóm Cơi Nhứt ven rừng tràm U Minh Hạ vào những năm chiến tranh ác liệt vẫn còn sống động trong ký ức nhiều người…

 

Nguyễn Minh

 

Tri ân Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Ngày 23/11 hằng năm không chỉ là ngày kỷ niệm cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ - mốc son trong lịch sử đấu tranh cách mạng bất khuất của dân tộc Việt Nam, mà còn là ngày sinh của cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt.

Một biên khảo sống động về đất Nam Bộ của Nhà văn Phan Trung Nghĩa

Những trang cuối bài này, tôi lược trích bài ký tự thuật về cuộc họp mặt và bữa cơm thân mật của các nhà báo Bạc Liêu - Cà Mau với tên tuổi Phạm Văn Tri, Nguyễn Minh Chánh, Nguyễn Bé..., các tổng biên tập đáng kính của họ vô cùng thân thiết với một thế hệ trẻ làm báo sau chiến tranh...

Một biên khảo sống động về đất Nam Bộ của Nhà văn Phan Trung Nghĩa

Giờ mới trở lại đầu sách (trang 7 của tập biên khảo) - Sự ra đời của thành ngữ "Công tử Bạc Liêu". Phan Trung Nghĩa trích đoạn bài báo "Đây Bạc Liêu” của Tạ Như Khuê, đăng trên tuần báo Thanh Nghị, ra ngày 11/3/1994. Đó là cái nhìn của một nhà báo ở Hà Nội đối với quang cảnh kinh tế - xã hội của Bạc Liêu vào nửa đầu thế kỷ 20. Ông gọi "Bạc Liêu là một đất ăn chơi..."

Một biên khảo sống động về đất Nam Bộ của Nhà văn Phan Trung Nghĩa

Cùng với 1 truyện ký, 2 biên khảo, 4 bút ký... đã xác định được vị trí của Nhà văn Việt Nam đồng bằng Nam Bộ Phan Trung Nghĩa với những tác phẩm độc đáo, như đoàn tàu vũ trụ hồn nhiên bay vào lòng người đáng ghi nhớ nhất.

“Ký ức không phai” - Tư liệu quý về cán bộ, học sinh miền Nam trên đất Bắc

Mấy tháng qua, Ban Liên lạc các trường học sinh miền Nam (HSMN) Vĩnh Phú, 2-6-9 (trường HSMN trên đất Bắc) rốt ráo cùng Nhà Xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh hoàn thành các công đoạn để xuất bản quyển sách về đề tài tập kết. Ấn phẩm “Ký ức không phai” ra đời đúng vào dịp tỉnh Cà Mau tổ chức Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc. Ðây là món quà ý nghĩa mà các thành viên Ban Liên lạc dành tặng Cà Mau.

Lưu dấu dòng họ Hồng ở U Minh

Ngày 3 tháng 10 âm lịch hằng năm, tại Rạch Chệt, Ấp 3, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, dòng họ Hồng long trọng tổ chức lễ giỗ để tưởng nhớ cụ Hồng Vận Ban, người góp phần quan trọng vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vào thế kỷ XIX.

Hào khí đất xưa...

Những lần về lại Tân Thành (nay là phường Tân Thành và xã Tân Thành, TP Cà Mau) đều mang lại cho chúng tôi những chiều kích mới mẻ trong hiểu biết, suy tư về vùng đất địa linh nhân kiệt, lẫy lừng công đức của tiền nhân.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai viếng Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sáng nay (16/11), Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương do Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai làm trưởng đoàn đến viếng, dâng hương tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (Khóm 1, Phường 1, TP Cà Mau) và Khu di tích lịch sử cấp tỉnh Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam, tại Ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình.

Tổng duyệt chương trình cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc

Để chuẩn bị sẵn sàng cho sự kiện trọng đại lễ kỹ niệm 70 năm chuyến tàu tập kết ra Bắc (1954-2024), tối 15/11, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tiến Hải; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Ngại; Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân đến dự buổi tổng duyệt chương trình cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024) và rà soát công tác tổ chức lễ.

“200 ngày tập kết ra Bắc ở Cà Mau - Tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử” 

Nhằm đánh giá toàn diện về vai trò, ý nghĩa lịch sử và tầm nhìn chiến lược của Đảng, Bác Hồ trong sự kiện tập kết năm 1954, chiều 15/11, tỉnh Cà Mau tổ chức Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc ở Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử". Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong chuỗi hoạt động của sự kiện 70 năm tập kết ra Bắc.