(CMO) Ở độ tuổi mẫu giáo, từ 4-6 tuổi, một số phụ huynh bắt đầu cho con tiếp xúc nhiều với các bộ môn năng khiếu như: múa, đàn, thể thao, học tiếng Anh… mục đích là không muốn con thua kém bạn bè. Tuy nhiên, vì chạy theo “trào lưu đi học” mà các bậc phụ huynh vô tình tạo nên áp lực cho các em.
Chị Đỗ Thuỳ Dung, Phường 4, TP. Cà Mau, chia sẻ: “Khi con học mẫu giáo, mình rất lo lắng, vì độ tuổi này bé dễ nhạy cảm với môi trường xung quanh. Mình luôn quan sát những biểu hiện bất thường để kịp thời động viên con. Muốn con học tốt nên tôi cho bé học thêm lớp tiếng Anh, lớp múa để phát triển năng khiếu cho con”.
Năng khiếu của trẻ phát triển tốt nếu được chăm bồi đúng cách. (Ảnh chụp tại trường Mầm non Hương Tràm). |
Thực tế một môi trường học tập lành mạnh sẽ giúp các bé phát triển tốt năng lực, khả năng vốn có của từng trẻ. Thông qua các tiết học trên lớp, các em sẽ vận dụng vào đời sống hằng ngày, học về năng khiếu, đạo đức, từ đó giúp hình thành cho mỗi trẻ có được sự tư duy độc lập, nếp sống sinh hoạt, lượng kiến thức phù hợp cho từng độ tuổi.
Hiểu về sở thích của con, cho con sống đúng với khả năng là việc tuy đơn giản nhưng ít có bậc phụ huynh nào làm được. Đối với bậc làm cha mẹ, họ luôn muốn con đạt nhiều thành tích trong học tập và vô tình gây nhiều áp lực cho con khi chúng còn ở độ tuổi quá nhỏ. Ngoài học kiến thức ở trường, cha mẹ còn cho con đi học thêm, học các bộ môn năng khiếu, vì vậy thời gian học tập đã chiếm mất quỹ thời gian vui chơi giải trí của các bé.
“Phát hiện, sớm chăm bồi năng khiếu cho trẻ là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, một số phụ huynh có quan niệm cho trẻ học càng nhiều càng tốt. Quan niệm này đúng nhưng chưa hợp lý, bởi các bậc phụ huynh cần phải tìm hiểu thật kỹ về khả năng của trẻ, kiến thức, tâm lý thì mới có thể đưa ra lời khuyên thích hợp, chăm bồi đúng cách. Nên tôn trọng ý kiến, sở thích của con thì việc chăm bồi năng khiếu mới thật sự đem lại hiệu quả tích cực”, cô Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Tràm, chia sẻ.
Không chỉ thông qua việc học tập trẻ mới phát huy khả năng, mà ngay cả trong nếp sống sinh hoạt hằng ngày, các bậc phụ huynh vẫn có thể phát hiện năng khiếu của trẻ. Tập thói quen nhanh nhạy, tự lập trẻ sẽ phát huy được khả năng sẵn có. Các bé có điều kiện tiếp xúc với môi trường xung quanh, mối quan hệ với mọi người thì trẻ sẽ dần hình thành thói quen, nếp sống như thế nào là phù hợp. Vì vậy, ở mỗi độ tuổi các bé rất cần sự quan tâm từ phía gia đình và nhà trường để trẻ có điều kiện phát triển khả năng trong một môi trường sống lành mạnh.
“Không chỉ riêng tôi mà hầu hết bậc làm cha mẹ nào cũng mong muốn con mình học tốt, đạt được nhiều thành tích nổi trội. Tuy nhiên, phụ huynh cần lưu ý, đừng để những mong muốn của mình trở thành gánh nặng cho con. Chăm bồi năng khiếu cho con nhưng phải hiểu rằng con mình có thật sự thích, đúng khả năng, độ tuổi và nhận thức. Hãy để các con học tập và vui chơi theo đúng sở thích, niềm đam mê của trẻ”, chị Lâm Thanh Nhã, Phường 5, TP. Cà Mau, chia sẻ.
Môi trường gia đình, nhà trường, xã hội có tác động mạnh đến trẻ mầm non, vì vậy người lớn cần tạo cho trẻ có được những nếp sống sinh hoạt tốt trong điều kiện phát triển lành mạnh. Phụ huynh cần quan tâm đến tâm lý của trẻ để có định hướng thích hợp cho trẻ phát huy kỹ năng, sáng tạo và điều quan trọng là tạo môi trường học tập thoải mái để các em phát triển đúng khả năng của bản thân./.
Hằng My