(CMO) Lồng ghép các nội dung có liên quan vào bài học một cách tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường để bài học đa dạng và sinh động hơn nhưng vẫn không làm quá tải tiết học. Ngoài ra, học sinh còn phát huy được tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo trong học tập… Đây là những hiệu quả tích cực mang lại từ phương pháp dạy học tích hợp.
Không chỉ tích hợp giáo dục về bảo vệ môi trường, học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh, ở tất cả các môn học, những kiến thức trong sách giáo khoa có liên quan sẽ được giáo viên lựa chọn để sắp xếp lại thành một bài học. Để đảm bảo các kiến thức tích hợp vào bài giảng, đòi hỏi giáo viên phải có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết. Chính yêu cầu này trở thành động lực để giáo viên đào sâu nghiên cứu và học tập.
Cơ hội để giáo viên nâng cao kiến thức
Thầy Phan Thanh Thứ, giáo viên Trường THPT Thới Bình, bộc bạch: “Đối với nhiều giáo viên, việc dạy tích hợp không phải là chuyện dễ dàng. Những kiến thức được tích hợp nằm ngoài nội dung kiến thức chuyên ngành của giáo viên. Do đó, để có một tiết dạy đạt kết quả tốt nhất, tôi thường xuyên lên mạng tra cứu thông tin, chuẩn bị soạn giáo án thật kỹ các kiến thức tích hợp, kết hợp định hướng học sinh các kiến thức như bài tập về nhà để các em tìm hiểu trước”.
Có thể thấy, việc dạy và học theo xu hướng tích hợp tuy đặt ra nhiều thách thức đối với cả giáo viên và học sinh, nhưng phương pháp này đã tạo được hứng thú học tập cho học sinh. Bên cạnh những khó khăn trong việc phân bổ thời gian, lựa chọn các kiến thức cho phù hợp để tích hợp, ưu điểm của phương pháp dạy học tích hợp góp phần nâng cao năng lực của giáo viên và sự chủ động của học sinh.
Cô Trương Thị Hạnh, giáo viên Trường THPT Hồ Thị Kỷ, cho biết: “Trước đây chủ yếu dạy tích hợp các kiến thức bảo vệ môi trường, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hoặc những nội dung tích hợp bắt buộc như giữa môn Văn và môn Lịch sử. Những năm gần đây, xu hướng tích hợp trong tất cả các môn học được nhà trường chỉ đạo thực hiện. Ngoài kiến thức, giáo viên phải học tập để ứng dụng công nghệ thông tin thành thạo, chuyên nghiệp. Phần tích hợp có công nghệ thông tin, hình ảnh cụ thể, sinh động sẽ đạt hiệu quả rất cao”.
Ngoài học trên lớp, mỗi khi có điều kiện, giáo viên còn dành thời gian trao đổi, giải pháp những thắc mắc, khó khăn cho học sinh (ảnh chụp tại Trường THPT Cái Nước). |
Kinh nghiệm nhiều năm dạy môn Địa lý bằng các phương pháp trực quan, sinh động, trong đó có tích hợp kiến thức, thầy Quách Thành Phương, giáo viên Trường THPT Thới Bình, chia sẻ: “Yêu cầu đặt ra ở phương pháp này là người dạy và người học đều phải chắt lọc, lựa chọn kiến thức để đưa vào, tránh ảnh hưởng đến bài chính”.
Phát huy tính chủ động của người học
Tích hợp kiến thức trong dạy và học là một trong những yêu cầu tất yếu nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, giúp học sinh không còn tâm lý ỷ lại, trông chờ thầy cô truyền đạt kiến thức.
Em Trần Gia Hảo, lớp 12B, Trường THPT Hồ Thị Kỷ, chia sẻ: “Ở các môn học xã hội, học sinh được mở rộng rất nhiều kiến thức liên quan đến địa phương về địa lý, lịch sử, văn học. Có những nội dung ở môn học này được thầy cô liên kết, giải thích cho môn học khác, giúp học sinh hiểu rõ hơn bản chất, nguồn gốc của vấn đề. Nếu chúng em không chuẩn bị, chủ động tìm hiểu trước các kiến thức mà thầy cô đã định hướng thì việc nắm bắt thông tin, hiểu bài ở trên lớp sẽ rất hạn chế”.
Em Phan Xuân Thanh, lớp 12C3, Trường THPT Thới Bình, cho hay: “Đối với học sinh, phương pháp học này tạo sự thích thú, tránh nhàm chán trong giờ học. Ngoài ra còn tạo sự năng động, tích cực cho học sinh trong quá trình lĩnh hội tri thức, góp phần nâng cao hiệu quả của từng môn. Em mong muốn trong tương lai cơ sở vật chất nhà trường sẽ được nâng cấp, trang bị hiện đại để phương pháp dạy học tích hợp được thực hành hiệu quả hơn”.
Hiện nay, kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức bằng hình thức thi theo tổ hợp môn, việc giảng dạy và học tập theo hướng tích hợp kiến thức liên quan ở các môn sẽ rất có lợi cho học sinh. Để tiếp thu được các kiến thức tích hợp trong một tiết dạy, đòi hỏi học sinh phải có lượng kiến thức nhất định từ mỗi môn, vì thế các em phải chủ động tìm hiểu.
Phó hiệu trưởng Trường THPT Hồ Thị Kỷ Nguyễn Văn Bàng cho biết: “Để đáp ứng yêu cầu dạy học tích hợp trên tinh thần hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, ngoài tạo điều kiện để giáo viên nghiên cứu, học tập, nhà trường tập trung đầu tư, trang bị công nghệ thông tin, các thiết bị dạy học hiện đại, giáo án… để hỗ trợ giảng dạy và học tập. Yêu cầu đổi mới giảng dạy, phát huy hơn nữa tính tích cực của người học để nâng chất lượng giáo dục là một hành trình dài. Phương pháp dạy học tích hợp đã và đang tạo được hiệu ứng tích cực trong nhà trường”./.
Kim Chi