ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 17-5-24 04:50:56
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Hiện vật “kể chuyện” tập kết

Báo Cà Mau Năm 1954, sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, cửa biển Sông Ðốc (thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời) được chọn làm bến tập kết để đưa bộ đội, cán bộ và đồng bào miền Nam ra Bắc. Sự kiện này được xem là cuộc chuyển dịch lực lượng có ý nghĩa vô cùng to lớn, nhằm đào tạo cán bộ cho cách mạng miền Nam, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Để ghi nhớ sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc, tỉnh Cà Mau sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954, vào tháng 11/2024. Hiện Bảo tàng tỉnh đang tiến hành sưu tầm hình ảnh, tư liệu, hiện vật gắn với sự kiện lịch sử nói trên, nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.

Những hiện vật, tư liệu về sự kiện tập kết ra Bắc 1954, được bảo quản cẩn thận tại Bảo tàng tỉnh Cà Mau.

Triển khai thực hiện từ đầu tháng 3, đến nay, Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm được 37 hình ảnh, tư liệu và 19 hiện vật, trong đó có chiếc la bàn của Thiếu tướng Trần Văn Niên (Tư Niên), nguyên Phó tư lệnh Quân khu 9, một vật đã gắn bó với ông suốt cuộc đời binh nghiệp.

Ðối với Thiếu tướng Trần Văn Niên, chiếc la bàn là vũ khí để chiến đấu, giúp ông xác định vị trí, hướng đi những khi băng rừng, vượt suối từ những ngày tập kết ra Bắc cho đến giai đoạn chi viện giúp nước bạn Lào (năm 1960-1963). Ông xem chiếc la bàn này là tài sản đặc biệt và cất giữ cẩn thận.

Ngày giao hiện vật cho Bảo tàng tỉnh, ông Tư Niên không kiềm được nước mắt khi nhắc về những ngày chiến đấu ở vùng đất Cà Mau. “Những năm kháng chiến, Cà Mau từng là căn cứ của Khu uỷ, Quân khu. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, tôi gắn bó nhiều nhất ở Cà Mau, được Nhân dân đùm bọc, chở che, bảo đảm an toàn”, ông Tư Niên xúc động kể.

Cùng với chiếc la bàn, ông Tư Niên còn tặng Bảo tàng tỉnh quyển hồi ký về cuộc đời mình: “Thiếu tướng Trần Văn Niên - Người lính hát trọn khúc quân hành”. Miền nhớ của ông là nguồn tư liệu quý giá của những người con miền Nam trên đất Bắc: “Tôi không bao giờ quên cái ngày đầu tiên và những bước chân đầu tiên trên đất Bắc. Sầm Sơn, một bãi biển đẹp của huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá, là một trong những điểm đón tiếp bộ đội, đồng bào miền Nam tập kết ra miền Bắc... Chúng tôi được đón tiếp long trọng và cảm động. Bà con hai bên đường vẫy cờ, vẫy hoa như đón người thân mình trở về... Trong suốt thời gian sống trên đất Bắc, đi đến đâu chúng tôi cũng được đồng bào quan tâm, chăm sóc”.

Tổ sưu tầm của Bảo tàng Cà Mau được Thiếu tướng Trần Văn Niên hiến tặng la bàn và quyển sách “Thiếu tướng Trần Văn Niên - Người lính hát trọn khúc quân hành”.

Mỗi tư liệu, hiện vật là những câu chuyện lịch sử, thời khắc thiêng liêng trong từng trận đánh ác liệt, hiện thân của khát vọng và tinh thần bất khuất, quả cảm của những người con miền Nam yêu nước, kiên trung. Những “báu vật” ấy trở thành tài sản vô giá của quê hương, là niềm tự hào của thế hệ tiếp nối dựng xây.

