(CMO) Ðọc sách vốn là thói quen rất cần thiết để mọi người mở rộng tầm nhìn, nâng cao tri thức. Các thế hệ từ người trưởng thành đến trẻ em ai cũng cần phải có thói quen đọc sách để nâng cao kiến thức. Vì lẽ đó, thư viện là nơi không thể thiếu, nhất là trong trường học. Những năm qua, các trường học trên địa bàn huyện Cái Nước luôn chú trọng đầu tư xây dựng thư viện và phát huy hiệu quả, thu hút học sinh đến với sách, báo.
Phó trưởng Phòng GD&ÐT huyện Cái Nước Trần Quốc Trí thông tin: “Toàn huyện có 26 thư viện trong trường học, đa số đều hoạt động tốt, đặc biệt là những thư viện được bố trí giáo viên chuyên môn phụ trách. Thư viện ngày càng được đổi mới về cảnh trí lẫn đầu sách nên thu hút được các em học sinh”.
Học sinh Trường Tiểu học Trần Thới 1 đọc sách tại thư viện. |
Ðiển hình là thư viện Trường Tiểu học Trần Thới 1. Năm 2019, trường được Thư viện Room to read tài trợ 100% kinh phí xây dựng phòng đọc và đầu sách. Khác với thư viện truyền thống, Thư viện Room to read bắt buộc các em học sinh phải có 1 tiết học thư viện mỗi tuần, trong tiết học này các em sẽ đọc sách và làm bài thu hoạch cuối buổi.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Thới 1 Lê Thanh Tịnh cho biết: “Thư viện Room to read được trang trí theo tông vàng, cảnh trí cũng rất bắt mắt, thân thiện với môi trường. Ngoài ra, với 4.600 đầu sách hiện có, vừa đa dạng về lĩnh vực, vừa phù hợp với lứa tuổi nên học sinh rất thích. Ngoài tiết học tại thư viện, các em học sinh còn bắt buộc phải mượn 1 đầu sách mỗi tuần để đọc. Vào tiết giải lao giữa giờ, tôi thường đi kiểm tra, thấy các em rất tự giác trong việc đọc sách ở thư viện”.
Em Trần Mỹ Như (lớp 4A, Trường Tiểu học Trần Thới) cho biết: “Ngày nào giờ ra chơi em cũng xuống thư viện lấy sách đọc. Phòng được trang trí rất đẹp mà sách lại đa dạng. Em thích nhất là đọc truyện cổ tích".
Còn em Châu Như Băng (lớp 4B, Trường Tiểu học Trần Thới 1) thì rất hào hứng với tiết học thư viện. Như Băng chia sẻ: “Em rất mong tới tiết học thư viện. Em thích nhất là lúc cuối tiết học, em và các bạn sẽ làm bài thu hoạch chia sẻ về ý nghĩa và những tình tiết của câu chuyện”.
Bên cạnh những thuận lợi thì thư viện Trường Tiểu học Trần Thới 1 còn một số khó khăn nhất định. Ðó là chưa có giáo viên thư viện mà chỉ là giáo viên kiêm nhiệm, dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên đứng tiết. Hay mỗi năm nhà trường phải đối ứng trên 1.000 đầu sách cũng gây khó khăn trong việc đầu tư.
Một thư viện khác cũng phát huy hiệu quả trong văn hoá đọc, đó là thư viện Trường Tiểu học Hoà Mỹ 2. Tại đây có hơn 10 giá sách với hơn 2.000 đầu sách với các thể loại phong phú về lịch sử, sức khoẻ, khoa học… Hiệu trưởng nhà trường Trương Văn Ây cho hay: “Những năm qua, việc đầu tư thư viện của trường luôn được quan tâm, chúng tôi đổi mới hoàn toàn so với thư viện truyền thống. Ðặc biệt, chú trọng đầu tư đổi mới các đầu sách, không gian đọc sách để thu hút học sinh”.
Ðể phát huy hiệu quả tối đa của thư viện, vào những tiết chào cờ đầu tuần, giáo viên chuyên trách thư viện sẽ giới thiệu những quyển sách hay. Em Nguyễn Ngọc Hân (học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Hoà Mỹ 2) chia sẻ: “Giờ giải lao thay vì chơi các trò chơi ngoài sân trường, em rủ mấy bạn trong lớp vào thư viện đọc sách. Em rất thích sách vì sách giúp em có nhiều kiến thức hơn về cuộc sống”.
Phó trưởng Phòng GD&ÐT huyện Cái Nước Trần Quốc Trí cho biết: “Ðể trường đạt chuẩn quốc gia thì thư viện phải đạt chuẩn nên sắp tới chúng tôi sẽ tập trung mọi nguồn lực để đầu tư thư viện cho các trường còn lại. Mục tiêu cuối cùng là đưa văn hoá đọc đến gần hơn với các em học sinh nói riêng và mọi người nói chung”./.
Phương Thảo