Thực hiện Quyết định số 90/QÐ-TTg, ngày 18/1/2022, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 (Chương trình), trên địa bàn tỉnh có 7 dự án đã được triển khai thực hiện tại 6 xã đặc biệt khó khăn (ÐBKK) vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thuộc 3 huyện, gồm: Khánh Lâm, Khánh Thuận, Nguyễn Phích (huyện U Minh); Ngọc Chánh, Quách Phẩm Bắc (huyện Ðầm Dơi) và Ðất Mũi (huyện Ngọc Hiển).
Nhiều dự án được triển khai
Dự án hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các xã ÐBKK vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo có tổng vốn bố trí 65,3 tỷ đồng, đã giải ngân được 39,265 tỷ đồng, đạt 60,13% kế hoạch. Ðã có 42 công trình xây dựng mới, duy tu sửa chữa các tuyến lộ nông thôn. Hệ thống hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, nhất là tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội ÐBKK được ưu tiên đầu tư, nhằm đáp ứng cơ bản nhu cầu tối thiểu cho hoạt động sản xuất và dân sinh trong vùng, góp phần vào việc tăng cường giao thương, lưu thông hàng hoá và đi lại của người dân trên địa bàn, thúc đẩy giảm nghèo bền vững.
Với dự án đa dạng sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo bền vững, tổng nguồn vốn phân bổ 878,850 tỷ đồng; thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo trong vòng 36 tháng tại các xã ÐBKK, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, có gần 400 hộ được thụ hưởng.
Biểu đồ giảm nghèo qua từng năm của 6 xã thuộc 3 huyện được thụ hưởng các chương trình giảm nghèo. Ảnh: LÊ TUẤN
Về hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, nguồn vốn trong năm 2023 là 3,288 tỷ đồng. Ðến thời điểm này, ngành y tế đã giải ngân 2,081 tỷ đồng, đạt 63,29% kế hoạch. Mục đích dự án là tăng cường việc tiếp cận với các can thiệp trực tiếp phòng, chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em dưới 5 tuổi thuộc hộ gia đình nghèo và cận nghèo, vùng ÐBKK.
Về phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, tổng vốn ngân sách 13,161 tỷ đồng, thực hiện dạy nghề cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tại các địa phương. Ðến cuối năm 2023, đã giải ngân được 3,210 tỷ đồng, đạt 24,39% kế hoạch. Ðã triển khai công tác dạy nghề cho 2.278 học viên thông qua các lớp: sửa xe Honda, may dân dụng, kỹ thuật chăn nuôi, đan đát..., đạt 58,5% kế hoạch; đồng thời hỗ trợ người lao động cư trú trên địa bàn xã ÐBKK, vùng bãi ngang ven biển với số tiền 572 triệu đồng.
Hiện các địa phương đã rà soát về dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo. Trong công tác giảm nghèo, các địa phương đều chú trọng truyền thông và giảm nghèo về thông tin. Trong 2 năm, đã phân bổ gần 3 tỷ đồng mua sắm thiết bị tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động của đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông cho 38 ấp thuộc 4 xã và tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bà Nguyễn Thu Tư, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: “Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình là nội dung quan trọng và không thể thiếu trong suốt quá trình triển khai thực hiện. Nội dung kiểm tra tập trung vào quan sát thực tế các công trình, dự án, mô hình hỗ trợ từ nguồn ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và kiểm tra, phúc tra kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, ưu tiên lựa chọn giám sát trên địa bàn các xã ÐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo”.
Bà Trịnh Thị Ngó phấn khởi khi được hỗ trợ tủ đông lạnh và máy hút chân không để trữ khô phục vụ Tết.
"Bằng sự quan tâm, phối hợp giữa các cấp, các ngành và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động, giám sát và phản biện; sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là đã tạo được sức lan toả, sự đồng thuận hưởng ứng tích cực của các tầng lớp Nhân dân; các chính sách hỗ trợ giảm nghèo được triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ đã tạo điều kiện ngày càng tốt hơn về nguồn lực để hỗ trợ các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo hiệu quả", bà Nguyễn Thu Tư đánh giá.
"Ðòn bẩy" giảm nghèo
Sau thời gian triển khai các chính sách, một bộ phận hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được tiếp cận tốt hơn các nguồn lực để phát triển, tạo nhiều việc làm và tăng thêm thu nhập; một số nhu cầu xã hội thiết yếu của người nghèo được đáp ứng như: nhà ở, giáo dục, việc làm... Tác động của Chương trình đã giúp người nghèo có được cơ hội tự vươn lên, vượt qua khó khăn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo cũng như nhận thức về trách nhiệm của bản thân để chủ động tiếp nhận các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng.
Tại xã Ðất Mũi (huyện Ngọc Hiển) đã triển khai chương trình đa dạng hoá sinh kế giảm nghèo qua 3 mô hình cụ thể: nuôi chồn hương, nuôi sò huyết thương phẩm, làm khô, hỗ trợ 30 hộ với tổng kinh phí 850 triệu đồng.
Là một trong những hộ được thụ hưởng dự án của Chương trình, bà Trịnh Thị Ngó, ấp Rạch Tàu, xã Ðất Mũi, cho biết: “Tôi rất vui mừng khi được Nhà nước hỗ trợ gần 30 triệu đồng mua tủ đông và máy hút chân không để phát triển nghề làm khô. Tôi làm nghề này cũng mấy chục năm nay rồi, nhưng chỉ là làm tới đâu bán tới đó, không dám làm nhiều vì không có tủ đông để trữ sản phẩm. Giờ đây có tủ đông, máy hút chân không, tôi mạnh dạn nhập nhiều nguyên liệu cá tươi làm khô cung ứng cho người tiêu dùng dịp Tết này”.
Ông Nguyễn Văn Khải, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Rạch Tàu, cho biết: “Ấp có 9 hộ được thụ hưởng, đây là những hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn về tư liệu sản xuất. Chúng tôi không giao tiền mặt mà hỗ trợ theo nhu cầu của từng hộ, như phương tiện sản xuất, nguồn nguyên liệu, hỗ trợ tìm đầu ra, giúp những hộ này bước đầu có thu nhập ổn định”. Ông Lâm Quốc Trạch, Phó chủ tịch UBND xã Ðất Mũi, nhận định, dù Chương trình mới được thực hiện từ cuối năm 2023 nhưng tin rằng đây sẽ là bệ đỡ để các hộ dân có điều kiện vươn lên thoát nghèo và giảm nghèo bền vững.
Việc thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo có tư liệu sản xuất, tăng thu nhập cho hộ gia đình, có thêm nguồn vốn để tái sản xuất và nhân rộng mô hình, tạo thêm việc làm cho lao động ở địa phương, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, đảm bảo công bằng xã hội, đối tượng thụ hưởng, đạt được mục tiêu giảm nghèo đề ra hằng năm.
Cuối năm 2022 toàn tỉnh có 7.407 hộ nghèo, chiếm 2,41%; qua kết quả rà soát sơ bộ cuối năm 2023, tỉnh Cà Mau còn 4.792 hộ nghèo (giảm 2.615 hộ), tỷ lệ 1,56%. Bà Nguyễn Thu Tư khẳng định: “Các chính sách, chương trình góp phần ổn định đời sống người dân, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ thiếu việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo và bước đầu chuyển đổi cơ cấu và chất lượng lao động theo hướng tích cực. Ðảm bảo an sinh xã hội, cải thiện điều kiện chăm sóc sức khoẻ, ổn định mọi mặt đời sống vật chất, văn hoá và tinh thần cho Nhân dân, góp phần đảm bảo an toàn xã hội”./.
Kim Cương