(CMO) Theo đánh giá của ngành chuyên môn, trong vài năm trở lại đây, đối tượng nghiện ma tuý trẻ hoá về độ tuổi. Do lối sống đua đòi và thiếu sự quản lý của gia đình nên một bộ phận thanh - thiếu niên lâm vào con đường hút chích, nghiện ngập. Các em tự đốt đời mình qua làn khói trắng để rồi đốt đi cả tương lai chính mình.
Khoảng 3 năm gần đây, đối tượng vào Cơ sở Cai nghiện ma tuý xã Khánh An (huyện U Minh) tăng về số lượng. Chỉ riêng năm 2021, cơ sở nhận 588 học viên, trong đó có 32 học viên tự nguyện, 556 học viên bắt buộc. Qua đó cho thấy, đối tượng nghiện tự nguyện đi cai nghiện còn rất thấp.
Ông Phạm Hoàng Sa, Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma tuý, cho biết: “Hiện có mặt tại cơ sở 159 học viên, đây là những học viên thuộc diện bắt buộc đi cai nghiện. Ðiều đáng bận tâm nhất là trong 159 học viên đang cai nghiện ở đây có tới 55 học viên không có nơi cư trú ổn định”.
Theo ông Sa, trước khi đối tượng hoàn thành thời gian cai nghiện, cơ sở có thông báo về địa phương của các đối tượng sinh sống trước 45 ngày. Theo quy định thì địa phương nơi cư trú của đối tượng sẽ cử người đến tiếp nhận đối tượng về tiếp tục quản lý. Song song đó, phân công các ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ để đối tượng tái hoà nhập cộng đồng.
Ở Cơ sở Cai nghiện ma tuý, học viên được làm việc, sinh hoạt cùng nhau để cảm thông và chia sẻ, động viên nhau cùng cố gắng. |
Tuy nhiên, đã qua thông báo được gửi đi nhưng tuyệt nhiên không có địa phương nào đến tiếp nhận. Có học viên được gia đình đến đón, nhưng cũng có học viên chỉ bạn bè đến đón.
Theo kinh nghiệm nhiều năm công tác ở lĩnh vực phòng chống tệ nạn xã hội, ông Lý Việt Thống, Trưởng phòng Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, cho biết: “Ða phần những đối tượng này sẽ sớm tái nghiện vì bị bạn bè rủ rê, vì thiếu sự quan tâm của gia đình, vì mặc cảm, chán nản...”.
Trường hợp đối tượng N.H.H (Ấp 13, xã Khánh Thuận, huyện U Minh) bị nghiện và được địa phương đưa đi cai nghiện lần 1 vào ngày 19/6/2019 tại Cơ sở Cai nghiện ma tuý. Ðến ngày 7/3/2021, hết thời gian cai nghiện H trở về địa phương. Thế nhưng, chỉ 3 tháng sau đó (ngày 23/6/2021), H tái nghiện và bị đưa đi cai nghiện lần 2.
Theo đánh giá của địa phương, những đối tượng sau khi hoàn thành thời gian cai nghiện có người về địa phương, nhưng cũng có người đi đâu không ai biết. Hầu hết những đối tượng này không có việc làm, gia đình và địa phương không mấy quan tâm nên tạo cho họ cảm giác bị kỳ thị, xa lánh, tâm lý chán đời, buông thả và khả năng tái nghiện rất cao. Số lượng người tái nghiện gia tăng, từ đó xã hội phải gánh chịu hàng loạt vấn đề phức tạp, như mất an ninh trật tự, tội phạm gia tăng...
Thực tế tại Cơ sở Cai nghiện ma tuý, ông Sa đánh giá có hơn 50% đối tượng tái nghiện. Vấn đề này gây khó khăn rất nhiều cho công tác cai nghiện.
Ông Sa cho biết: “Học viên vào trung tâm được kiểm tra sức khoẻ ban đầu, được đưa vào phòng cắt cơn, tuyên truyền nội quy, quy chế ở cơ sở, giáo dục trị liệu và tái hoà nhập cộng đồng. Trong đó, khâu kiểm tra sức khoẻ và đánh giá mức độ nghiện là quan trọng nhất để có biện pháp chữa trị, giáo dục phù hợp. Nhân viên cơ sở theo dõi quá trình cắt cơn, giải độc và chú trọng phương pháp tâm lý giúp người nghiện tự tin trong quá trình điều trị. Sau khi cắt cơn, học viên được tư vấn, giáo dục đạo đức, phục hồi hành vi nhân cách... Nhưng nếu đối tượng bị nghiện lần 2, lần 3 thì rất khó cắt cơn vì sức khoẻ học viên không đảm bảo, quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn hơn so với lần đầu”.
Ngoài ra, cơ sở cai nghiện còn cho học viên tham gia lao động phù hợp với độ tuổi và sức khoẻ. Hoạt động này không chỉ góp phần trị liệu cho học viên mà còn cung cấp nguồn lương thực thực phẩm sống, sạch, an toàn cho bữa ăn hàng ngày của học viên. Ðồng thời, trong quá trình lao động còn giúp học viên gần gũi, chia sẻ và tạo động lực cho học viên vượt qua mặc cảm của bản thân, sớm hoà nhập với xã hội.
“Ngoài ra, hàng năm, cơ sở mở nhiều lớp truyền nghề cho học viên như cắt tỉa cây cảnh, may, đan ghế... Năm 2021, do ảnh hưởng dịch bệnh, cơ sở không mở được nhiều lớp như những năm trước nhưng tạo điều kiện cho học viên hoàn thành khoá học may để khi cai nghiện xong trở về địa phương có nghề kiếm sống”, ông Sa bày tỏ.
Tuy nhiên, dù cố gắng nhưng khi về lại xã hội, các đối tượng này không tránh khỏi ánh mắt e dè, rẻ khinh của cộng đồng. Chính điều này đã cản trở con đường trở về nẻo sáng của các đối tượng. Ðể những đối tượng này được sống và làm việc có ích như bao người khác, rất cần sự chung tay chia sẻ của gia đình và toàn xã hội./.
Kim Cương