Tổ sưu tầm cũng đã tìm gặp cựu chiến binh Ðặng Văn Chẳn ở ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời và được ông hiến tặng Huân chương Chiến thắng do Ðại tướng Võ Nguyên Giáp trao tặng năm 1958, khi ông tham gia chiến đấu ở Sư 30 -Thanh Hoá. Ông Chẳn tập kết ra Bắc từ năm 1954-1960, được học chính trị, đường lối của Ðảng, rồi được kết nạp vào Ðảng trước khi trở lại miền Nam.

Cựu chiến binh Ðặng Văn Chẳn tâm tình: “Tôi vẫn còn nhớ như in cảm xúc thiêng liêng ngày đặt chân lên con tàu Kilinski của Ba Lan chở cán bộ, bộ đội và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Ai nấy nung nấu quyết tâm chiến đấu, học tập để trở về phục vụ quê hương. Ðối với tôi, khi về Nam, tôi tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tại các đơn vị của Quân khu 9 cho đến ngày giải phóng”.

Khi biết tỉnh sưu tầm hình ảnh, tư liệu, hiện vật gắn với sự kiện 70 năm Chuyến tàu tập kết ra Bắc, Nhà giáo Ưu tú Ðàm Thị Ngọc Thơ tỉ mỉ ghi rõ thông tin từng tấm ảnh tư liệu, danh sách những học sinh miền Nam tập kết ra Bắc về phục vụ tại Cà Mau và tặng Bảo tàng tỉnh 2 quyển sách “Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc”. Ðó là những dòng hồi ký quý giá của những người con miền Nam một thời học tập, chiến đấu trên đất Bắc.

Trường Nội trú Nữ sinh miền Nam số 18 - Hải Phòng. (Ảnh chụp lại từ hình ảnh Nhà giáo Ưu tú Ðàm Thị Ngọc Thơ hiến tặng Bảo tàng).

Cô Thơ nguyên là Hiệu trưởng Trường Phổ thông Trung học Hồ Thị Kỷ (giai đoạn 1983-1991), là người khởi xướng cho nữ sinh mặc đồng phục áo dài đầu tiên trong cả nước sau năm 1975. Cô Thơ chia sẻ: “Năm 13 tuổi, tôi theo chân bộ đội tập kết ra Bắc, được học cấp 1, cấp 2 ở Trường Học sinh miền Nam (Hải Phòng), học cấp trung học tại Trường Học sinh miền Nam ở Ðông Triều - Quảng Ninh, sau đó học Ðại học Sư phạm Hà Nội, tốt nghiệp năm 1969. Ngày ấy, học sinh có câu cửa miệng "ngày Bắc đêm Nam", chỉ việc ban ngày vẫn học tập, vui chơi, sinh hoạt bình thường, nhưng đêm về, nhiều học sinh khóc ướt gối vì nhớ ba mẹ, thương quê hương, xóm làng bị giặc giày xéo”.

Gắn với sự kiện lịch sử quan trọng này, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có thư ngỏ kêu gọi những cán bộ có tham gia tập kết, gia đình có người tham gia tập kết, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cùng toàn thể Nhân dân trong và ngoài tỉnh hiến tặng hình ảnh, tư liệu, tài liệu và hiện vật liên quan đến sự kiện tập kết ra Bắc năm 1954 để trưng bày, bổ sung nguồn tài liệu quý phục vụ công tác giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ tại địa phương./.

 

Mộng Thường

 

Vinh quang bất tử

Mỗi câu chuyện từ những nhân chứng đi ra từ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đều là những trang sử sống quý giá, sinh động, mà may mắn thay, hậu thế chúng tôi, những người không biết đến bom đạn chiến tranh còn có thể nghiêng mình chiêm ngưỡng.

CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ - SỨC MẠNH VIỆT NAM, TẦM VÓC THỜI ĐẠI - Phần II: Diễn biến, kết quả của chiến dịch

Sau khi công tác chuẩn bị hoàn thành, ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tiến công Điện Biên Phủ. Chiến dịch diễn ra thành ba đợt trong gần hai tháng. Với địa hình hiểm trở, việc kéo pháo vào tập trung tại trận địa đã vô cùng khó khăn.Tuy nhiên, với tinh thần quả cảm, không quản ngại gian khổ, hy sinh, quân và dân ta đã tìm mọi cách vượt qua thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ - SỨC MẠNH VIỆT NAM, TẦM VÓC THỜI ĐẠI - Phần III: Nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm của chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiến thắng Điện Biên Phủ của dân tộc ta đã chứng minh một chân lý của thời đại: các dân tộc bị áp bức, bị xâm lược nếu có ý chí kiên cường và đường lối đúng đắn, sáng tạo, biết đoàn kết đấu tranh vì độc lập tự do thì dân tộc đó nhất định thắng lợi.

CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ - SỨC MẠNH VIỆT NAM, TẦM VÓC THỜI ĐẠI - Phần I: Bối cảnh lịch sử, âm mưu của thực dân Pháp và sự chỉ đạo chiến lược của ta

70 năm đã trôi qua, Chiến dịch Điện Biên Phủ (07.5.1954 - 07.5.2024) là chiến thắng vĩ đại đã ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc son rực sáng nhất trong thế kỷ XX. Đây là chiến thắng của chủ nghĩa yêu nước, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử... Ý nghĩa, tầm vóc, những bài học lịch sử vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca bất diệt của thời đại Hồ Chí Minh

Đúng ngày này 70 năm trước, bộ đội ta đã nổ những phát súng đầu tiên mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, tiến công tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của thực dân Pháp mà ngay cả trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ II cũng không có tập đoàn cứ điểm nào mạnh bằng. Trải qua 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non (thơ Tố Hữu), bộ đội Việt Nam anh hùng đã vượt lên bao mưa bom, bão đạn và cắm lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng của Bác Hồ trao trên nóc hầm Đờ Cát, vào giữa tim con nhím Điện Biên Phủ, kết liễu số phận của nó.

Ðong đầy ký ức Ðiện Biên

Chiến thắng Ðiện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm 1954 là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. 70 năm trôi qua, những người lính Bộ đội Cụ Hồ, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến từng tham gia Chiến dịch Ðiện Biên Phủ luôn tự hào về những năm tháng gian khổ nhưng đầy oanh liệt ấy.

Chiến thắng Điện Biên Phủ, thắng lợi vĩ đại của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Cách đây vừa tròn 70 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã tiến hành trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đây là thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam, minh chứng hùng hồn cho sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh.

Những năm tháng mãi trong tim...

Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, với quyết định mang tầm chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Ðảng, những chuyến tàu năm 1954 đã đưa nhiều người con miền Nam tập kết ra Bắc tiếp tục học tập, nhằm đào tạo lực lượng cán bộ cho sự nghiệp cách mạng lâu dài của Ðảng. Trong số đó, có những người con Cà Mau. Ðến nay, dù đã 7 thập kỷ trôi qua, nhưng họ vẫn nhớ như in cái ngày lịch sử ấy.

Vẹn nguyên giá trị ngày toàn thắng

49 năm, ngót nửa thế kỷ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, với tầm vóc lịch sử đã được đúc kết: “Thắng lợi của Nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta, một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc” (Báo cáo chính trị tại Ðại hội Ðại biểu toàn quốc lần thứ IV của Ðảng).

Ðội quân kiến vàng

Thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một số địa phương ở miền Nam, như Bến Tre, sáng tạo cách đánh giặc bằng hầm chông kết hợp ong vò vẽ, làm cho kẻ địch bao phen bạt vía... Ở Cà Mau, lại có loại vũ khí lợi hại chẳng kém ong vò vẽ, khiến quân nguỵ bị một phen điếng hồn, bỏ chạy, đó là “đội quân kiến vàng”, không phải nuôi và cũng không huấn luyện gì.